Bài viết của Tôn-nữ Quỳnh-Diêu (ĐK 71)
.
(Nguồn: Internet).
Nhớ Tết Xưa
.
Hôm nay đưa tay bóc tờ lịch, mới nhìn thấy đã 19 tháng Chạp,
năm nay tháng Chạp đủ, như vậy chưa tới hai tuần nữa là hết năm. Ngày xưa Me tôi thường nói năm nào có tháng
Chạp đủ tự nhiên thấy thời gian dài ra, còn năm tháng Chạp thiếu ngày như rút
ngắn lại.
Đã mấy chục năm trôi qua mà cứ ngỡ như mới hôm kia. Ngày tháng trôi qua, ngồi nghĩ lại mới thấy
mình đã già. Ở đây người người đều rộn
ràng đón Tết, nhất là mấy chợ Việt Nam, thôi thì không thiếu một món gì.
.
Hồi đó ở Huế cứ khoảng đầu tháng Chạp là nhà nào cũng bắt
đầu quét vôi lại. Đến chừng sau rằm, ông
ngoại tôi cho lau chùi lại bàn thờ, mấy bộ lư đồng, rồi dọn dẹp trang hoàng nhà
cửa. Ngoài sân, hoa trong vườn bắt đầu
hé nụ sau mấy tháng mưa dầm và lạnh của mùa Đông. Từ những tháng ngày lạnh lẽo, sắp bước qua
năm mới khí trời bắt đầu ấm hơn, muôn hoa tưng bừng khoe sắc. Nhất là hai cây bạch mai trồng hai bên cửa
ngỏ, hoa nở đầy, thơm ngát, mỗi sáng hoa rụng đầy trên sân như một tấm thảm
tuyết. Xen lẫn mấy cánh mai trắng là hai
cây mai tứ quý cũng trổ sắc khoe hương cùng với anh đào làm cho ngôi vườn tươi
thắm hẳn ra, ai đi ngang cũng dừng chân tấm tắt khen.
Tuần đầu của tháng Chạp, Me tôi bắt đầu làm dưa món, những
trái su su, đu đủ, cà rốt, củ cải, dưa leo được tỉa thành mấy cánh hoa, đem sậy
khô, rồi mới nấu nước mắm cho vào hũ.
Nhìn hũ dưa món đủ màu, cộng thêm mấy lát ớt đỏ thật là bắt mắt. Ngoài
trời lạnh, ngồi bên cái lò sậy dưa món mới thấy ấm áp làm sao. Sậy dưa món không khó nhưng phải canh cho
đúng lửa, vì sậy chưa tới mấy miếng dưa sẽ không giòn, còn già lửa quá dưa sẽ
teo lại, không thấm. Gần cuối năm mới
làm thêm dưa hành và củ kiệu. Người Huế
làm món ăn không những phải cho ngon mà còn làm sao cho đẹp nữa.
Rồi thì tất cả mấy thứ mứt bánh cứ luân phiên, món nào để
lâu được, làm trước, mấy món ăn vội được làm sau. Tôi thường theo Me tôi ra chợ Đông Ba lựa mua
gừng tươi, non mà phải lựa sao miếng gừng thẳng, đừng có mắt nhiều quá, khi xắt
lát ra để ngào mới đẹp. Cái món tôi
thích nhất là me dầm, lựa từng trái me thẳng, tròn, gọt cho khéo, ngâm nước
muối cho me trắng, rồi xẻ ra lấy hết hột, phải cẩn thận để trái me không bị bể,
luộc qua, sau đó mới nấu nước đường rồi sắp vào hũ. Mứt kim quất cũng gọt vỏ, không gọt sâu quá,
trái mứt dễ bị bể, rồi lấy hết hột ra và xên mứt làm sao cho đến khi trái kim
quất sau khi xên rồi vẫn tròn như lúc còn tươi.
Đến các thứ bánh, ôi thôi mệt rã người, bánh in hột sen,
bánh bột nếp, bánh măng, bánh mận ... năm nào cũng tất bật cho đến chiều
ba mươi Tết.
Vào 23 tháng Chạp, hàng đồ mã ở chợ Đông Ba nhộn nhịp nhất,
ai đi chợ về cũng xách theo bộ đồ cúng Ông Táo gồm có đôi hia và mũ cánh
chuồn. Chiều lại, cả nhà ăn cơm sớm, dọn
dẹp bếp núc sạch sẽ, lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái, trà nước ... tùy
theo gia đình, để tiễn đưa Ông Táo về Trời, cầu xin ông chỉ tâu cho những điều
tốt trong năm cũ. Rồi đến chiều 30 Tết lại cúng rước Ông về lại, để Ông giúp
cho một năm mới yên lành, tốt đẹp hơn.
Thường ở Huế có chợ Tết ở vườn hoa Nguyễn Hoàng, họ dựng
từng cái chòi, bán đủ thứ hoa quả, bánh trái, mứt món, hạt dưa, cây kiểng, câu
đối trên giấy hồng điều, tranh Đông Hồ mà tôi vẫn thích nhất là mấy bức
tranh "Đám cưới Chuột".
Nơi khác thiên hạ xúm nhau chơi "bầu, cua, cá, cọp", không khí
thật tưng bừng, náo nhiệt.
Huế dễ thương nhất là vào những ngày giữa tháng Chạp, mỗi
khi đi học ngang qua cầu Trường Tiền, một chút sương sớm lãng đãng, nhìn xuống
bãi đất dưới chân cầu, cả một dãi hoa vạn thọ vàng rực như một dãi lụa vàng đài
cát, vô cùng đẹp.
Học trò đi học thì bắt đầu nghỉ Tết từ ngày 23 tháng Chạp
cho đến mồng bảy Tết mới đi học lại, lúc này là lúc thoải mái nhất cho đám học
trò tụi tôi.
Đến chiều cuối năm, mọi người đều tất bật lo về nhà để cúng
rước tổ tiên, ông bà và cũng là ngày để con cháu từ phương xa về thăm nhà cùng
dùng bữa cơm đoàn tụ cuối năm với gia đình.
Trong xóm đường sá đều sạch sẽ, yên vắng, cây cối xanh tươi,
lâu lâu nghe lại mấy bản nhạc Xuân, không khí thật bình yên. Có một cái gì đó thiêng liêng vàấm cúng, mọi
người chờ đón sự giao hòa giữa năm cũ và năm mới, xen lẫn
với tiếng pháo đì đùng thấy phấn khởi để chào đón một năm mới với nhiều niềm
tin vui.
Sáng mồng một Tết, bà ngoại biểu sắp tất cả mứt món, bánh
trái để cúng đầu năm. Ngày ni, mấy đứa
cháu đều phải cho giỏi, không được khóc nhè, không được la cãi nhau, chén dĩa
không được làm rớt bể, vì cái gì không tốt trong ngày đầu năm thì cả năm phải
chịu, vì vậy mà tụi tôi làm bất cứ cái gì cũng phải giữ gìn cẩn thận.
Trên bàn thờ hoa trái tươi non, mùi nhang trầm và trầm hương
thơm ngát, mấy bộ lư đồng sáng choang, không khí nhẹ nhàng như để đón một năm
mới mọi điều đều tốt đẹp. Mấy phong pháo được đốt lên để rước chúa Xuân vào
nhà. Lũ cháu ngoại súng sính trong những bộ áo quần, giày dép mới chờ để được
nhận bao lì xì theo thứ tự từ lớn đến bé.
Vào ngày mồng một, chỉ có mấy ông bà cụ bạn của Ông ngoại
tôi mới đến thăm sớm, còn mấy người trẻ hơn họ phải chờ đến trưa hoặc qua ngày
mồng hai, mồng ba vì ai cũng sợ bị đạp đất.
Tôi vẫn thích nhất mấy ngày này, vì hầu như ai đến thăm Tết
từ bà con cho đến bạn của ông bà ngoại, các dì, cậu và ba me tôi đều lì xì cho
chị em tôi thật nhiều bì đỏ, đến nỗi mỗi đứa phải lấy cái giỏ nhỏ bỏ vô vì cầm
không xuể.
Rồi ba ngày Tết cũng qua nhanh, sáng mồng ba lại nấu nướng
để cúng đưa ông bà. Hồi đó ở vườn hoa Ba
Viên trong Thành Nội năm nào cũng có tổ chức chơi đánh bài chòi, từng cái chòi
nhỏ họ dựng lên để cho mấy con bài ngồi trong đó, rồi có một người hô to con
nào ra thì trúng.
Ngày xưa, mặc dù sống trong một đất nước chiến tranh mà sao
tôi vẫn thấy yên ổn, an lành. Bây giờ
ngồi nhớ lại một thời đã qua, mọi việc đều đổi khác mới thấy thấm thía với tác
giả bài thơ "Ông Đồ Già" của tác giả Vũ Đình Liên:
.
”Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay.
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.
.
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
.
Vâng, "những
người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?" Vì vậy mà tôi vẫn không muốn tìm về chốn cũ để
luôn giữ mãi cho mình những hình ảnh đẹp của ngày xưa
.
Tôn Nữ Quỳnh-Diêu .
.
Tôn Nữ Quỳnh-Diêu .
(San Jose cuối Đông năm Đinh Dậu – 2018).
.
(Nguồn: Internet)