Bài viết
của BÙI KIM-CHI (ĐK 68)
(Hình: Internet)
.
Thú
Lội Lụt ở Huế.
.
“Tháng 7 nước nhảy lên bờ”.
Mà lên bờ thiệt. Mưa. Mưa. Mưa… kéo dài lê thê. Lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Nặng
hạt. Xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng theo mưa và gió. Cây Lựu trước sân
nhà tôi tơi tả. Trời tối dần. Mưa càng lúc càng to. Ào ào như thác đổ. Mưa suốt
đêm. Sấm đất cuốn vào mưa. Ầm ầm. Ào ào. Âm thanh rộn rã….
Có lẽ lụt – tôi nhủ thầm. Màn đêm bao trùm vạn vật trong mưa. Sáng mai
mà lụt thì được nghỉ học, được lội lụt. Lụt?… Lụt?… Giấc ngủ đến với tôi thật
nhanh bởi tiếng sấm đất, tiếng mưa đêm dồn dập to, nhỏ đều đều không dứt –
mưa lụt!
.
Thức giấc thì trời đã sáng. Tiếng sấm đất vẫn ì ầm kéo dài như tiếng
súng. Tôi vội vàng mở cửa sổ nhìn ra sân tìm lụt. Lụt thật rồi! Nước lấp xấp
trong sân nhà tôi. Khấp khởi mừng thầm trong bụng, tôi khẽ đóng cửa sổ tránh
mưa. Trời sáng dần. Trong nhà mọi người xôn xao: “Lụt rồi! Lụt rồi”. “Nhà mình
cao mà có nước như ri là mọi nơi đều có nước lụt rồi”. Em tôi vỗ tay la lên. Mạ
tôi mắng yêu: “Cha mi”. Tôi cũng mừng lắm nhưng không la lên như em. Buổi sáng.
Đội mưa đi học. Mưa vẫn rất lớn. Hai bên đường trong Thành Nội nước ao chảy mạnh… Ngang
qua cầu Trường Tiền, gió và mưa chực sẵn đổ nhào vào người tôi. “Thân gái
dặm trường”, “Liễu yếu đào tơ”- cải lương dễ sợ. Lạnh, mưa, gió làm cho người
tôi và xe chao đảo, nghiêng ngả theo gió. Tôi phải cố sức ghì chặt guidon xe.
Nước sông Hương lên. Bình thường trong xanh bây giờ đục lờ. Cuồn cuộn. Hối hả.
Đuổi nhau. Đò tấp vào bờ. Cư dân đò xôn xao lên đường…
.
(Hình:Internet)
(Hình:Internet)
Ngôi trường màu hồng
thấp thoáng trong mưa. Hàng phượng già trong sân đìu hiu, xác xơ. Sân trường
nhốn nháo tiếng học trò lẫn vào tiếng mưa ào ạt. Xanh, trắng, vàng, tím di
chuyển. “Có học không?”. “Chắc được nghỉ học”. “Lụt sắp tới nơi”… Tiếng chuông
điện báo hiện giờ vào lớp. Sân trường vắng tiếng học trò nhường chỗ cho tiếng
mưa và gió ào ào xối xả qua máng xối ở một góc tường hồng. Con đường đất trước
hành lang lớp học ngập nước – nước ứ. Nhìn vẫn cứ thích mắt. Mọi cặp mắt đều
hướng về cửa lớp chờ đợi. Theo lệnh của nhà trường, chúng tôi được nghỉ học vì
nước sông Hương tràn bờ ở Đập Đá. Cả lớp ồ lên. Gương mặt rạng rỡ. Sắp được
“lội lụt”. Về đường nớ, đi tê mới có nước lụt. Các bạn xôn xao lên kế hoạch.
Tháng 7 âm lịch nước sông Hương hay nhảy lên bờ nên các bạn thường đi bộ đến
trường để thuận tiện cho việc “đi lội lụt”. Không hiểu sao tôi lại đi xe đạp.
Khờ quá. Một mình đạp xe về nhà. Bên lề đường Lê Lợi, các anh Quốc Học đang
“chần chờ” dưới mưa để “đợi” các nàng Đồng Khánh..
.
(Hình:Internet)
.
Nước sông Hương chỉ mới tràn lên mé công viên chưa ra
đường nên nhóm bạn ở khu vực gần trường phải theo các bạn ở Chợ Cống, Đập Đá để
lội lụt. Các bạn vẫy gọi tôi. Nước Đập Đá tràn bờ
từ sáng sớm nhưng chưa đến nỗi nào, xe và người có thể qua lại và học trò thì vẫn
có thể “lội lụt” thoải mái nhưng phải thăm chừng nước lên “đột ngột” – kinh
nghiệm lội lụt của các bạn nhà ở Đập Đá và chợ Cống. Hai nơi có lụt sớm nhất
..
(Hình:Internet)
.
. Nhà ở Thành Nội nên
tôi đi lội lụt cùng nhóm bạn ở trong thành. Mưa vẫn nặng hạt nhưng gió thì có
nhẹ hơn, đang cùng mưa lượn khắp nơi nhìn người lội lụt. Chúng tôi, năm đứa hẹn
nhau ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Trường ngập nước. Không còn học trò. Mưa
bỗng ào ào rất to. Ngang qua Tam Tòa, một chiếc xe hơi ào tới làm nước vỡ òa
trước mặt chúng tôi. Nước trên đường nhấp nhô. Nghiêng qua. Đảo lại. Nước tung
đầy mặt. Cả bầy con gái tắm trong nước. May mà có áo mưa che. Năm đứa quây tròn
ôm nhau, Tương Ngẫu, Ngọc Khánh, Bích Hà, Ngọc Thạch và tôi. “Bất lịch sự” –
Bích Hà nhìn xe phàn nàn. Tôi vuốt vội nước trên mặt rồi hồn nhiên: “Lội lụt mà
lịch sự gì. Mặc ai nấy đi. Xe đi. Người lội. Nước vung vẩy. Ấy đừng nhiều
chuyện”. Bích Hà nguýt yêu tôi: “Cái con ni”. Thạch, Ngẫu, Khánh nhìn tôi và
Bích Hà, cười...
Đoạn đường này tương
đối cao nên khoảng ở giữa đường nước chỉ qua mắt cá chân một chút. Mặt đường
trải nhựa nên nước tương đối trong, thấy rõ đôi chân thon nhỏ, xinh xinh của
năm đứa con gái lấp lánh trong nước. Guốc mộc, quai guốc trong hất nước tung
tóe. Chúng tôi lội dần đến đường Âm Hồn gần trường Trung học Bồ Đề. Đoạn đường
này nước sâu đến đầu gối do thấp vả lại nước ở các hồ tràn lên đường chảy khắp
nơi. Trên đường, con trai, con gái nhởn nhơ lội lụt. Xôn xao. Rộn ràng. Ơi ới
gọi nhau. Mưa hát. Mưa reo. Nhạc nước rì rào lẫn vào âm thanh bì bõm đều đều
của những bước chân học trò trong nước đưa lên bỏ xuống, đẩy tới hất lui.
Chuyên nghiệp “lội lụt”.
(Hình:Internet)
.
Con đường này gần trường Trung học Bồ Đề,
Hàm Nghi, Nữ Thành Nội nên học trò lội lụt đông vui. Lội lụt để tìm nhau, để
nhìn nhau. Đứa đẹp. Đứa dễ thương. Cứ lội qua, lội lại, lội tới, lội lui… nhìn
nhau. Con trai “ngắm” con gái. Con gái “nhìn” con trai. Khen đẹp, chê xấu, được
được, dễ thương đủ hết. Lội trước mặt để nhìn, lội sau lưng để hóng chuyện của
con gái. Con trai đi lội lụt chỉ có thế. Con gái lội lụt nửa ham vui, nửa ưng
làm điệu lội lụt tà tà với gương mặt “tỉnh tỉnh” nhạt nhòa trong mưa cho các
anh say sưa ngắm. Thấy các anh mà “tội”. Thấy các em mà “thương”. Nước trên
đường vẫn tuôn. Nhấp nhô thành từng làn sóng nhỏ qua bước chân của người lội
lụt. Mưa tạnh. Mọi người trên đường thấy rõ mặt nhau hơn. Chân lội. Mắt nhìn.
Con trai rạng rỡ. Con gái làm duyên. Tất cả đều hiền lành, dễ thương. Làm nền
cho con đường Âm Hồn lúc này là cảnh “Học trò lội lụt”. Vui ơi là vui!
.
(Hình:Internet)
...
Trời sáng dần rồi bỗng
thay chiếc áo màu lam. Cả một màu lam huyền bao trùm không gian. Mưa lắc rắc,
gió lành lạnh. Nước vẫn giữ nguyên không rút cũng không dâng lên tiếp. Trời đẹp
chi lạ…
Buổi chiều. Trời vẫn
mưa nhưng không buồn. Tôi mặc chiếc áo mưa tím, che dù tím – rất điệu. Tôi hẹn
các bạn lội lụt cuối đường Tôn Nhơn qua Ngô Đức Kế. Chung quanh tôi mọi người
đều “điệu”. Lội lụt chỉ có con gái, con trai, còn người lớn tham gia trên đường
chỉ do công việc cần đi. Đường Ngô Đức Kế là con đường thường xuyên đón lụt
hàng năm. Nước các hồ trong Thành Nội tràn, nước sông Hương tràn bờ vào cửa
Đông Ba nên đường Ngô Đức Kế có nước để thiên hạ lội lụt.
Ngoài đường, trong nhà
rộn ràng, tấp nập. Gương mặt mọi người bình thản, không lo lắng. Chỉ hơi băn
khoăn một chút vì ngày mai nước rút phải làm vệ sinh nhà cửa vất vả – nhưng
không sao. Mưa nhỏ hạt nhưng cũng đủ sức cuốn vào nhau thành những cánh hoa
nước nhảy múa trên đường. Nước nhấp nhô, rẽ thành đường dài chao đảo khi có xe
đạp lướt qua. Nhìn cũng hay hay. Trước mặt, sau lưng chúng tôi, xanh, đỏ, tím,
vàng đủ màu sắc lấp lánh dưới mưa. Chúng tôi tranh nhau đi sát vào nhau để
tránh mưa dưới những chiếc dù con gái xinh xinh. Cả bầy đều đẹp. Thu hút mọi
người trên đường lội lụt. Chúng tôi bì bõm lội lụt dưới mưa. Lội dần đến đường
Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba đến đường Huỳnh Thúc Kháng (Hàng Bè).
Đò lên bờ nằm trên đường. Người đi đường và
đò san sát nhau. Cư dân đò nhốn nháo. Đò ni, đò nớ gọi nhau. Người lội lụt thản
nhiên nghịch nước, trêu mưa bởi những chiếc dù màu đưa lên, đưa xuống, lượn
qua, lượn lại trên đường như bươm bướm. Gương mặt mọi người sáng lên vì trời
bắt đầu tạnh mưa. Nước sông không lên không xuống. Chỉ dừng ở mức ngang đầu gối
chân của người lội lụt. Bên đường, nhà nào cũng mở cửa đứng nhìn thiên hạ lội
lụt đồng thời thăm dò con nước. Chúng tôi gặp các chị, các bạn cùng trường,
cùng lớp trên đường lội lụt. Con đường Hàng Bè bỗng xôn xao bước chân con gái
lội lụt. Đều đặn. Nhịp nhàng. Lội lụt cũng điệu. Chỉ có đi lội lụt, con trai
Huế mới có dịp ngắm con gái cận mặt. Ngày bình thường đi học có bao giờ con
trai, con gái được nhìn nhau như ri. Vì thế mà lội lụt ở Huế là một “cái thú”
rất riêng, rất vui và rất dễ thương của người Huế thuở mới lớn
..
(Hình:Internet)
.
Ngày ấy, cách đây nửa thế kỷ lụt Huế chỉ là cơ hội một năm có
một, hai lần nước sông Hương tràn bờ nhè nhẹ để có một ít nước cho trẻ thơ
nghịch nước, cho tuổi trẻ mượn nước trên đường để tìm nhau, âm thầm trao đổi
những niềm vui “không tên” thoảng qua. Người lớn thì được lao động nhẹ, vệ sinh
nhà cửa sau một, hai ngày (thường là một ngày) Bà Lụt viếng nhà. Còn người già
nhìn con trẻ lội lụt mà vui khi nhớ về tuổi trẻ tung tăng lội nước trên đường
làng. Thuở ấy, lụt Huế bao giờ cũng là những “cái lụt” thoáng qua. Thoắt đến.
Thoắt đi để cho con nít, con gái, con trai phải tiếc “ngẩn ngơ” mỗi lần nước
rút. Bây giờ lụt Huế không phải là những “cái lụt” nhẹ nhàng, dễ thương, thu
hút mọi người ra đường lội lụt nữa mà là những “trận lụt”. Những “trận lụt” màn
trời, chiếu đất. Mọi người sống trong lo toan, sợ hãi, sợ đói, sợ chết. Trẻ thơ
mắt ngơ ngác. Mắt con trai, con gái buồn bã, hoài nghi. Người già mắt buồn lo
sợ. Mưa khóc. Tất cả mọi người chuẩn bị và vội vàng “Chống lụt”.
.
Huế ơi! Thật buồn khi Huế mất đi những cảnh lội lụt lao xao, rộn
rã trên các ngả đường của Huế. “Lội lụt để tìm nhau, để nhìn nhau, để cho mắt
long lanh, cho tâm hồn bay bổng”. Đó là niềm vui của con trai, con gái của Huế
một thời.
.
BÙI KIM-CHI (ĐK 68)
.
(post lại)
.
(post lại)