Truyện ngắn của Tôn nữ Áo Tím (bút hiệu của Kim-Thư, ĐK 70)
.
(Hình: Internet)
Xuân Muộn
Tác giả: Tôn nữ Áo Tím
.
.
Khi sinh đứa con đầu lòng thì chồng Trà Mi đã bị đi tù cải tạo.
Bé Hải Lý không thấy mặt Bố từ lúc mới lọt lòng. Chị một mình nuôi con ròng rã
đã hơn mười năm. Ngày đêm vẫn ngóng trông chờ đợi ngày về của chồng.
Hai mẹ con chị lầm lũi, chắt chiu sống với đồng lương hạn hẹp của nghề dạy học.
Anh Hòa đi học tập, bỏ lại chị một thân một mình bụng mang dạ chửa. Mọi đắng
cay khốn khó của người phụ nữ sắp đến ngày khai hoa nở nhụy, chị đều nếm trải.
Phải chăng khi sự thiếu thốn đạt đến một mức độ tận cùng, thì mọi việc đều trở
nên giản dị một cách diệu kỳ. Dư thừa hay thiếu hụt sẽ không còn nghĩa lý gì nữa.
Cảm giác phó mặc cho cái gì đến thì cứ đến, chị Trà Mi trở nên lặng thầm, ít
nói...
.
Thời gian trôi đi quá
nhanh với chị. Những ngày đầu tháng cứ xồng xộc đến. Hàng tháng chị phải trang
trải bao nhiêu thứ: tiền gạo chợ, điện, nước, tiền áo quần sách vở,
tiền học cho con. Chị còn phải dành dụm tiền cho việc thăm nuôi chồng bị tù cải
tạo… Đó là chưa tính đến những khoảng dành cho đau ốm, xe cộ, xăng nhớt cho
chiếc xe honda 50 phân khối của chị. Nó đã cũ lắm rồi, nhưng chị vẫn cố gắng
giữ gìn làm phương tiện đi lại cho hai mẹ con. Trong tủ áo quần của chị luôn có
những bao thơ để tiền riêng biệt cho những khoảng chi tiêu nhất định trong nhà..
.
Ngày đêm chị cặm cụi làm
việc. Thì giờ của chị rất khít khao. Ở trường về, chị đi đón con gái rồi ghé
chợ mua vài món về lo cho bữa ăn tối và sáng hôm sau. Ngoài giờ dạy trên lớp,
chị còn nhận kèm thêm cho vài em học sinh ở nhà. Khi cơm nước bữa tối vừa xong
là khi chị bắt đầu vào giờ dạy. Vừa dạy, chị vừa kèm bài tập cho con. Chị làm
việc không biết mỏi mệt chỉ vì chị không muốn để đầu óc mình trống trải. Chị sợ
bị nỗi buồn xâm chiếm tâm tư. Chị sợ nỗi nhớ chồng làm cho trái tim chị đôi khi
đau nhói. Nhìn con gái ngày mỗi lớn, ngày mỗi biết nhìn ngắm so sánh với bạn
bè… chị lại mang một nỗi lo khác. Hải Lý rất thương mẹ. Làm việc gì, em cũng kề
cận giúp mẹ. Thương con, chị không hề sai bảo con làm việc gì. Chị muốn con gái
dành trọn thời gian cho việc học hành. Chỉ một mình chị lo toan hết mọi thứ.
.
.
Hết một tuần trôi qua,
thì tuần khác lại đến, ngày tháng đối với chị qua đi quá nhanh. Sinh nhật Hải
Lý đã gần kề. Chị không nghe con gái nhắc mẹ, nhưng chị vẫn rất nhớ. Chị nghĩ
con đã lớn, cũng nên có những người bạn. Sau bữa cơm tối, hai mẹ con ngồi lại
bên nhau:
- Xí
ơi! sinh nhật của con sắp đến rồi, con có muốn mời một vài bạn về nhà mình chơi không?
Hải Lý trầm ngâm nhìn mẹ.
Em không hiểu vì sao mẹ hay kêu em bằng cái tên xấu “Xí”. Bây giờ bé đã lớn
rồi, đã đến tuổi dậy thì, đã biết suy nghĩ, biết nhìn ngắm và biết so sánh nhận
xét mọi việc tốt xấu…. Hải Lý không muốn dùng tên xấu ấy để gọi em. Chị Trà Mi
thì không. Chị tin vào chuyện đặt tên xấu cho con là để tránh bịnh tật. Em nói
với mẹ về những ưu tư của mình làm cho chị muốn rơi nước mắt:
- Mẹ, sinh nhật thì như mọi năm được rồi. Mời bạn, con chắc nó
không đi đâu, mời mất công lắm! Nhà mình nghèo mà mẹ.
Chị ôm con gái vào lòng.
Chị hiểu được phần nào tâm tư tình cảm của Hải Lý. Đứa con gái khi sinh ra đã
không thấy được bố. Sự thiếu thốn tình thương của bố và cảnh nghèo của gia đình
đã làm cho con chị mang nhiều mặc cảm, Xí nói tiếp:
- Mà
có bao giờ bạn mời con đi sinh nhật đâu. Tụi nó có mời mình thì mình mới mời
lại chứ mẹ. Lớp con có một nhóm bạn con nhà giàu, tụi nó chơi riêng
với nhau mà thôi. Nó kỳ thị thành phần trước và sau năm 1975.
- Ừ
thì thôi, nhưng con không nên vì những bạn chơi riêng mà để tâm ghét bỏ, tách
rời. Cứ hãy đối xử với nhau bằng tình bạn nghe con.
Hải Lý cười rúc đầu vào
lòng mẹ:
- Con
biết mà. Tuy tụi nó không thân thiện với con, nhưng tụi nó rất cần con trong
học tập đó mẹ.
Chị Trà Mi tròn xoe đôi
mắt nhìn con gái:
- Cần
con? Con làm gì mà nói bạn cần con?
Trà Mi lại cười, tay vân
vê bàn tay xương xẩu của mẹ:
- Con cho tụi nó cóp bài….
“Cóp bài”. Nghe con nói,
chị giật mình. Trà Mi thấy ra được một điều gì thật có vẻ ta đây, kênh kiệu
đang nhen nhúm nơi Hải Lý. Đứa con gái mới chập chững bước vào tuổi mới lớn,
biết nhận xét, suy tư so sánh hơn thua… Chị từ tốn nói với con:
- Con ơi! Cho dù bạn nhờ vả
bài vở. Cho dù con có lòng tốt giúp bạn thì con cũng đừng vì thế mà
hợm hĩnh, khinh dễ bạn bè nghe con. Đó là cái tính xấu nhất của con người, nhất
là con gái. Sẽ không có ai chơi với con đâu. Hãy biết khiêm tốn con ạ.
. Nuôi con, nhất là con gái đến tuổi mới lớn, chị Trà Mi rất lo. Mỗi buổi tối, chị luôn có những giây phút dành riêng để hai mẹ con tâm tình. Chị chia sẻ với con gái những gì cần thiết để làm vốn sống cho con sau này. Chị lo vì con chị đang trưởng thành trong một hoàn cảnh xã hội đầy dẫy những điều chướng tai gai mắt. Cái xã hội mà nền giáo dục đang bị thoái hóa một cách trầm trọng. Sự phân chia ý thức hệ, giai cấp quyền hành, và ngay cả chuyện giàu nghèo đã tạo nên mối chia rẽ trong đám học sinh. Vô tình một bức tường rào được xây lên, ngăn chia những thành phần gia đình sĩ quan đi tù cải tạo với những gia đình cán bộ từ ngoài Bắc vào. Một lần Hải Lý đã kể cho mẹ nghe câu chuyện thật khó tin, nhưng là câu chuyện có thật:
. Nuôi con, nhất là con gái đến tuổi mới lớn, chị Trà Mi rất lo. Mỗi buổi tối, chị luôn có những giây phút dành riêng để hai mẹ con tâm tình. Chị chia sẻ với con gái những gì cần thiết để làm vốn sống cho con sau này. Chị lo vì con chị đang trưởng thành trong một hoàn cảnh xã hội đầy dẫy những điều chướng tai gai mắt. Cái xã hội mà nền giáo dục đang bị thoái hóa một cách trầm trọng. Sự phân chia ý thức hệ, giai cấp quyền hành, và ngay cả chuyện giàu nghèo đã tạo nên mối chia rẽ trong đám học sinh. Vô tình một bức tường rào được xây lên, ngăn chia những thành phần gia đình sĩ quan đi tù cải tạo với những gia đình cán bộ từ ngoài Bắc vào. Một lần Hải Lý đã kể cho mẹ nghe câu chuyện thật khó tin, nhưng là câu chuyện có thật:
“Mẹ biết không, thằng Lộc lớp con làm
bài bị điểm không, nó ỷ thế ba nó làm cán bộ có quyền, nó dám kêu cô Thủy hãy
cho nó làm lại. Nó nói: Cô không cho tui làm bài lại, tui mét ba tui là cô
không yên đâu ạ. Sau đó, nhất định cô giáo không cho. Thế rồi một thời gian, cô
giáo Thủy bị đưa ra khỏi trường”
.
.
Trà Mi nghe con kể như
thế, chị thấy một nỗi ngao ngán choán hết tâm trí chị. Chị thấy mình đã rất
khôn khéo khi nhận nhiệm sở ở một ngôi trường tiểu học. Vừa hoàn tất lớp chuyên
môn sư phạm, mặc dầu chị hội đủ điều kiện để dạy các em học sinh cấp hai, cấp
ba, nhưng chị đã xin về trường tiểu học vì chị thích dạy các em vào độ tuổi ấy.
Học sinh tiểu học với chị là những tâm hồn thật non nớt. Nó vô tư, trong sáng
như những tờ giấy trắng. Chị thích sự ngây thơ ấy. Dạy các em học sinh tiểu học,
chị sẽ không bị một áp lực nào có thể làm cho chị phải lo âu, buồn phiền.
Từ ngày miền Nam thay đổi
chính quyền. Thành phố Sài Gòn bị mang một tên khác. Giữa một xã hội pha trộn,
lẫn lộn đủ các mặt… Chị trở nên dè dặt, khép kín. Trà Mi của một thời vàng son
được chị gói ghém chôn sâu vào ngăn tim bé nhỏ của mình. Những chiếc áo dài hoa
mỹ, những phấn son gương lược, những vòng vàng mệnh phụ… tất cả đã không còn.
Chị an phận, nhịn nhục. Chị chờ đợi… Sự đợi chờ rất chung của tất cả mọi người
từ khi miền Nam “bị” giải phóng. Giữa những nhập nhằng của một đất nước dưới
chế độ cộng sản, Trà Mi không mong đợi gì về một tương lai tốt đẹp. Chị cũng
chẳng cần hy vọng vào sự thành công của con gái. Tất cả với chị chỉ là tạm bợ. Bao nhiêu tiếng kêu than vì áp bức, bao nhiêu hoàn cảnh éo le xót xa phận
người, bao nhiêu khốn cùng thiếu thốn đó… bấy nhiêu nỗi đau ấy rồi sẽ đến với
Trời cao. Nhất định sẽ đến. Tất cả đó là những điều chị mong đợi. Trà Mi không
nói gì với con gái. Chị không muốn gieo vào tâm tư đầu óc của con chị những gì
có thể làm lấm lem khoảng trời trong xanh nơi con gái mình.
.
Hằng năm các trường học
có hai ngày lễ lớn, Tết và ngày Lễ Thầy Cô. Đó là dịp để các bậc phụ huynh bày
tỏ lòng biết ơn của cha mẹ đến với Thầy Cô. Họ mang quà đến lớp tặng Trà Mi.
Cầm những tặng phẩm trong tay, chị rất ái ngại. Chị nghĩ đến một số em trong
lớp chị dạy, nghèo, không có khả năng để biếu quà cho cô giáo. Chị chia sẻ suy
nghĩ này đến với các phụ huynh. Trà Mi không muốn nhận quà từ phụ huynh. Chị
không muốn học trò của chị mang mặc cảm bạn này giàu, bạn kia nghèo. Ngay cả
chính chị, cũng đang suy nghĩ về những món quà cho thầy cô của Hải Lý. Con chị
ở vào lớp trung học đệ nhất cấp, không chỉ một người Thầy mà mỗi môn học là mỗi
Thầy/Cô đảm trách. Làm sao đây! Phân vân trong lòng, chị hỏi con gái:
- Con
muốn mẹ tặng quà gì cho các Thầy Cô của con đây?
Hải Lý rất chân tình bày
tỏ:
- Nhà
mình nghèo mà mẹ, trong lớp có đứa nào không biết con là mồ côi. Mẹ khỏi tặng
gì cả, mất công lắm! Rồi hơn thua, rồi khinh rẻ…
Chị Trà Mi như nghe một
mủi kim đâm sâu vào da thịt, nghẹn ngào chị nói:
- Sao
lại nói con mồ côi?
Hải Lý rất vô tư:
- Thì
không đúng sao? Từ ngày nào tới giờ bạn bè con có thấy ba con đâu. Không mồ côi là
gì hở mẹ?
Trà Mi ôm con vào lòng.
Chị nghe hơi ấm của hai dòng nước mắt đang chảy dài xuống má. Chị kêu thầm
“Trời ơi! Tội cho con tôi”. Chị biết rằng con gái chị đã mang một mặc cảm không
cha từ bấy lâu nay mà em không dám nói. Chị trách ai đây? Trách xã hội? Trách
chế độ ư? Không riêng gì chị, bao nhiêu người phụ nữ cũng rơi vào cảnh sống như
chị, chồng đi tù cải tạo, ở nhà một mình phải bương chải để tồn tại. Bôn ba lăn
xả xuống đường để tìm miếng ăn cho gia đình. Cho dù với gông cùng áp bức của
cộng sản, họ vẫn phải vùng vẫy, vì họ cần phải ăn để sống, để tồn tại. Những
công nương lên xe xuống ngựa của chế độ cộng hòa đã đổi lốt thành những con
buôn, chạy đôn chạy đáo khắp các chợ, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Vườn
Chuối… cũng chỉ vì hơi thở và sự tồn tại. Từ đó đã hình thành nên những “bà
Trùm”: trùm thuốc tây, trùm đô la, trùm đồ cổ… Những chức danh mà bất đắc dĩ
chỉ có dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.
Trà Mi may mắn hơn là có
được một việc làm ổn định, một cái nghề dạy học thanh bần và giản dị. Chị không
có khả năng và đủ lanh lợi để mánh mung bon chen giữa chợ đời đầy cám dỗ. Chị
không muốn cho con gái chị thấy vô số những hoàn cảnh oái oăm mà làn sóng đỏ Xã
Hội Chủ Nghĩa đã tàn nhẫn phủ trùm xuống biết bao gia đình của miền nam Việt
Nam. Sống với chế độ cộng sản ai cũng mang một cảm giác tù túng, khó chịu. Cảm giác
bị kiểm soát khiến cho họ như đang mang trên mình những mụt nhọt, đau nhức,
ngấm ngầm, chờ đợi giờ phút vượt thoát, tìm tự do. Lớp con, lớp cháu sau này sẽ
rất khó để quên được những đớn đau tủi nhục mà một thời mẹ cha của họ đã gánh
chịu.
.
Không khí những ngày cuối
năm không xa lạ gì đối với Trà Mi. Sắc màu của mùa Xuân luôn luôn mang dấu hiệu
cho một khởi đầu. Hoa lá, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc. Những cánh mai vàng đang
chuẩn bị mỉm cười với Chúa Xuân. Mai vàng đem cho mọi người sự may mắn, nên đầu
năm, nhà nào cũng phải có một cành mai. Hy vọng gia đình suốt năm sẽ tràn đầy
may mắn, và râm rang tiếng cười của niềm vui và hạnh phúc. Phố xá, chợ búa có
vẻ rộn rịp, tấp nập hơn. Cứ mỗi độ Tết đến, chị mang máng một niềm hy vọng rất
mong manh. Bao nhiêu cái Tết qua đi, bấy nhiêu lần chị nuôi hy vọng. Chị đến
Chùa cầu nguyện cho chồng chị được sớm trở về đoàn tụ. Lòng thành tâm của chị
nhất định phải đến với Phật Trời trên cao. Và rồi một buổi sáng, dưới bầu không
khí trong lành mát dịu, Trà Mi nghe ngóng được một tin vui là “trong dịp Tết này, sẽ
có một đợt thả tù”. Một hồi chuông đâu đó ngân vang, tan loãng vào tâm tư
chị. Chị nghe một niềm vui rất nhẹ theo gió mùa Xuân đang len lén thổi về trong
trái tim. Trà Mi linh cảm anh Hòa, chồng chị, sẽ được trả về. Gia đình sẽ đoàn
tụ vào mùa xuân này. Trong niềm hy vọng ấy, chị tíu tít đi mua sắm một vài thứ
đón Tết trong nhà. Hải Lý ngạc nhiên, em hỏi mẹ:
- Mẹ làm gì mà mua sắm nhiều vậy? Mọi năm mẹ đơn sơ lắm mà. Sao năm
nay mẹ phung phí vậy, nhà mình nghèo mà mẹ.
Ôm con vào lòng, chị thấy
thương Bé Xí hơn bao giờ. Đức tính tiết kiệm đã hình thành nơi con gái từ lúc
nào không hay cũng do nếp sinh hoạt tiện tặn của chị. Những buổi chợ đơn sơ,
những bữa ăn đạm bạc, khoai sắn nhiều hơn cơm, từ nhiều năm nay đã làm cho con
gái chị hiểu ra một lẽ là nhà mình nghèo. Hải Lý không hề đòi hỏi mẹ bất cứ một
điều gì. Nhưng Trà Mi rất tâm lý, chị không để con gái mình rơi vào cảm giác
thua thiệt. Một cách tế nhị, chị luôn dạy cho Hải Lý hiểu về khái niệm hơn thua
ở đời. Giàu nghèo không phải là yếu tố quan trọng để xác định giá trị một con
người. Điều cần thiết là phải hiểu biết. Con gái chị học giỏi. Chị tin điều đó
đã xác định được vị trí của Hải Lý trong tập thể nhỏ nhoi của một lớp học,
nghĩa là con chị không thua kém ai. Và tất nhiên sau này ra với đời, Hải Lý sẽ
là người được tôn trọng. Nghĩ như thế, chị nói:
- Con
nói đúng, nhà mình nghèo, nhưng chúng ta không thể để cho giá trị của mình bị giảm
đi. Căn bản học thức, sự hiểu biết, tư cách của chúng ta sẽ làm cho chúng ta
được mọi người trân quý và tôn trọng con ạ. Cho nên con hãy cố gắng học thật
giỏi và đừng bao giờ tỏ ra kiêu căng tự phụ nghe chưa. Càng khiêm tốn con càng
có nhiều bạn thương mến. Lúc đó con sẽ thấy con vượt lên trên hết thảy mọi đứa
bạn trong lớp mình.
Hải Lý lặng yên nghe mẹ
nói. Em thấy mẹ nói đúng. Em nhìn lại suốt quảng đời thơ ấu của mình, rõ ràng
Hải Lý không bằng rất nhiều bạn trong lớp. Bọn nó luôn luôn tỏ vẻ ta đây con
nhà giàu vì quần áo, cặp sách, nón, mũ của họ toàn là những thứ đắt tiền. Những
ngày lễ lộc, quà cáp cho Thầy Cô đều là những món giá trị. Đi học thì có tài xế
chạy xe đưa đón. Vẻ mặt luôn ra dáng ta đây có cha làm lớn. Cả đám con nhà giàu
ấy chỉ chơi với nhau. Ngoài ra là không thèm nói chuyện với ai. Nhưng tụi nó
rất thân thiện với Hải Lý chỉ vì em học giỏi. Hải Lý vẫn nằm lòng câu nói của
mẹ: “Sự hiểu biết
là cái chìa khóa giúp ta mở tất cả mọi cánh cửa cuộc đời” (trích). Cho nên
em luôn bằng lòng với những gì hiện có, cho dẫu có khi em phải mặc chiếc áo vá
đến trường, nhưng em không lấy đó làm buồn. Vì em biết nghèo không phải là cái
tội.
.
Kể từ ngày nghe tin có
đợt thả tù, tâm hồn chị Trà Mi trở nên rộn ràng. Chị đi đầu này hỏi han, tới
chỗ kia thăm dò. “Đoàn tụ”, hai tiếng ấy cứ âm ỉ reo vui như những nốt nhạc
chiếu những tia nắng sưởi ấm tâm hồn chị. Mở tủ áo quần, chị tìm lại chiếc áo
dài ngày xưa anh Hòa sắm cho chị. Chiếc áo mặc vào thấy rộng vì chị đã ốm đi
nhiều. Chị lấy kim chỉ may bóp vào chút ít rồi đem đi giặt ủi. Trà Mi treo
chiếc áo dài lên. Nhìn chiếc áo, cả một khoảng trời hạnh phúc ngày
xưa bỗng ùa về với chị. Ngày đó, khi anh Hòa đưa chị ra chợ Bến Thành chọn vải,
Trà Mi đã không do dự lấy ngay chiếc áo màu khói hương với những hoa văn nhẹ
nhàng. Chị thích màu lam từ ngày còn bé. Khi chị tập tễnh đi sinh hoạt với gia
đình Phật Tử ở khuôn An Lạc. Chị thương chiếc áo “oanh vũ” màu lam mà mẹ chị
may cho. Màu lam ấy cho đến bây giờ Trà Mi vẫn không thể nào quên. Màu của
thương yêu và tình nghĩa thủy chung với anh Hòa.
.
.
Chị mặc chiếc áo dài,
nghiêm người đứng thẳng thớm trước tấm gương. Chị soi mình. Tấm eo thon con gái
ngày xưa của chị đã không còn. Vòng eo ấy đã biến mất theo những tháng ngày anh
đi tù cải tạo. Chị vuốt và bó lại những sợi tóc đã rơi rụng đi nhiều. Kéo hộc
tủ, Trà Mi cố gắng luồn tay, bươi sâu vào ngăn kéo. Chị hy vọng còn sót lại ống
son môi nào đó để tô điểm cho ngày đón anh Hòa trở về. Cảm giác chờ đợi cứ làm
cho chị nôn nóng đến khó chịu. Linh tính cho chị biết sự trở về là có thật.
Mười hai năm trôi qua. Mười hai năm đợi chờ kể từ ngày anh Hòa dặn “Anh đi ba
tuần là trở về, em hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe, nuôi con cho tử tế, đàng
hoàng”. Chị đã khóc òa, tưởng như đó là những lời trăn trối cuối cùng của anh.
Mười hai năm, chị nếm trải bao nhiêu đoạn trường của “người vợ tù” ở hậu
phương. Chị đẹp, cái đẹp của “gái một con”, làm sao tránh được những ve vản của
đám đàn ông, nhất là những tên cán bộ có quyền thế… Bao nhiêu cám dỗ như những
hầm chông, chực chờ sập chị xuống. Nhưng Trà Mi vẫn rất kiên cường vì cố lo cho
tương lai của đứa con và chờ đợi ngày trở về từ chốn lao tù cộng sản của chồng.
Chị còn chờ đợi một điều xa hơn nữa, đó là được sống lại với bầu không khí của
độc lập tự do dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Rồi cái gì đến phải đến.
Vào một buổi tối, khi hai mẹ con chị đã buông màn đi ngủ thì có tiếng gõ cửa
rời rạc từ bên ngoài. Chị Trà Mi khẽ lén nhìn qua khe cửa. Bất giác chị la lên
rồi mở toang cánh cửa:
- Trời
ơi! Đúng là anh đã về. Cám ơn Trời, cám ơn Phật.
Chị ôm chầm lấy anh. Nước
mắt ràn rụa. Một thân thể gầy ốm lùm xùm trong bộ áo quần đẫm bụi đường xa. Chị
kêu lớn:
- Hải
Lý ơi! Xí ơi! Ba con đã về đây rồi. Con ra đây nhanh lên.
Hải Lý từ trong buồng
chạy ra, em đứng sững nhìn người đàn ông mà em gọi là ba trong tâm tưởng suốt
mười hai năm ròng:
- Ba
con đây hở mẹ?
Em cúi đầu nói nhỏ:
- Con
chào ba.
Anh Hòa bỏ túi ba lô
xuống đến bên cạnh Hải Lý, anh ôm lấy con. Hải Lý vẫn đứng yên trong vòng tay
của Bố. Chẳng biểu lộ một nét gì vui mừng hay buồn tủi của phút giây đoàn tụ.
Hai bố con không nói gì vì mười hai năm chia cách, mười hai năm với biết bao đổi
thay của con người. Khi anh đi, con anh chưa chào đời. Ngày trở về, con anh đã
khôn lớn. Tình cảm cha con tất nhiên không được nồng nàn. Nhìn đứa con gái vào
độ tuổi dậy thì, anh thấy mình trở nên nhỏ nhoi vô vị. Công ơn nuôi nấng sẽ bắt
đầu từ đây. Bắt đầu từ cái ngày anh trở về từ cõi chết. Bắt đầu với đôi bàn tay
xương xẩu và một thân thể gầy còm không còn nhựa sống. Mười hai năm tù đày, anh
thấy mình đã mất hết sức lực. Vợ anh bây giờ, ngoài việc nuôi con, còn phải
nuôi thêm một người chồng như anh. Anh suy nghĩ về một viễn cảnh tương lai. Anh
buồn và càng thấy thương chị. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn nê-ông, anh đảo
mắt nhìn quanh căn nhà. Một sự trống trải đến tội nghiệp. Đồ đạc trong nhà đã
phải ra đi để đổi lại những lần chị đi thăm nuôi anh ở các trại tù hẻo lánh
ngoài Bắc.
Hải Lý nhìn ba một lúc,
thấy Ba không nhắc nhở gì đến mình, em lặng lẽ trở vào buồng ngủ tiếp. Chị pha
cho anh một tách trà ấm:
- Anh
có muốn ăn một chút gì không?
Anh lắc đầu lặng thinh.
Có ai thấu hiểu được nỗi lòng của anh lúc này. Chỉ mình anh hiểu được anh là
người may mắn. Bao nhiêu thử thách đến với những người đàn bà giữa hoàn cảnh
đơn chiết để chờ chồng nơi chốn lao tù cộng sản. Mấy ai giữ được thủy chung vẹn
toàn. Quả thật là một điều khó! Anh nhìn mái tóc của vợ, ngày xưa chải chuốt
bao nhiêu, bây giờ búi tó một chùm sau ót. Ngày xưa chị nhan sắc bao nhiêu, bây
giờ đã tàn phai theo những tháng ngày lặn lội cơm gạo để tồn tại chờ ngày đoàn
tụ với chồng. Chị làm sao biết được cảm giác bụng trống của những thằng tù như
anh. Trống bụng, mà không thấy đói. Trống bụng mà nghe nổi đau mất nước cồn cào
réo rắt ngày đêm . Cho nên thân thể những bạn tù như anh chỉ còn da với xương
là thế. Anh trầm ngâm thương cho những thằng bạn tù bị vợ bỏ quên, chạy theo
cảnh phù phiến an nhàn với những tên bộ đội trong rừng mới ra, tự nhiên “đổi
đời”, thành một tay quyền hành vênh váo. Chúng nó từ trên những cái võng đong
đưa trong rừng sâu nước độc, nay lại ở vào những ngôi nhà mà chủ đã
ra đi. Họ bỏ lại tất cả vì hai chữ “Tự Do”. Họ sợ cộng sản, họ trốn chạy vì họ
biết rõ con người cộng sản, những con người mang những dòng máu lạnh của vô
cùng. Anh thấy vợ mình quả là cao quý!
- Em
pha nước ấm rồi, anh vào tắm rửa rồi nghỉ ngơi.
Anh ngồi yên. Một cảm
giác an tâm làm cho con người anh thấy ấm áp lạ lùng:
- Anh
ngồi như thế này là đã được nghỉ ngơi rồi đấy. Em cứ để yên mọi việc, đừng vì
anh mà vướng víu.
Chị ngạc nhiên:
- Sao
lại vướng víu? Anh nghĩ sao mà nói kỳ vậy.
Anh sợ vướng víu là đúng.
Anh sợ sự hiện hữu của anh sẽ là một trở ngại cho sinh hoạt của hai mẹ con từ
bao lâu nay. Anh cố gắng sắp xếp lại cuộc sống phù hợp, có ích cho vợ và con
anh. Một loạt các nghề lao động tay chân được anh điểm lại: bốc vác, chạy xe
ôm, đạp xích lô, đấm bóp giác hơi dạo, bỏ báo, bán vé số… Anh chợt rùng mình
soi lại hình ảnh ngày xưa của anh. Một thời vang bóng. Anh buông tay để nó mờ
nhạt và chìm dần vào cái khoảng ngày xưa của một thời oai phong dưới chế độ
cộng hòa. Anh nghe chị Trà Mi giải bày:
- Anh
không được suy nghĩ gì nhiều. Cố gắng vui vẻ bình thường. Đừng để cho con gái thấy bất cứ điều gì khiến
nó buồn tủi với bạn bè. Nó đã lớn và rất thông minh, học lại giỏi, em rất hãnh
diện về con gái mình. Ngày mai, em sẽ xin nghỉ phép vài hôm ở nhà với anh.
.
Từ ngày anh Hòa về, căn
nhà chị Trà Mi trở nên rộn ràng có hơi ấm gia đình. Không có anh, nhà chị lúc
nào cũng đóng kín cửa, không khách khứa, không bạn bè. Chị biết những người bạn
lính ngày xưa của chồng sẽ đến thăm, cho nên chị đã sắp xếp lại tất cả. Trả lại
cho chồng bộ mặt ngày xưa khi anh là một sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng
Hòa. Chị cố gắng tạo không khí vui vẻ và có những công việc nhỏ nhặt trong nhà,
chị luôn nhờ anh. Chi muốn cho anh thấy rằng anh không dư thừa, không là vật
cản làm vướng víu… mà là người có ích, ít nhất cho chị và Hải Lý, con gái anh.
Buổi sáng, thay vì chị đưa con đi hoc, thì bây giờ chị nhờ anh:
- Anh
đưa bé Xí đi học rồi về ngang qua chợ mua dùm em mấy món về nấu cơm…
Thế là anh bắt đầu có
công việc để làm. Sáng sáng anh đưa con đi học, rồi đi chợ về phụ vợ nấu ăn.
Công việc dọn dẹp vặt vãnh trong nhà đã cho anh một cảm giác bình an của một
người chồng mới về từ trại tù, được sống lại. Trà Mi luôn buộc anh phải bận
rộn, để xua đi những mặc cảm vô vị, ăn bám… mà đa số các người tù cải tạo sau
khi đoàn tụ với gia đình thường bị mắc phải. Rồi buồn rầu, chán nản đâm ra chén
chú chén anh… để rồi bắt đầu cho những rạn nứt, tan vỡ gia đình.
.
Bao nhiêu số phận trái
ngang của những người chồng, người cha, đi tù về mà phải chứng kiến cảnh vợ
mình đang sống với một người đàn ông khác, ngay trong tổ ấm của mình. Còn gì tàn
nhẫn hơn! Những người phụ nữ ấy họ có đủ lý lẽ để biện minh cho hành động thay
lòng đổi dạ của họ. Họ đổ lỗi cho cái gọi là “giải phóng thống nhất đất nước”.
Để rồi tiếp theo đó là một cuộc “đổi đời” ngoạn mục. Bọn cộng sản đem cái chế
độ vô sản chuyên chính áp đặt vào Hòn Ngọc Viễn Đông, đổi tiền, kiểm kê và tịch
biên tài sản… Họ đoạt, đoạt tất cả mọi thứ: nhà cửa, xe cộ, cơ sở kinh doanh
lớn cũng như nhỏ. Họ đưa những người đàn ông trụ cột vào những trại tập trung
để hành hạ. Đàn bà ở lại họ kêu gọi, dỗ dành đi kinh tế mới… Phụ nữ có mấy ai
đủ nghị lực và tính kiên cường vượt lên trên những hoàn cảnh như thế để tồn
tại... .
Anh Hòa nhìn lại mình.
Anh đã rất may mắn có một người vợ hiểu biết như Trà Mi. Chị không bao giờ để
chồng phải rơi vào hoàn cảnh khó xử như thế. Chỉ vì chị rất yêu chồng. Chị
không thích bon chen và luôn biết thích nghi với hoàn cảnh. Không làm sao chị quên
được những hôm phải chạy xe đi bán từng chiếc áo dài để đổi lấy vài ba lon gạo.
Từng món nữ trang của chồng sắm cho cũng lần lượt ra đi để chắp vá vào những
khoản thiếu hụt trong nhà. Chị nhất thiết không vay mượn, không dựa dẫm. Chị
rất sợ hai chữ nợ nần.
Thấy mẹ như thế Hải Lý
rất thương. Em sống an phận và luôn cố gắng vươn lên. Một hôm sau buổi học, Hải
Lý về nhà kéo mẹ vào buồng. Em đưa cho mẹ một bao thư dày trong đó là một xấp
tiền mới toanh:
- Mẹ,
con cho mẹ đấy.
Trà Mi quá sức ngạc nhiên:
- Ôi
trời! Tiền đâu nhiều vậy con?
Hải Lý vói người, nói nhỏ
vào tai mẹ:
- - Con
làm bài thi cho bạn, mẹ nó đưa cho con đó.
Chị Trà Mi trố mắt nhìn
con gái:
- Trời
đất! Con dám gian lận thi cử thì chết con ơi.
Hải Lý ôm mẹ:
- Mẹ
đừng có lo, con làm bài cho nó hoài à. Con thấy cô giáo biết mà bỏ qua đó mẹ ơi. Chắc vì ba nó làm lớn nên
mới vậy.
Trà Mi than thầm “Ôi giáo dục Xã Hội
Chủ Nghĩa là thế này sao? Tương lai đám trẻ sẽ đi về đâu? Ôi Trời!”. Chị
ái ngại nhìn con:
-Con
ơi! Đừng, đừng làm như thế con ạ. Con làm vậy không phải giúp bạn đâu mà hại
bạn đấy. Bạn con sẽ không bao giờ tiến bộ được.
Hải Lý nín thinh. Nghe mẹ
nói thế, em bỗng ân hận. Em đang suy tính làm sao để có cớ từ chối giúp bạn.
Nhìn vẻ mặt băn khoăn của con gái, chị nói tiếp:
- Nếu
con không chịu vâng lời, mẹ sẽ chuyển trường khác cho con học.
Chị biết con chị giỏi
nhưng phải học dưới những mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa như thế này, chị thấy
tiếc cho tương lai của Hải Lý. Tuổi mới lớn, chưa gì đã bị tiêm nhiễm những
mánh khóe gian lận quỷ quyệt của đám quý tử, con của những quan to mặt lớn từ
ngoài Bắc vào. Niềm vui đoàn tụ với chồng chưa nguôi thì nỗi lo cho Hải Lý bắt
đầu chớm dậy.
.
Kể từ ngày Sài Gòn thay
tên đổi chủ, cuộc đời chị đã bao giờ có được những giây phút an nhàn. Chị luôn
thấy mình như đang bơi giữa một dòng nước ngược. Nếu xuôi tay chị sẽ bị dòng
nước đẩy lùi về phía sau. Điều đó không bao giờ chị muốn. Thương con, chị chia
sẻ nổi lo với chồng, chị nói:
- Anh
cố gắng gần gũi, thân thiện với con. Không nên cho nó bị cảm giác có một khoảng cách,
ngăn chia với bố.
Phải, sau mười hai năm,
anh đi lúc con gái còn trong bụng mẹ. Bây giờ con đã khôn lớn. Việc gầy dựng
lại tình cảm cha con, cần phải có một thời gian nhất định. Anh thú thật với
chị:
- Anh
hiểu điều đó, nhưng không thể một sớm một chiều mà cha con đến được với nhau. Hiện
giờ, anh có rất nhiều việc quan trọng để làm, nên phải tập trung lo nhanh, lo gấp.
Nghe chữ việc “quan
trọng”, “lo nhanh”, “lo gấp”, Trà Mi bỗng nhiên nổi cơn tò mò:
- Việc
gia đình, con cái anh không lo. Đi lo việc gì quan trọng hơn chứ.
Chị suy nghĩ mãi, thảo
nào Hải Lý, con gái chị nói không sai. “Mẹ ơi, ba làm gì mà
khi nào cũng lo lắng, bận rộn, không muốn nói chuyện với con. Lắm lúc không
biết có phải ba là ba ruột của con không nữa. Sao ba lạnh lùng quá!”. Chị
Trà Mi cho
anh biết suy nghĩ của con, anh Hòa giật mình. Anh khai ra tất cả những việc anh
phải lo từ mấy lâu nay, để minh chứng cho việc bận rộn, lo lắng của mình:
- Anh phải đi lo giấy tờ cho em và con xuất cảnh theo diện H.O., một
chương trình tái định cư đặc biệt cho các tù nhân ở các trại
tập trung cải tạo. Con nó không biết thì nó nói thế. Em phải khéo léo giải
thích cho con hiểu và nhớ là phải rất kín đáo trong vụ việc này.
Trà Mi nghe qua, chị
không tin đó là sự thật. Biết bao nhiêu ngàn người bị bắt đi học tập cải tạo,
không lý đều đi hết. Chị nói với chồng:
- Anh nói thật không? Coi chừng lại bị bọn họ lừa rồi cho vô trại
cải tạo thêm một lần nữa đấy. Em không mấy tin.
Anh Hòa giải thích:
- Có
riêng gì anh đâu, rất nhiều người. Đây là tiến trình sắp xếp theo một kế hoạch
từ lâu của Mỹ dành cho cựu quân
nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những người có giấy ra trại, bị tù đày từ ba
năm trở lên đều được phép ra đi.
.
Trà Mi nghe chồng nói thế nhưng cũng một nghi mười ngờ. Chị âm thầm đi tìm tòi, nghe ngóng chỗ này chỗ kia… Quả là có người lên phường chứng thực giấy tờ. Có người đến sở di trú nộp hồ sơ lấy số thứ tự, rồi về nhà chờ đợi… Họ truyền miệng, vẽ vời cho nhau cách thức hoàn tất một bộ hồ sơ xuất cảnh theo diện H.O.....
.
Hai năm sau, gia đình chị nhận giấy báo đi khám sức khỏe, chích ngừa và hẹn ngày phỏng vấn. Lúc đó, chị thật sự an tâm. Một con đường sáng đã mở ra trước mắt, đưa chị đến với vùng trời bình yên. Nơi ấy không có áp bức, không có hận thù. Nơi ấy ánh bình minh đang nở rộ dưới bầu trời Tự Do. Một mùa Xuân hạnh phúc thật sự đã đến với chị, dẫu muộn màng./.
Trà Mi nghe chồng nói thế nhưng cũng một nghi mười ngờ. Chị âm thầm đi tìm tòi, nghe ngóng chỗ này chỗ kia… Quả là có người lên phường chứng thực giấy tờ. Có người đến sở di trú nộp hồ sơ lấy số thứ tự, rồi về nhà chờ đợi… Họ truyền miệng, vẽ vời cho nhau cách thức hoàn tất một bộ hồ sơ xuất cảnh theo diện H.O.....
.
Hai năm sau, gia đình chị nhận giấy báo đi khám sức khỏe, chích ngừa và hẹn ngày phỏng vấn. Lúc đó, chị thật sự an tâm. Một con đường sáng đã mở ra trước mắt, đưa chị đến với vùng trời bình yên. Nơi ấy không có áp bức, không có hận thù. Nơi ấy ánh bình minh đang nở rộ dưới bầu trời Tự Do. Một mùa Xuân hạnh phúc thật sự đã đến với chị, dẫu muộn màng./.
.
Tôn Nữ Áo Tím
(10/18/17)