Sunday, October 22, 2017

Con Đường xưa Em đi

Bài viết của Nguyễn Như-Mai (ĐK 64)
..
 (Nguồn: Internet)
.
Con Đưng Xưa Em Đ 
.
Không biết từ lúc nào, nhưng tôi nhớ đã hơn một lần nghe, có ngưòi nói “Ở Huế ra ngõ là gặp nhà thơ.”  Thật ra, theo tôi, phải nói như thế này mới phải:  "Ở Huế, ra ngõ là gặp thơ."
Có chủ quan không?  Nhưng mà với dân Huế, nhất là với Đồng Khánh chúng mình, ở khắp nơi, từ nội thành đến ngoại ô, đi học phải đi qua những con đường, nhiều con đuờng “mang nặng yêu thương.”  Nào đường Hàng Me, Hàng Đoát, Hàng Muối, Hàng Long Não, Hàng Phượng Bay... Mỗi mỗi con đuờng đều mang trên lưng hàng hàng kí ức, lớp lớp kỷ niệm.  Dạo đó, chúng tôi thường nói đùa với nhau là những “con đuờng tình ta đi” vì rất nhiều đuờng là chứng nhân cho những cuộc tình thời thơ dại cắp sách đến trường.
Nào mời các bạn hãy lắng nghe lời tự tình của những “đuờng xưa lối cũ” nhé!
.
Là những đường đi học từ nhà đến trường và từ trường về nhà ngày hai buổi sáng, chiều.  Có lúc đi bộ, có khi đi xe đạp, và có khi đi xe buýt...  Chỉ  mấy o ĐK ở bên kia sông mới đi đò Thừa Phủ thôi.
Riêng tôi, có chút phức tạp hơn, gia đình thay đổi địa chỉ nhiều lần, thì danh sách “lối nhỏ ta về” nhiều hơn và tất nhiên lớp bạn bè ríu rít cũng dài hơn.
.
Con đường đầu tiên khi vào lớp Đệ Thất ĐK năm 1957 là đưòng Hàng Me, rẻ trái sẽ kéo dài lên tiếp nối với đường Lê Lợi và sẽ gặp Đồng Khánh.  Hàng Me, đó là một con đuờng thơ mộng với hai hàng cây me hai bên ...Đuờng thì ngắn, ngắn lắm, nhưng với chúng tôi lại rất dài, dài về tình, về nghĩa, và nếu điểm về “nhan sắc” thì danh sách... cũng khá dài: Trà My, Nga My, Diệm My, Phố Châu, Ngọc Cầm....
.
Đã có nhiều bài viết về Hàng Me, như “Ở Huế có đuờng Hàng Me” trên đặc san Phượng Vỹ Houston của Nguyễn NM, “Đuờng Hàng Me” của Bửu Ý ...Ở đây , chỉ xin đưọc nhắc thêm lần nữa một nhan sắc Diệm My, nguời bạn học ngày hai buổi mà mỗi buớc đi trên phiến đá vỉa hè gần như toả hương và sắc khiến ai nhìn thấy cũng đem lòng ngưõng mộ. Đến như chúng tôi đi bên cạnh mà cũng cảm thấy sự lan toả....
Thôi, với Hàng Me như rứa là đủ rồi, khéo không mang tiếng là Hàng Me chỉ ưu ái nói về hàng me...!
À mà đuờng Hàng Me còn nối với Cô Giang hay Nguyễn thị Giang, như một cái vẫy tay í ới gọi bạn bè. Bởi vì chúng tôi cũng thường từ đây đi tắt vào con hẽm ở Cô Giang đến nhà rủ Nhật Hồng đi học nữa.  Thời đó, nếu nói “dáng em gầy guộc nhỏ”: thì đó là Nhật Hồng, cô bạn học mà tính tình cũng như người, vô cùng dịu dàng vô cùng dễ thương... 
.
Cũng giai đoạn này, có khi anh em chúng tôi “dời đô” về Vỹ Dạ ở một thời gian...  Đuờng đi học là đuờng dài Thuận An, nếu kéo dài lên mãi sẽ lại tiếp nối với đuờng Lê Lợi. Nếu đi xe buýt thì phải đón xe số 9 ở Vĩ Dạ, nhưng mình chọn (thật ra nói cho oai, chứ Ba mạ đã cho) đi xe đạp.  Ai cũng biết đây là con đường “lá trúc che ngang mặt chữ điền”, gợi nhớ cô Hoàng Thị Kim Cúc, cô giáo của tôi, dạy nữ công gia chánh trường ĐK, cũng là nơi nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương sống tuổi học trò, nơi có nhiều vườn cây xanh ngát mọc đầy cỏ tranh, hàng chè tàu ... thấp thoáng những tiểu thư như Ng khoa Diệu Chi, Diệu Thơ..
Có lẽ các bạn sẽ hỏi con đường ấy bây giờ ra sao?  Hãy hỏi nhà thơ đang sống ở Vĩ Dạ, bây giờ nhà ngõ hẽm bỗng chốc hiên ngang như giữa mặt tiền với rất nhiều khách sạn, nhà hàng, karaoke...
Đúng là “Sông xưa nay đã lên đồng!”
Làm nhớ :
“Sông kia rày đã lên đồng.
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai....”. 
(Tú Xương)
.
Từ con đường này đi qua Đập Đá là đến đường Lê Lợi…
Các bạn ơi, Đập Đá bây giờ đã sửa lại, rộng hơn, và nghe nói nước sẽ không tràn mỗi khi lụt về.  Nghe như thế có lẽ một số học trò xưa tiếc nuối?  Hết còn nghỉ lụt, hết còn rủ nhau từng bầy lội nước lụt ...
.

Đi lên và hết Đập Đá là đường Lê Lợi.  Đó là một Boulevard với nhiều nghĩa, không phải vì nó to lớn ở trung tâm thành phố, nhưng từ rất lâu đã trở thành biểu tượng chung:  Đại Lộ của học trò Quốc Học và Đồng Khánh.
.
 (Nguồn: Internet)
.
Những chiều trong tuần, giờ tan học, các bạn chỉ cần đứng đâu đó trên lề đường Lê Lợi sẽ thấy hàng nghìn áo trắng tung bay trong gió.  Mưòng Mán đã có lần mô tả “Các cậu QH đứng dài thành hai hàng rào danh dự, lấy những thân cây làm điểm tựa, cặp sách ép truớc ngực, hoặc vở cuốn tròn giắt túi quần, hoặc hiên ngang, hoặc len lén đưa những đôi mắt “ăn” từng dáng đi, từng điệu buớc của các o ĐK.  Về sau hình như có nhiều cặp chọn con đuờng ấy làm nơi hò hẹn, tỏ tình và con đường bỗng trở nên rộn ràng, xao động và nghẽn lối...  Âm vang bay tới quí vị Sư Phụ, nên một biện pháp dịu dàng đuợc đưa ra:  Giờ ra về QH chậm hơn ĐK mười lăm phút.
Tội cho mấy chàng QH đi học sớm hơn 15ph nếu luớ nguớ chờ mấy nàng ĐK sẽ bị trễ học, nhưng khi tha hồ câu giờ chờ với đợi, thì sẽ có cảm hứng làm thơ đặt nhạc!
.
Quả thật là con đường Lê Lợi, đường của hai trường nam và nữ ấy, đường gần như kéo dài bất tận, kéo dài suốt cả những đời người học trò và sau này thành người gọi là... người lớn, tha hương hay ở lại.  Mà con đường này kéo dài (nói theo nghĩa đen) là đường Huyền Trân Công Chúa.  Trước 75 có những tên đường ở Huế được sắp đặt rất oái ăm mà dễ thương vô cùng:  đường Cô Giang sóng đôi với đường Nguyễn Thái Học và gặp nhau ở Ngã Năm bây giờ.  Đường Huyền Trân Công Chúa dọc sông Hương sẽ lên tới lăng vua Chiêm Thành cho trọn tình trọn nghĩa.  Và chúng ta không quên được con đường này có những nàng công chúa trời sinh cho giọng hát trong veo mà rất đậm chất Huế không lẫn với bất cứ giọng hát nào.  Các bạn còn nhớ chứ:  chị Hà Thanh, chị Phương Thảo và bạn bè một thuở là Liên Như, Thúy Vy, Bạch Lan....  
.
Trở lại con đường Lê Lợi thơ mộng khó quên, không thể không nhắc đến hai hàng cây sao, vỉa hè lát đá, và thư viện đại học, và Cercle Sportif, kề cận là Trung tâm Văn Hoá Pháp...  Những người gắn bó với con đường này chắc phải tiếc đứt ruột khi những cây sao bị bão 1985 tàn phá, sân tennis và hồ bơi bị dẹp đi và thư viện thì mới xây lại, kiến trúc đổi mới, không còn mang dáng vẻ của một nơi chốn bình yên lặng lẽ để: đến học thì ít mà ngó - qua - ngó - lại thì nhiều...
Ở trên con đường này ngày trước có một tụ điểm dành cho mấy ông văn nghệ sĩ tụ tập mỗi chiều sau giờ làm viêc tại Ty Công Chánh để đánh bi sắt (boule), đó là nhóm bạn của các ông anh như nhạc sĩ TCS, hoạ sĩ ĐC, Tr C, Ph N...
.
Sau vài năm, chúng tôi lên Hàng Muối (đường Trưng Trắc, nay là Hai Bà Trưng).

Đầu thập niên 70, chỉ có lác đác vài ngôi biệt thự, còn lại là hồ rau muống.  Đối diên bên góc là trường Nữ Hộ Sinh QG.  Giữa đường phía bên trái là nhà bà con của ông bà Ưng Thuyên, là giáo sư Pháp văn của chúng tôi và là thân sinh của hoạ sĩ Bửu Chỉ.  Mỗi lần đến thăm nơi này, chúng tôi tò mò nhìn những bức sơn dầu tĩnh vật vẽ màu rất nóng treo trong phòng khách.  Có lẽ chất liệu nguyên sơ này đã truyền qua cho hoạ sĩ Bửu Chỉ, con trai út của ông bà?
.
Đường sau Trường Đồng Khánh
(Photo by Như-Mai)
.
Đối diện chênh chếch bên kia là nhà cô Mai, hiệu trưởng Nữ Tiểu học Đồng Khánh. Hẳn các bạn còn nhớ?  ĐK có cả thảy 3 trường:  Nữ Tiểu học ĐK, Nữ Trung học ĐK, và Nữ trung học ĐK Thành Nội.
Đường Hàng Muối -Trưng Trắc- có “hoa muối bay rì rào” đâu không biết, chỉ thấy các cậu choai choai leo lên cây muối hái hạt hoa muối nạp đạn bắn súng làm bằng tre hóp chạm vào người đau điếng.  Bây giờ trên đường này không chỉ là dăm ba biệt thự xây theo kiến trúc Pháp, mà mọc lên rất nhiều hàng quán, karaoké, khách sạn... Hai hàng cây muối đã được thay bằng cây nhãn, cây bàng...
.
Nếu đi học không bằng xe đạp để đến ĐK, thì chúng tôi chuộng đi bộ qua con đường Nguyễn Trường Tộ, là đoạn từ cầu Phủ Cam đến Nguyễn Huệ có thể gọi là đường Long Não vì hai bên trồng toàn cây long não, hơn nữa nó cũng mang dấu tích chuyện tình nhạc sĩ TCS với người con gái vô cùng xinh đẹp ở bên kia cầu Bến Ngự.  Căn gác ngày xưa TCS ở (sau khi dời  từ Ngã Giữa), nay đã trở thành Gác Trịnh nơi ghi dấu kỷ niệm TCS.
.
Nhưng đối với chúng tôi, đoạn đường từ Nguyễn Huệ ra Lê Lợi mới thật là “con đường xưa em đi.”  Con đường này rất ngắn nhưng nó mang dấu tích của rất nhiều thế hệ QH và ĐK mà có người đã ví như “con đường của trường anh - trường em”, đường Anh đường Em.  Đường không có số nhà, chỉ có một cửa hông dành cho nữ sinh ĐK vào ra.  Bên QH không có cửa ở đây (dĩ nhiên).  Đường rất vắng, trừ giờ tan học…  Rất nhiều khi mình nghĩ hình như đuờng này là của riêng QH ĐK!  Đối diện với hai lưng trường là hai dãy nhà trệt làm lớp học, thường là lớp đệ tam.  Trước giờ vào lớp, cả hai bên thường tìm cách trêu chọc nhau.  Chẳng hạn có lần thấy một tấm bảng ghi câu ”Các em ĐK có yêu các anh QH không?”   Và tức khắc có câu trả lời:  “Mấy Mệ ĐK có giôn rồi các cháu QH ơi!”.....
.
           
đường Anh, đường Em
(Photo by Như-Mai)

Rồi gần kề gắn bó với Hàng Muối là đưòng Hàng Đoát.  Đẹp, thơ mộng, lãng mạn là con đuờng này, bởi có rất nhiều cặp đôi bỏ thì giờ “lang thang” con đuờng này, ngày ni nối tiếp ngày khác, lại gặp họ trên con đuờng này.  Nhưng cũng có khi....  có cặp đôi bỗng “biệt tích” và... không gian tràn đầy những lời tự tình ai oán:
.
“Nếu anh đi với ngưòi yêu.  
Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đuờng ta đã dạo chơi. 
Xin đừng đi với một người khác em”  
(PTTh Nh)
.
Ôi nhớ lắm, một thời tóc thề, một thời tóc buộc bandeau....
Nói làm sao hết “những con đường” của Huế ...
.
Đây chỉ là trích đoạn của riêng một người xưa là nữ sinh ĐK.  Có lẽ nhiều người có những “con đường xưa ta đi” đẹp hơn, lãng mạn hơn.  Nữ sinh ĐK thập niên 60 cư ngụ khắp thành phố và vùng lân cận.  Chỉ trong Thành Nội không thì cũng đủ một danh sách dài tên những lối nhỏ ta về.  Chẳng hạn đường Đoàn thị Điểm (còn gọi Đường Phượng Bay), đường Lê Huân ven đại nội, đường Nguyễn Hiệu (nay là Lê Thánh Tôn) với những ngôi nhà nhỏ trồng cây hoa râm, hoa Tinh Châu, mà bạn cùng lớp với tôi như Bích Vân, Tuyết Anh đã.sống suốt thời niên thiếu.
.    
Qua Gia Hội là phố Tàu.  Nếu kịp thời duy trì thì Gia Hội và Bao Vinh sẽ là một Hội An với nhiều kiến trúc nhà rường đậm bản sắc Huế.  Con đương Ngự Viên (nay là Nguyễn Du) với bài Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn gợi nhớ Hoàng Thị Thuỷ Tiên và chị em họ Hoàng, con đường Tô Hiến Thành với Diệu Phương, con đường Hàng Bè, Bạch Đằng với Thái Kim Lan và con đường Đò Cồn vườn thầy trợ Miễn có cô nữ sinh ĐK tự tử hoá thành con ma (?) thường chọc ghẹo người qua lại một thời... Đó chỉ là giai thoại, nhưng hồi đó chúng tôi tin lắm, sợ lắm mỗi chiều tối khi học về.
Ôi những con đường nói sao cho hết....!
.
Tùy theo mỗi ngưòi mà “con đường xưa em đi” có những kỷ niệm khác nhau, nhưng bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, những con đường này vĩnh viễn vẫn là thiên thu bất tận nối kết những tấm lòng son sắt về một ngôi trường mà lạ thay dù với tên của một ông vua nhưng khi nghĩ đến vẫn hiển hiện hàng nghìn mắt xanh biếc, tóc nghiêng bay, tà áo lộng, giờ tan học... nhuộm trắng con đường xưa rất xưa...
.

Nguyễn Như-Mai
.
.
(Nguồn: Internet)