Monday, January 15, 2018

Gặp Gỡ

Trương Mỹ-Vân (ĐK 67):
.
Mời các bạn xem câu chuyện sau đây nói về sự gặp gỡ do nhân duyên theo giáo lý nhà Phật..
.

(Nguồn: Internet)
GẶP GỠ
. 
Thời Đức Phật còn tại thế, một hôm ngài cùng đệ tử là ngài A Nan đến thôn Lê Xá thuyết pháp, nhưng dân chúng ở đó không mấy quan tâm. Thấy vậy, ngài A Nan thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn, con thấy tình hình không yên vì mọi người chống đối, không hoan hỷ nghe ngài.
Đức Phật bảo:
- Chúng sanh can cường, khó độ. Phải kiên nhẫn mới làm được việc này.
Sang ngày thứ hai, tình hình càng tệ hơn hôm trước nên ngài A Nan thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn, con thấy mọi người bất bình, mặt mày nhăn nhó. Thôi mình nên đi về.
Đức Phật bảo:
- Có ông thầy thuốc giỏi treo bảng đề: "Chỉ trị những bệnh nhẹ, còn những bệnh nặng không trị", như thế có phải ông thầy thuốc giỏi không?
Ngài A Nan nghe vậy im lặng, không nói gì.
Đức Phật ở lại thôn Lê Xá thêm một ngày nữa. Đến ngày thứ ba vẫn không có kết quả vì chẳng ai muốn nghe ngài thuyết giảng.

.
Ngài bèn về Kỳ Viên tịnh xá, vào thiền định thì thấy một người có thể làm được việc này, đó là ngài Mục Kiền Liên.
Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật. Mười vị này mỗi người có một tài năng siêu việt: Ngài Xá Lợi Phất có trí tuệ thông minh bậc nhất, ngài A Nan có trí nhớ phi thường, ngài Mục Kiền Liên có tài thần thông đệ nhất nhưng lại không có tài thuyết pháp lưu loát bằng ngài Phú Lâu Na. Nhưng Đức Phật không nhờ ngài Phú Lâu Na đến thôn Lê Xá thuyết pháp mà lại cho mời ngài Mục Kiền Liên đến gặp ngài. Đức Phật bảo:
- Ông đi đến thôn Lê Xá thuyết pháp.
Ngài Mục Kiền Liên tâu:
- Bạch Đức Thế Tôn, con không có khả năng thuyết pháp. Con xin giới thiệu trưởng lão Phú Lâu Na.
Đức Phật bảo:
- Không sao, ông cứ đi đến đó. Tôi biết ông làm việc này sẽ có kết quả.
Ngài Mục Kiền Liên vâng lời mang y bá
t lên đường. Khi ngài đến đầu làng, mọi người đổ xô ra mừng rỡ, đón chào ngài như thân bằng quyến thuộc lâu đời mới gặp lại. Họ rước ngài về làng thuyết pháp cho họ nghe. Ngài lên pháp toà và nói:
- Tôi không có khả năng nhưng theo quyết định của Đức Thế Tôn, tôi đến đây gặp gỡ quý vị và trao đổi về Phật pháp để giúp quý vị biết đường hướng mà tu hành.
Tuy bài thuyết giảng của ngài không mấy mạch lạc nhưng sau buổi đó, dân chúng trong làng đều quy y Tam Bảo và tôn ngài Mục Kiền Liên lên làm sư phụ. Đến lúc tiễn đưa ngài ra về, mọi người bịn rịn, trìu mến vô cùng.

.
Lúc bấy giờ đại chúng mới thắc mắc tại sao Đức Phật là bậc thầy của Trời Người, cha lành của muôn loài, khi đến thôn Lê Xá thuyết pháp không ai nghe, trong khi ngài Mục Kiền Liên không có tài thuyết pháp lại được dân làng hoan hỷ nghe theo. Đại chúng bèn hỏi Đức Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài nói rõ lý do tại sao có sự khác biệt này.
Đức Phật đáp:
- Các ông hỏi thì ta nói. Đây là một nhân duyên hết sức đặc biệt. Vào một thời xa xưa trong tiền kiếp, tất cả dân chúng thôn Lê Xá này lúc bấy giờ là một ổ kiến, còn ngài Mục Kiền Liên là một tiều phu đi đốn củi trong rừng về đổi lấy gạo. Một hôm trên đường về gã tiều phu gặp cơn mưa lớn, thấy một bầy kiến trôi dưới nước, gã bèn mở bó củi, lấy một nhánh củi bắt ngang dòng nước cho kiến leo lên và cứu được bầy kiến. Nhờ nhân duyên đó và cái cọng nghiệp (nghiệp chung) của bầy kiến nên bây giờ họ tái sinh ở chung một làng, và gã tiều phu đó chính là tôn giả Mục Kiền Liên, nên bây giờ mới được họ biết ơn và khi gặp lại thì được họ hoan hỷ đón tiếp, cho nên mới độ được họ. Còn Đức Phật không có nhân duyên với họ nên khi thuyết giảng họ không nghe và không độ được họ.

Nói đến Phật giáo thì phải nói đến Nhân Duyên và Quả Báo. Trong suốt 50 năm Đức Phật thuyết pháp và trong 12 bộ khế kinh, không có lúc nào Đức Phật không nhắc đến hai điều chính yếu này là Nhân Duyên và Quả Báo.

Trương Mỹ-Vân (ĐK 67) ghi lại theo lời giảng của HT Thích Giác Hạnh

.
(Nguồn: Internet)