Truyện ngắn của
Bùi Kim-Chi (ĐK 68).
,
(Nguồn: Internet)
.
Xuân và Khoảnh Khắc
.
Chút nắng mỏng băng ngang như dải lụa. Xuân đã về thật rồi. Nồng nàn hương
với sắc vàng mơ. Huế ẩn mình nhưng hối hả gọi. Phút chốc Huế
ùa về chật kín hồn tôi. Trời đất giao hòa tranh nhau đãi ngộ. Cảnh
và người hòa quyện vào nhau tha thiết, dịu dàng trong không gian rộn rã
tiếng cười của xuân. Hạnh phúc thật đầy được sống lại với tết Huế nhưng
ngậm ngùi –buồn xuân thêm tuổi và… mạ thì không còn!
Đây là mùa xuân thứ 15 tôi mất mạ. Trong ngôi nhà rường
cổ, bàn thờ mạ lấp lánh đèn hoa rực rỡ. Hoa giấy Thanh Tiên xuân
sắc một thời nay lung linh xôn xao trở lại cùng Tết Huế. Trầm hương thoang
thoảng cuộn lấy hồn tôi thanh thoát đến lạ. Mâm cơm cúng mạ ngày 30 đầy
đủ các món ăn như những tháng năm mạ còn sống với chúng tôi. Cũng bánh
tráng ram, cũng thịt heo luộc ăn kèm với tôm chua, thêm rau sống, khế chua,
trái vả, chuối chát. Cũng tôm thịt kho rim, măng xào tôm. Rồi
tô giò heo hầm với nấm mèo, kim châm. Thêm dĩa chả lụa, năm ba lọn nem
nho nhỏ… Bánh ngọt thì có bánh măng, bánh mận, bánh thuẩn. Những món ăn
mà mạ hay làm ngày Tết, bây giờ Hà –vợ tôi đảm trách nấu nướng mỗi lần về Huế
ăn Tết. Tôi thương và nhớ mạ tôi quá …
.
.- "Em ơi, em có buồn mạ không?
.
.- "Em ơi, em có buồn mạ không?
- Hổng đâu anh. Em hổng buồn vì thương anh nên em
chấp nhận được tất cả .
- Anh cảm ơn em.”
Đây là một mẫu thoại nhỏ của hai vợ chồng tôi –Hưng và
Hà. Không gian là ở Bàu Đôn, làng Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn, huyện
Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, và thời gian cách đây 45 năm –những ngày
đầu tôi mới cưới vợ. Ký ức một thời với mạ dần dần được mở ra
…
.
Nhật ký của Hà.
Cha chồng tôi mất sớm. Mẹ chồng tôi ở vậy một mình cố gắng
nuôi chồng tôi ăn học đến tốt nghiệp Tú Tài toàn phần thì anh từ giã mẹ vào Nam
tự thân học tiếp lên đại học. Ra trường thì cưới vợ. Vợ nam. Mẹ chồng
tôi cũng đồng ý. Do đường sá xa xôi, mẹ chồng tôi không vào dự lễ cưới
được. Chuẩn bị làm dâu Huế tôi lo lắm, nhà anh lại ở quê. Bà con, bạn bè ai
cũng lo lắng cho tôi. Nhưng tôi dặn lòng, sẽ chấp nhận tất cả nếu có khó
khăn vì tôi thương Hưng –chồng tôi. Cưới vừa xong, anh dẫn tôi về Huế
thăm nhà. Ngày đầu tiên, vừa đặt chân vào nhà anh tôi run lắm. Mạ
Hưng nhìn chăm tôi từ đầu xuống chân rồi, ừ, sau lời chào thưa mạ của tôi. Tôi cảm thấy ngột ngạt vô cùng. Còn mẹ chồng tôi thì gương mặt vẫn
tự nhiên không lộ vẻ vui, cũng không buồn, lại cũng không khó chịu. Hai
người phụ nữ, một trung, một nam đang quan sát nhau. Tôi lặng lẽ cúi mặt
tránh tia nhìn khá sắc sảo của mẹ chồng tôi sau khi quan sát bà. Đúng là
không hiểu được tâm trạng của mẹ chồng tôi lúc này như thế nào. Hưng thì cứ lấm
lét hết nhìn mẹ đến nhìn tôi dò xét. Tôi thương anh vô cùng. Trưa hôm ấy, chuẩn
bị ăn cơm. Mẹ chồng tôi nói: “Mụ Hưng mô, lấy cái chủi đót don quơ bộ ngựa cho
sạch rồi lấy chiếc chiếu côi chờn trải lên.” Đứng bên cạnh, tôi nhìn sững
mẹ chồng tôi. Tiếng của mẹ chồng lạ và khó nghe quá. Không nói không
rằng – ngây người. Tôi có hiểu gì đâu mà nói. Một vài từ có lơ mơ
hiểu nhưng để ráp lại thành câu thì không hiểu được nội dung nói gì. Tôi lo sợ
đảo mắt quanh nhà tìm Hưng. Không có. Mẹ chồng tôi nhìn tôi ngạc nhiên. Có lẽ
bà đang trong suy nghĩ, con gái Biên Hòa khó dạy, bảo nó làm mà nó không nghe.
Rồi bà dõng dạc: “Thằng Hưng mô rồi, mi noái mụ Hưng phơ bộ ngựa cho sạch rồi
lấy chiếc chiếu côi chờn trải lên để dọn cơm.” Hưng ở đâu đó, dạ thật to. Đến bên góc cửa, Hưng lấy cái chổi đót nhỏ treo ở móc trao cho tôi rồi bảo tôi
quét cái phảng gỗ, lấy chiếc chiếu đặt ở trên giường bên cạnh trải lên để chuẩn
bị dọn cơm. Tôi ngớ người. Cái phảng có những tấm gỗ dày ghép lại với nhau là
bộ ngựa, cái chủi đót don là cái chổi đót nhỏ, quơ, phơ là quét, còn côi chờn
là trên giường… Ôi Huế của chồng tôi ơi !
.
Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, em chồng tôi nói: “Chị …chị ơi, à
chị Hưng, chị ra ngoài ảng trước sân hay ra cái vại đầu chái lấy nước rửa mặt
chị hí ! Tôi lại không hiểu em chồng tôi nói gì. Rồi em giục: “Đi đi chị, còn phải
qua bên hoái thăm nhà bác trợ và bác trưởng họ nữa.” Đi đâu chứ. Hưng
đâu. Tôi dáo dác tìm anh. Anh đang thắp nhang buổi sáng cho cha
chồng tôi. Đến bên anh, tôi thỏ thẻ nhờ anh hỏi xem em chồng tôi muốn nói gì
với tôi. Qua Hưng tôi được biết, cái ảng hay cái vại là cái lu thấp có
bụng để đựng nước. Chái là phía đầu hồi căn nhà. Hoái là một con rạch có
nước chảy dài. Dân làng thường dùng máy đạp nước ở đây đưa lên ruộng lúa.
Hôm sau đang ngồi nói chuyện với Hưng thì mẹ chồng tôi từ vườn sau đi vào
nhỏ nhẹ với tôi: “Mụ Hưng, ra ngoài cươi lấy cái chủi rèn cho mạ.”
.
Tiếng của mạ thì nhỏ nhẹ mà sao tôi lại run. Sao vậy kìa, cứ
nghe mẹ chồng lên tiếng là mình run trống ngực đập liên hồi. Mụ Hưng đích
thị là mình rồi, chủi là cái chổi biết rồi, chổi rèn là chổi gì, lại còn cươi
là sao, ở đâu. Hưng nhìn tôi cười, đưa tay chỉ ra sân ở đó có dựng cái
“chủi rèn” ở gốc cây mai. Không ngờ. Cươi là sân nhà. Chổi đót nhỏ cầm tay dùng
để quét phảng, quét bàn gỗ, chổi đót lớn để quét nhà, còn chổi rèn là chổi để
quét sân, vườn. Tôi lắc đầu. Buồn buồn nhớ má, nhớ ba, nhớ Biên Hòa yêu dấu của
tôi. Trời hè, gió mát. Đứng trước sân nhà tôi nhìn khoảng trời rộng trước
mắt, một hàng tre cao vút san sát nhau, trên ngọn có nhiều tổ chim được đan
bằng rơm treo lủng lẳng. Xa xa những ruộng lúa phơn phớt xanh non trải
dài… Cuộc sống vùng quê Huế êm ả, an bình. Từ đàng sau, mẹ chồng tôi nói: “Nì, mụ Hưng, trưa ni mạ đi ăn cộ tối mới về. Ở nhà, con phụ với o Thi xúc ló ở
ngoài cươi đổ cho đầy bồ. Làm nhanh cả túi.” O Thi là em chồng tôi, cươi
là sân tôi biết rồi, còn ló và bồ là cái gì lại còn cả túi. Hưng ơi, cứu em
–tôi nói thầm trong lòng. “Nì, mụ Hưng răng mạ noái mà mụ không ơi không hởi
chi cả rứa?” Dạ… Dạ. Tôi khóc. Hưng từ đâu chạy lại. “Sao
vậy em?” Mạ Hưng tròn mắt nhìn tôi rồi quay mặt sang Hưng: “Trưa ni mạ đi
ăn cộ tối mới về. Mạ noái mụ Hưng phụ với con Thi xúc ló ở ngoài cươi đổ cho
đầy bồ mà mụ khóc. Chắc sợ làm cực khổ chơ chi. Ui chà, dâu với
con.” Tôi vừa khóc vừa nói: “Anh ơi, em không hiểu mạ muốn nói gì
chứ không phải em sợ khổ sợ cực đâu.” Hưng nhìn tôi thương hại rồi vuốt
lòng mẹ chồng tôi “Mạ ơi, Hà chưa quen với tiếng của mình. Từ từ con sẽ
chỉ cho Hà. Hà sẽ làm được hết.” Quay sang tôi, Hưng nói: “Mạ nói,
trưa ni mạ đi ăn giỗ tối mới về. Em phụ với o Thi (em chồng tôi) xúc lúa
ở ngoài sân đổ cho đầy bồ (Bồ là tấm gót lớn được đan bằng tre, quay tròn lại
để đựng lúa).” Trời đất, ăn giỗ mà mẹ chồng tôi nói là “ăn cộ,” lúa là
“ló”, cả túi là “kẻo trời tối” thì làm sao con gái nam Biên Hòa như tôi
hiểu được. Thương Hưng –tôi nín khóc. “Dạ. Thưa mạ con sẽ làm như mạ dặn.” Vậy là mẹ chồng tôi an tâm ra đi. Còn tôi thì… mừng trong bụng.
Thoát nạn vì “tối mạ mới về.” Ở lại với mẹ chồng tôi ba hôm thì
chúng tôi trở vào Biên Hòa. Cũng không hiểu thêm được gì nhiều hơn nữa về
làng quê Huế của chồng tôi. Ngày từ giã, mẹ chồng tôi ôm tôi khóc. Hưng khóc
và… tôi cũng khóc.
.
Thứ 2, ngày …tháng …năm …
10 ngày sau ngày cưới .
Điện thoại reo. Tôi bắt máy
-A lô …A lô…A lô…
-A …lô…lô…lô …
-Đứa mô côi chạc rứa bây? ( Đứa nào trên dây vậy )
-A lô…A lô …?! …?! …
- Rứa ai côi chạc rứa? (Vậy ai trên dây
vậy)
- A lô…A lô…A
lô… ?!… ?!... ?!...
Tôi cúp máy. Không biết là ai và
người ta nói gì .
.
Thứ 5, ngày… tháng …năm …
-A lô …A lô…A lô …
-A lô …lô …lô …lô…
-Mạ há? Con đây nè. Hưng đây mạ.
-Mi côi chạc há Hưng?
-Ui cha ơi, mi noái (nói) với con vợ của mi. Răng (sao) tau kêu
dây noái vô thăm, kêu nhờ nhà người ta cạ (cả) buội (buổi) trời mới đặng
(được) Rứa mà hắn vừa a lô, tau hoải (hỏi) đứa mô côi chạc, rứa là hắn
(nó) bỏ máy cái rụp. Đồ vô phép vô tắc.
- Mạ ơi, Hà nghe không hiểu tiếng ngoài mình. Để rồi con giải
thích cho vợ con hiểu.
- Tội nghiệp quá con hí! Lấy vợ nam mần chi (làm gì) cho khổ cả
mạ với con ri (vậy) hè !
- Mạ khỏe không?
- Tau khỏe.
Mạ cúp máy cái rầm vì giận con dâu lây sang con trai.
Gương mặt Hưng không vui, cũng không buồn sau khi kể lại cho tôi nghe
cuộc điện đàm giữa hai người. Tôi chỉ biết… kêu trời.
.
Thứ 3, ngày…tháng … năm …
Sau ngày cưới 2 tuần .
-A lô …A lô …
-Dì cho con gặp mạ con. Nhờ dì nói, có con là Hà vợ anh Hưng gặp
mạ con .
-A lô …lô …lô…
-Thưa mạ, con là Hà vợ của anh Hưng đây.
- Ừ. Hà há? Rứa thì thằng Hưng hắn mô (đâu) rồi?
- Dạ …Dạ … (tôi chưa biết trả lời ra sao) thì …
- Chao ơi! Mi thu hắn (dấu nó) làm chi (làm gì). Tau hoải hắn ở
mô cho biết rứa thôi chơ (chứ) ai có làm chi hắn mô mà mi sợ mi thu.
- Dạ. Mạ nói sao mạ?
Mẹ chồng tôi giận. Không nói gì nữa, cúp máy nửa chừng. Lạy
trời. Hưng ơi!
.
Thứ 4, ngày … tháng … năm …
Nửa tháng sau ngày cưới.
Đi dạy về. Gương mặt chồng tôi buồn buồn có vẻ đăm chiêu,
suy nghĩ điều gì. Anh nói, nghe mẹ chồng tôi bị nhức đầu. Anh lo lắng không
hiểu mẹ có bị lên máu không. Hưng bảo tôi điện thoại hỏi thăm bà. Tôi nói, em
sợ lắm. Hôm trước em có điện thoại thăm mạ. Không hiểu mạ giận chuyện gì, mạ
nói em thu cái gì đó của mạ. Hôm cưới mình về Huế có ba ngày rồi vào. Mạ có cho
em hai gói Mè Xững và một gói Mứt Gừng mang vào, chứ em có lấy hay thu cái gì
của mạ đâu. Hưng dỗ dành tôi, có lẽ do hiểu lầm gì đó thôi rồi anh khuyên tôi
nên điện thoại hỏi thăm bà cho có tình cảm. Tôi đồng ý.
.
Thứ 5 , ngày … tháng … năm …
-A lô …A lô…A lô…
-A lô …lô …lô…
-A lô …Thưa mạ, con là Hà đây.
-Ừ.
- Dạ, Con nghe anh Hưng nói, mạ bị đau đầu
sợ do lên máu…(tôi đang nói nửa chừng)
- Ui cha, nì (này), cái con ni (con này.
Tau đau cái trốt (đầu) chơ tau có ghen ai mà lên máu lên me. Cấy dôn (vợ
chồng) bây đừng có hùa chắc (hùa với nhau) mà nói bậy. Đồ vô hậu ! (không
có hậu) .
- Dạ. A lô …A lô …
Mẹ chồng tôi cúp máy vì giận con dâu và con
trai.
Trời đất, tôi không hiểu gì cả. Kiểu này,
có lẽ tôi bị thần kinh mất.
Chủ nhật, ngày…
tháng… năm …
Điện thoại ở Huế gọi vào. Chồng tôi bắt máy.
-A lô …A lô…A lô …
-Dạ . A lô …A lô …Thưa cậu, mệ ngoại (bà ngoại) nói chuyện với
cậu.
-A lô… Hưng đây mạ.
-A lô, mi há Hưng? Nì (này), tau đau cái trốt mấy bựa ni (mấy
bữa nay). Vợ mi kêu dây ra noái tau lên máu. Chơ trời ơi! Cha bây chết đã lâu,
tau có ghen ai nữa mô mà cấy dôn bây hùa với chắc noái tau lên máu lên me.
-Trời, mạ ơi!
Mẹ chồng tôi cúp máy. Giận con trai tiếp. Khổ thân chồng tôi,
Hưng ơi! Em thương anh.
Mọi chuyện rồi cũng qua. May mà vợ chồng tôi ở xa. Một hôm tôi
nhận điện thoại của mẹ chồng tôi. Bà vui lắm. Thấy bà vui tôi cũng mừng.
-A lô …lô …lô …
-A lô …Dạ …A lô …
-Mụ Hưng há? Bựa trước (bữa trước), làng Hương Cần có tổ chức
Hội chợ. Mạ có đi chơi. Bui vui) lắm. Ui cha, người ta bán đồ (bán hàng) thiên
thung man nai (rất nhiều loại hàng). Có xiệc (xiếc), có làm hề. Xiệc thiệt
(thật) tài mà hề cũng hay. Mấy chú hề múa mỏ (miệng nói nhiều, phách tấu (nói
dốc) quá hung (quá chừng). Nhưng mà bui. Vài bựa về ăn Tết, mụ mua cho mạ chục
đụa mun (đũa gỗ đen) và chục đoại (tô). Nghe noái, đụa mun trong nớ (đó) đẹp
mã. Nhớ mua đoại loại vừa, men xanh. Quí lắm.
-Dạ. (Rút kinh nghiệm, tôi dạ liền) …
Tôi không hiểu mẹ chồng tôi nói gì và mua thứ gì cho bà nhưng
tôi vẫn cứ dạ cho chắc ăn vì thấy “mạ” đang vui. Sẽ hỏi lại Hưng sau.
Nhưng niềm vui chợt đến chưa được bao lâu tôi bỗng giật mình. Tôi có hiểu
mẹ chồng tôi nói gì đâu mà nhờ chồng tôi phiên dịch. Băn khoăn, lo lắng thật
đầy .
-Em có nhớ một chút gì qua câu chuyện của mạ nói thì cứ nói lại
anh nghe. Anh sẽ đoán ra được mà.
-Mạ nói mạ đi Hội chợ mà sao đó, nhưng tâm trạng của mạ vui lắm. Thấy cũng tội mạ. Mạ nói, Tết về mua đụa mun… chi nữa đó, em chịu.
Hưng mừng rỡ ra mặt. Anh biết rồi, mạ bảo em mua đũa đó. Không
hiểu mua đũa làm gì trong này. Ở Huế cũng có mà. Do dự một hồi rồi Hưng điện
thoại về Huế. Thì ra mẹ chồng tôi nói đi chơi Hội chợ ở làng bên vui lắm. Người
ta bán rất nhiều mặt hàng. Xiếc hay mà làm Hề cũng vui, nói dốc quá chừng. Tết
về, mua cho mạ một chục đôi đũa gỗ đen và một chục cái tô tráng men xanh. Lạy
trời, nếu không có ông chồng tôi phiên dịch thì tôi chịu thua mà lại còn bị mẹ
chồng tôi hiểu lầm. “Con dâu nam” hư quá !!! Ơi Huế của chồng tôi
ơi! …
Chồng tôi thương mẹ vì mẹ đã hy sinh nhiều cho chồng tôi có ngày
hôm nay – một giáo viên trung học có tiếng ở Biên Hòa. Tôi thương chồng tôi nên
thương mạ của anh. Chỉ có điều tiếng trung, tiếng nam khác nhau. Nhưng
không sao tôi sẽ cố gắng. Liên tiếp những ngày sau, tôi chủ động rủ chồng tôi
cùng ngồi lại với nhau, giúp cho tôi biết thêm về tiếng địa phương, phong tục,
giọng Huế để tôi có thể hiểu và thương mẹ chồng tôi hơn. Một phụ nữ miền quê
của Huế chịu thương, chịu khó, mất mát tình cảm của chồng khi một mình nuôi các
con khôn lớn. Tôi không than phiền cũng như buồn lòng mẹ chồng tôi. Tôi
tự hứa với lòng mình, qua Hưng, tôi sẽ cố gắng tìm biết thêm về Huế để hiểu cho
hết ý của mẹ chồng tôi dạy bảo mong bà vừa lòng con dâu nam của bà. Mà sâu xa
hơn là vì tôi yêu Hưng –ông chồng Huế của tôi ….
.
…. Cuốn nhật ký của Hà khép lại, những trang viết đầu tiên sau
ngày cưới. Nhớ lại ngày ấy tôi thương Hà quá. Sau này Hà là con dâu tốt của mạ
tôi. Hà hiểu được tâm lý, tình cảm của mạ còn hơn tôi. Con trai của tôi nói, mẹ Hà là con gái của bà nội còn ba Hưng chỉ là con rể thôi. Mạ tôi qua đời. Vợ
chồng tôi thương bà vô cùng, một bà mẹ tốt đã hy sinh rất nhiều vì hạnh phúc
của con. Điều này có lẽ Hà hiểu. Những tháng năm làm dâu Huế khi Hà hiểu biết
nhiều về văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, tiếng Huế, giọng Huế… thì
Hà của tôi là một phụ nữ nam bộ gốc Biên Hòa làm dâu Huế tuyệt vời (tôi không
nói quá.) Bà con nội ngoại nhà tôi ai cũng khen Hà như thế. Tôi vẫn rất
nhớ câu nói của mạ tôi trong một lần chúng tôi về thăm Huế mùa xuân năm ấy, sau
ngày cưới mười năm: “Ui cha, hồi nớ (hồi ấy) mạ noái chi (gì) mụ Hưng cũng ngậm
thinh (im lặng) hết. Té ra (thật ra) mạ noái mà mụ không hiểu chi cả. Cứ đứng
nhìn mạ trân trân nhìn sững "Rứa mần răng (Vậy làm sao) mà sau nớ
(sau đó) mụ lại biết được hết rất mau. Mụ Hưng cũng giỏi thiệt (giỏi
thật,) mụ nấu đồ chay Huế cũng ngon. Rứa mới tài. Đúng là dâu Bàu Đôn của ôn
mệ (ông bà) mình.” Tôi mỉm cười nhìn lên di ảnh mạ tôi, ở đó, mạ
cũng đang âu yếm nhìn –con trai của mạ.
.
Trời đang xuân. Đất đang xuân. Tôi lắng lòng trong không
gian đầm ấm của Tết Huế. Hương xuân nhả khắp nơi ve vuốt, tình tự. Chiều cuối
năm Huế mặc áo lam huyền nồng nàn, gợi cảm cùng giọt xuân rơi trong ngôi nhà
cổ. Lặng lẽ, nao lòng. Ngậm ngùi… tôi nhớ mạ tôi vô cùng.
.