Trương Mỹ-Vân
(ĐK 67):
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao ở đời có kẻ
giàu người nghèo, kẻ sống thọ người mệnh yểu, kẻ xinh đẹp người kém sắc, kẻ
thông minh người thiếu trí v.v...? Xin mời bạn xem lời Đức Phật giải thích câu
hỏi này trong “Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt” sau đây.
.
(Nguồn: Internet)
CÁC LOẠI NGHIỆP
.
Thời Đức Phật còn tại thế, một hôm có chàng thanh niên tên Subha
Todeyyaputta đến trình hỏi Đức Thế Tôn về bảy NHÂN và QUẢ của bảy vấn
đề như sau:
1.Có người đoản thọ, có người trường thọ.
2.Có người nhiều bệnh, có người ít bệnh.
3.Có người xấu sắc, có người đẹp sắc.
4.Có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn.
5.Có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn.
6.Có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia
đình cao quý.
7.Có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ.
.
“Các loài hữu tình
là chủ nhân của NGHIỆP, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng,
nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các
loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.”
Đức Phật giải thích rộng:
.
.
1. Đoản thọ và trường thọ:
Những người có tánh hay sát sanh, tàn nhẫn, tâm không từ bi
đối với các loài chúng sanh, nếu sau khi thân hoại mạng chung,
người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu
được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải
đoản mạn (vắn số, chết yểu).
Ngược lại, những người có
từ tâm, biết thương yêu, nuôi nấng, cho thức ăn, hỗ trợ mạng sống của chúng
sanh, nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào
thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người,
chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ.
.
.
2. Nhiều bệnh và ít bệnh
Có người tánh hay làm hại, đánh đập các loài chúng sanh hữu tình
(thí dụ những người cai ngục hay đánh đập tù nhân và hành hạ người nô lệ, hoặc
tàn ác đánh đập súc vật), sau khi chết, nếu được đầu thai vào cõi Người, do
nghiệp ấy người ấy sẽ bị nhiều bệnh hoạn.
Ngược lại, nếu biết thương xót chúng sanh, đối đãi nhân hậu với tất cả
người và thú, khi tái sanh sẽ được khỏe mạnh, ít bệnh tật.
.
.
3. Xấu xí và đẹp đẽ
Có người hay phẫn nộ, thường phật ý, bị nói đến một chút thì
bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và bày tỏ sự phẫn nộ, sân
hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, sau khi tái sanh, nếu được làm người, người ấy
sẽ xấu xí.
Ngược lại nếu nhẫn nại, không sân hận, hòa ái với mọi người, khi tái sanh
sẽ được đẹp đẽ.
.
.
4. Quyền thế nhỏ và quyền thế lớn
Có người có tật đố kỵ, đối với người khác được quyền lợi,
được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, người này
sanh tật đố kỵ, (tức là tâm ganh tỵ) và ôm ấp tâm đố kỵ đó. Do nghiệp
ấy, lúc tái sanh sẽ có quyền thế nhỏ.
Ngược lại, nếu có tâm hoan hỷ, vui mừng trước sự thành công, may mắn,
hoặc giàu sang của người khác, khi tái sanh sẽ có quyền thế lớn.
.
.
5. Nghèo khó và giàu có
Có người tánh keo kiệt, bủn xỉn, không biết cúng dường Tam Bảo, không
bố thí, làm việc từ thiện, giúp đỡ người đói kém, do nghiệp ấy, lúc tái sanh
sẽ có tài sản nhỏ. Còn nếu gian tham trộm cắp, hoặc giữ của người khác nhờ
đưa giùm mà không giao lại, sẽ tái sanh vào trong gia đình nghèo khổ, túng
quẫn.
Ngược lại, nếu hào phóng, rộng rãi, biết bố thí, cúng dường, tánh chân
thật, khi tái sanh sẽ giàu có.
.
.
6. Hèn mọn và cao sang
Có người ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng
đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời
ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những
người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng
tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng
dường những bậc đáng cúng dường, do nghiệp ấy, nếu tái sanh làm người, người
ấy sẽ sanh vào gia đình hèn mọn.
Ngược lại nếu biết phép lễ độ, cung kính, sẽ được tái sanh vào gia đình
cao sang.
.
.
7. Trí tuệ (thông minh) và liệt tuệ (ngu đần)
Có người ít suy nghĩ đến những điều phải trái, những giá trị đạo đức,
những chân lý của cuộc đời; thí dụ sau khi đi đến gặp vị sa-môn, người ấy
không hỏi: "Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất
thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực
hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Tôi phải làm gì để được
lợi ích và tránh khỏi sự đau khổ lâu dài? Hay tôi phải làm gì để
được lợi ích và an lạc lâu dài? Do nghiệp vô minh ấy mà khi tái sanh
người ấy sẽ có trí tuệ yếu kém (ngu đần).
Ngược lại, nếu người ấy biết tìm tòi học hỏi những điều về chân lý, để
giảm thiểu sự đau khổ và đạt được sự bình an của tâm lẫn thân, lúc tái sanh
người ấy sẽ có trí tuệ, thông minh.
.
Sau khi nghe pháp xong, chàng thanh niên tên Subha Todeyyaputta
hoan hỷ tán thán và xin quy y đức Thế Tôn.
.
Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm và tóm lược từ “Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt”.
.
.