Bài viết của HỒ THỊ NGỌC-TRANG (ĐK67 -B5, C2)
Thư Gửi Anh Trai Ở London, Vương Quốc Anh
Anh Nam,
Cả tuần nay bệnh mắt của em tệ thêm:
sưng, đỏ, nhức nhối và chảy nước mắt sống. Em buồn nản vì không tập trung được.
Em tự nhủ có lẽ mình sẽ ngừng viết ít lâu. Nhưng sự tình đã khác. Em quyết định
viết tiếp, vì hôm nay em nhận được e-mail từ Cô Tiểu Bích, cô dạy em môn văn
lớp 6, kiêm giáo sư hướng dẫn (homeroom teacher), niên khóa 1960-1961, như sau:
Ngọc Trang thương yêu,
Thank you bạn còn nhớ đến cô giáo cũ này mà gởi bài cho đọc.
Trong cô Bích luôn "hiện diện" một Ngọc Trang ...."nhõng nhẽo" khi đứng dậy (trong lớp) trả lời việc không ......đem vở theo !!!!! "Sáng ni em có bỏ vô cặp rồi, mà răng chừ hắn ....mô rồi" !!!!! Nhõng nhẽo như rứa "mầng răng" mà phạt đây ????? Đau mắt như vậy, em ăn carot cho nhiều, người ta nói carot có nhiều caroten, tốt cho mắt
Mong đọc thêm bài viết của em.
TBich
Câu chuyện xa xưa mà cô Tiểu Bích nhắc
đến trong e-mail làm kí ức thơ ấu ùa về trong em. Anh có hình dung ra không cái
cảnh tượng một cô bé 11 tuổi bị cô giáo kêu lên trả bài mà quên tập vở? Cô bé
tay thì lục cặp, miệng thì cố chống chế một cách vô lí vì sợ cô phạt. Còn cô
giáo thì bao dung, thương yêu, tin tưởng, thông cảm với đứa trò nhỏ và thế là …
cho qua luôn.
Sáu mươi năm trôi qua tính từ ngày ấy;
thế mà ngày nay, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhan nhãn những bản tin kiểu
cô giáo phạt một đứa học trò hư bằng cách buộc các bạn cùng lớp thay phiên nhau
tát mạnh vào mặt đến nỗi nạn nhân phải nhập viện, cô giáo bắt học sinh liếm
ghế, uống nước giặt khăn lau bảng và vô số chuyện cực kì đau lòng khác được
công bố chính thức trên báo chí của nhà nước, trên radio, TV.
Với so sánh như trên, làm sao anh và em
không tự hào về nền giáo dục khai phóng và
nhân bản của miền Nam VN trước 1975 mà chúng mình được thụ hưởng? Nền giáo dục
ấy có nhiều ưu điểm trên nhiều lĩnh vực, nhưng hôm nay em sẽ thu hẹp phạm vi để
chỉ nói về mối quan hệ thầy-trò gắn liền với những kỉ niệm tươi đẹp
rất riêng tư của em mà thôi.
Em còn nhớ như in hôm
ấy, vào tiết sinh hoạt lớp, cô Tiểu Bích phát cho tụi em kịch bản vở nhạc kịch
CÔNG CHÚA NGỦ TRONG RỪNG và bất ngờ thông báo: “Năm nay lớp 6 mình sẽ tham gia
hội diễn văn nghệ toàn trường với tiết mục này.” Cả lớp nhao nhao vì phấn
khích. Cô nói tiếp: “Bây giờ cô phân công đây: Ngọc Trang sẽ vào vai công chúa,
Thu Lê vai hoàng tử, một số em khac vai cung nữ của công chúa và tùy tùng của
hoàng tử. Em nào cao lón khỏe mạnh sẽ đóng vai cây rừng, đứng ôm cây từ phía
sau để làm nền. Các em còn lại hợp ca phần tiếng vang. Các em có ý kiến gì cứ
nói.” Được cô gọi đích danh, em thật sự ngạc nhiên. Rồi một phần vì biết được
cô thương, phần khác do quen với nếp sinh hoạt dân chủ trong gia đình mình nên
em mạnh dạn từ chối: “Em không nhận đâu. Lớp mình có mấy bạn rất đẹp, đóng công
chúa phù hợp hơn em.” Cô ôn tồn và dịu dàng bảo: “ Nhưng em hát hay. Đây là nhạc
kịch nên giọng ca cần hơn ngoại hình.” Cả lớp lại nhao nhao: “Thôi, Trang
ơi,Trang đóng đi mà!”
Từ hôm ấy, cô đích
thân đến từng nhà xin phép phụ huynh cho học sinh của cô đến nhà cô tập văn
nghệ sau khi tan lớp. Cô sắm sửa đạo cụ, đặt may phục trang, hương dẫn diễn
xuất, ca hát … Rồi thời khắc biểu diễn cũng đến. Gần cuối vở nhạc kịch, khi
đang nắm tay hoàng tử, vừa đi vừa hát: “ Xin theo không đắn đo chi/ Mắt nhắm
cho tình dẫn đi”, em nhìn xuống khán giả và thấy cô hiệu trưởng (cô Tịnh Nhơn)
cười ngặt nghẽo, có lẽ cô thấy con bé lớp 6 nhỏ chút xíu mà véo von lời lẽ “tra
trắn” như thế chăng? Năm ấy lớp 6 của cô Tiểu Bích được giải nhất văn nghệ toàn
trường, còn em trở nên nổi tiếng. Giờ ra chơi, hễ thấy em là các chị lớp trên
lại gần, níu tay, nhéo má, kêu : “Công chúa! Công chúa đây này!”. Và em có cảm
giác hình như trước khi sinh ra em, mạ đã khấn: “ Cầu mong cho đứa bé này lớn
lên sẽ được mọi người yêu thương!” Và phải chăng lời cầu nguyện ấy đã được viên
thành? Này, anh đừng có mà nói: “ Nếu khấn mà linh thế thì giá mà mạ nói: “Cầu
mong con tui sau này giàu nứt đố đổ vách.” thì có phải tốt hơn nhiều không
nào!?” Anh sẽ nói như rứa. Em đoán đúng phải không, anh Nam ?
Người viết: Ngọc-Trang (ĐK67)
-------------------
Kỷ Niệm Một Thời
Cô Hoàng thị Doãn, Cô Hà Như Nguyện, Cô Tôn Nữ Tiểu Bích và học trò lớp Đệ Tứ B5, ĐK67.
.
VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ VĂN CHƯƠNG ANH