Xin gởi các bạn "Vài Nhận Định Về Văn Chương Anh" do HỒ THỊ NGỌC TRANG (ĐK67 - B5, C2) viết và gởi đến.
Vài Nhận Định về Văn Chương Anh
Người viết: Hồ Thị Ngọc Trang (ĐK67)
Người Anh đạt được thành công trong văn chương hơn trong âm nhạc, hội họa, điêu khắc, hay các ngành nghệ thuật khác. Không nước nào khác sánh bằng Anh quốc về vẻ đẹp và sự đa dạng trong thi ca, kịch nghệ, tiểu thuyết, và các thể loại văn học khác. Văn chương Anh xuất hiện rất sớm, từ gần 1500 năm trước với tác phẩm sử thi Beowulf lừng lẫy.
Tác giả Anh lớn nhất đương nhiên là William Shakespeare. Hơn 400 năm trôi qua, không chỉ người học tiếng Anh trên toàn thế giới đọc ông mà các tác giả cự phách nhất khắp nơi cũng ngưỡng mộ và ca tụng ông hết lời. Thật vậy, Karl Marx công nhận Shakespeare đã ảnh hưởng đến Marx và sự phát triển cùa các tác phẩm của Marx, và trong tự bạch Karl Marx’s Confession (1860) khi trả lời 20 câu hỏi của con gái Jenny về tác giả yêu thích nhất, thì Shakespeare là cái tên đầu tiên Marx nhắc đến. Johann Wolfgang von Goethe viết trong Literary Criticism (1771):
“The first page I read made me a slave to Shakespeare for life. And when I finished reading the first drama, I stood there like a man blind from birth.”( Trang đầu tiên tôi đọc đã khiến tôi thành nô lệ trọn đời của Shakespeare. Và khi đọc xong vở kịch đầu tiên, tôi đứng đó như một người mù bẩm sinh.) Boris Pasternak dịch và xuất bản Hamlet năm 1941, được giới học thuật Nga xem là bản dịch tài hoa và kinh điển nhất. Shakespeare cũng xuất hiện sớm trong tác phẩm của Pasternak qua thi tập My Sister-Life trong đó có bài thơ viết về các nhân vật nữ trong kịch Shakespeare là Desdemona và Ophelia. Pasternak còn có nguyên bài thơ mang nhan đề Shakespeare (1919). Chưa hết, tiểu thuyết nổi tiếng Doctor Zhivago kết thúc bằng một tập hợp các bài thơ được ghi là Yuri Zhivago’s Poems mà bài đầu tiên có nhan đề là Hamlet.Ngoài Shakespeare, phải
nhắc đến Charles Dickens và ảnh hưởng của ông đối với tiểu thuyết Nga thế kỉ
XIX. Không thể phủ nhận vai trò của Dickens trong sáng tác của Dostoevsky.
Trong Diary of a Writer (1873) Dostoevsky viết: “We understand Dickens in
Russia, I am convinced, almost as well as the English, and maybe even all the
subtleties; maybe even we love him no less than his own countrymen; and yet how
typical, distinctive, and national Dickens is.” (Tôi tin chắc rằng ở nước Nga,
chúng tôi hiểu Dickens như chính dân Anh vậy, hiểu ngay cả những điều tinh tế;
thậm chí chúng tôi yêu ông không kém đồng bào của ông, và còn nhận ra được ông ấy
tiêu biểu, độc đáo và thuần Anh dường nào.) Thật vậy, nét đặc trưng Anh của
Dickens không hề cản trở cả thế giới đến với ông.
E. A. Stakenshneyder, người
tổ chức đàm trường (literary salon) ở St. Petersburg, viết trong nhật kí ngày 6
tháng 2 năm 1884: "The favourite writer of Dostoevsky was Dickens."
(Nhà văn ưa thích nhất cuả Dostoevsky là Dickens.) và trong Memoirs: "The
main similar features in the works of both writers are sophisticated plots, a
great numbers of characters.” (Đặc tính chung chủ yếu trong tác phẩm của hai
nhà văn là cốt truyện phức tạp và đông nhân vật.)
Cùng với Dostoevsky, Leon
Tolstoy ngưỡng mộ tinh thần dân chủ và tính nhân văn trong tác phẩm của Dickens.
Tolstoy giải thích sự lừng danh của Dickens khi còn sinh thời (Điều này khá hiếm
hoi trong văn học sử thế giới) như sau: “Dickens forced readers to love him
because he himself showed such great love for his own literary creations.”
(Dickens buộc độc giả yêu mến ông ấy vì bản thân ông chứng tỏ tình yêu lớn lao
như thế đối với các sáng tác văn học của mình.)
Tuy nhiên, một cách khách
quan, nhà văn Anh cũng tiếp thu nhiều yếu tố từ các nền văn học khác. Họ hấp thụ
thể loại tiểu thuyết từ Tây Ban Nha, thể thơ sonnet từ Ý. Trớ trêu thay, những
thể loại ngoại lai mà người Anh phát triển thành của mình lại thường là hay hơn
nguyên bản.
Về hình thái ngôn ngữ
Anh, học giả Đan Mạch Otto Jespersen (1860-1943) nói: “English is a methodical,
energetic, businesslike and sober language, that does not care much for finery
and elegance …”(Tiếng Anh là một ngôn ngữ chặt chẽ, sống động, rành rọt và nhạy
bén, nó ít quan tâm đến vẻ lộng lẫy và sang trọng …) Văn chương Anh phản ánh
đúng những phẩm chất đó. Đừng chờ đợi sự làm dáng hay lòe loẹt, cầu kì hoặc những
gì cao xa, siêu việt ở nhà văn Anh. Không! Họ trình bày tư tưởng của họ một
cách mạnh mẽ, rõ ràng, thẳng thắn; họ nhấn mạnh cái tinh túy, cái thực chất. Do
đó, họ rất tự do, muốn viết gì thì viết. Họ không bị ràng buộc hay bị thống trị
bởi trường phái này, học thuyết nọ, triết lí kia … như các nhà văn châu Âu, mà
đặc biệt là Đức và Pháp. Chữ nghĩa của họ, văn liệu của họ đơn giản , dễ hiểu
mà vẫn cực kì ấn tượng. Hãy thử một dẫn chứng: Diễn ý sự đối lập giữa lí luận và
thực tiễn, tác giả Đức Goethe, qua lời nhân vật Mephistopheles trong Faust : “
All theory is gray, my friend. But forever green is the tree of life.” ( Mọi lí
thuyết đều màu xám, bạn ơi. Chỉ có cây đời mới mãi xanh tươi.) có từ khó
theory, có đảo ngữ forever green is the tree…, và có phép ẩn dụ tree of life.
Trong khi đó, Shakespeare diễn ý sự đối lập giữa hình thức và thực chất qua lời
Juliet: “What's in a name? That which we call a rose by any other word would
smell as sweet.”(Có gì trong một cái tên nhỉ? Cái ta gọi là bông hồng dưới bất
kì tên nào khác thì cũng ngào ngạt như thế thôi mà.) không có tu từ, chỉ toàn từ
ngữ dùng hằng ngày. Nhưng cách diễn đạt trong những trường hợp cụ thể này, theo
tôi, Shakespeare ăn đứt Goethe.
Nhưng nếu tác tác giả Anh
không quan tâm đến trường phái này, học thuyết nọ, triết lí kia … thì họ quan
tâm điều gì? Họ quan tâm sâu sắc đến những sự kiện xã hội, chính trị của thời đại.
Trong mỗi giai đoạn của lich sử đất nước, họ nhận định, mô tả và phê phán cái
xã hội mà họ đang sống. Từ thế kỉ XIV, Geoffrey Chaucer đã hài hước chế diễu
con người và phong tục thời đó qua The Canterbury Tales. Và khuynh hương ấy
không ngừng phát triển cho đến thế kỉ XIX với lừng lẫy Charles Dickens, George
Eliot, William Makepeace Thackeray, Geoge Meredith, Thomas Hardy … với vô số
tác phẩm nổi tiếng được xem như vũ khí nhằm cải cách xã hội. Trong đó nổi bật
có Charles Dickens luôn luôn đứng vào thế đối lập với chính quyền, đánh thức
lương tâm xã hội bằng cách cay đắng phô bày hết những nỗi thống khổ của giới hạ
lưu: nào đói nghèo, nào tệ nạn, nào tội ác … qua các tiểu thuyết Oliver Twist,
The Old Curiosity Shop, David Copperfield, The Bleak House, Great Expectation
...
Nói thế nhưng không phải
không có trường hợp ngoại lệ. Oscar Wilde, chẳng hạn, không quan tâm đến các vấn
nạn xã hội (ngoại trừ trong một số vở kịch). Wilde chủ trương Nghệ thuật vị nghệ
thuật (Art for art’s sake): Nghệ thuật không nhất thiết nhắm đến một mục đích
nào cả. Nghệ thuật không cần biểu đạt điều gì ngoài bản thân nó, và “mọi nghệ
thuật đều là vô dụng.” (“All art is quite useless.”)
Tác giả: Hồ thị Ngọc Trang
(Giảng
viên Văn chương
Anh-Mỹ, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Mở và Trường Đại học Hùng Vương từ năm 1991 đến năm 2010.)