Friday, October 27, 2017

Chuyến Tàu Định Mệnh

Truyện ngắn của Tôn Nữ Áo Tím (ĐK 70)
.
(Hình: Internet)
.
Chuyến Tàu Định Mệnh
Tác giả: Tôn Nữ Áo Tím
.
Tiếng còi xe inh ỏi, hòa lẫn với tiếng réo gọi nhau ơi ới...  làm cho không khí của bến xe miền Đông buổi sáng trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Lẫn lộn trong dòng hành khách, người đi buôn, kẻ đi công tác... Hương ngơ ngác giữa phòng vé. Nàng cố mua cho được một tấm vé đi ngay. Cầm tờ điện tín khẩn trong tay, mang thêm một túi hành lý nhỏ, gọn, Hương cố chen vào quầy vé, nhưng hễ chen được đến gần cửa thì nàng lai bị gạt ra...  Cứ thế mấy lần, mồ hôi bắt đầu rít rát ở trán. Hương vẫn yên lặng và kiên nhẫn chờ đợi. Nàng nghĩ  "thế nào cũng phải tới phiên mình"..
.
 Một người đàn ông đứng trước mặt Hương từ lâu bỗng nhiên quay lại nhìn thẳng vào Hương. Có lẻ ông thấy Hương đứng chờ đợi đã lâu, không một lời phàn nàn, kêu ca như mọi người chung quanh, cũng không có dáng vẻ của một con buôn... Ông hỏi:
“Cô lấy vé đi đâu?”
Thấy người đàn ông này có vẻ tử tế, đàng hoàng, Hương mỉm cười, chìa tờ điện tín khẩn ra, cố tình cho người đàn ông thấy, nàng lễ phép trả lời:
"Dạ, đi Huế.”
.
.
Ông chăm chú nhìn vào hàng chữ "Mẹ hấp hối, con về ngay". Sau đó, ông lấy tấm giấy từ tay Hương, đưa cao lên rồi nói lớn:
"Có điện tín khẩn cấp đây, xin cho một vé ra Huế ngay”.
Vừa nói, ông ta kéo Hương, rẻ đám người đang chờ đợi vào sát quầy bán vé. Hương không hề biết về nội qui dành riêng cho những trường hợp khẩn cấp như nhà có tang chế hoặc bệnh tật… thì luôn luôn được hưởng quyền ưu tiên "một". Thế là nàng yên tâm với tấm vé trong tay, và không quên cám ơn người đàn ông tốt bụng.
***
          Chuyến xe đò đưa Hương trở lại thành phố Huế vào buổi sáng còn mờ sương. Sự nôn nóng gặp lại Mẹ làm cho Hương quên hết mệt mỏi. Xuống xe, nàng đứng một lát, hít thở thật sâu không khí trong lành buổi sáng, và cũng để cho gân cốt thư giãn sau những tiếng đồng hồ ngồi bất động. Hương đảo mắt nhìn quanh một vòng, nàng bỗng nghe một người từ khuất sau lưng hỏi:
“Cô có ai tới đón không?”
Hương quay lại, hơi ngạc nhiên khi gặp lại người đàn ông đã giúp nàng lấy chiếc vé tốc hành từ bến xe Sài Gòn. Nàng thầm nghĩ: “Ủa, ông này cũng đi Huế sao!” và cúi đầu chào :
“Dạ, không. Chờ xích lô chở về”.
“Nhà cô ở mô?”. Người đàn ông hỏi, giọng Huế rặc.
Hương đưa mắt nhìn người đàn ông lạ. Nàng nghĩ “Cái ông ni coi bộ đa sự quá”. Hương chỉ tay về hướng cầu Gia Hội:
“Dạ, qua khỏi cầu, đi một chút là tới”.
Vừa nói, Hương vừa đưa tay ngoắc một chiếc xích lô đang trờ tới:
“Về gần bến đò Cồn Bác lấy mấy?”
Không cần nghe bác xích lô trả lời, người đàn ông nhanh nhảu:
“Mười đồng được rồi, chở cô về đi. Người ta lâu lắm mới trở lại đây đó.”
Bác xích lô chừng như rất quen biết với người đàn ông ấy. Bác nhảy xuống lấy tay phủi phủi cái nệm lót:
“Được rồi, cô lên xe đi.”
Hương lên xe, ngồi tựa thẳng lưng ra sau. Nàng ngơ ngác nhìn phố xá hai bên đường. Sáng sớm, đường sá vẫn còn vắng vẻ, thoáng chút tò mò về người đàn ông, Hương bắt chuyện:
“Bác quen ông đó à?”
Bác xích lô thân thiện:
“Đó là chú Hưng, học tập cải tạo về, đi buôn chuyến”.
Hèn gì ông ta tỏ ra quen biết nhiều người từ bến xe Sài Gòn ra tới Huế. Nàng đưa mắt nhìn hai bên đường, nhà cửa vẫn không thay đổi gì, có vẻ hư hao nhiều vì không được sửa sang, tu bổ… Đời sống người dân nghèo đi nhiều kể từ sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Sáu năm trôi qua, sáu năm Hương rời xa thành phố, theo cơn gió thời cuộc đẩy đưa nàng trôi vào tận Sài Gòn Ngày qua ngày, cuộc sống với nàng là một sự đuổi bắt. Hương mỏi mòn đuổi theo cái lý tưởng tự do ở một nơi nào xa xôi mờ mịt. Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha cho nàng…

Xe ngừng lại, Hương trả tiền, bác xích lô nài nỉ xin thêm. Nàng đưa thêm năm đồng nữa. Nét mừng rỡ lộ rõ trên gương mặt già nua của bác. Hương cám ơn rồi bước vội vào nhà.
Không gian như trùng xuống, nàng được đón tiếp không bằng những nụ cười mừng vui của những tháng ngày xa cách, mà bằng những ánh mắt ngơ ngác, âu lo, muộn phiền…
 “Dạ, thưa Ba, Mạ răng rồi?”. Nàng hỏi thay cho lời chào.
Ba Nàng im lặng:
“Bác sĩ lắc đầu, Ba mới đưa Mạ con về tối hôm qua”.
Hương theo Ba vào buồng của Mẹ. Nàng yên lặng đứng nhìn Mẹ nằm thiêm thiếp, hơi thở yếu ớt, khó nhọc. Buồn! Nỗi buồn quá lớn trỉu nặng tâm tư nàng. Hương không khóc được vì chẳng còn nước mắt để khóc! Nỗi đau tận cùng đã làm đầu óc nàng đóng băng tê cứng. Bỗng dưng một cảm giác căm thù ùa vỡ… Nàng căm thù xã hội, nàng oán ghét chế độ… Tất cả như một cơn sóng dữ ập tới, cuốn phăng đi hạnh phúc của biết bao gia đình. Trước mắt, cơn sóng dữ đang từ từ cuốn đi người Mẹ thân yêu của nàng. Mẹ đọa bịnh vì những chuỗi ngày khốn khổ lặn lội lo cho anh em nàng. Hương sững sờ nhìn Mẹ. Nàng cố gắng nghe Mẹ thều thào qua hơi thở:
“Con tới rồi à? Còn anh, chị con có về cùng không?”
Hương buộc lòng phải dối Mẹ:
“Dạ, bận việc, sẽ về sau Mạ ơi”.
Thật sự, họ đang trên đường đào thoát ở Bà Rịa Vũng Tàu.
“Còn thằng Khoa được thả chưa?”
Hương xót xa đến nghẹn ngào, cho đến giờ phút này con cái vẫn là điều lo lắng của Mẹ. Anh Khoa, kế nàng, đã bị bắt trong chuyến vượt biên không thành, đang bị cầm tù ở Chương Thiện. Hương bỗng nhiên mềm rủ người, nàng quỵ xuống và ôm chầm lấy mẹ:
“Mạ ơi! Con cái, đứa mô cũng lớn hết rồi, mẹ lo làm chi cho mệt”.
Và rồi trong chốc lát, Hương thấy một giòng nước đang rỉ xuống từ khóe mắt Mẹ... Đó cũng là những giọt nước mắt cuối cùng mẹ nàng để lại trên thế gian này, và đó cũng là những giọt nước mắt chia ly trong ngày Hương trở lại. Mẹ nàng ra đi mang theo nỗi phiền muộn vì con cái mỗi đứa một nơi. Đứa đi tù vì vượt biên, đứa thì nổi trôi ở đâu không tin tức… Sự ra đi của Mẹ phải chăng là một giải thoát? Mẹ nhắm mắt buông tay, không còn phải chứng kiến những cay đắng giữa đời thường. Không phải xót xa theo từng bữa cơm độn bo bo với khoai sắn, không phải nhìn thấy những cảnh đời oan trái của các gia đình có chồng đi cải tạo, vợ bỏ chồng, mẹ bỏ con… Những quyền quý cao sang, trong phút chốc, bỗng trở nên bần cùng đến tội nghiệp!
Mẹ ra đi, Hương nghe tâm tư mình gần gũi với một người bạn qua khái niệm về sự hợp tan của cuộc đời: “Cái gì rồi cũng đến, đến rồi sẽ đi, đi rồi lại mất … Như là có là không, như hạt sương trên lá, như giọt nắng long lanh, mong manh làn mây khói, đời hợp tan kiếp người” (*)
Tiễn đưa Mẹ vào một ngày mùa đông, người thân, bà con thì ít mà bạn bè thì nhiều. Trong khu phố, ba Hương rất được mọi người quý trọng. Ông thừa hưởng sự thông minh giỏi giắn của ông Nội nàng, cụ Nghè Phiên. Ba nàng vẫn rất tự hào về cái bằng Phó Bảng của Nội trong kì thi Đình 1901 ngày xưa, đã mang lại tiếng thơm không ít cho dòng họ. Các Cậu và Dì ai ai cũng kính trọng anh rể và xem ba Hương như một người anh cả gương mẫu. Cậu Khải, một bác sĩ được trở về sau mấy năm học tập, đã rất chăm chút, lo lắng cho sức khỏe của ba nàng. Cậu thuê hẳn một chiếc xích lô cho Ba ngồi theo xe tang. Người đàn ông tên Hưng ấy đã tự nguyện đẩy xe giúp. Hương âm thầm bước theo bên cạnh chiếc xích lô. Bỗng nhiên nàng nghe ông ta hỏi:
“Anh Nhân không về à?”
Hương giật mình, trố mắt ngạc nhiên:
“Ủa, răng mà ông biết anh Nhân?”
Người đàn ông nở nụ cười thân thiện:
“Anh là Trung, Trung “cột đèn” đây mà, không nhận ra anh à?”
Hương lặng người trong chốc lát. Quả đúng vậy, nếu ông ta không nói thì Hương không làm sao nhìn ra đó là Anh Trung. Hồi còn học ở trường Quốc Học, anh Trung này chơi rất thân với Nhân, anh của nàng. Họ thường cùng nhau ôn thi tú tài dưới cột đèn. Họ cũng thường chia nhau một tô hủ tiếu gõ lúc nửa đêm… Cả một khung cửa màu xanh mở toang trong kí ức nàng. Thế nhưng Hương phải khép chặt lại ngay, nàng cố xua đi mọi hình ảnh của hạnh phúc, yêu thương mà ngày xưa anh em nàng đã tận hưởng. Hương lẳng lặng tìm cách đi chỗ khác. Nàng không muốn nghe ai hỏi han gì về sự vắng mặt của mấy anh chị em nhà nàng. Ít nhất là trong lúc này. Người ta bàn tán, xì xầm…  “Chết mà con cái không được đầy đủ, tội quá”. Nàng không buồn giải thích, cũng không muốn để trong lòng vì sự vắng mặt đó có một lý do thật tế nhị, buộc phải giữ kín. Họ đang tìm đường đào thoát, họ nhắm mắt, nín hơi giao phó cả sinh mạng của họ cho biển trời mây nước… Cần gì đến sự sống chết của người ở lại. Cũng từ đó, gia đình Hương được sự quan tâm đặc biệt của quan chức chính quyền Huế. Nhà có người vượt biên là phản quốc, là phải đi kinh tế mới…

Sau tang lễ, Cậu của Hương đưa cả nhà vào Sài Gòn nghỉ ngơi một thời gian cho khuây khỏa. Hương trở lại với công việc làm bình thường, chỉ khác là mỗi ngày, nàng phải lo cơm nước cho cả nhà. Anh Trung “cột đèn” cũng thường xuyên có mặt giúp đỡ gia đình Hương trong buổi đầu lạ lẫm ở Sài Gòn. Ba Hương thấy anh Trung thì luôn luôn nhắc về chuyện cũ, về anh trai nàng. Một lần, vô tình, Hương nghe người ta gọi anh Trung là Hưng, và nàng nhớ lại bác xích lô đón nàng ở bến xe Huế cũng đã cho Hương biết “đó là chú Hưng, học tập cải tạo về, đi buôn chuyến”. Thế có nghĩa ngoài tên Trung, anh ấy còn có một tên nữa là Hưng.
“Một người có hai tên, chẳng có gì lạ”. Nàng nghĩ như thế.
Mẹ mất đi, anh chị lớn trong nhà cũng đều ra đi. Hương trở thành trụ cột chính. Nàng lo lắng, ôm đồm mọi việc…  Sau hơn hai tuần lễ, sự vất vả của Hương đã được bù đắp khi có tin các anh, chị nàng đã đến nơi an toàn. Ba là người vui nhất, Hương thấy Ba khỏe hẳn ra, tươi tỉnh và linh hoạt hơn bao giờ. Niềm hạnh phúc như pháo râm rang nổ âm thầm trong tim mọi người. Sau hai tuần nghỉ dưỡng, Ba đưa mấy em trở về Huế cùng với hình ảnh một tương lai tươi sáng đang rộng mở trước mặt. Anh chị nàng sẽ là nguồn lực chính cho mọi sinh hoạt trong gia đình, mở ra những con đường sáng cho các em.

          Hương còn lại với căn nhà trống vắng từ khi anh chị nàng ra đi. Anh Trung trở nên thân thiện lúc nào không hay. Anh xem Hương như một người em gái:
“Hương vô Sài Gòn từ lúc nào?”
Hương cười lắc đầu :
“Không nhớ anh ơi! Cực quá làm cho đầu óc lười nhìn về quá khứ. Chỉ biết lo cho hiện tại và đối phó với ngày mai”.
Hương bâng quơ, mường tượng lại cái ngày rời Huế. Mấy năm rồi nhỉ? Nàng quay cuồng theo cơn lốc thời thế. Cuộc sống với bề bộn công việc khiến con người nàng trở nên hối hả. Cứ mãi lo toan với sinh tồn mà Hương đánh mất đi những giây phút bình yên cho chính mình. Nàng phải đấu tranh để có được một cuộc sống tự nhiên, hòa hợp với những đồng nghiệp không cùng chí hướng. Hương thuộc lớp ngụy quyền, còn họ là những người có công với cách mạng. Nàng cố gắng sống một cách bình thản để dấu che những toan tính cuồn cuộn trong lòng. Một sự bình yên bên ngoài mà trong tâm tưởng rối bời như tơ nhện.

Một lần, ở cơ quan, Hương phản ứng với chị Duyên, một cán bộ trong bưng (*) mới về ngồi vào ghế chủ sự phòng khi ông này bị bắt đi tập trung cải tạo. Cuộc đấu khẩu giữa hai đồng nghiệp mà tư tưởng hoàn toàn đối lập nhau. Nàng nhớ mãi cái giọng nói đầy oán thù của chị:
“Có nàm (làm) không thì đưa đơn thôi việc, nói nôi (lôi) thôi quá!”
Hương nghe đau trong lòng và thầm tiếc cho miền nam đã phải đi lùi một thập niên thì mới hòa đồng nỗi với những suy nghĩ và cách sống của những người này. Khi mà những tà áo dài thướt tha nơi công sở được biến thể thành những chiếc áo bà ba. Mặc áo dài sẽ bị cho là luộm thuộm, vướng víu … cản trở tốc độ việc làm. Hương thấy rõ dã tâm vắt chanh bỏ vỏ của lớp người này. Khi họ mới tiếp nhận cơ quan, họ cần giữ nhân viên cũ, họ khai thác tất cả những gì cần thiết cho họ… Sau đó, họ tìm mánh lới để gạt bỏ những nhân viên cũ mà họ gọi là “ngụy quyền” bằng rất nhiều thủ đoạn. Thuyên chuyển từ phòng ban này qua phòng ban khác, từ quận nội thành ra quận ngoại thành… Tạo sự nản chí cho nhân viên để rồi họ tự ý bỏ việc.  Lường trước được tình huống do, Hương đã gởi đơn xin thuyên chuyển. Nàng không dại gì nghỉ việc trong lúc này. Vì Hương biết mọi dính líu công việc với chính quyền sẽ là một lợi thế giúp nàng giữ được căn nhà anh chị nàng để lại. Nếu không khôn khéo, người ta sẽ tịch thu nhà và nàng phải đi kinh tế mới.

         Một buổi chiều, sau những căng thẳng ở sở làm về, Hương nhận được một giấy triệu tập của chủ tịch ủy ban nhân dân phường. Sáng hôm sau, nàng xin cơ quan vào trể để trình diện. Sau lời chào, chị chủ tịch phường vào ngay câu chuyện:
“Chị là Nguyễn Thị Đinh Hương?“
“Đúng vậy “
“Chị đang ở nhà số 67 đường Nguyễn Kim?”
 Hương ngần ngừ gật đầu.
“Rồi làm sao? “
Chị chủ tịch phường nói một mạch, như cố áp đảo tinh thần Hương:
“Với căn hộ có diện tích như vậy, chị không được ở một mình. Tôi sẽ bố trí cho gia đình một cán bộ ở phía sau. Chị ở phía trước. Chị ký vào biên bản cam kết này đi”.
Tờ giấy cam kết được đẩy về trước mặt Hương. Nàng bình tĩnh, vì đây là điều Hương đã tiên đoán trước, khi họ không có cớ lấy nhà. Nàng nói:
“Thưa chị, tôi không ở một mình. Tôi còn có anh em và gia đình cũng đang cùng ở. Anh chị tôi đang ở ngoài quê săn sóc Má tôi bịnh nặng.
Nàng ngần ngừ một chốc rồi đánh bạo nói tiếp:
“Chồng tôi ở quê cũng sẽ vào sống với tôi”.
Chị chủ tịch hỏi tới:
“Chị đừng nói dối, nhà chị chạy trốn hết rồi. Còn chồng à? Chị lấy chồng lúc nào? Sao không báo cáo?”
Hương chậm rãi một cách dứt khoát :
“Tôi đã nói sự thật, tôi lấy chồng, cha mẹ, anh em, gia đình tôi biết là đủ rồi”.
Chị chủ tịch phường im lặng, lộ vẻ bực tức:
“Được rồi, chị về đi.”
 Hương ra về, trong lòng cố suy nghĩ để ứng phó với tình huống “làm khó” kế tiếp. Lấy đâu ra một ông chồng để làm đồng minh bây giờ, nàng nghĩ.

Một tháng trôi qua, sau những biến cố dồn dập, Hương ngã bịnh. Một mình, trong căn nhà trống trơn, vắng lặng… Hương bị nỗi lo lắng hành hạ. Bịnh thì có thuốc, nhưng sự lo lắng, buồn phiền cho thế cuộc, là một tâm bệnh, không có thuốc chữa. Hương luôn suy nghĩ  “liệu mình có thể sống được trong hoàn cảnh khốn đốn này không?” Một xã hội mà sự tước đọat trắng trợn được bao che bởi mỹ từ “tiếp quản”. Họ lấy đi mọi thứ, từ xe cộ, nhà cửa, cho đến những hãng xưởng qui mô… Nếu có phản ứng thì họ cho là tư sản mại bản, nếu ngoan ngoãn vâng lời  theo đường lối của họ thì được tôn vinh là tư sản dân tộc. Tư sản mại bản là có tội với dân, tư sản dân tộc là có công với nước. Có tội thì họ đưa đi học tập cải tạo không hẹn ngày về. Bác Khương, chủ một hãng nhôm “Cây Dừa” có tiếng tăm của Sài Gòn đã trở nên điên loạn vào cái ngày họ tiếp quản hãng nhôm của bác. Cho đến một hôm, vì uống quá say, bác ấy đã vĩnh viễn ra đi trong một tai nạn xe cộ. Hương rơi vào cảm giác lo sợ cùng cực. Phải đi thôi, càng nhanh càng tốt. Hương gào lên trong khoảng tối:
“Mẹ ơi! hãy giúp con”
Hương giật mình tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trên giường bịnh, với bình nước biển tòong teeng trên đầu giường. Anh Trung đang chăm chú nhìn, nàng cảm thấy nhức đầu:
“Ủa, anh tới hồi nào?” Nàng chậm rãi hỏi sau giấc ngủ mê dài.
“Hương đau làm sao mà mê sản dữ vậy”?
Nàng im lặng, đưa mắt nhìn lên trần nhà, cố nhớ xem những gì đã xãy đến cho mình, Hương loáng thoáng nghe bác sĩ trò chuyện:
“Chị không sao, chỉ vì làm việc quá sức. Anh đưa về nhà tịnh dưỡng vài ngày và uống thuốc là khỏe lại ngay.”
Một ý nghĩ khôi hài thoáng qua “Họ tưởng Anh Trung là chồng mình” làm Hương mỉm cười.
.
Từ  ngày Hương ở bịnh viện về, nhà không còn trống trải. Anh Trung quanh quẩn làm mọi việc cho Hương được nghỉ ngơi. Sự săn sóc của anh Trung đã làm thay đổi cách nhìn của nàng. Tình cảm anh em như dòng sông êm đềm từ bao lâu nay đang giấy lên những gợn sóng âm thầm lặng lẽ, ẩn kín một nơi  nào đó dưới dòng chảy bình lặng kia.
Một hôm, sau chuyến hàng Huế-Sài Gòn, anh Trung đã trở lại cùng với chị Huyền, là người chị cả trong nhà. Hương vốn hiếu khách, nàng vui vẻ và ân cần mời chị Huyền ở lại. Mặc dù chưa bao giờ gặp chị, nhưng cảm giác thân tình đã được hình thành từ lòng tốt của anh Trung đối với gia đình nàng.
Buổi tối, trước hôm chị Huyền rời Sài Gòn, hai người đã ngồi lại nói chuyện thật khuya về anh Trung. Một hoàn cảnh éo le được phơi bày, một số phận khắt nghiệt đã đóng dấu vào cuộc đời của anh:
“Ngoài tên Trung ra, anh ấy còn có tên Hưng nữa phải không chị?”. Hương hỏi rất thật thà.
Chị Huyền mỉm cười, lắc đầu:
“Đâu có, Hưng là tên của đứa em con ông chú ở dưới làng”.  
Hương ngạc nhiên, tròn mắt nhìn, nghe chị Huyền nói tiếp:
“Nó đi cải tạo mà bỏ trốn, phải lấy giấy tờ của người khác sống lây lất như rứa đó”.
Hương mường tượng đến bộ phim “Người Tù Khổ Sai” mà nàng đã được xem từ rất lâu, nàng sôi nỗi:
“U chào, rứa chừ anh cứ đi nhởn nhơ như vậy mà không sợ à?”
“ Thì phải chịu rứa thôi, lâu lâu, nó tạt qua nhà…”
Hương hỏi dồn:
“Rứa thì anh ở đâu?”
Chi Huyền nhỏ tiếng:
“Nó tội lắm! Ở lung tung trên xe đò, xe lửa, và khắp mọi nơi trên nửa đất nước hình chữ S này. Không nơi nào mà nó không đặt chân đến”
Hương yên lặng, nàng nghĩ Anh Trung đang sống một cuộc sống ngoài vòng pháp luật. Anh không giết người, không cướp của. Anh chỉ vượt thoát ra khỏi cảnh tù đày tăm tối của cộng sản để tìm đến với ánh sáng tự do.
Chị Huyền nói tiếp:
“ Theo chị biết, em bây giờ là một viên chức nhà nước, được tổ chức công đoàn quận, và thành phố bảo vệ, em có thể giúp đem lại cho nó một cuộc sống hợp pháp với xã hội.”
Hương đủ thông minh để hiểu những gì chị Huyền muốn nói. Nàng nghĩ  “giúp đem lại một cuộc sống hợp pháp chỉ bằng một cách là Hương phải kết hôn với anh Trung” Nàng nói:
“Chị ơi! Vậy thì việc Anh ấy đã hiện hữu bao lâu nay với một cái tên khác sẽ là một tội phạm đó, chị biết không?”
Chị Huyền phân bày mọi lẻ:
“ Biết vậy, vì là tội phạm nên mới cần sự chở che. Em thấy đó, nó là người hiền lành tử tế. Đang học Luật rồi bị động viên. Hai bác nhà em và nhà chị cũng biết nhau hết. Em giúp nó tạm thời trong lúc này, rồi tìm đường vượt biên. Chị sẽ lo tất cả. Em làm phước đi, mở cho nó một con đường sống“.
Đúng, hai gia đình nàng và thầy Trợ rất thân thiết với nhau. Họ biết nhau trong từng gốc nhãn, từng bụi tre. Họ thân nhau trong từng buổi trưa hè nắng cháy, trần trụi vẫy vùng dưới dòng nước sông Hương trong mát…
Chị Huyền vẫn nói, và Hương cứ nghe, chị cố năn nỉ dỗ dành… Nàng nhìn lại mình, một nạn nhân của chế độ. Hương không hề có ý nghĩ lấy chồng. Thế nhưng bây giờ Hương đang phải đối diện với một sự chọn lựa, hoặc một cái ngoảnh mặt làm ngơ, hoặc mở rộng vòng tay cứu vớt cho một con người đã không còn đất sống. Phải, Anh Trung đã không còn một lối thoát nào nữa, ngoài việc tìm đường trốn chạy. 


Thế là họ đến với nhau. Khởi đầu bằng sự cảm thông  rất thầm lặng. Hai tâm hồn họ cùng nhìn về một điểm sáng ở cuối con đường hầm đen tối. Họ sống bằng hy vọng của từng giây phút chờ đợi, ngóng trông… Họ thở bằng niềm tin ở một ngày mai tươi sáng… Cả hai đang chờ đợi một tín hiệu cho cuộc đổi đời ở một nơi nào đó bên ngoài cái xứ sở này. Anh Trung đã cảm thấy yên tâm với cuộc sống không vướng bận lo âu, tránh né…

          Sáu tháng trôi qua, buổi sáng khi trời vừa hừng đông, một thanh niên trẻ đến gặp Hương. Người này là trung gian trong chuyến vượt biên thành công của anh chị nàng. Hương chưa kịp mời khách thì người thanh niên kéo ghế ngồi và nói rất nhanh:
“Chị Hương, sáng mai, trước 6 giờ, người ta sẽ chờ chị ở bến xe miền tây. Đứng ngay quầy vé số 4, sẽ có người tới hỏi chị đi đâu, chị nói đi Bà Rịa, người ta sẽ nói Bà Rịa hết chỗ, đi Vũng Tàu thì còn. Rồi chị sẽ theo họ. Chị nhớ là trước 6 giờ nghe. Thôi em đi.”                                             
Hương tiễn khách. Nàng bâng khuâng suốt cả ngày cho đến tối, khi anh Trung về, nàng tin cho anh ấy biết:                                                                                      
“Anh chuẩn bị những thứ cần thiết, ngày mai đi sớm.”
 Anh Trung nhìn Hương, không lộ vẻ vui mừng hay lo lắng. Anh hiểu rằng việc trốn chạy là điều tất nhiên, và đây là lần thứ ba, anh hy vọng sự may mắn sẽ đến. Lần thứ nhất ở Thuận An, Huế, rồi Phan Thiết là lần thứ hai, anh mất khá nhiều tiền, nhưng lòng khao khát đi tìm tự do nơi anh quá lớn cho nên sự mất mát kia trở thành nhỏ bé, không đáng kể:                                      
“Thế mai Hương có phải theo anh?”  Hương bật cười:
“Không theo thì ai họ biết Anh là người nào?”
Nàng không đắn đo suy tính khi làm người ở lại. Cho dù hiện tại Hương đã quá mệt mỏi vì cuộc sống đầy bon chen này, nhưng trái tim nàng là một biển trời bao dung, độ lượng. Nếu Hương ra đi, anh Trung sẽ gặp phải những khốn đốn với cuộc sống chui nhủi, trốn tránh của một tên tội đồ “vượt ngục”. Nàng mỉm cười, bình thản và sẵn sàng mở rộng vòng tay vì Hương biết mình vẫn còn nhiều cơ hội. 
Anh Trung nắm chặt tay Hương:                                                                                    “Anh cám ơn Hương nhiều, việc này chị Huyền sẽ biết và sẽ sòng phẳng với Hương”.
Cho đến bây giờ, anh vẫn xem Hương như một người em gái. Họ tôn trọng lẫn nhau ngay cả trong lời ăn tiếng nói. Hương thấy anh Trung là người đáng thương vì hoàn cảnh khốn đốn. Anh Trung thì nhìn Hương bằng cái nhìn của một ân nhân. Họ đến với nhau không bằng tình yêu đôi lứa mà chỉ là một sự cần thiết, nương nhờ vào nhau để qua đi cái giai đoạn “bôn ba” tìm đường trốn chạy.
.
Vượt biên từ lúc nào, đã trở thành một cao trào, một căn bệnh lây lan rất nhanh. Đi đâu cũng nghe bàn tán xầm xì, từ trong nhà ra đến các ngỏ ngách ngoài phố, trong cơ quan ra đến chợ trời. Người thì đóng tàu để đi, người thì mua giấy tờ hộ khẩu của người Hoa để đi, người thì đi băng rừng vượt suối qua Lào, qua Căm Bốt, qua Thái Lan… Tất cả chỉ vì tự do. Vì tự do, họ đánh đổi cả mạng sống mình. Vì tự do, họ quên đi nỗi sợ hãi khi đối diện với mưa to gió lớn giữa biển trời mênh mông, giữa núi rừng thăm thẳm. Họ sẵn sàng chọn cái chết nếu cần, để được sống dưới bầu không khí trong lành bay bỗng bởi hai chữ “tự do”.    
Ăn bữa tối xong, anh Trung bắt đầu soạn những thứ cần thiết cho ngày mai đi sớm. Kéo ra giữa nhà một chiếc rương cũ, anh gọi Hương đến gần rồi tỉ mỉ lấy ra từng gói, anh nói rất từ tốn, giải bày những gì liên quan đến cuộc sống trốn tránh của anh:                                                         
“Hương biết không, đây là những thứ nuôi sống anh từ bao lâu nay. Đối với chúng ta, nó không là gì cả, nhưng với họ là rất quý.”
 Anh lấy từng gói nhỏ được bao bọc cẩn thận trong giấy báo và mở ra. Hương thấy đó là những chiếc đồng hồ cũ, những cây bút máy Paker. Ngoài ra còn có những chiếc radio nhỏ gọn cở bằng hai bàn tay.  Những món đồ cũ được anh chùi mài, đánh bóng lên trông rất mới. Anh nói:
“Ở lại, nếu có thì giờ, Hương ra chợ trời, tìm mua các thứ này về để dành. Mấy người ngoài Bắc vô đây, họ rất thích”.  Hương yên lặng, nàng nhận ra được một điều “té ra họ thiếu thốn quá, họ nghèo nàn quá vậy sao!”.
Nàng buộc miệng: “Hèn chi trong cơ quan của Hương, lâu lâu cứ nghe các cán bộ xúm nhau lại khoe “đổng” (đồng hồ) hai cửa sổ, ba cửa sổ, “đổng” không người lái…  
Anh Trung cười:  “Thì đó, họ ở trong rừng, làm gì có được những thứ đó. Cho nên họ thích mua sắm đồng hồ và anh bán rất được giá”.  
Không nghe Hương nói gì, có vẻ như nàng không đồng thanh tương ứng với công việc này, anh nói tiếp: “Ăn theo thuở, ở theo thời, lúc này mình phải như vậy. Hương thu gom những thứ này gởi về ngoài nhà, chúng ta lời được xấp mấy lần giá vốn. Anh không đùa đâu.” Anh bắt đầu xếp trở lại những món đồ đó vào rương, đóng nắp, khóa cẩn thận rồi đưa chiếc chìa khóa cho Hương. Trong đôi tay ấm áp của anh, nàng nghe anh dỗ dành:
“Hương nghe lời anh đi, nó sẽ giúp đỡ cho Hương rất nhiều trong lúc này.” 
Anh buông tay ra rồi nhìn vào mắt Hương, anh nói nhỏ: “Và khi cần thiết, Hương cứ lấy làm quà cho mấy cán bộ trong cơ quan, rất có hiệu quả.”
Hương mở to mắt nhìn anh Trung: “Anh dạy cho Hương hối lộ à?”  Rồi nàng mím môi và co vai lại như một cách trả lời là “sẽ không bao giờ có chuyện đó xãy ra.” Là một giáo viên, Hương rất ngại việc chuồi lót, xin xỏ… Cho dù trong trường có lần Hương nghe bạn bè chê “nhỏ Hương không biết giao tế”. Đúng là Hương rất vụng về trong việc lấy lòng cấp trên. Cho nên Hương bị ở vào cái thế trung gian, người “sạch và ngay” thì có nhiều người thương và người cấp trên thì họ nể nang nhưng lại không thích nàng. Cũng chính vì vậy mà Hương rất hiếm khi được đề bạt lên chức hay lên lương. Trừ khi có những tình huống đặc biệt thì nàng mới được đề bạt như một thành tích cần phải có của trường mỗi khi thành phố đưa ra phong trào thi đua trong những dịp lễ lớn.
           Nàng nhìn chiếc rương cũ và hình dung ra một gia tài mà anh Trung để lại trước lúc chia tay. Qua đó, Hương nhớ chị Ngọc, con của một vị bộ trưởng, vợ của một trung tá, ngày ấy uy nghi ngần nào! Đi ra một bước là lên xe hơi, có người hầu kẻ hạ… Vậy mà giờ đây, thỉnh thoảng Hương thấy chị chạy xuôi chạy ngược ở chợ trời. Chị buôn bán thuốc tây, khi thì ở chợ ĐaKao, khi thì ở chợ Vườn Chuối. Bon chen vậy mà chị đã cho hết bốn đứa con vượt biên ra nước ngoài. Chị còn móc nối cho rất nhiều người đào thoát, và cứ mỗi người như thế, chị có được một khoảng hoa hồng tương xứng. Nhờ vậy mà chị sống rất thoải mái để vài tháng đi thăm nuôi chồng bị giam tận ngoài Bắc. Những mẫu người như chị Ngọc, anh Trung… Trước kia họ không biết một tí gì về mánh mum, buôn bán… Vậy mà bây giờ, họ phải lăn lộn, xoay vần theo thời thế. Để rồi từ đó có những chức danh mà chợ trời ban cho họ:  “trùm thuốc tây”, “trùm đồ cỗ”, “trùm đô la”… Tất cả do cái xã hội “cộng sản” nó tạo nên như thế.                                                             
***  
Trung lẫn lộn trong đám người cùng đi chung chuyến tàu vượt biển. Họ theo người dẫn đường dưới bầu  trời tối đen như mực. Lần theo tiếng sột sọat, cả đoàn lầm lũi nối đuôi nhau. Sau hơn một tiếng đồng hồ, họ được lệnh ngồi xuống chờ. Tiếng người thanh niên nói nhỏ nhưng rất rõ ràng:
“ Mấy dì , mấy chú ngồi yên lặng, đừng nói chuyện lớn tiếng. Chờ có dấu hiệu ngoài bờ sông là con dẫn từng hai người một đi ra. Cố gắng đừng gây tiếng động nhiều.
Mọi người nhìn theo hướng tay chỉ của người thanh niên. Tất cả chỉ là một màu đen hun hút. Người thanh niên nói tiếp:
“Ngồi yên, đừng đi đâu hết, sẽ bị lạc đường đó. Còn mấy toán khác nữa, không phải chỉ có một toán này thôi đâu. Con nghĩ mấy dì, mấy chú ngồi niệm kinh sẽ vơi bớt sự hồi hộp, lo âu, ….
Trung thoáng một chút bình yên trong lòng qua cách trao đổi của người dẫn đường. Thật thà và đầy  trách nhiệm, biết thấu hiểu và chia sẻ nỗi sợ hãi với bà con.
Mọi người ngồi khá lâu. Sự chờ đợi nào cũng lê thê đáng sợ! Bên cạnh Trung, hai mẹ con đang mãi mê đọc kinh cầu nguyện, họ ngồi bó gối yên lặng.
Sự chờ đợi hình như đã đến lúc mõi mòn thì bỗng nhiên từ phía xa, Trung thấy lóe lên một điểm sáng, quơ thành hình vòng tròn rõ nét trong khoảng tối hun hút. Trong chừng một phút, Trung đếm được ba lần. Đó là tín hiệu của người chủ ghe đang chờ ngoài bờ sông. Cả đoàn lần lượt từng đôi một, đứng lên di chuyển theo người thanh niên trong thứ tự im lặng. Họ được nghe dặn dò cẩn thận:  “Bây giờ con đưa các cô chú tới ghe nhỏ theo sông ra biển, sau đó sẽ chuyển qua ghe lớn rồi đi thẳng ra khơi“                                                                                                                                 Chiếc ghe nhỏ xíu tròng trành làm cho mọi người chao đảo. Trong cái chập choạng của đêm tối, Trung ngồi bừa xuống, lưng dựa sát vào mạn ghe. Chỉ phút chốc, bà con lỗm ngỗm ngồi dính vào nhau, không biết người ngồi bên mình là ai, chỉ còn nghe thấy mùi hơi người và tiếng thở nhẹ. Trong đêm vắng, tiếng khua nước nghe rất vang, chiếc ghe lướt nhẹ theo dòng chảy. Trung mệt mỏi nhắm mắt ngủ mê trong một lát, anh nghe tiếng của người chủ ghe:                             
“Bà con ai còn ở ngoài thì làm ơn chui xuống hầm ghe hết đi, chừng một giờ nữa là yên“
Chiếc ghe vượt qua trạm gác một cách bình yên, không nghe một lời hỏi han, cũng chẳng cần phải ngừng lại một phút giây nào. Tất cả đều đã được sắp xếp ổn thõa.  
Ra đến biển, cả đoàn người được tuần tự chuyển lên ghe lớn. Trung lén nhìn vào chiếc đồng hồ dạ quang anh cột theo trên cổ, đã 11 giờ đêm. Mọi chuyện sẽ được giải quyết trong vòng bảy tiếng đồng hồ nữa thì trời sẽ sáng. Lần chuyển tiếp này, những thân phận sẽ được phó mặc cho trời và biển. Thành hay bại là do phúc đức của mỗi người, có vượt qua được những trở ngại, thử thách… để đến với bến bờ tự do hay không?      
Mùi hôi tanh xông lên nồng năc cho bà con biết đây là một chiếc ghe đánh cá. Tất cả chen nhau ngồi bừa xuống sàn ghe yên lặng. Hành lý chỉ là những chiếc túi nhỏ, gọn nhẹ dính theo bên mình. Họ lặng lẽ ngồi đâu vào đó để chuẩn bị cho một cuộc vượt thoát, tìm tự do ở bên kia bờ đại dương. Bên ngoài, trời tối đen như mực. Sự hy vọng lẫn lộn trong nỗi lo lắng bồn chồn, hai trạng thái đối nghịch nhau đang tranh đua xâu xé trong từng trái tim. Thoát được hay không? Phải chăng do một định mệnh an bài. Chú tài công cho nổ máy và chiếc ghe bắt đầu xoay hướng ra khơi, khởi đầu cho một chuyến đi mà điểm đến thật quá mịt mờ. Những số phần như những ngọn nến trước gió, chực chờ bừng sáng hay vụt tắt trong lằn tơ kẻ tóc…
***
Do bận rộn với công việc, Huơng thấy thời gian trôi rất nhanh. Ba tuần lễ, sau khi anh Trung rời Sài Gòn, Hương nhận được lá thư của chị Huyền từ Huế, chị muốn biết tin tức của Anh Trung. Hương đọc thư với một cảm giác rất bình thường, nàng không thấu hiểu được sự nôn nóng của chị Huyền là thế nào. Đối với Trung, nàng chưa cảm nhận được sức trói buộc của sợi dây tơ hồng. Tình cảm của Huơng đối với anh Trung chưa tới mức để cùng chia sẻ nổi lo lắng trước sự sống còn của anh. Hương cho chi Huyền biết là mọi sự phải chờ đợi, đến lúc có tin là tự nó đến. Tin lành hay tin dữ… thì cũng phải đến.
Thời gian cứ trôi qua một cách vô tình. Hương vẫn mãi lo níu kéo công việc để giữ chân với cái gọi là chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa. Tinh thần nàng luôn đặt trong trường hợp phải đối phó, vì nàng chẳng có ai để dựa dẫm. Có chăng là Hương phải nhờ vào tiền, tiền như một phép lạ. Nàng thấy anh Trung hoàn toàn hợp lý khi khuyên Hương phải biết hối lộ, phải biết ăn theo thuở, ở theo thời, và đây là thời điểm nàng phải đem tiền ra dọn cho mình một con đường sáng. Với tiền, Hương đã mua được tờ khai gia đình có kèm theo gia đình của người bà con và lo luôn giấy sang tên chủ quyền nhà cho họ. Hương thênh thang chờ đợi cơ hội đến với mình. Hai tháng trôi qua, Hương quên bẳng đi cái số phận của anh Trung đang nổi trôi trên biển. Bất ngờ một hôm chị Huyền xuất hiện. Buổi sáng, bầu trời mang một màu xanh thật đẹp làm cho nụ cười của chị Huyền trở nên rạng rỡ như chưa bao giờ, chị nói như reo:                                  
“Hương ơi! Thằng Trung nó gởi thơ về rồi nì em ơi, chị mừng quá!  
Chị Huyền nước mắt rưng rưng, chị ôm Hương vào lòng cùng chia sẻ niềm hạnh phúc hiếm quý.
“Hương chúc mừng cho chị và gia đình.
Chị rối rít:
“Chị thật cảm ơn em, cả gia đình chị mang ơn em. Đây, thơ đây, em coi đi, nó viết cho em đó, tội lắm!
Hương mở tấm giấy đã nhàu nát nhưng vẫn còn đọc được chữ: “Hương, anh đã đến nơi bình an, xin lỗi em, anh không thể gởi tin trực tiếp về cho Hương vì anh nghĩ sẽ rất bất tiện cho em khi phải đón nhận những lá thơ từ những người chối bỏ quê hương mình. Anh đợi Hương.”
Hương vui khi nhận ra rằng lòng nhân ái và sự hy sinh của mình đã đem đến một kết qủa tốt đẹp. Nàng cảm nhận một điều gì thật ấm áp khi biết ở một nơi xa nào đó, đang có một người chờ đợi mình. Rồi một ngày gần đây, nàng sẽ gặp lại Trung cùng với những hạt mầm tình yêu và sẽ nở hoa trên miền đất tự do màu mỡ, nơi đó mới thật sự là nơi chốn cho nàng và Trung xây dựng một mái ấm gia đình./
.
Tôn Nữ Áo Tím (Kim Thư)

(*) Lời trong bài hát Đến rồi Đi của ns. Lê Minh Hiền
(**) Bưng là vùng rừng núi.
.
.
Kim Thư và Tơ 
(ĐK 70)
(09/ 30/ 2017)