Bài viết của Nguyễn thị Như-Mai (ĐK 64)
.
(Hình: Internet)
Ăn Tết ở Huế
Tết đến với Huế rất sớm cùng với những ngày nắng mới giữa
tháng Chạp và cũng là khi các bà nội trợ từ trong các phủ, xóm, phường ... bắt
đầu phơi trước hiên nhà nào là cà rốt, đu đủ, củ cải, nào là gừng, bí, khoai... để chuẩn bị làm mứt món.
Nhưng nguời Huế thực sự chuẩn bị đón năm mới lúc bắt đầu đưa
Ông Táo về chầu trời.
.
Các bạn hãy cùng chúng tôi đi một vòng, từ chợ Cống lên Kim
Long, rồi quay lại rẽ vào hoàng thành. Các bạn sẽ thấy ở những gốc đa,
gốc bồ đề, am miếu ngổn ngang những bộ ông Táo, những bình vôi ...ngưòi Huế biểu
hiện lòng nuối tiếc và biết ơn những gì đã cho mình hạt gạo thành chén cơm,
trái cau ngọn trầu thành nồng cay thắm đỏ bằng cách tập trung những ông Táo, bình
vôi đã dùng trong một năm vào đầu thôn cuối xóm mà không đành lòng vứt
bỏ.
.
.
(Hình: Internet)
Những ngày, các chủ vườn hoa cây kiểng bắt đầu trưng bày ở
Thương Bạc , Phu văn Lâu ... Các bạn sẽ chứng kiến một cuộc so tài, mà
trong những tháng ngày âm thầm, người dân lao động, cũng là những nghệ sĩ dân gian
đã chăm bón, vun trồng, uốn nắn... Ngoài hàng trăm loại hoa đủ màu đủ hương,
Huế đặc biệt nổi tiếng về lão mai và tiểu cảnh. Đây là cây Mai hơn 30 năm, một
phần ba đời người, đã được thu nhỏ, có khi người trồng ra nó nay đã khuất bóng
rồi. Tiểu cảnh là những tảng đá chơ vơ trên ngọn cô sơn, với những sinh hoạt
lặng lẽ nhưng sinh động của bộ tứ: ngư, tiều, canh, độc, thể hiện ước vọng về
một cuộc sống bình yên thoát tục.
Tháng Chạp cũng là tháng sương mù. Không phải như suơng mù
Đà Lạt, mà là “sương khói mờ nhân ảnh“ của một sớm mai thiếu nữ qua
cầu Trường Tiền... và cũng là thứ khói sương màu lam tím khi chiều buông xuống
vội vàng trên sông Hương.
Và xin mời các bạn đi
chợ Tết ở Huế!
Bạn đừng loá mắt trước hàng vạn thức hàng tiêu dùng địa
phương, hay từ Sài gòn ra. Bạn hãy cùng tôi tìm lại không khí chợ Tết rất chi
là Huế.
Này đây là những người đứng lề đường bán mai cắt từ vườn nhà
của họ ở ngoại thành. Đó là những người bán hoa làm bằng phôi tre nhuộm phẩm đủ
màu sắc rực rỡ để người dân xứ Huế thờ trên trang hay thờ trong bếp ... Đó là
những O bán bánh đúc mật một màu xanh thiên lý ăn vào thơm ngát hương cánh đồng
lúa đang thì con gái. Và bạn hãy chú ý những bà mẹ mặc áo dài màu khói
sưong, tự mình hái và nách rổ hoa, không phải là bó hoa, cành hoa, đoá hoa, mà
là gói hoa, những gói hoa rất Huế e ấp trong màu xanh non lá chuối: nào là hoa
ngọc lan như những ngón tay xuân thì trắng nõn, nào hoa thiên lý gợi nhớ mái
hiên nhà của nàng tôn nữ chưa chồng, nào hoa bưởi trắng tinh khiết với mùi
hương nồng nàn, nào hoa bại hoại màu lục rêu uể oải dã dượi ... ..Và thôi thì
chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu … tràn ngập nào mứt, nào bánh, hạt dưa, và rưọu … với
muôn vàn âm thanh rộn ràng náo nức vô cùng !
Ấy thế mà, thoắt một cái, nếu bạn là người từ phương xa đến,
bạn sẽ ngỡ ngàng lúc đứng trên hè phố chiều 30 Tết.
Vừa buổi sáng đông đúc ngựa xe như nuớc ... mà chiều 30 này,
phố, chợ vắng hoe, chỉ lác đác con nhà nghèo đi sắm tết.
Đây cũng là thời gian nơi nơi các gia đình chuẩn bị bày cúng
ông bà. Ngày trước thì pháo nổ đì đùng, nhưng nay không có nữa. Nhưng không
gian đất trời đâu đâu cũng đượm mùi trầm hương ... Nếu là khách phương xa nhà ,
hẳn bạn sẽ buồn lắm. Vì không khí gia đình ấm cúng không phân biệt giàu
nghèo đang quyện lấy khắp các nẻo đưòng, ngõ xóm, và qua các ô cửa sổ rực rỡ
ánh đèn, ánh nến lung linh.
Đêm trừ tịch là đêm sum họp gia đình, từ những ngưòi lam lũ
quanh năm ở đầm phá ruộng nương đến những đứa con làm ăn phương xa trở về. Vui
nhất là cả nhà quây quần quanh nồi bánh tét bánh chưng, vừa cắn hột dưa vừa kể
chuyện nắng chuyện mưa với ước vọng về mọt năm mới sắp đến tươi sáng hơn.
.
.
.
.
(Nguồn: Internet)
Phút giao thừa là
giây phút hết sức thiêng liêng và cảm động! Gia chủ khăn đóng áo dài, thành
kính dâng nén hương lên bàn thờ tổ tiên và van vái giữa trời, chia sẻ tấm lòng
với những cô hồn không nhà không cửa bằng một bàn hương án đầy ngũ quả bánh mứt
bày ngoài cửa ngõ. Trong nhà ai ai cũng muốn làm một cái gì mới .. áo
mới ..giày mới ..màn cửa mới ...
.
Thiếu nữ bâng khuâng nhớ lời ai viết trong lá thư: “Em
còn nhớ những mùa xuân tuổi thơ không? mùa xuân của chiếc áo dài mới, đôi guốc
mới, chiếc vòng, đôi khuyên...? À mà hồi 9, 10 tuổi , em có đeo chiếc vòng cổ rất
xinh, phải không? Sao mà anh cứ nghĩ là có. Hay là anh đang tưỏng tuợng: một cô
bé mủm mỉm cuời cả môi lẫn mắt, và cổ thì đeo chiếc vòng duyên dáng... Chiếc
vòng làm anh buồn cuời, nhưng anh rất thích.
Em biết không, còn một người nữa đeo vòng vàng mà anh rất mê,
đó là mẹ của anh. Hồi nhỏ, mỗi dịp Tết về, Mẹ thưòng mặc áo nhung màu xanh rêu,
đeo chiếc vòng thật dịu dàng đài các, những sợi tóc mai .. và nụ cười hiền..khiến
anh ngây người ra nhìn. Một sự chiêm ngưỡng chân thành nét đẹp cổ kính u hoài đối
với thế hệ trước.“
Người xưa và có lẽ cả ngày nay nữa, cũng vẫn có lệ mùng Một
mẹ cha, mùng Hai nhà vợ, mùng Ba bạn bè “Nghi thức mừng tuổi ông bà cha
mẹ là nghi thức không thể thiếu trong ngày đầu năm. Nhưng cái lệ chia ba ngày,
nay đã linh động. Rất tiếc bây giờ đã ít thấy tục treo cây nêu, một tập tục cổ
truyền mà bây giờ muốn thấy, phải đánh xe một vòng về các làng mạc vùng
xa ....
Ngày xuân hái lộc. Bây giờ đã biến dạng, thành ngày
viếng chùa hay đi lễ nhà thờ. Tiếng chuông nhà thờ Phủ Cam đổ hồi và tiếng kinh kệ chùa Từ
Đàm, Từ Hiếu, Linh Mụ vang vọng ...
Nào, bạn hãy cùng chúng tôi đi ngược dốc Nam Giao để nhìn
những nam thanh nữ tú cùng nhau đạp xe hay đi gắn máy trẩy hội ngày xuân với
những bộ cánh đẹp nhất.
Bạn đừng quên dừng lại, vui lòng bố thí những nguời hành
khất bên đưòng. Bạn hãy nhẹ tay dìu bà lão gần 80 mặc áo gấm hoa ngày
cưới năm nào đang chậm rãi vịn thời gian, men theo đường dốc vào viếng chùa Bảo
Quốc.
Rồi bạn hãy xuôi đường về Vỹ Dạ. Đặc biệt nơi đây có Chợ
Mai, chợ Gia Lạc, chợ chỉ đông vào sáng mùng Một Tết. Vẫn còn đó,
bài vụ, bài tôm cua rùa ếch, bài Nhất Lục ..và đám trẻ con thì tưng bừng
nhập cuộc, thử vận may ..Nhưng hết rồi những con tu huýt làm bằng đất sét màu
sắc sặc sỡ với tiếng ò e ...
Nơi đây người dân đem bán sản phẩm đầu năm để lấy hên. Bạn
hãy mua giùm môt món hàng cùng với nụ cười và lời chúc năm mới tốt lành
nhé!
.
.
Nếu bạn muốn đánh bài chòi? Xin hãy đi về Cầu
Ngói Thanh Toàn! Nơi đây đã làm sống lại phong vị Tết cổ truyền bằng
những trò chơi dân gian hết sức lãng mạn: đánh bài bằng cách nghe thơ! mà
nghe thơ đuợc rao lên lanh lảnh giữa ngày xuân khi mình đang ngồi trong chòi
tranh ..., tay thì bắt “con tới, con nhà giàu, con bạch tuyết.” Chỉ một vài nghìn mà ta có cả cuộc chơi tao nhã!
Rồi khi đôi chân đã mỏi, bạn hãy nghe lời tôi,
vào trong Cầu Ngói, ngã lưng nằm trên ván gỗ lim trăm năm mát rượi, lim dim
mắt, thả hồn trôi bềnh bồng, quên đi nhọc nhằn năm cũ ... Trong khi cánh
đồng Thanh Thủy đang trổ mạ đông xuân và trong vườn nhà ai luống cải
đang trổ hoa vàng, mơn man những chú ong rộn ràng bắt đầu những ngày mới...
.
.
Nguyễn thị Như-Mai (ĐK 64)
.
.
.
.
LY RƯỢU MỪNG
Nhạc: Phạm Đình Chương
Hợp Ca
Hợp Ca
.