Friday, March 15, 2019

Hẹn Hò

Tản mạn của Lương Kim-Kê (ĐK 67).

(Nguồn: Internet)..
HẸN HÒ
Sau 1 lần hẹn hò thất bại, tụi tui thêm hai lần hẹn nhau hai cuộc "mini họp mặttại 1 quán café ở quận Phú Nhuận. Hôm ấy trời Saigon mưa sớm và chiều thì trời mát mẻ thật dễ chịu. Đến sớm nhất, tui chọn bàn gần cửa. Ngồi không lâu thì các bạn Xuân Hòa, Thấy, Như Nguyện, Ngọc Ấn, Xinh Xinh... lần lượt đến. 
Tụi tui lần gặp đầu 6 đứa, lần sau 4 đứacó thêm Anh Thư, tay bắt mặt mừng như đã lâu không gặp nhau. Mà cũng lâu rồi, tụi tui ít gặp nhau thật, ngoài bạn Ngọc-Ấn từ Bỉ về, dù ở cùng thành phố nhưng vì đa đoan chuyện con cháu tụi tui ít khi gặp nhau. Thế nên gặp nhau là tíu tít chuyện trò, chuyện trên trời dưới đất, chuyện đông chuyện tây, hằm bà lằng xí tú ....
Hôm ni cũng rứa, mặc kệ bên ngoài là một đám cưới rộn ràng với những âm thanh hỗn độn, tụi tui trong phòng lạnh thi nhau cười nói. Lan man một hồi, tụi tui “bỗng dưng muốn hồi tưởng" quá khứ. Cái quá khứ của thời điểm thời cuộc đổi thay ấy, khi tụi tui vừa qua tuổi học hành không bao lâu. Sự đổi thay của thời cuộc, kéo theo những đổi thay không nhỏ xáo trộn cả cuộc sống, trải dài theo thời gian không hề ngắn, loay hoay, khó khăn xoay trở cố gắng hụt hơi để thích nghi...
Cả sáu đứa tụi tui lao nhao:
_ Ê ! tụi bây biết hồi nớ tau đã từng bán chè, cà fê không?
_ Tau thì làm bánh thuẩn mi nờ!
- Ê ! Tau bán hoa nghe, hoa hồng hoa cúc đó nghe!
_ Tau bán xà bong bột bây ơi !
_ Tau thì làm công nhân đẩy xe cút kít mi nờ!
.
Tui mường tượng ra một số những cô nữ sinh Đồng Khánh xinh tươi thướt tha trong tà áo dài, rồi tà áo màu khi trưởng thành ngày xưa ấy, phải bỏ áo gấm xe đẹp, khoác lên người chiếc áo cụt, có khi là áo dài cắt ngắn biến tấu cho tiện việc lăn lộn kiếm kế sinh nhai.
.
Xinh Xinh xòe đôi bàn tay cho tui xem, đôi bàn tay không còn măng muốt trắng trẻo, đôi bàn tay đã thô ráp chai cứng theo những tháng ngày quần thảo với xô bột, nhưng tui thì nhìn thấy, đấy là đôi bàn tay tuyệt đẹp, tạo nên những chiếc bánh thuẩn nở đẹp bung cánh xây tương lai cho con cái..
Tui nhìn đôi mắt của Như Nguyện thoáng ngậm ngùi, khi nhắc đến những buổi sáng sớm ngày xưa ấy, gò lưng đạp xe qua chợ Đông Ba mua đường, đậu v.. v về chuẩn bị cho những nồi chè, bán đi chè ngọt cho người, mua về ngọt bùi cho mái ấm gia đình.
Tui như nhìn thấy bạn Thấy với đôi mắt đẹp, đôi môi xinh mím chặt, gò lưng trên chiếc xe đạp chở hàng chục kí xà bong đi giao hàng, đạp nhanh cho kịp giờ về đón con trẻ.
Bạn Ngọc Ấn thì tâm sự với tui rằng, cái buổi khó khăn ngày xưa ấy, bạn đã từng bán hoa, đủ loại hoa, với số vốn nho nhỏ ban đầu, bạn gầy dựng được một vườn hoa trên mảnh đất rộng từng là cỏ dại sau nhà. Những luống hoa đẹp ngày qua ngày làm phần nào tươi lên góc nhà xưa.
Tui hình dung bạn Xuân Hòa từng làm công nhân xây dựng, oằn người đẩy chiếc xe cút kít chở đá nơi công trường cháy nắng, nhẫn nhục giữa đám công nhân có khi lầm lì, có khi sẳn sàng văng tục khi tức bực.
Trong giai đoạn khó khăn ấy có lẽ tui là cái đứa liều mạng nhứt, đẻ sòn sòn tới 4 đứa. Nhớ lại cái đêm thời cuộc... bỗng đổi thay, giờ G điểm, tui để những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, nghẹn ngào trong vòng tay của chồng tui: “Chắc em phải bán bánh bèo bánh nậm mà sống q anh ui."
Viễn cảnh tương lai là đi bán bánh bèo bánh nậm, mà sau đó sòn sòn 4 nhóc tì, thì không liều mạng là gì hở trời?
Thế nhưng, sau đó tui không bán bèo nậm mà tiếp tuc bán... cháo phổi. Cả hai vợ chồng đều bán cháo phổi. Bán cháo phổi thì răng mà nuôi đủ 4 nhóc. Nghề giáo thời mô cũng bạc bẽo. Nhớ hồi đó, có lần đi chợ mua cá, bà bán cá vui miệng xã giao:
_ Cô làm nghề gì vậy cô?
_  Dạ, tui đi dạy.
Bà ta ái ngại nhìn tui, buông tiếng thở dài:
_ Ui chao! Tội chưa!
Tui ngớ người, chưa kịp nói thêm chi thì bà ta lấy giấy gói ... mấy cái đầu cá thu ảo (là cá thu nhỏ, bỏ đầu lấy thịt làm chả cá), dúi vào tay tui, rồi không kịp để tui phản ứng, bả xua tay ra hiệu tui đi, để bà còn bán cho khách khác. Tui ngậm ngùi cầm gói đầu cá trên tay; làm nhà giáo... thì tội nghiệp rứa hả trời!
.
Hai vợ chồng “4 lá phổi", mô đủ nuôi 4 nhóc 8 lá phổi, thế là tui bắt đầu “chà đồ nhôm" chôm đồ nhà đi bán, tui cầm từng cái áo, cái quần v..v... đi bán để thêm chi phí trong gia đình. Tới khi nhà không còn gì để “chôm” đi bán, tui quay ra bán thuốc lá. Tối tối, tới bảy giờ là tui ôm một tủ thuốc nhỏ ra đầu ngỏ ngồi bán. Ông hiệu trưởng biết đươc, một bữa nọ, kêu tui vào văn phòng nói:
_ Cô không nên bán thuốc lá nữa.
Tui hỏi tại sao. Ông hiệu trưởng trả lời:
_ Làm cô giáo mà ra đường ngồi bán vậy trông kì lắm.
 Tự nhiên, tui nổi cơn tam bành lục tặc:
_ Tui bán thuốc lá chơ có ăn cắp ăn trộm chi mà kì?  Đồ trong nhà bán hết rồi , chỉ còn cái nhà, nhà mà đem bán thì chồng con tui ở mô? Hả ? Hả ? Ông nói đi!
Ông hiệu trưởng thấy tui nổi cơn điên, ngồi im.
.
Sau đó, “nâng cấp“sang“ hơn một tí, tui đóng một chiếc xe bán sữa đậu nành. Đặt xe bán sữa nhờ trong một góc nhỏ của nhà một gia đình tốt bụng, tui đêm đêm bán những ly sữa đậu nành nóng hổi cho khách qua đường. Khi trời đẹp, đắt khách, sữa hết sớm. Khi trời mưa lạnh, tui co ro trông chờ từng người khách qua đường, thầm mong họ ghé uống. Bữa nào vắng khách, nồi sữa còn, là các con tui uống sữa ách cả bụng, vì sữa không để đươc đến ngày mai.
.
Thời gian dần trôi, theo nhịp sống chung, cuộc sống dần thay đổi. Các con của tụi tui lớn dần theo năm tháng. Mỗi đứa tụi tui, tùy hoàn cảnh, cuộc sống đổi thay dần. Bạn Thấy sau thời gian bỏ mối xà bong, cũng “nâng cấp" với sạp bán thuốc tây, bạn Ngoc Ấn theo gia đình đi định cư ở Bỉ ... Về sau nữa, vài bạn khi kinh tế dần ổn định, chọn giải pháp ở nhà làm mẹ hiền vợ đảm, giữ lửa cho mái ấm gia đình.
Ngồi nhìn các bạn nói chuyện cười đùa rôm rả, tui thấy các bạn ấy như trẻ ra, mắt thì ngời sáng, thỉnh thoảng trao đổi cho nhau những kỉ niệm xưa, có khi bi, hài chuyển thành tiếu lâm, thế là thoải mái ngửa cổ cười ha hả. Tui nghiệm ra rằng, tụi tui cùng chung nhau những kỉ niệm xưa cũ, chừ gặp nhau là muộn phiền bỏ lại sau lưng, “trạo" chuyện xưa, nay, thêm tiêu hành muối ớt hòa thành gia vị cho cuộc sống khi tuổi đã xế chiều, thì cũng tuyệt hỉ !
.
Bạn Xuân Hòa ngày xưa nghịch có tiếng, nghịch ngợm số 1 mà mặt thì tỉnh bơ trông ngây thơ vạn số tội. Bạn hiện vẫn còn đi làm ở 1 thư viện bên quận 7. Bạn kể, kèm mấy cái  lắc đầu ngao ngán:.
_ Thanh niên thời ni hết biết ! Có bữa tau thấy mấy cô thiếu nữ vào thư viện, không đọc sách mà mang theo thức ăn thức uống vào thư viện ăn uống tùm lum, tau bảo qui định không cho ăn uống trong thư viện.
Chúng nó năn nỉ:
_ Cô cho tụi con ngồi trong ăn trong góc này cũng được,
Tau lắc đầu, Chúng nó vùng vằng bỏ đi, vừa đi vừa ngoái lại nói:
Sao cô khó thế!
Tau ngoắc chúng nó lại, dấm dẳn:
-Nì !  Cô nói cho các con biết, là vì mẹ các con dễ, chơ không phải cô khó nghe!
Bạn kể tiếp.  Một lần khác, có một cặp nam nữ vào thư viện không đọc sách mà cứ quấn lấy nhau, hun hít lung tung. Dòm ngứa con mắt, "ngứa con mắt bên phải, mỏi con mắt bên trái" nỏ chịu đươc, bạn ấy kêu cặp đôi ấy lại, mời ra khỏi thư viện.  Chúng nó lếu láo hỏi: “Sao vậy cô?" Bạn ấy nổi dóa:
-Tụi bây làm rứa .... tau ngứa con mắt!
Tụi tui đươc một trận cười nghiêng ngã.
.
Đôi lần tụi tui hỏi thăm nhau, rồi cũng khá là ngạc nhiên khi có vài bạn có một sự đổi thay đến bất ngờ. Như bạn Ngọc Ấn, khi còn đi học, bạn ấy rất rụt rè, âm thầm giữa cái nhộn nhạo của hầu hết tụi tui, rứa mà “ngạc nhiên chưa” ! Bây giờ bạn ấy là một họa sĩ, một điêu khắc gia có khi là người mẫu thời trang nữa. Tui đã qua Bỉở lại nhà bạn ấy 1 tuần, đã chạm vào và cảm nhận cái máu nghệ sĩ của bạn ấy cả trong suy nghĩ  lẫn cuộc sống. Thấy bạn ấy ung dung tự tại giữa ngôi nhà, như nhỏ bớt đi vì la liệt những tác phẩm, tượng điêu khắc trên các kệ tủ, tranh vẽ treo trên tường, tranh vẽ trên khăn lụa v..v. Hỏi ra mới biết, cái máu nghệ sĩ của bạn ấy tiềm tàng từ lúc nhỏ, do ông ngoại bạn ấy truyền lại, với cây bút vẽ, ông cụ dẫn dắt cô cháu gái với điệp khúc: "Ri hí ... ri hí..." theo nhịp cọ múa đầy màu sắc trên giấy. Cái “ri hí, ri hí" ấy vậy mà đã theo giúp bạn trong suốt thời gian xoay trở với cuộc sống nơi quê người.
.
Còn bạn Anh Thư, ngày xưa nhỏ nhẹ duyên dáng với đôi mái tóc bện con rít đong đưa trên đôi bờ vai, trước dạy học, bây giờ là nghệ nhân chuyên sáng tạo những con búp bê bằng gỗ, lấy ý tưởng từ 1 món quà con búp bê Nhật, sáng tạo, sản xuất thủ công những con búp bê Việt Nam màu sắc sặc sỡ, dễ thương, không ngừng huyển hoặc, lôi cuốn đám trẻ con và cả... mụ trẻ con nhiều tuổi như tui nữa!
.
Còn cô bạn Thấy, có đôi mắt đẹp, tui đã từng mê, (nói nhỏ nghe, kẻo hắn biết, hắn ốt dột), ngày xưa là bạn tui, ngày ni thỉnh thoảng tui kêu hắn là sư phụ, vì sau ngần ấy năm làm mẹ hiền vợ đảm, bàn tay bạn ấy hóa thành “vàng", bạn ấy nấu ăn ngon tuyệt, lâu lâu “bí bài", tui điện thoại nhờ sư phụ bày cho vài đường múa dao múa đũa, múa lưỡi nêm nếm.
.
Nhắc đến đôi mắt đẹp, tui không quên nói tới Nguyện-mắt-nai, là biệt danh của Như-Nguyện, ngày xưa đã làm bối rối đôi chân một anh Quốc-học (sau này là chồng), anh chàng run bần bật khi gồng mình vào trường Đồng-Khánh xin phép cho nàng nghỉ học vì bệnh. Đi giữa lối đi trong sân trường trước bao nhiêu là cặp mắt tò mò của đám nữ sinh ĐK xinh đẹp, may là dù chân run, nhưng trái tim anh ấy đang chìm vào đôi mắt nai kia rồi, nên bớt lạng quạng... Hú vía!
.
Đang nói chuyện, bạn Xinh Xinh bỗng nhắc đến bạn Ngọc-Trang răng mô không thấy! Tụi tui ngậm ngùi nhắc đến bạn ấy. Hôm điện thoại nhắn bạn về buổi hẹn hò của tụi tui hôm nay, tui nghe giọng bạn ấy là lạ: “Đi chi đươc. Tau buồn lắm mi ơi !" - Mi buồn cái chi ? Giọng bạn ấy nghẹn lại: “Anh Nghiễm mất rồi mi ơi! hôm qua.” Tui suýt làm rơi cái điện thoại. Tui vội điện thoại báo cho các bạn Thấy, Hòa, Ấn ... rồi vội bắt xe đến cùng bạn ấy. Cô bạn tui đón tui với đôi mắt vẫn còn sưng, nét môi nhạt nhòa, mất đi nụ cười tươi ngày nào. Sự ra đi đột ngột của chồng bạn ấy là một bất ngờ lớn với bạn ấy và mọi người. Trước đây thỉnh thoảng tui ghé chơi nhà bạn Ngọc Trang. Tui ngạc nhiên khi biết nhà văn nổi tiếng ngày xưa ấy đã gác bút, quay sang sáng tạo những bức tranh xà cừ. Nhìn những bức tranh xà cừ bóng bẩy tui thầm nghĩ, anh ấy, không những chỉ nhả hoa dưới ngòi bút mà còn đưa hồn vào xà cừ trên tranh. Tuổi trên 70 mà anh vẫn còn rất trẻ trung khỏe mạnh. Có lần anh ấy hiền lành nhìn bạn tui, rồi quay qua tui nói bằng một giọng Bắc thật ấm: "ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ..." Tui thú vị với câu hát ví von dễ thương của anh. Thế là từ nay, chỉ còn "con trâu xanh" đơn độc cố “cày bừa" cho khuây khoả khoảng đời còn lại bỗng mênh mông trống trãi của mình. Hôm sau đó, nhóm nhỏ chúng tui đến viếng anh ấy lần cuối. Không biết nói sao, tụi tui chỉ biết đứng lặng, an ủi và mong bạn Trang sớm vượt qua nỗi đau mất mát lớn quá chừng này thôi...
.
Thế hệ tụi tui, không nằm ngoài truyền thống chung của người phụ nữ là luôn nâng niu tình cảm chảy xuôi dòng, từ con qua cháu. Sinh con, nuôi con, dõi theo bước con đi cho tới khi con khôn lớn. Khi con thành gia thất, tình thương nối tiếp đến đám cháu mong manh. Thế là vô hình chung tiếp tục hình thành những bà nội, ngoại osin tự nguyện.
.
Tụi tui, không ít bạn tự nguyện làm “osin bà" như thế, khi mà  con cái mãi đắm trong cơn lốc cơm áo gạo tiền, tìm osin chuyên nghiệp thì khó như thể tìm chim, mà bà thì sợ cháu yêu của mình không may lỡ mà găp phải “bàn tay đưa nôi“ “nhiệt tình“ thái quá, thì khổ!
.
Cũng vì là tự nguyện, nên có lần tui cho rằng osin bà tự nguyện sẽ là một “bà mệ Tấm“ , không hề có mụ dì ghẻ suốt ngày hành hạ, khỏ trọ, đay nghiến:
_ Ê ! con “mệ bà“ Tấm tê ! Mi làm việc chi chậm chạp rứa.
Cũng không có mụ dì ghẻ bắt lượm đậu đen trộn đậu đỏ, ngăn cản bà mệ Tấm đi dự lễ hội. Và cũng không có ông Bụt râu dài trắng như cước hiện lên, huơ huơ phất trần ôn tồn hỏi:
_ Bà mệ Tấm tê ! Vì răng mệ khót ?
.
Ngoài ra, các Bà mệ Tấm tụi tui cũng có “ngày đợi mong", chờ đến ngày thứ bảy, chủ nhật, tự nguyện dậy sớm lo chu toàn mọi việc, (chỉ là 1 vài hạt đậu đen đỏ để lượm thôi nhỉ !) để đi ta bà thế giới với bạn bè. Nhân nhắc đến chuyện Osin tự nguyện, có bạn hỏi tui, răng kì ni ít đi “ta bà thế giới," tui tranh thủ thanh minh, kể lể một ngày làm osin tự nguyện, nuôi con gái và cháu ngoại mới sanh như thế nào. Xin thưa: lịch kín kìn kịt. Ri hí, sáng 5 g 30 sáng dậy làm vệ sinh cá nhân xong là bắc nồi lá vằn lên bếp, cho áo quần trẻ, (người lớn riêng) vào máy giặt. Cho nước lá vằn vào bình, phơi đồ, rồi đeo... balô đi chợ. Về nhà nấu chi đó ăn sáng, sơ chế đồ ăn, để đó. Mở cửa sổ, phơi nắng cho bé, may là chung cư chỗ tui ở, rất tiện, khoảng 8 giờ là nắng chiếu vô nhà, khỏi bồng bé đi đâu xa. Xoay qua, làm thuốc vết mổ cho mẹ bé, rồi tắm bé. Tắm bé xong, nhỏ mắt, nhỏ mũi, rơ miệng v.. v... cho bé. Trong khi mẹ bé vắt sữa để dành vô tủ lạnh cho bé thì tui ôm bé cho bú ...(bình à nghen!).
.
Xong, nấu ăn trưa, buổi trưa nghỉ ngơi một chút, chiều dậy, giã nghệ đắp mặt cho mẹ bé, hơ cho bé. Saigon nóng, phẻ cho tui 1 chút là tui chỉ hơ cho cháu bằng lá trầu.  Bật máy sấy tóc, tui hơ lá trầu tươi cho nóng, rồi hơ mỏ ác bé, cho ấm, hơ mắt cho mắt bớt bụp, vuốt mũi cho mũi bớt tẹt, đè môi cho môi bớt nhọn, lớn lên khỏi “chém gió." Hơ nách, hơ bụng, hơ cái đít bé bỏng để sau ni không “phát biểu ý kiến" tào lao. Hơ chim chóc cho săn chắc ...
.
Lứa tụi tui phần lớn là lứa tuổi “đuôi chuột đầu trâu," cuối năm Tí, đầu năm Sửu, đặc biệt có bạn Minh Hà là tuổi Dần con cọp, nhỏ nhất lớp mà học giỏi nhất lớp, lại hiền hậu chơ không hề dữ như cọp. Tụi chúng tui, có bạn cùng hoc chung từ năm mẫu giáo, có bạn cùng chung từ tiểu học, có bạn cùng chung từ trung hc đệ nhất cấp, có bạn đến đệ nhị cấp mới chung lớpDù 3 năm, 7 năm hay 13 năm chung lớp, tụi tui đều có chung những kỉ niệm khó mờ phai của một thời thơ ấu hồn nhiên vô tư dưới mái trường Đồng Khánh.
.
Rồi thời gian lặng lẽ trôi, tụi tui rời trường. Đứa tiếp tục việc học, đứa bôn ba với cuộc sống. Tụi tui như những cánh chim tung bay khắp trời mây nước, bốn phương tám hướng, mỗi đứa có mỗi cuộc sống riêng, rồi hôn nhân, rồi sinh kế, rồi gia đình, rồi con cháu. Trừ vài trường hợp ít ỏi, hầu hết tụi tui không liên lạc với nhau trong một thời gian dài, vì mải mê với cuộc sống bề bộn lo toan. Cho đến khi mái tóc dần chuyển màu, ngẫm lại cuộc đời đúng là “bóng câu qua cửa sổ!". Hoài niệm quá khứ, thấy tiêng tiếc một thời đã qua, êm ả có, thăng trầm có, muộn phiền có, và thật tiếc biết bao, khoảng thời gian tụi tui để quên tuổi xuân mình, vì phải chìm đắm trong chật vật khó khăn của cuộc sống!
.
Ở tuổi tụi tui, quĩ thời gian còn lại không còn mấy, nhưng hầu hết tụi tui đã đến lúc nhìn ra rằng, có khi phải tự lo cho mình, tự lắng nghe cơ thể để tự điều chỉnh, cân bằng nhịp sống sinh học, để tháng năm còn lại sống khỏe, sống vui. Trong quan hệ đời thường, những rắc rối muộn phiền cho theo gió thoảng mây bay, những gì vui thì giữ lại, sống an nhiên thư thái...cho quĩ thời gian còn lại phong phú thêm. Trước đây trong bài hát “60 năm cuộc đời" của nhạc sĩ  Y Vân, ông viết: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời20 năm đầu, sung sướng không bao lâu, 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi, 20 năm cuối là bao...”  Tui cho rằng, ông nhạc sĩ này quá bi quan!
..
“Trăm năm trong cõi người ta", cho trừ hao đi 10, 15 năm, thì tui cho là tụi tui có tới 85 hoặc 90 năm cuộc đời lận, (có khi hơn,) chơ không phải chỉ có 60 năm, thời gian còn lại cũng đủ cho tụi tui tiếp tục hẹn hò tếu táo. Không phải là tui phóng đại hay “hoang tưởng" mô nghe! Chơ tui thấy bạn bè tụi tui, đứa mô đứa nấy cũng còn năng động, trẻ trung .... quá trời trời luôn! Các bạn nhỉ?.
.
Chúng ta tiếp tục hẹn hò, các bạn hí!
.
Sài gòn, 18.08.2016

Lương Kim Kê (ĐK 67, B5, C2)

.

Ngồi: Như-Nguyện, Thấy, Xuân-Hòa
Đứng: Xinh-Xinh, Kim-Kê, Ngọc-Ấn
(Saigon tháng 8/ 2016)
..
..
Kê, Thấy, Thư, Ấn
(Saigon tháng 8 - 2016)
(post lại)
..
.
.....