(Nguồn: Internet)
Mối
Tình Đầu Xuân
.
Tác
giả: Max Steele
Người
dịch: Trương Mỹ-Vân.
.
Lời người dịch: Max Steele là văn sĩ Mỹ sinh năm 1922 tại South Carolina. Ông sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, và đoạt nhiều giải thưởng văn học. Trước đây ông là giáo sư đại học chuyên về ngành văn chương và kỹ thuật sáng tác. Truyện "Mối Tình Đầu Xuân" được dịch từ nguyên tác "Ah Love! Ah Me!", là một truyện ngắn tiêu biểu cho loại văn châm biếm trong đó biệt tài của tác giả được thể hiện qua cái nhìn nhẹ nhàng và nụ cười bao dung của người từng trải qua kinh nghiệm ê chề của thời mới lớn.
.
Tuy đã sáu năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in mùa xuân năm ấy khi tôi vừa quen Sara Nell Workman. Dạo đó tôi học lớp Mười Một và thật tình mà nói, tôi thích Sara ngay từ lúc đầu. Tôi mê cô nàng đến nỗi chịu khó vào thư viện trường đọc hết các tấm thẻ trong sách để tìm những cuốn sách nào Sara đã mượn. Tôi mang hết mớ sách đó về nhà đọc kỹ từng chữ, ngay cả quyển Thêu Thùa May Vá.
."Tôi mượn cho chị tôi", tôi ấp úng trả lời khi bà quản thủ thư viện nhìn tôi với ánh mắt tò mò đầy nghi hoặc. Trong cuốn này có nhiều hàng chữ bằng bút chì bên lề, và tuy không biết có phải của Sara không, nhưng với tâm trạng tôi lúc đó, tôi vẫn tưởng tượng do chính Sara viết. Vì thế tôi đọc đi đọc lại nhiều lần: "Hai khoanh chỉ màu đen, hai khoanh màu cam, một khoanh màu vàng của hoa uất kim hương. Chỉ còn mười bảy hôm nữa thôi là đến ngày Lễ Mẹ rồi."
Thế nhưng ở vào lứa tuổi mười sáu, không ai đủ kiên nhẫn đọc mãi những dòng chữ vô tình này, cho nên cuối cùng tôi quyết định mời Sara đi xem xi-nê. Hôm đó tôi tìm mãi không thấy Sara đi một mình, và vào lứa tuổi tôi không ai dám ngang nhiên mời một cô bạn gái đi chơi ngay trước mặt bạn bè cùng lớp.
.
Vậy là tối hôm đó tôi quyết định gọi nàng sau khi cẩn thận ghi số điện thoại trên mẫu giấy con bên cạnh hàng chữ "Tối thứ sáu này có phim Jezebel, Sara có thích đi xem với tôi không?" Sự việc đơn giản chỉ có thế nhưng khi nghe chuông điện thoại reo đầu dây, bỗng dưng tôi đâm ra hồi hộp và vò nát mảnh giấy con trong tay. Vừa định gác máy bỗng tôi nghe giọng nói trong trẻo:
- A-lô
Tôi bối rối trả lời:
- À... à... cho tôi nói chuyện với Sara Workman.
- Tôi là Sara đây.
- Ồ Sara! Tôi là Dave...
- Vâng.
Bỗng dưng tôi hỏi nàng:
- Sara có biết bài tập Sử ký ngày mai không?
- Chờ tí nhé!
Rồi Sara trở lại cho tôi số trang bài tập ngày mai. Tôi cám ơn nàng, cúp máy và trở về phòng ngồi rầu rĩ một mình.
Mãi một giờ sau tôi đột ngột quyết định gọi Sara lần nữa. Thế là tôi đứng phắt dậy, nhưng vừa ra đến cửa, tôi vụt quay trở vào trước gương ngắm nghía, chải lại mái tóc trước khi chạy ra khỏi phòng. Lần này khi Sara trả lời, tôi hỏi ngay:
- Sara có thích đi xi-nê với tôi tối thứ sáu này không? Dave đây!
Giọng Sara điềm tĩnh tuy hơi có vẻ hững hờ:
- Tôi không biết. Phim gì vậy?
- Tôi cũng không biết nữa. Hay là đi chơi lang bang tà tà dưới phố?
- Hả? Nói cái gì?
Nàng hỏi hơi lớn giọng khiến tôi đâm ra bối rối:
- Tôi không biết ở rạp chiếu phim gì. Hình như Lucy Bell thì phải.
Thật tình lúc đó tôi không còn nhớ gì nữa nhưng giọng Sara đầy hớn hở:
- A! Đúng rồi. Phim Jezebel với Bette Davis đóng. Ồ, tôi thích xem phim này lắm.
- Được rồi. Thôi chào nhé.
Suốt ngày hôm sau ở trường tôi tránh không dám gặp Sara một mình, thế nhưng lúc tôi đang sắp hàng ở phòng ăn trưa, Sara nhoài người qua trước hai cô bạn và hỏi tôi:
- Có phải tối hôm qua anh gọi không?
- Ừ.
Tôi đáp gọn. Sara mỉm cười và bỗng dưng lúc đó tôi cứ sợ nàng sẽ cười lớn trước mặt mọi người, nhưng may quá Sara lại quay sang tiếp tục nói chuyên với hai cô bạn.
.
.
Tối thứ sáu, tôi đến nhà Sara đón nàng lúc tám giờ tối. Lúc chúng tôi vừa ra khỏi nhà, cha nàng, một người đàn ông lực lưỡng, mày râu rậm rạp y hệt các lãnh tụ nghiệp đoàn lao động với nét mặt khó đăm đăm, vội hỏi:
- Ai lái xe?
- Dạ cháu lái.
- Có bằng lái không?
- Thưa bác có ạ.
Ông ta còn hét theo khi Sara và tôi vừa bước xuống cuối bực thềm:
- Nhớ đưa Sara về trước mười một giờ nghe không?
- Vâng.
- Mười một giờ, nhớ không Sara?
Ông hét lớn khiến Sara thẹn ra mặt, nàng ngoái cổ lại hét theo:
- Vâng.
Lúc đến rạp, chúng tôi phải sắp hàng chờ và cuối cùng khi vào bên trong thì đã gần hết chỗ nên tôi và Sara phải ngồi hàng thứ ba. Vì quá gần màn ảnh và phải ngẩng đầu lên nên cổ tôi bắt đầu đau khi vừa xong phim thời sự. Sara trái lại vẫn thản nhiên nghểnh cổ chăm chú xem. Khi phim gần chấm dứt, bỗng Sara thấy tôi nhìn trộm nàng, vội hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Tôi nhức đầu quá vì ngồi sát màn ảnh.
- Suỵt ...
Nàng ra dấu cho tôi im vì phim đang đến hồi hấp dẫn. Trên màn ảnh, Bette Davis đang hy sinh tính mạng mình để tận tình chăm sóc cho người yêu của mình đang trải qua cơn bệnh ngặt nghèo vì sốt xuất huyết.
Lúc ra khỏi rạp, Sara đâm ra im lặng khi chúng tôi đi trên đường phố. Tôi hỏi nàng:
- Sara có nghĩ rằng Bette Davis nên chăm sóc người yêu của cô ta không? Cô dám lây bệnh sốt xuất huyết lắm!
Sara thản nhiên đáp:
- Vấn đề ở đây không phải là cô ta nên hay không nên chăm sóc người yêu vì khi đã yêu rồi, không ai có thể chia rẽ họ được.
Tôi chỉ biết đáp lại:
- Trời đất ơi!
Trước mắt tôi, ánh đèn nê-ông nhiều màu của các bảng quảng cáo nhấp nháy như chỉ chực nổ tung lên.
.
Khi chúng tôi bước vào tiệm thuốc "Shaeffer's" thì đồng hồ chỉ đúng mười giờ mười lăm nên Sara tỏ ý lo ngại muốn về. Nàng bảo tôi:
- Chỉ uống tí gì thôi chứ không có thì giờ ăn đâu.
Rồi nàng kêu một ly sữa sô-cô-la. Thật ra tôi cũng muốn gọi cho mình một ly nhưng đổi ý định. Tôi muốn làm ra vẻ sành sõi, đầy kinh nghiệm nên gọi anh hầu bàn và hỏi có thuốc gì trị cơn bệnh nhức đầu của tôi lúc đó không. Thật tình tôi không nhớ đã nói "Ammonia và Coke", và anh ta đáp:
- Có nhiều thứ như Aspirin, muối Epsom, Litho-bromide. Tùy ý anh.
- Có nhiều thứ như Aspirin, muối Epsom, Litho-bromide. Tùy ý anh.
Tôi trả lời, vừa cố làm ra vẻ mệt mỏi:
- Mang cho tôi Litho-bromide và một ly Coke.
Sara hỏi khẽ:
- Còn đau không?
Tôi nhìn nàng, mỉm cười không đáp.
Vừa lúc đó, John Bowerman và hai người bạn cùng học lớp Mười Hai bước vào tiệm và ngồi xuống bên cạnh bàn chúng tôi. Chẳng mấy chốc quán nước trong tiệm thuốc đầy khách hàng vừa từ rạp hát ra.
Vừa lúc đó, John Bowerman và hai người bạn cùng học lớp Mười Hai bước vào tiệm và ngồi xuống bên cạnh bàn chúng tôi. Chẳng mấy chốc quán nước trong tiệm thuốc đầy khách hàng vừa từ rạp hát ra.
.
Anh hầu bàn trở lại với khay thức uống. Ly Coke của tôi nằm cạnh chiếc ly trống với hai viên Litho-bromide ở trong và kế đó là một ly nước lạnh lớn. Thật tình tôi chưa bao giờ uống thứ thuốc này và không hề biết rằng phải bỏ hai viên thuốc vào ly nước lạnh, chờ cho chúng sủi bọt trước khi uống. Vì thế tôi thản nhiên bỏ hai viên thuốc vào miệng nuốt chửng tựa hồ người ta uống Aspirin. Xong tôi uống thêm nửa ly Coke trong lúc Sara nhấp thử ly sữa sô-cô-la của nàng. Ngay lúc đó, bụng tôi bỗng dưng nổi lên tiếng kêu ọc ạch càng lúc càng lớn dần. Tôi uống hết nửa ly Coke còn lại và làm vẻ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Sara đặt ly sữa xuống bàn và trừng mắt nhìn tôi đầy sợ hãi. Càng lúc thứ tiếng động quái gỡ trong bao tử tôi càng kêu lớn khiến tôi có cảm tưởng như cả một thùng nước lèo to tướng đang sôi sùng sục trong bụng tôi. Tôi mạnh dạn nói liều:
- Bao giờ tôi uống thuốc này cũng như vậy cả.
Thế nhưng bụng tôi sôi to quá cỡ khiến mọi người ngồi ở các bàn chung quanh đều phải quay sang nhìn trừng trừng vào tôi. Sara khẽ bảo:
- Mọi người đang nhìn anh kìa.
Và mặt nàng lúc này đỏ bừng như sắp khóc. John Bowerman bỗng dưng đứng dậy tiến về phía chúng tôi:
- Tiếng gì kỳ quá, nghe như có ai đun nước sôi!
Anh chàng hầu bàn nãy giờ bận bịu với đám khách hàng đông đảo cũng dừng lại nói chen vào:
- Trông kìa! Bụng anh này kêu vang như sấm. Anh đang sủi bọt đấy!
Hắn ta hét lớn khiến mọi người trong tiệm càng chú ý đến tôi hơn. Lúc đó tôi chỉ muốn bảo khẽ với Sara nhờ nàng đưa tôi ra khỏi tiệm ngay, nhưng tôi vừa mở miệng gọi "Sara" thì bụng tôi càng kêu lên ầm ỹ khiến tôi không thể nào nói thêm gì nữa. Sara quay sang kể sự tình cho John Bowerman nghe nên John hét lớn:
- Bác sĩ Shaeffer ơi!
Bác sĩ Shaeffer nhảy thoắt qua quầy thuốc và ra lệnh cho mọi người đang tụ tập quanh tôi giãn ra xa. Ai nấy vừa lùi bước vừa e ngại nhìn tôi như nhìn một quả bom sắp nổ. Bác sĩ Shaeffer trấn an họ:
- Không có gì đáng sợ cả. Nào, giúp tôi một tay khiêng anh này. Nhớ chúc đầu anh ta xuống thấp hơn bụng nhé.
- Anh ấy bảo bao giờ uống thuốc này cũng bị như vậy cả.
Sara vội nói tiếp nhưng bác sĩ Shaeffer đã ngắt lời nàng:
- Thật tình tôi thấy khó tin lắm.
Lúc này thì John Bowerman và hai người bạn cùng lớp với anh ta đã khiêng tôi đến đặt nằm dài trên quầy thuốc. Họ để đầu tôi chúc ngược xuống nên miệng tôi há rộng. Giá lúc đó có đám đánh lộn cũng không thu hút được nhiều kẻ hiếu kỳ như cảnh tôi nằm sóng soài, mồm há hốc trên quầy thuốc. Bác sĩ Shaeffer mang chiếc khăn ướt ra và bảo Sara đứng bên cạnh, đắp khăn lên trán tôi. Tôi hỏi nàng:
- Sara không bỏ tôi chứ?
Có lẽ với mọi người chung quanh, giọng tôi lúc đó đầy vẻ lâm ly, nhưng Sara như sực tỉnh:
- Trời đất ơi! Mấy giờ rồi?
John Bowerman đáp:
- Mười một giờ kém mười.
Sara ném chiếc khăn ướt lên mặt tôi và bảo:
- Tôi phải về nhà trước mười một giờ!
John chụp ngay lấy cơ hội:
- Để tôi đưa cô về.
Tôi nhấc chiếc khăn lên chỉ vừa vặn thấy John đưa Sara ra cửa và nàng không hề ngoảnh mặt lại nhìn tôi một lần. Bốn năm người đứng quanh tôi cũng tản mát trở về bàn của họ, chỉ còn mình tôi nằm yên lặng trên quầy thuốc, nhìn thẳng lên ánh đèn nê-ông chói sáng trên trần và lắng nghe tiếng ồn ào càng lúc càng thưa dần trong tiệm nước. Khách hàng từng cặp theo nhau ra về và tiếng người hầu bàn thu dọn bát dĩa cũng càng lúc càng im vắng. Tôi nhìn anh ta cầm từng chiếc ghế đặt ngược trên bàn trước khi lau chùi sàn nhà và cảm thấy tủi thân cho tôi, tội nghiệp cho anh ta và cho cả thế giới đáng thương này.
.
Trương Mỹ-Vân (ĐK 67) dịch
.
(post lại)