HUẾ VÀ
CON ĐƯỜNG
MÙ SƯƠNG
Sao lại gọi là con đường mù sương? Đơn giản có rất nhiều buổi sáng sương mù
ôm ấp kín con đường này.
Nhưng cũng có người còn nói đùa “đúng ra
nên gọi là con đường mù".
Tại sao?
Thực tế, có mù loà chi đâu?
Con đường ấy xưa nay vẫn nằm ven sông Hương êm
đềm thơ mộng, lấp lánh ánh bình minh và lặng lẽ bóng chiều tà.
Gọi là con đường mù vì lẽ thứ nhất ai đó đã đặt
tên đường là Nguyễn đình Chiểu, một nhà thơ khiếm thị từng tạo ra một hình tượng
anh hùng “Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha“.
Lẽ thứ hai là trên suốt con đường KHÔNG có số
nhà. Tất cả nhà phố, các cơ quan đều quay lưng ngoảnh mặt và hướng ra đường Lê
Lợi. Từ nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, đến Trung tâm triễn lãm, rồi Trung Tâm Liễu
Quán, cho đến nhà hàng Bồ Đề, Festival (trước là CLB Thể Thao Cercle Sportif)
...Tất cả đều hướng ra đường Lê Lợi.
Nhưng không phải ruồng rẫy nhé, mà là cố tình giấu kín, e rằng con đường lộ diện sẽ dễ bị ...hiện đại hoá, tân tiến hoá ...sẽ kinh doanh cho kịp trào lưu, thì sẽ làm mất đi nét thâm trầm cổ kính của cố đô.
Lẽ thứ ba, khi thu chưa về mà sương mù đã bàng bạc, hạ chưa qua mà Phượng đã không giấu được nỗi buồn tuổi học trò.
Ai đến Huế mà không một lần dừng bước dưới “chiếc lược ngà T Tiền" thơ mộng để mong tìm một vành cong bờ vai phượng vĩ đang lững lờ trên mặt nước sông Hương?
Và sáng nào cũng vậy, dù mưa dù nắng, trên con
đường mù, có những con người trung thành, không hẹn mà vẫn tìm đến một góc
cà phê lộ thiên, ngồi quanh những chiếc bàn gỗ, trên những chiếc ghế nhựa lóc
cóc... thả hồn thanh thản bên ly cà phê thơm ngát... Mọi ưu tư, lo lắng của
ngày hôm qua bay vèo theo khói thuốc và theo mùi hương cà phê. Cũng rất nhiều
người cần mẫn đi thể dục ven sông trên con đường mù. Lỡ có gặp người thương hay
người... ghét cũng hỏi chào nhau, quên đi mọi thành kiến, quên kỷ niệm xấu, những
răm rắp lo toan...
Gần đây, con đường đã được ghép thêm một lối đi
bằng gỗ lim. Qua hai mùa mưa bão, vẫn tồn tại như em với chị, làm chị bớt cô
đơn.... Ban đầu cũng có lời ra tiếng vào, nhưng lạ thay sông Hương vẫn luôn
giang tay rộng mở, bao dung tất cả.
Đường Nguyễn đình Chiểu không còn là con đường mù.
Đường đã có một chiếc gậy gỗ lim dẫn đường.
NGUYỄN NHƯ MAI (ĐK 64)
.