Tuesday, July 16, 2019

Dòng Chảy: Định Mệnh và Phản Kháng


.

Chiu th By vừa rồi (Ngày 13 -7- 2019) có bui ra mt sách (RMS) tác phm DÒNG CHca Tôn nữ Áo Tím (bút hiệu của Kim Thư, ĐK70) ti Trung Tâm Văn Hóa Vit Mỹ San Jose dưi s bo trợ ca Báo Thng Mõ và hai cơ sở Văn Hc: Văn Thơ Lc Vit và Ci Ngu
Bui RMS khá thành công, rất đông đng hương, bn bè, thân hu... đến dự ngồi chật kín cả hi trưng và MC là Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng. Đặc biệt có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo uy tín ca Bc Cali lên diđàn khen ngi và phát biểu cm tưng về Tác giả, Tác phẩm DÒNG CHẢY như các ông: Thanh Thương Hoàng, Diên Ngh, Song Nh, Ngô Đc Dim, Lê văn Hải v..v...
Trang Nhà ĐK67 xin chúc mng Kim Thư Tôn Nữ Áo Tím.
.
Và xin gii thiu cùng các bn bài viết ca Nhà văn NGÔ ĐC DIM do chính ông đc trên diđàn bui RMS DÒNG CHY..
Đnh Mnh và Phn Kháng
Qua Dòng Chy
ca Tôn N Áo Tím.
.
Dòng Chảy là hình ảnh dòng nước cuốn trôi. Dòng chảy không tụ đọng, đứng yên, mà luôn luôn chuyển hóa đúng như triết gia Heraclite đã khẳng định: “Không ai tắm 2 lần trong cùng một dòng nước.” Dòng chảy cũng không luôn luôn lững lờ êm trôi, mà thường uốn khúc, xoáy động, lên thác xuống ghềnh..Dòng Chảy của Tôn Nữ Áo Tím thiết yếu là dòng đời của chính tác giả, tưởng như dòng sông Hương êm đềm, nhưng lại có nhiều sóng gió và nhiều đợt sóng ngầm dưới đáy sâu. Đây cũng là dòng sinh mệnh của dân tộc, nhấp nhô trên lửa máu, hay hơn nữa còn là dòng sinh kiếp con người qua bao cuồng lưu nghiệt ngã! Nói chung, đây là dòng định mệnh trong đó con người bơi lặn, chới với, nhưng vẫn cố bám vào những chiếc phao như niềm tin cứu rỗi để khỏi bị nhận chìm hay cuốn trôi, với tâm thức phản kháng mãnh liệt…
.
Do định mệnh, cô gái mang tên Song Thu, chỉ cần thêm dấu “ư” là Thư, với bút danh Tôn Nữ Áo Tím, đã sinh ra và lớn lên nơi cố đô Huế, miền đất cổ kính với nhiều cổ tục khắt khe, gia phong chỉnh tề và  gia quy nghiêm nhặt, trói chặt con người trong nề nếp ngột ngạt: “Cũng chính bởi lề thói gò bó hẹp hòi đó đã tạo nên những rào cản cho lớp trẻ của Huế. Con trai thì yếu đuối , lệ thuộc cha mẹ, yêu không dám yêu…con gái thì sống như một con ốc, thu mình vào chiếc vỏ kín..”
.
Thế rồi định mệnh đã cột chặt cô gái Huế tên Thu với anh chàng trai Bắc Kỳ tên Luân trong một tình yêu keo sơn chung thủy: “Như  có  một điều gì  từ  trái tim mách bảo, Thu bị  cuốn hút bởi ánh mắt và  giọng nói Bắc Kỳ năm tư của người con trai ấy..Phải chăng tình yêu có một phép mầu nhập hai trái tim vào cùng một nhịp thở: Thu đã yêu Luân..” Oái oăm thay! Tình yêu định mệnh đó đã gặp sóng gió của chiến tranh, đưa đến chia xa ngăn cách. Chàng bị động viên, chiến đấu ngoài chiến trường, rồi làm kẻ thua cuộc, vào tù, xa vợ và con thơ chưa hề biết mặt, không hẹn ngày về!  Còn nàng, phải sống lây lất với chế độ mới, vật lộn với nghịch cảnh đầy kỳ thị oán thù. Cô giáo trẻ phải hòa mình vào lối sống quê mùa lạc hậu, phải cắt 2 vạt áo dài làm áo bà ba để bước vào lớp học xã hội chủ nghĩa! Nhất là nàng đã phải chống cự với những đợt sóng tình cảm tràn tới như những cám dỗ khó chống đỡ, với ông Tổng Giám Đốc ngân hàng giàu có và quyền thế, nhất là với người bạn cũ tên Long. Mãi chặng cuối, định mệnh mới cho Thu gặp lại Luân dưới bầu trời tự do nước Mỹ..
.
Bơi lội trong dòng định mệnh đó, bao người đã buông xuôi khuất phục và cuộc đời coi như chìm khuất. Riêng Song Thu, cô nữ sinh Đồng Khánh tóc thề mảnh mai đã không để cho định mệnh cuốn trôi hay nhận chìm, trái lại đã kiên cường phản kháng, chống lại nghịch cảnh, giữ vững tay lái con thuyền đời và thuyền tình của mình.
.
Trước hết, Thu là cô gái Huế nề nếp, khuôn phép, nhưng nàng đã vùng vẫy để thoát ra ngoài những ràng buộc gò bó lỗi thời của xã hội Huế với những phong tục cổ hũ, như hôn nhân gả bán, môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu ngồi đó: “Song Thu không muốn cuộc đời mình theo nếp cổ xưa như thế. Nàng muồn đổi mới cuộc sống. Nàng muốn là một người con gái phù hợp với sự tiến bộ của xã hội, một gái tân, nhưng gái tân không có nghĩa là đi ngược lại với lề thói tốt đẹp của cha ông..”
.
Từ nhận thức mình và bao bạn trẻ khác đều là nạn nhân của xã hội phong kiến cổ hũ: “Cái xã hội, cái hoàn cảnh đã là nguyên nhân xô họ vào ngõ cụt. Cả một lớp trẻ đều là nạn nhân..”  Song Thu đã xuất hiện như một nhà đấu tranh cho nữ quyền, cho sự bình đẳng nam nữ. Nàng đã thẳng thắn thưa với mẹ: “Đàn ông đàn bà bình đẳng, ai cũng có việc làm như nhau.Thời chồng chúa vợ tôi không còn nữa, mạ biết không? “  
.
Cũng cần ghi nhận thêm rằng, chính ý thức phản kháng đã tạo cho Song Thu một cái nhìn mới mẻ và cởi mở về tình yêu, cổ võ cho tự do luyến ái: “Họ muốn làm một cuộc đổi mới, phá bỏ những luật lệ khắt khe bảo thủ để tìm cho mình một nếp sống tự do thoải mái, có nghĩa cho chính mình. Họ tìm mẫu người họ thích rồi từ ý thích dẫn đến tình yêu..”
.
Nói là tự do luyến ái nhưng không buông thả. Chính quan niệm đúng đắn về tình yêu đã giữ cho mối tình Thu Luân mãi sắt son bền vững và còn giải thoát Song Thu khỏi những vây bủa của lưới tình trong hoàn cảnh éo le. Hãy nghe Song Thu thổ lộ trước cơn sóng tình ập tới của ông Tổng Giám Đốc Ngân Hàng trước vẻ  quyến rũ  của Thu: “Nàng cảm thấy ngộp thở  dưới những làn hơi nóng bỏng, dồn dập của ông phà  vào mặt. Hai cánh tay điên cuồng của ông như  dài ra, cuống cuồng sờ  soạng..”.Nhưng Thu đã  cương quyết chống cự : Em không thể, vì  em đã  có  gia đình”. Kết qủa, Thu đã thắng. Và  đây là  đợt sóng tình thứ  hai, với Long người bạn cũ, nhẹ nhàng hơn nhưng khó  thoát hơn: “Thu nghe thân thể đông lạnh. Mọi cảm xúc đóng băng. Nàng tội nghiệp cho chính mình.Thu thấy mình chênh vênh giữa hai bờ yêu thương: Một Luân xa lắc ngày về. Một Long nồng nàn bên cạnh..Xé rào ư? Nên hay không nên?” Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra. Thu đã chiến thắng hoàn cảnh, đúng hơn, đã chiến thắng chính mình: “Hãy để nó vượt lên trên mọi yêu cầu đòi hỏi của ham muốn và trở thành một sự san sẻ dịu dàng và sâu sắc..”.
.
Đây qủa là một sự thỏa hiệp tuyệt vời giữa con tim và khối óc, giữa tình cảm và lý trí..Chính nhờ sự thỏa hiệp tuyệt vời đó mà định mệnh đã phải chào thua, để cho Thu gặp lại Luân, vui hưởng cuộc sống thanh bình bên cạnh chồng con. Thuyền đã vượt sóng, qua khỏi ba đào đến bến an lạc.
.
Phản kháng trong dòng đời cá nhân, tác phẩm cũng phảng phất tâm thức phản kháng trong dòng sinh mệnh dân tộc đầy lửa khói chiến tranh, mà kẻ chiến thắng chỉ là những tên cướp ngày bất lương: “Liệu mình có thể sống được trong hoàn cảnh khốn đốn này không? Một xã hội mà sự tước đoạt được bao che bởi mỹ từ “tiếp quản”. Họ lấy đi mọi thứ, từ xe cộ nhà cửa cho đến những hãng xưởng quy mô..”  “Từ “đũa quạt” cũng ra đời lúc này để chế diễu thành tích “đoạt của” của bọn công sản tham lam..” Cô gái Huế tên Thu, nạn nhân của cuộc chiến xâm lăng che đậy bằng bình phong giải phóng, chao đảo với tình yêu đầy sóng gió, có khi tưởng như sắp ngã qụy, phải cố vượt thắng nghịch cảnh để sống còn: “Một cuộc chiến tranh tương tàn giữa những người cùng chung dòng máu Việt! Có khi bà con anh em cũng có thể quay mũi súng bắn vào nhau. Những điều phi lý tưởng như không bao giờ xảy ra nhưng nó đã xảy ra. Một sự thật phũ phàng..”
.
Chưa hết, dòng chảy còn trải thêm tâm thức phản kháng trước những bi đát của kiếp người đầy oan khiên: “Song thu thấy mình trở thành một nạn nhân, chơi vơi giữa những nghịch lý thăng trầm của xã hội đầy mùi khói chiến tranh..”  Có khi Thu đã muốn bỏ cuộc, mượn lời Tiến để trút niềm uất hận: “Nhiều khi em muốn ôm lưu đạn tự kết liễu cuộc đời cho xong, nhưng em nghĩ lại, cầm lựu đạn ôm thêm vài thằng vi-xi cùng chết thì có lý hơn..” Nhưng thật đáng mừng! Trong niềm uất hận chất ngất đó, người con gái yếu mềm xứ Huế đã thật sự trưởng thành với niềm tự tin mãnh liệt. Nàng đã tự mình chỗi dậy, đứng lên trên đôi chân của mình, tin vào chính sức mình, cưỡi lên lưng đời: “Nàng cố gắng chiến thắng nghịch cảnh để tự mình đứng thẳng trên chính đôi chân của mình..”
.
Đó Dòng Chảy của định mệnh và phản kháng. Đó chính là dòng chảy về nguồn, về nơi trú ngụ của tình yêu cá nhân, nơi vỗ về của tình yêu quê hương, và nơi dừng chân của tình người tình đời. Đó chính là Tình Yêu viết hoa..
.
Thôi! Có nói thêm cũng bằng thừa. Hãy để cho Dòng Chảy rót vào tim óc mỗi người những gợn sóng có một chút buồn nhẹ nhàng, một chút cay đắng ngọt ngào nhưng như nhấp một hớp men cay..Cám ơn Tôn Nữ Áo Tím. Cám ơn Dòng Chảy định mệnh và tâm thức phản kháng tuyệt vời..
.
NGÔ ĐỨC DIỄM
.
.
T.
Từ phảiNhà thơ Ngô Đức Diễm, MC Nguyễn Hồng Dũng, Họa sĩ Phạm Bách Phi, Ngọc Dung (ĐK70), Thu Cúc (ĐK70)