Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm
CÂU CHUYỆN NHÂN QUẢ
Sau đây là câu chuyện quả báo của việc trộm cắp đáng suy ngẫm.
Tại một ngôi chùa trên núi cao có một vị sư già trụ trì. Xa xa rải rác xóm dân ở. Một hôm, có nhà kia bị mất con bò. Người chồng đi vắng, người vợ đi tìm bò, nhìn lên vườn sau nhà chùa thấy thấp thoáng hình dáng con bò của mình đang đứng, nhưng không tiện một mình lên đòi, bèn chờ chồng về nói cho biết là cô ta trông thấy con bò có vẻ như bị buộc trên vườn chùa. Người chồng bèn lên chùa đòi bò. Vị sư trả lời là ông không hề lấy bò, không hề buộc bò vào vườn nhà chùa, nhưng có lẽ vì buổi trưa ông giặt y vàng hoại sắc, phơi trên hàng rào, nhìn xa trông giống màu da bò nên vợ anh này tưởng lầm chăng. Anh hàng xóm không chịu, đem việc lên cáo quan.
Quan phủ cho mời vị sư lên, hỏi:
- Thầy có lấy bò của người này chăng? Vị sư trả
lời:
- Thưa không.
Quan hỏi:
- Thế thì Thầy bị oan à?
Sư trả lời:
- Không oan.
Quan hỏi:
- Không oan thì Thầy có lấy trộm bò à? Sư trả lời:
- Tôi không lấy trộm bò. Quan hỏi:
- Không lấy trộm bò, vậy là Thầy oan chứ gì? Sư
lại trả lời:
- Không oan.
Ông quan giận lắm bèn ra lệnh tống giam vị sư
vào nhà tù.
Vị sư già có một đệ tử, nghe tin Thầy bị ở tù,
bèn tới thăm hỏi:
- Thầy ơi, con tin chắc là Thầy oan, sao Thầy
không minh oan để đến nỗi bị tù thế này?
Vị sư nói:
- Không oan.
Người đệ tử ngớ người ra hỏi:
- Không oan thì Thầy ăn cắp bò à?
Vị sư trả lời:
- Ta không ăn cắp bò.
Vị đệ tử vò đầu:
- Thầy nói thế thì con không sao hiểu nổi..
Chừng đó vị sư mới từ tốn:
- Con ơi! Cái mà ta đang nhận chỉ là quả báo
thôi. Ta trì giới hạnh tinh nghiêm như thế mà bị nỗi oan này thì hẳn là trong
thời quá khứ ta đã từng ăn trộm, nay phải trả quả báo đây mà. Nhân đã gây thì
phải lãnh quả, để đền cái tội mình đã phạm, dù là trong quá khứ lâu xa....
Thế mới biết, khi được hỏi rằng: "Người đại tu hành có rơi vào Nhân Quả chăng?" Ngài Bá Trượng trả lời: “Người đại tu hành không lầm Nhân Quả" (Bất muội nhân quả).Bởi vậy, muốn thoát khỏi mọi khổ ải do quả báo từ những nhân xấu ác mình đã tạo từ vô lượng kiếp thì chỉ có một cách là nên nhẫn nhục chịu đựng những nghịch cảnh oan trái, và phải tu hành tinh tấn, tịnh hóa nghiệp chướng mới mong ra khỏi được vòng luân hồi sinh tử, rốt ráo giải thoát.
Tâm Như
(Nguồn: phatgiao.org.vn)
Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm