Saturday, October 26, 2019

Giữa hai bờ yêu thương

Xin gii thiêu mt truyn ngn trích trong cuDÒNG CHY ca tác giả Tôn Nữ Áo Tím (bút hiu ca Kim-ThưĐK 70)
.
(Nguồn: Internet)
.
Gia Hai Bờ Yêu Thương
Tác giả: Tôn Nữ Áo Tím
.
Thu đứng yên trước tấm kính rồi xoay trở ngắm nghía mình thật lâu. Nàng mặc chiếc áo bà ba màu khói hương. Không biết từ lúc nào, nàng yêu thích cái màu lam ấy. Từ một chiếc áo dài, Thu cắt bỏ hai vạt và sửa lại thành chiếc áo bà ba. Hôm nay nàng đi nhận việc làm.
Thu thương chiếc áo dài nguyên sơ từ lâu nàng vẫn mặc trong suốt thời gian làm việc ở một ngân hàng của chế độ cũ. Bao nhiêu chiếc áo bấy nhiều ân tình, kỷ niệm một thời vàng son với khung trời tự do hạnh phúc. Còn đâu những tà áo dài xinh xinh trên phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Còn đâu con đường Tự Do dập dìu xe cộ…
.
Đồng Khởi đến rồi, mất Tự Do” ư ? Thu man mác một nỗi buồn giấu kín trong lòng. Tất cả đều bị đổi thay. “Đổi đời”, hai chữ đó Thu vẫn nghe người ta nói. Lúc đầu có hơi lạ tai, nhưng bây giờ nàng đã hiểu ra tất cả. “Đổi đời”, một sự đổi thay khủng khiếp, đổi thay toàn bộ cuộc sống của con người, từ tinh thần đến vật chất, nhà cửa, xe cộ… mất, mất trắng. Bao nhiêu lần đổi tiền, bao nhiêu lần đánh tư sản… Tất cả có còn lại gì đâu! Thu chỉ giữ lại được chiếc xe đạp là phương tiện duy nhất cho mình. Ngồi trên xe đạp, nàng không sao quên được những giây phút hạnh phúc trên chiếc ô tô cùng chồng rong ruỗi khắp các nẻo đường Sài Gòn, Gia Định…Hãy bằng lòng với những gì hiện có nghe Thuhiện tại là present, và present cũng có nghĩa là một món quà”, nàng tự nhắc mình như thế.

Ngừng xe trước cổng trường, Thu ngập ngừng nhìn lên tấm biển “Trường Mẫu Giáo Mầm Non Phường 7”. Nàng từ từ dẫn xe đạp vào sân trường và đi thẳng về phía văn phòng, Thu gặp một cô nhân viên dáng người nhỏ thó, gương mặt có vẻ rất nghiêm khắc, Thu lễ phép:
     - Dạ, chào cô, em xin gặp cô hiệu trưởng.
Cô nhân viên hướng cặp mắt về phía Thu. Cô nhìn Thu từ đầu đến chân, biểu lộ một sự tò mò rõ rệt, cô nói rất nhanh:
     - Cô Hiệu Trưởng đang tiếp khách, ngồi chờ.
Một lát sau, theo hướng chỉ tay của cô nhân viên, Thu đi từ đầu dãy hành lang xuống, phải ngang qua những lớp học. Nàng thấy các em học rất ngoan. Lớp thì  đang học chữ, lớp thì đang học hát, lớp thì các em đang chăm chú nghe cô giáo kể chuyện. Thu hiểu được một điều, làm cô giáo mầm non không dễ, phải biết đủ các trò, hát múa, vui chơi, kể chuyện... Thu thấy vui vì biết rằng mình sẽ hạnh phúc nếu cuộc đời được gắn liền với những nụ cười hồn nhiên, trong sáng, những vòng tay bé nhỏ thơ ngây của các em.
Đến trước cửa phòng Hiệu Trưởng, Thu gõ nhẹ mấy tiếng, nàng nghe tiếng trả lời sắc bóng của một giọng Bắc:
     - Vào đi.
Thu nhẹ nhàng mở cửa. Hiệu Trưởng là một phụ nữ còn rất trẻ. Nàng khẽ cúi chào:
     - Chào cô, em là Song Thu, em đến nhận việc làm.
     - Vâng, chúng tôi biết rồi. Ai giới thiệu chị về đây?
Thu ngỡ ngàng trước câu hỏi thẳng thắn của cô Hiệu Trưởng:
     - Không sao, chị không muốn nói cũng được. Thông thường nếu biết được người giới thiệu thì chúng tôi dễ làm việc hơn.
Nghe câu nói của cô Hiệu Trưởng, Thu rất ngạc nhiên. Nàng nhớ lại dưới chế độ cũ, đi xin việc chỉ cần một lá đơn rồi người ta xét… Ngoài ra không phải quen biết gì ai cả. Còn bây giờ phải có quen mới dễ dàng, ngược lại thì không. Họ sợ điều gì khi họ là những người thắng cuộc. Thu nghĩ như thế và không ngần ngại, nàng nói:
     - Dạ, cô Phượng giới thiệu..
     - Cô Phượng làm trên phòng tổ chức quận?
Thu gật đầu dạ nhỏ:
     - Chị và chị Phượng có bà con?
Đi xin việc không cần trình độ kiến thức, không phải xét trực tiếp qua đơn xin việc mà chỉ đơn giản qua “bà con quen biết”:
     - Dạ không bà con gì cả, chỉ là hàng xóm láng giềng.
Cô Hiệu Trưởng nhìn Thu bằng ánh mắt lạ lùng có chút ngờ vực.

Tình cảm giữa Thu và Cô Phượng chỉ đơn giản là tình hàng xóm, giữa hai người phụ nữ có hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Chị là con của một cán bộ tập kết ngoài Bắc vào, có quyền thế, được cấp một căn trong khu chung cư, đối diện nhà Thu. Còn Thu là người đã trải qua một thời gian làm việc dưới chế độ cũ. Một hôm chị Phượng ngõ ý muốn giúp Thu một việc làm vì thấy Thu là người có trình độ. Nàng nhẹ nhàng:
     - Chị giúp em được một công viêc nuôi con thì còn gì quý hơn. Em cám ơn chị.
Nàng cảm thấy hạnh phúc theo những giờ khắc đợi chờ. Một tuần sau nàng đi nhận nhiêm sở. Thu mang ơn chị Phượng kể từ ngày hôm đó. Sự giúp đỡ của chị Phượng đơn thuần chỉ là lòng nhân đạo. Mặc dù chị biết Thu là vợ của sĩ quan đi học tập cải tạo. Chị không nhận một chút thù lao  nào hết. Chị sống và lớn lên ở Bạc Liêu, nơi có tiếng là ruộng cò bay thẳng cánh. Và chị hiểu được tâm tư của những con người miền Nam sau ngày 30 tháng 4, nhất là những phụ nữ như nàng. Và chị rất cảm thông.

Cô Hiệu Trưởng xem rất lâu bộ hồ sơ của Thu rồi giới thiệu Thu với một cô giáo đang dạy các em ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp một, 5 tuổi:
     - Đây là chị Thu, trên quận mới đưa về, sẽ là bảo mẫu cho lớp em.
Thu nhìn chăm vào cô giáo, nhìn nụ cười đầy ắp thiện cảm của cô và Thu thấy vui theo. Cô Hiệu Trưởng  quay sang Thu:
     - Cô Thiếu Linh đây sẽ chỉ việc cho chị làm nhé.
Nàng cám ơn cô hiệu trưởng rồi theo cô Linh vào lớp. Kể từ hôm đó Thu trở thành một nhân viên trong hệ thống giáo dục mầm non của quận. Công việc của Thu là chăm lo giờ ăn giác ngủ cho các em.
Tiếng chuông reo báo hiệu giờ học buổi sáng đã chấm dứt. Học sinh các lớp chuẩn bị làm vệ sinh, rửa tay để ăn trưa và ngủ. Các em xếp hàng tuần tự nhận phần cơm của mình rất ngoan. Đang phân phối thức ăn cho các em, Thu chợt ngừng tay ngạc nhiên khi nghe một bé trai nói:
     -  Cô ơi, con chỉ ăn cơm không. Con không muốn ăn thịt.
     -  Vì sao? Thịt ngon nè con. Con phải ăn thịt thì mới mau lớn chứ.
Thu cố dỗ dành nhưng cậu bé cứ lắc đầu không chịu. Kể từ hôm đó, Thu đặc biệt để ý đến em học sinh ấy. Nàng có trao đổi với cô giáo Linh:
     -  Em đó là Lân, mồ côi mẹ, đang ở với bố, cũng tội lắm chị.
Thảo nào Thu thấy có một cái gì đó ngơ ngác, tội nghiệp toát lên khuôn mặt bé. Lân lầm lì, ít nói, ngồi đâu thì cứ bất động, không vui đùa, phá phách như những em khác. Từ đó Thu để mắt đến bé Lân nhiều hơn. Nàng chú ý đến em chỉ vì em còn quá nhỏ mà thiếu tình thương của mẹ.

Giữa không gian yên tĩnh của giấc nghỉ trưa, Thu lặng lẽ nhìn qua cửa sổ. Cây bàng với cành lá xum xuê tỏa bóng mát cho cả dãy hành lang. Nàng hy vọng  cuộc sống sẽ được êm ả từ đây. Thu tin mình sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc bên đám trẻ nhỏ vô tư, trong sáng. Tất cả… như những trang giấy trắng mà Thu là người cầm bút vẽ lên những đường nét, dẫn dắt cho các em có những thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày.
Thời gian cứ trôi qua rất nhanh. Thu trở nên thân thiện với các em hơn. Ngày ngày Thu đến trường thật sớm để đón trẻ và cũng ra về thật trễ khi các em đã được trả hết về cho phụ huynh. Tình yêu nghề nghiệp lớn dần trong Thu kể từ những giây phút đó. Nàng hiểu được nỗi nhọc nhằn khốn khó của phụ huynh khi phải gởi con vì công ăn việc làm, vì miếng cơm manh áo… Thu hiểu được những tâm trạng của từng hoàn cảnh nơi mỗi con người mà do số phận họ phải cưu mang. Nhất là những bà mẹ tất tả ngược xuôi nuôi con và lo thăm nuôi chồng bị cầm tù ở các trại tập trung xa xôi hẻo lánh ngoài Bắc. Niềm cảm thông được phát khởi bởi sự đồng cảm sâu sắc từ trong tiềm thức của những con người sống lưng chừng giữa hai chế độ. Thu hiểu được điều đó vì chính nàng là người trong cuộc, là người phụ nữ giữa muôn ngàn người phụ nữ có chồng là sĩ quan của chế độ cũ bị tù đày.

Buổi chiều, cơn mưa giông thình lình đổ xuống, hơi đất bốc lên mùi hăng hắc thật khó chịu! Đã quá rồi giờ trả trẻ, cả trường chỉ còn lại ba em chưa được phụ huynh đến nhận, trong đó có bé Lân, lớp Thu. Thằng bé ngồi thẫn thờ bên cạnh Thu, đưa mắt nhìn ra cửa trong cảm giác mong ngóng đợi chờ. Thu ôm bé vào lòng, với tất cả tình thương như một bà mẹ, nàng hỏi bé:
     -  Con ở nhà với Nội hay Ngoại?
Nhìn đứa bé lắc đầu, Thu hỏi tiếp: 
     -  Không có ai ở với con hết sao?
Lần này bé Lân mới chịu mở miệng: 
     -  Trong nhà chỉ có Ba và con thôi, không có ai hết.
     -  Ai nấu cơm cho hai bố con ăn?
     -  Ba.
Thu im lặng mường tượng cái cảnh gà trống nuôi con. Rồi sẽ đến lúc có một người thứ ba xuất hiện. Từ đó sẽ nảy sinh cảnh dì ghẻ con chồng, con anh con tôi, rồi biết bao nhiêu phiền toái xảy đến cho những đứa con cùng cha khác mẹ… Nghĩ đến đó, Thu ôm chặt bé Lân vào lòng.
Khi tiếng xe honda của bố bé Lân vừa trờ tới thì đó cũng là người phụ huynh cuối cùng của lớp Thu. Anh rối rít xin lỗi về sự chậm trễ, bắt cô giáo phải ngồi chờ lâu. Nhìn nét mặt của người đàn ông trạc độ ngoài 40, Thu thấy phảng phất nét khắc khổ, xa xăm. Nàng bắt chuyện:
     - Hôm nay cháu lười ăn, chỉ một chén cơm trắng và không muốn ăn thịt, anh về cho cháu ăn cơm thêm, sợ cháu đói.
     - Thú thật với cô, từ ngày mẹ cháu qua đời, cháu thay đổi hẳn tính nết. Tôi thì quá bận rộn công việc. Hai cha con chỉ ăn cơm phần ngoài tiệm.
Nghe qua sinh hoạt của hai cha con, Thu thấy chạnh lòng. Làm sao người cha này có thể sống như thế một mình nuôi con. Bé Lân thế nào cũng phải có một người mẹ kế. Nàng nhìn bé thoăn thoắt leo lên xe: 
     -  Con về ngoan, ăn cơm nhiều vào và nhớ vâng lời Bố nghe chưa.
Thằng bé vâng dạ rối rít rồi vòng tay ôm vào cái lưng của ba nó. Một cái gật đầu chào và rồi thì Thu chỉ kịp nhìn chiếc lưng và nửa khuôn mặt có chút âu lo vội vàng. Nàng vẫn còn nghe loáng thoáng đâu đây cái giọng pha trộn Bắc-Trung-Nam của người phụ huynh đã lưu lại cho Thu chút vương vấn ngay lần trò chuyện đầu tiên.

Căn nhà bé Lân nằm sâu trong con hẻm cụt. Lân im lặng chờ Ba mở cửa. Tiếng bà hàng xóm nhà bên cạnh vang qua: 
     -  Cậu Long về trễ quá! Người ta nhờ tui giữ phần cơm của Cậu đây nghe. 
     -  Dạ, cám ơn bác. Cháu sẽ qua lấy ngay.
Nói vừa xong anh quay sang con trai:
     -  Con vào tắm rửa, thay áo quần rồi ra ăn cơm.
Cuộc sống của hai cha con bé Lân xoay tròn như thế, quạnh hiu như thế đã hai năm nay. Cảm giác nhớ vợ đã vơi đi phần nào nhưng cứ mỗi lần nhìn lại tủ áo quần treo mấy chiếc áo dài còn sót lại của vợ, anh Long lại bị nỗi thương cảm quật ngã ngay bởi hình ảnh của người vợ như còn lãng vãng đâu đây. Thương con trai sớm chịu cảnh mồ côi, anh không hề nghĩ đến việc tìm người phụ nữ thứ hai cho mình. Anh sợ cảnh dì ghẻ con chồng. Vì anh biết "mấy đời đi ghẻ mà thương con chồng". Anh tìm hạnh phúc và niềm vui qua đứa con trai duy nhất của mình. Bé Lân chính là trái "hạnh phúc" ngọt ngào nhất mà vợ chồng anh đã ươm mầm bằng tình yêu đơn sơ, mộc mạc từ bao lâu nay. Bữa cơm tối thật ấm áp tình cha con:
     -  Hôm nay con có được Bé Ngoan không?
Bé Lân lắc đầu cười nịnh: 
     -  Con không ăn thịt thì làm sao được Bé Ngoan hở Ba.
     -  Vậy con có được cô giáo thưởng hoa không?
Bé Lân sà vào lòng Ba: 
     -  Con không cần Bé Ngoan, cũng không cần hoa vàng hoa đỏ. Con chỉ cần Ba và cô Thu thương con là đủ rồi. 
     -  Cô Thu thương tất cả các bạn chứ làm sao thương một mình con được.
Bé Lân trở nên linh hoạt: 
     -  Vậy là ba không biết rồi. Cô Thu rất thương con. Cô còn muốn mời con về nhà cô chơi nữa đó.
Thấy con trai sôi nổi quá, anh cũng vui: 
     -  Rồi con đã nhận lời chưa? 
     -  Con chưa nhận lới, con nói cô phải cho Ba đi nữa để Ba chở con về.
Anh dỗ dành bé Lân:
     - Thì con đến nhà cô chơi, khi nào về thì Ba đến đón.
Bé Lân phụng phịu:
     - Thôi, Ba nói thế nhưng ba hay đón trễ. Cứ phải chờ Ba tới là cô Thu không thích đâu.
Anh nghe con nói có lý. Nhiều khi anh sa đà theo công việc mà quên hết giờ giấc. Để rồi khi nào cũng làm phiền cô Thu:
-  Cô Thu không thích rồi cô có nói gì Ba không?
-  Con không nghe cô la Ba. Cô chỉ khen Ba rất chịu khó lo công việc, rồi kêu con đừng lo, cô sẽ chờ với con cho tới khi Ba tới đón.
Anh thấy mình mang ơn cô giáo Thu nhiều quá! Ngày cuối năm sắp tới, nhất định phải tặng cô Thu một món quà xứng đáng.
Trong tiềm thức anh Long, khuôn mặt cô Thu bỗng hiện ra mồn một từng câu nói, từng nụ cười. Cái giọng Nam được nhái bởi một người Huế nghe nằng nặng, không làm sao che dấu được cái gốc Huế của mình. Đôi mắt bồ câu nồng nàn ấy, nụ cười hiền lành trong vắt nét vô tư, anh đã thấy đâu đó từ một nơi rất xa, cái thuở mà anh mới là một cậu sinh viên năm dự bị SPCN dưới mái trường Đại Học Khoa Học Huế, cái thuở mà người con trai mới lớn, vừa tập tễnh biết mê nhạc tình họ Trịnh, vừa biết ngắm nhìn, so sánh nét duyên dáng của người con gái trong những tà áo dài… Anh đã thấy cô Thu, một Song Thu nổi bật trong những buổi trình diễn văn nghệ của trường Đại Học Văn Khoa, một Song Thu với tiếng hát vút cao hớp hồn cả đám sinh viên Đại Học Huế, trong đó có anh. Nghĩ đến đó anh chợt giật mình quay sang ôm chặt con trai vào lòng:
     - Lúc nào con muốn đến nhà cô Thu, Ba chở đi.
Bé Lân nhìn sững vào Ba: 
     - Ba sao kỳ vậy? Làm sao con biết khi nào cô Thu kêu. Con muốn tới mà cô Thu không kêu thì làm sao con tới được. Ba này… 
Phải, trong phút chốc anh thấy mình mất bình tĩnh. Anh lao đao theo về với những nẻo xưa, nơi đó khuôn mặt Song Thu nhập nhòe lúc mờ, lúc tỏ. Anh tự nhủ ngày mai anh phải thay đổi, anh phải là Long của cái ngày xửa ngày xưa ấy. Không biết rồi Song Thu có còn nhớ hay nàng đã quên. Nhìn về quá khứ, Anh xót xa cho thân phận mình. Con đường tương lai rực sáng bỗng chốc tối sầm lại biến anh thành một “thằng mù” quờ quạng bằng đôi tay giữa bao biến thiên của thời cuộc. Vượt biên hai lần không thoát, tấm lưới  Xã Hội Chủ Nghĩa trùm xuống cuộc đời, anh vùng vẫy trong không gian chật hẹp, tù túng đó. Bao nhiêu năm, anh không nhớ. Hiện tại anh như một thằng người nộm, làm công nhân cho người ta sai khiến trong một hãng nhựa. Trình độ bốn năm đại học  của anh, bây giờ chỉ trở về qua những vòng khói thuốc, khi anh ngồi tư lự một mình bên ly cà phê cóc… Một cảm giác tiếc nuối dâng lên trong lòng. Nếu không có ngày ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm, thì anh đã là một con người khác.
Đưa con đến lớp, hôm nay anh đi sớm hơn mọi ngày. Anh cẩn thận soi gương và chải lại mái tóc mấy lần. Bé Lân rất tinh mắt:
-  Ba làm gì mà hôm nay sửa soạn lâu vậy?
Anh cười nhìn con trai:
-  Coi bộ con để ý Ba dữ quá ha?
-   Mọi khi con thấy ba sửa soạn nhanh đến nỗi con chưa chuẩn bị xong cặp sách là Ba đã thúc hối rồi.
Anh Long im lặng. Phải, hôm nay, kể từ hôm nay anh cần phải cẩn thận khi đưa con đến trường.
Sân trường vẫn còn vắng vẻ ấy vậy mà cô Thu đã có mặt. Cô đến từ rất sớm, mãi lo làm vệ sinh lớp học, chuẩn bị đón các em, cô không để ý đã có phụ huynh đưa con đến. Anh Long đứng ngay cửa, im lặng nhìn chăm vào cô Thu. Anh nhìn thật kĩ bằng cái nhìn xuyên suốt gần hai thập niên. Cô Thu trước mắt anh có phải là Song Thu của một thời làm cho Huế nghiêng ngửa và rồi đầu óc anh trở nên rối rắm. Anh lưỡng lự, nửa muốn hỏi cho rõ cô Thu là Song Thu, nữ sinh viên văn khoa có giọng hát hay nhất của Đại Học Huế độ nào, nửa rụt rè không biết có nên hỏi. Một cảm giác xốn xang ray rứt xâm chiếm tâm hồn Anh.
-  Ba, sao đứng sững vậy?
Tiếng đứa con kêu lên làm cho anh giật mình. Cô Thu vội vàng ra đón bé Lân:
-  Con chào cô ạ.
Cô giáo Thu cúi đầu lễ phép chào anh Long. Trong ánh mắt của Thu, anh nhận ra ngay. Nàng chính là Song Thu ngày nào của hội quán câu lạc bộ sinh viên Huế. Trong trí nhớ, anh dọ dẫm từng bước trở về với cái thuở ngày ấy… Thu lớn tuổi hơn anh. Khi anh vừa chân ướt chân ráo làm một cậu sinh viên năm thứ nhất, thì Thu đã là năm hai. Anh ngơ ngáo theo chân đám bạn văn nghệ. Anh đàn guitar rất hay nên chương trình văn nghệ nào cũng có mặt anh trên sân khấu. Anh tự hỏi mình già lắm rồi thì làm sao Song Thu nhìn ra được. Nhất định Anh phải sắp xếp một thời điểm thích hợp để gặp cô giáo Thu. Sinh nhật của bé Lân hoặc là ngày giỗ của vợ. Nhất định anh sẽ mời cô Thu tới dự.

Đón bé Lân hôm nay, Thu thấy ánh mắt của anh Long có một cái gì khác lạ. Bé Lân hôm nay đi học sớm hơn mọi ngày, không trễ nải như mọi khi. Người phụ nữ hình như họ luôn có một trực giác nhạy bén, có thể linh cảm và đoán biết trước được những điều gì xảy ra liên quan đến họ. Một chút ngờ ngợ về khuôn mặt ấy thoáng qua rất nhanh. Một Long “guitar” thường đàn cho Thu hát từ cái thuở cả hai còn là sinh viên. Thế mà bây giờ… Thu vội vàng xếp lại mọi hình ảnh ngày xưa ấy. Nàng phải chuẩn bị cho các em vào lớp.
Nghĩ đến thân phận mình, Thu càng chăm chỉ làm việc. Nàng cố gắng để đừng phạm sai lầm. Nàng an phận vì hiểu ra một lẽ đơn giản: mình là vợ của một sĩ quan chế độ cũ. Nghĩ vậy Thu trở nên trầm tĩnh, không bao giờ có một thái độ bực tức hay chống đối lại ban lãnh đạo của trường. Thu vẫn hài hòa, vui vẻ vì nàng biết không thể ép buộc người khác thương yêu hay cảm thông cho mình. Hãy làm một người đáng yêu trước, rồi cái gì đến thì đó là nhân duyên. Thu không bao giờ rời bỏ hy vọng. Với Thu, hy vọng là nguồn sống, là sức mạnh giúp nàng tồn tại và hoàn thiện chính bản thân mình.

Tan trường ra, Thu ghé chợ mua vài món về cho bữa cơm tối. Xe vừa đến nhà, Thu đã thấy anh chị Hai. Nỗi vui mừng lộ rõ qua nét mặt Thu. Chưa kịp chào thì chị Hai đã lên tiếng:
-  Thôi, hôm nay khỏi nấu nướng, anh chị mời dì và hai cháu đi ăn tối. Chị có chuyện cần bàn với dì. Chị thấy dì ốm quá rồi, cố gắng giữ sức khỏe, đừng để bịnh.
Thu đưa giỏ chợ cho con Thùy, lòng phân vân không biết chị Hai muốn bàn chuyện gì. Nàng rót hai tách trà mời Anh Chị rồi ngồi vào bàn hỏi thăm gia đình ngoài Huế. Bản tính Thu hiền lành, ít nói. Nàng thường an phận, không bon chen và luôn bằng lòng với những cái hiện có của mình. Hoàn cảnh dù cực khổ thế nào, nàng cũng âm thầm chịu đựng. Ngày còn trẻ, chọn lựa tương lai cho mình là do chính Thu tự định liệu, thì nay có gặp chông gai, Thu cũng tự mình bước đi, không hề than trách. Chị Đồng Giao cũng thấy được điều đó. Trong suốt bao nhiêu năm, từ ngày lập gia đình với Luân, Thu chưa có một phút giây nhàn hạ. Thời thế đã dồn dập xô đẩy Luân lăn lộn theo khói đạn chiến tranh. Tiếp theo là chuỗi ngày cơ khổ tù đày trong các trại cải tạo cho đến hôm nay, Thu vẫn miệt mài trông ngóng, vò võ chờ chồng, nuôi con.    
Vợ chồng Chị Giao không có con,  nên rất thương hai cháu, con của Thu.. Anh Lộc là một công chức bình thường nên không bị liệt vào tầng lớp có tội với nhân dân. Anh thoát được sự kiểm tra khắt khe của chính quyền mới giải phóng. Gia đình ba mẹ Thu cũng không ngoảnh mặt trước những khó khăn của nàng. Chị Hai cho Thu biết là sẽ vượt biên trong tháng tới. Chị muốn Thu và hai cháu cùng đi. Nhìn nét mặt Thu, chị nhận ra ngay nỗi lo lắng của em gái, chị nói:
-  Nếu  em không đi được thì cho hai cháu đi với anh chị. Khi  nào Luân về thì sẽ tính sau. Em nên biết khi cơ hội đến thì mình đừng để vuột mất em ạ.
Thu suy tính mãi, nàng thấy rằng không thể có sự chọn lựa nào khác. Đêm đó là đêm cuối cùng mấy mẹ con Thu được sum vầy. Giao con cho anh chị Hai, con Thùy cũng theo chị Hai trở về Huế. Thu nửa an tâm, nửa lo lắng. Nàng chỉ biết cầu Trời khấn Phật ban phát sự bình an cho gia đình và những người thân.
Con cái ra đi, Thu trở về cuộc sống đơn lẻ. Nàng bấm bụng chịu đau, nỗi đau của một bà mẹ, một thân một mình. Những suy tư, buồn nhớ… như một mớ bùng bung, Thu chôn chặt vào lòng. Nàng tìm quên qua công việc và tìm niềm vui với các em học sinh bé nhỏ. Thu dành trọn thời gian cho việc học mà chế độ cộng sản gọi là “bồi dưỡng chuyên môn”, “hoàn chỉnh sư phạm”. Nàng sống lặng lẽ và thu mình như một con ốc, chờ ngày Luân được trả tự do. Trong xóm đã có lời ra tiếng vào về sự vắng mặt của hai đứa con nàng. “Ồ, cô giáo Thu đã cho hai đứa con vượt biên rồi, thế nào thì mai mốt cô cũng đi”. Tiếng đồn như một vết dầu loang, rất nhanh đến tai chị Phượng:
-  Nghe nói hai đứa con em cho đi rồi à?
Thu rất nhạy bén trong suy nghĩ và khéo léo trả lời:
-  Bà chị Hai vô thăm, rồi em cho hai cháu về quê thăm Ngoại một thời gian, có lẽ nhờ bác Hai nuôi chúng luôn, ở đây em không kham nổi chị ạ.
Chị Phượng tuy là người của phía cách mạng, nhưng do sinh đẻ ở miền Nam nên tư tưởng rất phóng khoàng, gần gũi với người dân Sài Gòn. Chị nói toạc ra những gì mà không ai dám nói:
-  Ôi! Đi được thì cứ đi, ở lại sẽ không có tương lai đâu em ơi!
Thu ngạc nhiên khi nghe chị Phượng nói ra điều đó. Vâng, làm sao có tương lai được khi mà gia đình nàng là gia đình của một quân nhân đang bị cải tạo tù đày. Thu im lặng.
.
Sài Gòn bắt đầu vắng những cơn mưa. Từng đám ve sầu đã tụ họp tấu những “khúc ca mùa hè”. Buổi trưa không một ngọn gió, tiếng ve rời rạc báo hiệu mùa xuân đã ra đi. Đây là thời gian Long thường xuyên ghé nhà Thu cùng với bé Lân. Anh hiểu được hoàn cảnh hiện tại của Thu. Một người mẹ sống xa con, lại không có chồng bên cạnh, thì chỉ còn lại Anh là nguồn an ủi duy nhất cho Nàng. 
Nỗi buồn cứ âm ỉ ray rức nung nấu trái tim Thu. Chiến tranh đã biến bao nhiêu người phụ nữ thành những chinh phụ như nàng. Rồi đất nước được giải phóng, những tưởng thống nhất thì mọi người sẽ được nghe khúc khải hoàn ca, hạnh phúc vinh quang sẽ đến với mọi gia đình. Nhưng than ôi! Hạnh phúc đâu không thấy, toàn là những chia xa, đầm đìa nước mắt… Chồng chất những trại giam mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc.
Gặp lại Long, Thu như tìm được cái phao để níu vào đó làm điểm tựa tinh thần. Cả hai người họ đều nhận ra một điều là đã sinh ra nhầm thế kỷ. Họ trưởng thành giữa lưng chừng hai chế độ.
Thu ôm mặc cảm chôn sâu thân phận mình để đổi lấy hai chữ bình yên, còn Long trở thành một người thất chí. Cuộc sống không có tương lai. Họ lạc mất phương hướng, chơi vơi giữa biển đời đầy sóng gió. Họ trở nên thân thiết với nhau hơn. Long quên bẳng một điều là Thu đang có Luân. Anh không chịu nỗi sự dằn vặt của cái gọi là cô đơn ở những giây phút hiện tại. Tự lúc nào hình ảnh của Thu cứ choáng hết tâm tư Anh ngày cũng như đêm. Long vịn vào nỗi cô đơn của cả hai người, Anh cố tạo cơ hội để đến gần Thu hơn.
Thu vẫn ngày ngày đến lớp. Nàng cố tạo một vẻ bình thản bên ngoài nhưng chẳng thể nào che giấu được những vướng mắc nội tâm của mình. Từ khi cho hai con trở về nhà Ngoại, tâm hồn Thu chưa lúc nào yên. Những buổi tối ngồi trước mâm cơm một mình, nỗi xót xa trống vắng cứ ùa về. Những buổi chiều Long đến chơi, Thu nghe có chút ấm áp trong lòng. Tâm tư Nàng bị đánh vật với nỗi mâu thuẫn ngổn ngang: “Trời hỡi! con phải làm sao đây. Cứ mãi thế này, liệu con có bị ngã vào lưới tình của anh ấy”.  
.  
Dưới ánh hoàng hôn của một chiều cuối tuần, Long bất chợt đến. Tiếng gõ cửa rời rạc, không mạnh mẽ như mọi khi. Thu cảm thấy có một điều gì đó bất thường sẽ xảy đến. Cánh cửa được mở ra, Long chiếu thẳng ánh nhìn vào Thu. Một sự yên lặng bủa xuống khoảng không gian giữa hai người. Có một linh tính bất ngờ đến với Thu, nàng buộc miệng:
-  Làm chi mà nhìn kỳ vậy?
Long nghiêm mặt:
-  Cái nhìn thế nào gọi là kỳ?
-   Là bất cứ người phụ nữ nào khi bắt gặp cái nhìn ấy, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc.
-   Vì sao?
-    Vì họ biết là họ sẽ được yêu.
-   Vậy Thu có thấy ra cảm giác ấy không?
Thu im lặng. Nàng lờ đi và lãng sang chuyện khác. Cứ cho rằng cái nhìn đó cũng là một cách quan tâm, một sự tử tế với nhau để đầu óc không phải nghĩ suy thắc mắc… Hãy giản dị hóa cuộc sống để hưởng được sự vỗ về của cảm giác bình an. Trong những tình huống như thế này, Thu hiểu ra ý nghĩa của sự cần thiết có nhau. Hãy biến nó thành một sự cần thiết thanh lịch, không có một gút mắc nào. Hãy để nó vượt lên trên mọi yêu cầu đòi hỏi của ham muốn và trở thành một sự san sẻ dịu dàng và sâu sắc:
 Đó là một cảm giác nhẹ nhàng trong sáng như mọi khi.
Với tay khóa mạnh cánh cửa, Long nắm chặt hai cánh tay Thu, Anh day mạnh:
-  Thu à, em cứ kéo dài cảnh sống buồn tẻ như thế này đến bao giờ mới thôi?
“Buồn tẻ”? Long nói đúng và Thu cũng nhận ra điều đó. Nàng không biết phải làm cách nào để tô lên cuộc đời mình một sắc màu tươi thắm hơn. Kể từ cái ngày oan nghiệt ba mươi tháng tư năm bảy mươi lăm. Kể từ ngày đất nước thống nhất, người ta đã đem chồng nàng đi biền biệt, không hẹn ngày về.
-  Làm sao đừng buồn? Anh chỉ cho Thu với. Hoàn cảnh như Thu bây giờ còn được chút may mắn là có một việc làm. Còn quanh đây biết bao nhiêu người phụ nữ khác với bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Họ khốn đốn, vất vả để ôm ấp gìn giữ cho được một mái ấm gia đình, chờ ngày đoàn tụ với chồng. Có khi họ còn phải đấu tranh trước sự cám dỗ của cái gọi là quyền lực Cách Mạng của những tay cán bộ về từ bưng biền, rừng rú… để gìn giữ cái trung trinh tiết liệt của một người vợ đối với những người chồng đang bị tù đày không hẹn ngày về. 
 Thu nói đúng và anh đây cũng hiểu được điều đó. Nhưng không lẽ vì thế mà em tự ép mình theo một cách sống buồn tẻ như thế mãi sao. Hãy thay đổi Thu ạ.
Ngưng một lát, không thể dấu che được cảm xúc của mình, anh cố lấy can đảm và nhỏ tiếng:
-  Thu à, Em hãy thử bắt đầu lại theo một góc nhìn khác, một thân phận khác trong một hoàn cảnh khác. Đừng ích kỉ, hãy tử tế với chính trái tim mình.
Thu suy nghĩ những điều anh Long vừa nói. Có lẽ đúng. Tại sao mình không giải phóng mình ra khỏi những mảng tối tăm mà cái xã hội xấu xa này đã bày ra. Hãy cứ xé rào một lần để trở thành một Thu nguyên bản của cái thuở tinh khôi chưa chồng. Biết bao nhiêu phụ nữ có chồng hơ hớ bên cạnh, họ vẫn vượt rào để tìm những giây phút hạnh phúc tạm bợ, thỏa mãn cho những đòi hỏi rất trần tục. Nghĩ thế, nhưng Thu vẫn không dám, nàng cứ dùng dằng. Làm sao có thể vượt qua khỏi cái hàng rào lễ nghi phép tắc của tam cương ngũ thường mà gia đình nàng từ bao lâu nay đã xây lên như một bức trường thành kiên cố:
-   Cám ơn Anh đã chia sẻ… Nhưng anh có biết để vươn đến giá trị đích thực của ba tiếng anh yêu em hoặc em yêu anh, không đơn giản chút nào. Tình yêu không dễ dàng có được như người ta thường nghĩ đâu. Thu luôn cảm thấy rất bình an khi được có anh bên cạnh. Hãy giữ gìn cho nhau cảm giác bình an ấy để chúng ta sẽ mãi mãi còn có nhau anh ạ.
Nghe Thu nói, Long như chết lặng cả người. Anh đứng ngay bên cạnh Thu nhưng sao vẫn thấy xa xôi vạn dặm. Anh hiểu ra một điều giữa hai bờ yêu thương, Thu đã chọn bến bờ của Luân, người chồng mà cho mãi đến bây giờ vẫn biền biệt nơi xa./  
.