Bài sưu tầm của Trương Mỹ-Vân (ĐK67) .
.
(Hình:Internet)
.
Thiền và Tịnh Độ
.
Ngày nay trong Phật giáo còn lại ba tông phái chính là Thiền
tông, Mật tông và Tịnh Độ tông. Riêng ở Việt Nam thì chỉ có Thiền Tông và Tịnh
Độ tông là thịnh hành hơn cả. Đại khái thì Thiền chủ trương tự lực, Tịnh Độ
nương vào tha lực của Phật A Di Đà. Mới xem qua dường như hai pháp môn này
chống trái nhau, nhưng xét cho kỹ Thiền là trở về với bổn tánh thanh tịnh, đó
không phải là tịnh sao? Còn Niệm Phật mà không có chánh niệm thì Tín, Hạnh,
Nguyện không tròn làm sao vãng sanh, mà chánh niệm há chẳng phải là
Thiền?.
Người ta thường có
khuynh hướng cho rằng Thiền cao hơn Tịnh Độ. Thật ra vấn đề không phải ở cao
thấp mà ở chỗ bịnh nào thuốc nấy mà thôi.
.
.
Đức Phật xưa kia đã
tận tụy suốt 45 năm nói Pháp, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, tùy căn cơ
của chúng sanh mà chỉ bệnh cho thuốc. Ngài không quảng cáo một pháp môn nào cả,
không đề cao Tịnh Độ hạ thấp Thiền, không bảo Thiền hơn Tịnh Độ. Sự phân biệt
cao thấp, Đại, Tiểu là do người sau này, căn cơ không được như đức Phật, không
có nhất thiết chủng trí, không biết nhiều pháp môn, chuyên tu pháp môn nào thì
chỉ đề xướng pháp môn đó thôi.
Người thích tu Thiền không nên tưởng mình là thượng căn,
người tu Tịnh Độ không nên có mặc cảm là hạ căn. Người tu khi lựa chọn pháp môn
phải dùng trí huệ sáng suốt, biết bệnh của mình hợp với phương thuốc nào.
Thượng căn hay hạ trí thực ra không có nghĩa gì cả, đó chỉ là những khái niệm
đối đãi nhị biên do chúng ta phân biệt đặt ra mà thôi. Một ông bác sĩ giỏi chữa
hết bệnh đau mắt, không thể nói với một người đau tim rằng: "Thuốc của tôi
hay lắm, vì đã chữa khỏi nhiều người, ông nên uống vào sẽ hết bệnh". Cũng
vậy, ta không thể nói Kinh nào hay Pháp môn nào hay hơn cả.
Tịnh Độ có thể được
xem là một phần của Mật Tông. Theo Mật Tông hay đúng hơn là Mật thừa
(Mantrayanà) còn gọi tên khác là Kim Cang thừa (Vajra-yanà), mỗi một vị Phật
hay Bồ Tát đều có một câu thần chú tượng trưng cho bản nguyện của vị đó. Đức
Phật Thích Ca có câu thần chú "Om muni muni maha muni svahà", Phật A
Di Đà có "Om Amitabhà Hrih", Quan Thế Âm Bồ Tát có "Om mani
padmè hùm ", v.v... Phật A Di Đà ở phương Tây là một trong năm vị Dhyàni
Buddha, và cõi Cực lạc của Ngài là một trong muôn ngàn cõi tịnh độ trong pháp
giới.
Nhân tiện đây xin
nhắc nhở những ai tu Mật tông theo truyền thống Tây Tạng tức quán tưởng các
hình tướng (déités, Yidams, Dakinis...) hoặc mandala, cần phải có bậc thầy
truyền cho trực tiếp lễ quán đảnh (Initiation, dbang). Nếu chỉ tu theo sách vở,
hoặc học lóm tu luyện với tâm mong cầu sở đắc này nọ thì sẽ dễ lạc đường đi vào
tà đạo lúc nào không hay.
Tịnh Độ thuộc Đại
thừa, hành giả tu niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc, chứng được quả vị Bất thối
chuyển rồi từ đó dần dần tiến đến quả vị Phật là cứu cánh. Tuy nhiên trên
phương diện thực hành và truyền bá thì Tịnh Độ nhấn mạnh về việc vãng sanh Cực
Lạc và quên đi mục đích chính của đạo Phật là tu tâm sửa tánh, giải trừ phiền
não ngay trong kiếp sống hiện tại.
Người tu theo Tịnh
Độ thường cho mục đích chính của sự niệm Phật là cầu sanh Cực Lạc, không nghĩ
đến chuyện thành Phật để cứu độ chúng sinh. Niệm Phật là để cầu thành Phật và
muốn thành Phật thì phải học làm Phật, đến khi xả bỏ báo thân này thì sẽ về Cực
Lạc để tiếp tục con đường thành Phật. Vì thế người tu Tịnh Độ vẫn cần phải học
tất cả pháp môn, trau dồi Giới, Định, Huệ ngay khi còn ở Ta Bà này.
Tu Tịnh Độ muốn
được vãng sanh cần phải có đầy đủ Tín, Hạnh, Nguyện. Tín là lòng tin chắc chắn
có đức Phật A Di Đà ở Cực Lạc Phương Tây, và những ai chí tâm niệm danh hiệu
Ngài thì sẽ được vãng sanh. Hạnh là một khi tin chắc rồi thì hành giả phải gia
công ngày đêm niệm Phật không gián đoạn, tâm tâm niệm niệm luôn nhớ đến Phật A
Di Đà. Nguyện là hành giả đem hồi hướng tất cả công đức tu hành niệm Phật
nguyện sanh Cực Lạc.
Đại khái pháp môn
tu Tịnh Độ là như vậy. Vì có rất nhiều sách giảng về Tịnh Độ, độc giả có thể
tìm nghiên cứu thêm, ở đây chỉ nhằm mục đích dung hòa hai lối tu giữa Thiền và
Tịnh.
Tu Tịnh Độ nếu
không hiểu lý thì Tín sẽ biến thành ỷ lại, không chánh niệm thì Hạnh không
tròn. Không hiểu lý, không chánh niệm thì sẽ bê trễ lơ là, do đó Nguyện sẽ
không thành. Vì thế những người trẻ khi tu theo Tịnh Độ cần phải trau dồi, học
hỏi để thông hiểu lý, phải tập thiền định để không cho phiền não chi phối, và
phải phát nguyện cứu khổ chúng sinh, lập đi lập lại những lời nguyện ấy.
Giáo lý nhà Phật
gồm có Chân Không và Diệu Hữu. Thiền tông dựa trên Không, còn Tịnh Độ nương vào
Hữu.
Tu Thiền mà bác
Tịnh Độ cho rằng không có thế giới Cực Lạc ở phương tây thì đó là chưa hiểu tự
tánh (vốn chơn không mà diệu hữu). Tu Tịnh Độ mà bỏ Thiền, thì chưa hiểu tự Tâm
(vốn diệu hữu nhưng không lìa chơn không).
Thiền và Tịnh đều
là những pháp môn của Phật để lại, tùy căn cơ mà chúng ta lựa chọn cho
thích hợp.
Người tu Thiền có
thể hồi hướng công phu cầu sanh Tịnh Độ, nếu chưa hoàn toàn tự chủ và sợ căn cơ
còn yếu.
Người tu Tịnh Độ
nên tập học giữ chánh niệm làm chủ tâm ý để đạt được an lạc ngay trong cuộc
sống hiện tại và sau khi chết thì về Cực Lạc.
Ta có thể tu tập cả
hai gọi là Thiền Tịnh song tu. Là hành giả Đại Thừa theo Bồ Tát Hạnh, ta cần
thực hành Lục Ba La Mật : bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và
trí huệ. Tu Tịnh Độ cũng cần thiền định để cho tâm an trụ không bị phiền não
sai sử, nhờ vậy niệm Phật mới dễ nhất tâm, và khi lâm chung không sợ tán loạn.
Tu Thiền thời nay không phải để giác ngộ mà cốt làm chủ tâm ý, thanh lọc thân
tâm, sống an vui hạnh phúc, và sau khi chết cầu về Cực Lạc để được gần Phật
nghe Pháp, được như thế có lợi hơn không ?
Dù theo Thiền hay
Tịnh Độ, người tu cần phải xa lánh thế tục, cố gắng tìm nơi rừng núi, thôn quê,
trau dồi đạo hạnh, tích tụ công đức, bớt dính mắc vào chuyện thế gian, không để
cho cuộc đời lôi cuốn. Xưa kia các Thiền Sư, sau khi ngộ đạo, đều tìm nơi ở ẩn
tu luyện cho đến khi hoàn toàn làm chủ được tâm ý mới ra độ đời. Chư Tổ Tịnh Độ
như Ngài Huệ Viễn, Thiện Đạo, Vĩnh Minh, không những xiển dương dạy chúng niệm
Phật, mà chính mình cũng nhập thất niệm Phật làm gương.
.
(Nguồn: “Thiền Tứ Niệm
Xứ” của TT Thích Trí Siêu, www.quangduc.com)
.
Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm
.
Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm