Mời các bạn xem lại nguyên văn bài “HOA SÚNG” mà chúng ta đã học một thời ở trường Đồng Khánh.
Bài này là một đoạn
trích từ đoản văn “CẢM GIÁC QUÊ” của nhà văn Đinh Gia Trinh, đăng trên báo
Thanh Nghị số 74, ngày 15 tháng 7 năm 1944.
Trương Mỹ-Vân (ĐK67).
HOA SÚNG
Đinh Gia Trinh
(Trích báo Thanh Nghị số 74, ngày 15 tháng 7 năm 1944)
Dọc đường đất quanh co, hai bên đầm rộng ngòi dài, cuối thu sen đã tàn chỉ còn để rớt lại trên mặt nước những lá nhăn nheo như buồn một nỗi buồn ly biệt. Nước phẳng lặng, đồng ruộng phẳng lặng, ngọn cỏ xanh xanh…
Trên suốt một giải đầm sen, chỉ có lá cây súng tròn như cái bánh đa, nổi lên trên mặt nước, duyên keo kết với nước, phô bày cả bộ mặt với trời xanh như tận hưởng tình của trời đất. Có những chiếc lá hơi úa vàng, có chiếc còn xanh mơn mởn. Nước phô bày một bộ áo như xô đẩy lên trên mặt một linh hồn.
Giữa đám lá tẻ ngắt, bỗng ở phía bên kia hồ cách xa đường cái không bao nhiêu, lộ một bông hoa súng màu thiên thanh. Người du khách lơ đãng sẽ không trông thấy nó đâu vì nó không hề rực rỡ. Ai bảo nó không quân tử hơn sen vì sen còn đỏ chói cám dỗ mắt người ta, sen còn tỏa hương thơm để làm người ta quyến luyến, để kích thích dục vọng ích kỷ của người ta khiến người ta hái để ướp trà. Sen còn có duyên nợ với trần thế. Ừ, thì bảo sen là “hoa quân tử” thơm nức hương bên cạnh bùn, để ta gọi súng là “hoa tiên tử”: chẳng bao giờ nó nở nhiều, cả một giải hồ rộng mênh mông chỉ có một mình bông hoa cô lập. Nó không hẹn ngày nở để làm tưng bừng một góc tạo hoá. Nó là nhà ẩn sĩ. Sen biểu hiệu sự cao quý trong sạch của người ở với người, thì hoa súng biểu hiệu sự thanh khiết và cốt cách của một cái gì không phàm tục. “Hoa tiên tử” đáng mọc ở suối Thiên Thai.
Hoa súng mầu thiên thanh, duyên nợ nó với tôi là tất cả một lịch sử. Thuở bé tôi trông thấy nó nở ở trước nhà, trong một cái ao thân mật có lũy tre phía ngoài. Ngõ nhà tôi mở thẳng ra bờ ao, cái ngõ nhỏ, có mái có xà tre đánh đu được, nay tôi còn trông rõ quá. Khi xưa, tựa ở đó tôi mong thầy mẹ tôi đi xa về hoặc dì tôi sang chơi. Lúc ấy tâm hồn còn trẻ của tôi - tôi mới lên sáu, lên bảy - kinh nghiệm sự đời bằng giác quan, tôi cảm nhận vẻ đẹp và một cái gì lâng lâng thanh khiết ở bông hoa súng, nở không biết về mùa nào.
Rồi mười lăm năm không trông thấy thứ hoa đó nữa, bởi một lẽ dễ hiểu là tôi ra ở thành thị. Hằng năm đến tết tôi mua những tấm hình chụp hoặc vẽ những kỳ hoa dị thảo của Tây phương. Rồi cách đây một năm, dạo ấy cũng vào cuối mùa thu, nhân vào chơi làng Triều Khúc ở Hà Đông với một vài người bạn, ở một cái ao nhỏ gần một cái quán đầu làng, tôi lại được trông thấy một bông hoa súng vào lúc vừa vặn nở: vẫn hoa cô lập, ngoi lên mặt nước độ hai gang tay, cánh bao màu phớt nâu, cánh hoa dài thon thon, màu thanh thiên mát mát, làm rạng cả mặt hồ.
Hoa súng trông hôm ấy ở làng Triều Khúc là cô thiếu nữ đẹp vô ngần, khuê các và quý phái.
Rồi năm nay cách ngày ấy một năm, trên một con đường gập ghềnh, ngồi trên chiếc xe đạp, tôi lại trông thấy hoa súng lần thứ ba. Vẫn nó, ý tình như ẩn hiện dưới mầu trời mầu nước, nở êm ru, không yến oanh, không ong bướm, không tỏa hương thơm ngát, bao giờ cũng ưa đơn chiếc.
Hôm nay nó là người tiên nữ tôi gặp một lần nữa ở Đào Nguyên.
Đinh Gia Trinh *
“CẢM GIÁC QUÊ”
(Trích báo Thanh Nghị số 74, ngày 15 tháng 7 năm 1944)
* Tiểu Sử nhà văn Đinh Gia Trinh (1915 - 1980)
Nhà
văn, nhà lý luận văn học, bút danh Diệu Anh,
quê tỉnh Bắc Ninh, cư ngụ tại Hà Nội.
Xuất thân trong gia đình công chức thời
Pháp thuộc, thuở nhỏ học tại Trường Bưởi, Đại học Luật Đông Dương.
Tốt nghiệp cử nhân luật, năm 1940, thi đỗ
Tri huyện thuộc ngành Tư pháp. Làm Tri huyện một thời gian ngắn, ông từ nhiệm,
về Hà Nội dạy tư tại Trường Gia Long, nơi qui tụ nhiều nhà văn, nhà hoạt động
có khuynh hướng chống Pháp. Từng là thành viên Hội Tân Việt Nam, Đảng
Dân chủ Việt Nam.
Ông có chân trong Ban Biên tập báo Thanh Nghị, biên tập viên chuyên về
văn học Tây phương, giữ các mục phê bình văn học, thơ, tiểu thuyết hiện đại
Việt Nam của báo này. Sau năm 1946 đắc cử đại biểu Quốc hội Khóa I, Ủy viên Ban
soạn thảo hiến pháp năm 1946. Toàn quốc kháng chiến, ông tham gia kháng chiến
tại Việt Bắc.
Sau năm 1954 công tác tại Hà Nội, giữ
các chức vụ: Phó Tổng thư ký Hội
Luật gia Việt Nam, Biên tập viên tạp chí Luật học...
Ông
mất năm 1980, thọ 65 tuổi.
Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm
..