Monday, June 6, 2022

Sự Tồn Tại độc sáng của Thi Sĩ

Bài viết cH TH NGC-TRANG (ĐK67- B5, C2)

Emily Dickinson
(1830 - 1886)
(Nguồn: Internet)

S Tn Ti Đc Sáng Ca Thi Sĩ

Người viết: HỒ THỊ NGỌC TRANG (ĐK67)

Đâu là bổn phận đầu tiên của thi sĩ? Câu trả lời thật ngắn: Tồn tại độc sáng. Thật hổ thẹn khi một cá nhân được tính theo từng mớ, từng rổ, theo hàng chục, hàng trăm, nhất là khi cá nhân đó lại là thi sĩ. Emily Dickinson (1830- 1886) là thi sĩ nữ đặc sắc của văn học Mỹ mà mỗi bài thơ là một viên ngọc quí duy nhất. Ngay trong trường hợp đề tài mà bà viết vốn phổ biến và đã được nhiều người trước bà đề cập đến, tương quan giữa chân lý và cái đẹp, chẳng hạn, thì Emily vẫn tồn tại độc sáng.

Nhà thơ Anh thuộc trào lưu lãng mạn John Keats (1791-1821) trong ODE ON A GRECIAN URN ( Bài thơ trên chiếc bình cổ Hy Lạp) viết:

Beauty is truth, truth beauty. That is all

Ye know on earth, and all ye need to know.

( Cái đẹp là chân lý, chân lý là cái đẹp.

Đó là tất cả những gì bạn cần biết trên đời.)

Trong bài thơ I DIED FOR BEAUTY, Emily viết:

I died for Beauty - But was scarce

Adjusted in the Tomb

When One who died for Truth was lain

In an adjoining Room.

(Tôi chết vì cái Đẹp

Nằm chưa yên mộ phần

Đã huyệt liền bên hạ táng

Kẻ vì Sự Thật mạng vong.)

Mối liên hệ giữa Mỹ và Chân mật thiết là thế đó. Kẻ này không thể tồn tại thiếu kẻ kia.

He questioned softly “Why I failed”?

"For Beauty", I replied.

"And I for Truth - Themself are one;

We Brethren, are", He said.

( Người khẽ hỏi duyên do mệnh một

"Vì cái đẹp" tôi thì thầm

" Còn tôi - sự thật - nào đâu khác

Chúng ta huynh đệ" người giải minh.)

Bản dịch chưa từng công bố này của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền rất quý, rất hay, rất tín về nội dung, nhưng không ai chuyển thể được cái hình thức ngôn ngữ "kì khôi" mà Emily Dickinson sử dụng trong ngữ pháp, cách chấm câu, cách viết hoa ... Thi sĩ dùng ngôn ngữ như bà muốn. Nào là "Themself are one", nào là "We Brethren, are", nào là dấu chấm hỏi, dấu phẩy được bỏ ngoài ngoặc kép, nào là cách dùng dấu gạch nối tùy tiện… như muốn bảo: Tại sao tôi phải theo qui luật của tiếng Anh nhỉ? Tiếng Anh phải theo tôi chứ! Nói chung,người thưởng ngoạn phải tự thích ứng với ngôn ngữ của riêng bà. Nhưng hãy tạm thời dẹp cái hình thức qua một bên. Còn đây, không gian là lòng huyệt mộ, và nhân vật là hai người chết. Họ chuyện vãn. Cái bối cảnh sao mà bất thường! Nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967) trong bài thơ GỬI NGƯỜI DƯỚI MỘ chỉ nhắn hỏi, có ý định, chỉ mới "muốn":

Trời cuối thu rồi - Em ở đâu ?

Nằm trong đất lạnh chắc em sầu ?

Thu ơi ! Đánh thức hồn ma dậy,

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu

Hai nhân vật của Emily thì im hơi luôn để có được cuộc đối thoại đích thực dưới một cõi khác:

And so, as Kinsmen, met a Night-

We talked between the Rooms-

( Rồi như thân quyến đêm phùng ngộ

Chuyện trò qua vách mộ thâu canh.)

Và thế là họ nói mãi, nói mãi.

Until the Moss had reached our lips-

And covered up - our names.

( Tận lúc rêu lan, môi phủ kín

Và lấp khuất tính danh.)

Bỗng chốc tôi thấy hai dấu gạch nối nằm hai bên chữ -our Names- trở thành cái khung của tấm bia đá, trên đó ghi tên hai người đạo hữu.

Bài thơ I DIED FOR BEAUTY của Emity Dickinson chấm dứt, vẻn vẹn 12 dòng. Người đọc trong tôi lên tiếng để hỏi và tự trả lời:

-Rồi điều gì sẽ xảy ra?

-Người đời quên lãng họ, hai con người ấy.

-Những ai chết vì cái đẹp và chân lý?

-Chính những người sống vì những ý niệm đó.

- Ngay cả họ cũng phải chết ư?

-Ai mà chẳng chết?

-May thay cái đẹp và chân lý thì bất diệt.

-Cho đến một lúc nào đó không còn ai sống vì chúng nữa.

- Người này chết sẽ có người khác thay.

- Vâng … À, vâng… Dẫu sao đi nữa … .

NGỌC- TRANG (ĐK67).

Bn dch và th bút ca dch gi
(Ngun: Người viết gi)