Thursday, October 6, 2022

Đọc Kịch Lữ Kiều

Xin gii thiu bài viết ca Nhà văn KHUẤT ĐẨU, viết v Kch ca LỮ KIỀU (Thân Trng Minh, QH62)

.



ĐC KCH L KIU

Ngưi đc : Khut Đu 

Mở

Kịch là một từ Hán Việt. Theo định nghĩa của Đào Duy Anh, là rất mạnh. Như một cơn địa chấn tạo nên những đứt gãy, những hố sâu. Từ đó, Kịch được dùng để gọi những tuồng hát, những tuồng đời.

Trái đất là một tinh cầu. Mỗi vở kịch là mỗi tiểu tinh cầu. Và tác giả chính là mỗi tiểu thượng đế. Như Chúa trong kinh thánh, tác giả tạo ra ánh sáng và bóng tối, tạo ra gió và mưa, tạo ra không khí và sau cùng tạo ra nhân vật. Nhân vật được tác giả cài đặt định mệnh. Những định mệnh nâng đỡ nhau, va đập vào nhau tạo nên những số phận. Tất cả những chuyển động âm thầm ấy làm nên kịch.

Vở kịch được coi là thành công khi tạo được những dư chấn trong hồn người xem sau khi đã cho họ thấy những đứt gãy, những hố thẳm.

Nhưng nếu vở kịch được viết mà chưa lên sân khấu, thì vẫn chỉ là một tinh cầu chưa chuyển động. Chúng nằm im trên giấy như cô công chúa ngủ trong rừng chờ hoàng tử đến thức dậy. Hoàng tử ấy là đạo diễn. Anh ta dùng bàn tay kỳ ảo của mình như phù thuỷ hô phong hoán võ kêu gọi âm binh, làm chuyển động ánh sáng, bóng tối, gió mưa và những nhân vật. Vở kịch có da có thịt trở nên sống động là nhờ anh.

Hiểu như thế để thấy rằng từ tim óc người viết cho dù là tiểu thượng đế cũng phải cần có nhiều cơ may mới có thể đến được với người xem.

Trên các sân khấu VN, có rất ít cơ may như thế. Thì đành phải “đọc” vậy.

Đọc như thế nào? Đọc một cách ơ hờ như đọc môt thông báo? Hỏng!

Đọc như một chút tình bè bạn, cũng hỏng! Phải đọc như một đạo diễn có tài đang dựng kịch. Tức là phải làm cho vở kịch chuyển động, phải đánh thức những con chữ để nó phát ra tiếng nói. Và phải nghe bằng sáu giác quan, trong đó giác quan thứ sáu là vô cùng cần thiết. Như Kim Thánh Thán “nghe” Tây Sương ký. Như Bùi Giáng “nghe” Malentendu.

Tôi cũng tin là mình đang “nghe” như thế trước những tiểu tinh cầu của Lữ Kiều.

Thc dy đi k phá cu!

Kịch được viết năm 1969, sau Mậu thân đúng một năm. Cứ cho là vào những ngày giỗ đầu của hàng vạn con người đã chết oan để làm nên một tiếng nổ lớn còn hơn bom nguyên tử. Chiếc cầu tuy không gọi tên nhưng ai cũng biết là cầu Trường Tiền. Cây cầu yểu điệu thục nữ đưa những bờ vai “như giấy mới” bắc qua hai bờ sông Hương, con sông như kiếm dựng trời xanh dưới mắt nhìn Cao Bá Quát.

Cây cầu còn là một niềm kiêu hãnh như một nét mày cong vẽ trên tâm hồn Huế.

Vậy mà có kẻ muốn phá, dám phá!

Kẻ ấy là Trung, tổ trưởng đặc công, là người từng lớn lên bên bến sông ấy, từng tắm dưới chân cầu kia.Trung còn là bạn của Miên một thương binh “nguỵ” mù mắt và đã từng thầm yêu Kim, chị của Miên, từng biết Văn chồng của Kim, từng lui tới đề huề coi mẹ Kim như mẹ. Anh cùng đồng chí chọn đúng ngôi nhà thân quen để làm nơi xuất phát cho cuộc tàn sát một cây cầu.

Khi biết được nhiệm vụ của anh, Kim và Miên ra sức cản ngăn. Nhân danh tình bạn, một thời đã rất lãng mạn cùng ầm ĩ hát bài Chiều vàng dưới nắng vàng để tương tư một người con gái, Miên đã tranh luận với Trung, quyết liệt đến nỗi, ngày mai, khi nghe tin cầu gãy, nếu tôi còn sống, tôi xem như cậu đã chết. Nhưng Trung vẫn khẳng định là cầu phải bị phá huỷ. Đẻ chi vậy? Để ngăn đường tiến quân của địch? Không! Để xác tín bọn họ có mặt ở thành phố này và để cho thế giới biết được sức mạnh của họ. Cuộc chiến ý thức giữa hai người một thời là bạn dữ dội không kém những cuộc đấu kiếm hay đấu súng. Cuối cùng kẻ mù loà nhưng sáng suốt đã thua kẻ sáng mắt có sức mạnh mù quáng.

Cây cầu đã bị giựt sập. Và Trung đã chết cùng với cây cầu.

Gàn một phần tư của vở kịch, tác giả để Trung khạc nhổ vào quá khứ, hận thù hiện tại, nhưng lạ một điều là Trung không thuyết giảng về tương lai, một tương lai màu hồng như ta thường nghe thấy từ miệng lưỡi của “những đứa con mang gươm đao về xóm làng”. Từ lời nói, từ cử chỉ, rắn và lạnh như thép súng.

Trước mặt người chỉ huy và đồng chí Út, Trung có vẻ sừng sững cao ngạo của một kẻ mà lập trường đã được trui rèn trong lửa đạn. Ở đây ta thấy sức mạnh của nguỵ tín đã thắng áp đảo những mong manh yếu đuối của tâm hồn.

Trung cho thấy dưới mắt nhìn của cả hai phía, tâm hồn anh đã hoá thạch. Một tâm hồn còn chai cứng hơn cả Martha trong Malentendu của Camus. Nếu Trung còn sống trở về hay bị tử thương vì chất nổ thì toàn bộ những sự kiện, những nhân vật chỉ là vật chứng, người chứng dể tôn vinh là anh hùng của phía bên kia, hay để kết tội là kẻ phá hoại của phía bên này.

Nhưng, qua lời nói hổn hển của người chỉ huy bị thương trở về, chứng nhân cuối cùng của cuộc ám sát, ta bỗng thấy dung nham của sự thật đang trào lên sau tiếng nổ lớn. Như đêm bỗng sang ngày. Như chết bỗng thành sống. Tất cả đã quay ngoắt 180 độ.

Giật mình nhớ lại một phần tư vở kịch, ta thấy Trung đóng kịch. Anh đóng kịch trước Miên, trước Kim, trước đồng đội. Đóng kịch quá giỏi. Không ai có thể moi ra lời nào, cử chỉ nào để xác tín anh là kẻ sẽ chết theo cây cầu. Vậy mà chỉ một lời như trối trăng của người chỉ huy, phía bên kia không thể tôn vinh anh là anh hùng, phía bên này không thể kết án anh là kẻ phá hoại. Anh là kẻ tuẩn tiết.

Anh chết theo cây cầu như trước đó anh nói với Miên, tôi còn thân thiết cây cầu hơn cả cậu. Từ một kẻ tâm hồn tưởng chừng hoá thạch, bỗng trở nên nóng ấm vì sự phục sinh của một tâm hồn đắm đuối.

Cái quyết định bi tráng ấy không phải bỗng dưng mà có. Nó bùng nổ trong tâm hồn Trung khi được biết cây cầu sẽ bị phá để gây một tiếng vang lớn trên toàn thế giới sau khi cuộc tổng tấn công đã bị thất bại. Trung được chọn, còn hơn thế, tự nguyện trở về để làm cái việc mà trước khi lên núi anh không hề nghĩ đến. Anh vẫn tưởng làm cách mạng là lau rửa khuôn mặt Huế đã nhớp nhơ, xấu xí vì bàn tay lông lá của ngoại xâm, để giữ cho nét mày cong ấy đẹp hơn, tô điểm cho xứ Huế thêm yêu kiều lộng lẫy.

Cái chết của anh chính là một thức tỉnh sau những đêm dài ngộ nhận.

Nó còn là một lời tạ tội với những người thân quen cũ, là sự đoạn tuyệt dứt khoát với những người “bạn” mới, mặc dù dưới mắt họ, trước đó anh là một anh hùng.

Cái chết của anh bỗng dưng bi tráng hơn cả Kinh Kha. Vì sao? Vì Kinh Kha còn

có cả ba ngàn tân khách tiễn đưa bên bờ sông Dịch, còn tỏ được cái hào khí trên sông lạnh với những câu hát làm tóc trên đầu tân khách dựng ngược. Còn Trung lặng lẽ, âm thầm. Một mình mình biết, một mình mình hay. Khi bơi đến đặt chất nổ vào lòng cầu, trái tim Trung chắc đập dữ dội. Cây cầu bình yên ôm lấy anh như đã ôm anh suốt cả thời thơ ấu. Lúc này anh như một kiếm khách, một tay ôm chặt người yêu, mặt sát mặt, môi sát môi, một tay đâm cây kiếm bén ngót từ phía sau, xuyên qua tim nàng và xuyên qua tim mình !

Từ trong sâu thẳm, nhân vật Trung cho ta thấy vẫn còn chất người. Còn rất nhiều. Một người dám chết với những gì mình dấu yêu còn người hơn một người sống thấp hèn với những gì mà mình căm ghét. Chỉ một cái chết nhưng dưới hai mắt nhìn, một bên cho Trung là kẻ phản bội, một bên có thể gọi Trung là kẻ chung tình.

“Đọc” tới đây tôi bỗng nhớ đến phim cầu sông Kwaii. Nhớ viên thiếu tá công binh người Anh. Ông ta biết rằng cây cầu của mình được dựng nên bằng máu và nước mắt sẽ bị quân du kích đồng minh phá huỷ. Biết trước cái chết của cây cầu mà vẫn miệt mài làm ngày làm đêm không phải vì khuất phục trước sự bạo tàn của viên thiếu tá Nhật. Mà làm, vì danh dự của một quân nhân người Anh. Làm, để rồi cùng chết với cây cầu. Chết như thế cũng quả thật bi tráng.

Còn một nhân vật khác, cô đọng như một giọt máu khô. Đó là mẹ Kim, một người đàn bà câm (hay bỗng dưng bị câm?). Bà chỉ kêu lên A! A!, những tiếng kêu quái dị khi nhìn những xác chết. Bà là hình ảnh tượng trưng của Linh Hồn Huế. Trước nỗi đau sâu dài khiến bà hoá câm, chỉ phát ra những tiếng kêu đứt ruột.

Đọc xong vở kịch, tôi mơ hồ tưởng như mình đang ngồi trước một sân khấu mà ánh sáng và bóng tối được sử dụng bởi những kỹ sư tài giỏi, một dàn nhạc biết rải vào khoảng lặng những âm thanh nhiều màu sắc, những nhân vật được thể hiện bởi những nghệ sĩ đích thực, và tất cả được phù phép dưới bàn tay của một đạo diễn bậc thầy. Tôi như trông thấy ngọn lửa của cây cầu đã hoá thân trong đó có máu thịt của Trung. Ngọn lửa ở phía sau và người Mẹ câm ốm yếu, đen đúa ở phía trước. Bà đưa hai tay lên trời kêu A!A! trong khi màn từ từ hạ. Tôi nghe như Ôi Trời ! Oh my God !

Tiếc rằng đó chỉ là giấc mơ. Cũng như tiếc rằng tác phẩm ai điếu cho một cây cầu này của Lữ Kiều chỉ là những trang bản thảo cho dù đã được bạn in thành sách như một tiếng thở dài.

Con sâu trong mt

Kịch được viết năm 1972, năm ký kết hiệp định Paris. Ở thời điểm này cuộc chiến tranh đã xuống thang, một số tù binh sẽ được hai bên trao trả. Nhưng trước đó và sau đó, những tù binh ở Phú Quốc vẫn không phải là tù chính trị như ở Côn đảo. Một chừng mực nào đó, người ta vẫn phải tuân theo công ước quốc tế về tù binh. (không có những cai ngục miệng luôn mắng chửi, tay luôn đánh đập).

Bên cạnh những giám thị ăn nói khá hoà nhã (gọi tù là các anh) còn có thêm những bác sĩ mặc áo lính. Một trong những bác sĩ ấy là tác giả. Chứng kiến những người tù đói khát, ốm đau, thương tật, những âm mưu đào thoát, một người đã từng tuyên thệ trước Hypocrate cảm thấy những nỗi đau âm ỉ, khạc chẳng ra nuốt chẳng vào, nên phải viết thành kịch. Viết cho chính mình, trước hết, như một băng bó tạm thời trước khi có một cuộc đại phẩu. Viết, sau đó, những mong để lại trong văn học một nét khắc cho dù không bóng bẩy tài hoa như Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nhưng vẫn là một vết khắc của lịch sử.

Cái tập thể với hơn 500 con người tạm thời thua một vài trận nhưng vẫn tin ở chiến thắng cuối cùng. Dù bị giam cầm canh giữ nghiêm mật, họ vẫn nung nấu một ý đồ vượt thoát. Kịch phơi bày cái khát vọng tự do dưới hình thức một cuộc tuyệt thực để đấu tranh những đòi hỏi mà họ cho là chính đáng: thả những người bị biệt giam mà họ nghi ngờ là bị thủ tiêu. Trả xác những người đã bị bắn chết khi vượt thoát. Họ không còn vũ khí để chiến đấu. Họ chỉ còn cái quyền từ chối được ăn. Dĩ nhiên là để làm reo. Ta chẳng lạ gì cách đấu tranh của họ. Chỉ lạ là họ ngồi lì giữa trời nắng cháy hay giữa trăng khuya lạnh buốt để che dấu cho một âm mưu táo bạo. Họ âm thầm đào một địa đạo dưới lòng đất dài cả trăm thước, đào bằng cà men, bằng tay không, để đưa cả trăm người tù thoát qua bãi mìn rồi biến mất giữa rừng lau lách. Công cuộc ấy kể ra cũng khá vĩ đại nếu thành công. Đó là công cuộc quật khởi giữa lòng quân thù, là thắng trước mũi giặc, là tiếng nổ lớn vang dội tận hoà đàm Paris.

Nhưng họ không thành công. Cuộc vượt thoát đầy mưu trí và kiêu hãnh ấy bị nhận chìm trong biển máu. 99 con người bị bắn chết ngay khi vừa ló đầu ra khỏi miệng hầm, mũi chưa thở được chút khí trời tự do. Chỉ có một người bị thương may mắn sống sót nhờ giả chết. Người mà số phận bỗng được nuông chiều một cách kỳ lạ ấy bắt đầu một cuộc trả thù. Không phải những kẻ đã vãi những tràng đạn đại liên trên lưng anh em đồng đội, mà là kẻ phản bội đã bán đứng cả trăm con người cho địch.

Kẻ ấy là ai? Là người đàn ông trung niên tên Quyết, người đã bằng đầu óc kỹ sư của mình vẽ ra cái địa đạo tuyệt mật ấy, người đã khước từ cái phần thưởng xứng đáng là được đào thoát, người cao thượng hão, người để lộ cái bản chất tiểu tư sản kiêu bạt khi tuyên bố chỉ ra đi cuối cùng với địa đạo sau cùng. Và nếu có chết thì cũng chết như một thuyền trưởng dày dạn chết theo con tàu của mình sau khi thuỷ thủ đã xuống hết thuyền cứu hộ. Chính cái lãng mạn bi tráng ấy đã bị những người tù còn lại kết án là phản bội, vì sau đó ông ta đã được đưa vào trại giam khác để rồi lặng lẽ biến mất.

Người thanh niên suốt ba năm đi tìm ông ta với một quyết tâm không gì lay chuyển: phải giết ông ta bằng được để giải oan cho những linh hồn của những người đã chết. Đã tìm là phải gặp. Người thanh niên đã gặp ông ta nằm ngủ trước cổng tam quan một ngôi chùa nhỏ cô tịch. Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu. Anh ta đã giết được người kỹ sư sau khi đã trưng ra những bằng chứng không thể chối cãi của sự bội phản.

Kẻ phản bội đã phải đền tội nhưng câu chuyện chưa phải đã hết. Vì như thế thì có khác gì những cuộc trả thù nhàm chán trong những phim kiếm hiệp. Cái đáng xem của vở kịch này là mặt trái của câu chuyện, là thấy vậy mà không phải vậy. Cũng như Trung kẻ phá cầu, thực ra là kẻ, bằng cái chết của mình, đã bắc một cây cầu mới nối những tâm hồn đồng điệu.

Ở đây, kịch là một bí mật được gói kín bỡi nhiều dữ kiện. Người xem giống như những nhân vật trong Quán củ hành của G. Grass. Mỗi người được phát cho một củ hành, một con dao. Cứ thế mà bóc vỏ, mà băm vằm cho đến khi nước mắt nước mũi lòng thòng, nổi khùng lên ôm nhau hôn, ôm nhau khóc.

Cái lớp vỏ lụa vàng óng bên ngoài là cuộc đối thoại ngắn giữa một chú tiểu vừa mới nhập môn, hãy còn những nét trẻ con ngây ngô của thế tục với một người đàn ông trần tục lại nói ra toàn những lời của nhà Phật. Cái vỏ ấy kêu lạo rạo đôi chút, chẳng có gì là mùi vị hăng nồng đặc trưng của củ hành.

Lớp vỏ thứ hai là cuộc gặp giữa người đàn ông và người thanh niên. Người đàn ông chưa nhận ra người thanh niên, nhưng người thanh niên thì biết ông ta quá rõ. Ông ta tên Quyết, người mà anh ta kiếm tìm để kết thúc cho một mối hận thù. Khi nghe nói đến hận thù ông ta liền nhận ra anh ta đã từng là người tù như ông, những người cùng chí hướng cùng lý tưởng ở trại tù A trên đảo Phú Quốc. Lẽ ra họ đã ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, nhưng giữa họ đã có một con dao dấu sẵn trong áo của người thanh niên. Đến đây người xem đã chắc một điều rằng, đây chính là củ hành chứ không phải củ khoai tây.

Nhưng vẫn chưa thấy mùi hăng. Phải đến lớp vỏ thứ ba mới thấy. Đó là một lớp vỏ đã ngã màu hư thối, dậy lên một mùi khó chịu, vừa cay vừa chua, mùi của một lớp tuồng đã cũ. Sân khấu chuyển cảnh bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn ánh sáng và bóng tối, đưa ta trở lại ba năm trước. Cảnh hàng trăm tù binh tuyệt thực và biểu tình ngồi để đòi trả xác những người bị bắn chết. Người chỉ huy, tên Năm, đưa ra những yêu sách rất cương quyết nhưng cũng rất ôn hoà. Một người cho dù là đã bị tước khí giới, bị nhất thời làm người thua cuộc, vẫn bằng lời nói đĩnh đạc chứng tỏ mình xứng đáng là người chỉ huy, thay mặt cả 500 con người, hiên ngang đứng thẳng, mặt đối mặt với kẻ địch.

Trước một cuộc đấu tranh bất bạo động và được điều khiển bỡi một người có tư cách, ban giám thị cũng đã tỏ ra là những quân nhân có giáo dục. Họ đã trả lời một cách hoà nhã tuy không kém phần cương quyết. Ở nơi tưởng chừng chỉ có gậy sắt bọc cao su, chó berger, những khuôn mặt lầm lì, không ngờ lại được nghe những lời đối đáp khôn ngoan kín kẽ như những nhà ngoại giao trong các cuộc đàm phán lâu dài mỏi mệt. Ta bất ngờ cảm được cái vị ngọt ít ỏi trong cái cay nồng của củ hành.

Lớp vỏ tiếp theo đã bắt đầu làm ta cay mắt. Những người tù đang âm thầm tổ chức cuộc vượt thoát. Cái cảnh sử dụng quyền không muốn ăn của bọn họ chỉ là bức màn làm bằng 500 con người ngồi để che dấu những lớp đất đựng trong thùng phân được chuyển lên từ hố sâu. Một địa đạo dài gần 100 mét sắp hoàn thành. Nhưng nếu mở miệng hầm thì tất cả sẽ phải đi qua một bãi mìn, tức là tự sát.

Một cuộc tranh luận gay gắt giữa anh Năm và người thanh niên, trưởng toán đào hầm. Người thanh niên sôi nổi muốn vượt thoát bằng bất cứ giá nào. Nếu phải hy sinh 50 cũng đã là một chiến thắng. Nhưng anh Năm thì không, một người cũng không. Dù có phải lấp lại hầm để bảo toàn bí mật, lấp vùi luôn bao nhiêu công sức của cả trại A, ông vẫn cứ làm. Sau cùng, theo lời người đàn ông tên Quyết, nếu kéo dài thêm 6 tiếng thì mọi việc sẽ hoàn thành trọn vẹn. Người chỉ huy đã chứng tỏ tài lãnh đạo của mình khi thuyết phục được ban chỉ huy trại tù cho kéo dài thêm 6 giờ để ngồi mặc niệm những người bạn đã hy sinh. Hãy nghe ông nói, chúng tôi xin ngồi đến giờ giới nghiêm của trại. Bởi vì đêm nay là đêm rằm, đêm rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân…Chúng tôi sẽ im lặng mặc niệm cho tất cả anh em, bạn cũng như thù đã chết…Một lời thỉnh nguyện có tình như thế làm sao ban chỉ huy từ chối được. Họ đồng ý và địa đạo được đào xong.

Vấn đề đặt ra cấp bách ở đây là ai đi ai ở lại. Anh Năm thưởng công cho người kỹ sư bằng cách bảo đêm nay anh hãy trốn đi. Nhưng người kỹ sư bảo anh Năm phải đi để lãnh đạo những người vượt thoát trốn lên phía bắc. Phần ông, cho dù bị kết tội là anh hùng cá nhân ông vẫn muốn ở lại để đào thêm những địa đạo mới mặc dù biết rằng ở lại là phải chịu đựng những cây gậy sắt bịt cao su quất vào đầu vào lưng.

Lớp vỏ tiếp theo, qua lời kể của người thanh niên trưởng toán đào hầm, tất cả đã bị ba khẩu đại liên giấu trong rừng lau quét sạch trừ anh ta.

Chưa hết bàng hoàng bỡi cái chết của 99 con người đói khát, ta lại đối mặt trước một toà án kỳ dị với một bồi thẩm đoàn 8 người trong đó có người kỹ sư, vừa ở tư thế quan toà vừa ở vai bị cáo. Mỗi đêm, cứ một ai đó khả nghi là kẻ phản bội liền bị đưa ra trước hội đồng. Chỉ cần 5 cánh tay của 5 người trong bọn là kẻ đó liền bị hành quyết ngay giữa hội đồng bằng cách đâm một vật nhọn vào giữa ngực. Cứ thế, mỗi đêm một người mới trước đây là đồng chí phút chôc đã trở thành kẻ phản bội. Mỗi đêm một người chết và sáng ra tất cả tù còn lại phải chịu tra khảo để tìm cho ra ai là kẻ chỉ huy của cuộc thanh trừng.

Cái cảnh những người tù xử với nhau thật kinh hoàng. Còn hơn cửa ngục thứ mười vì ở đó là những con quỷ bảy màu với cái chỉa ba, chứ không phải những người anh em đã cùng sống chết có nhau. Mà bằng chứng tội phạm của những kẻ bội phản là gì? Chỉ là nửa mẫu thuốc lá thừa, một chút cặn trong lon đồ hộp, hay vô ý đánh rơi một miếng giẻ rách dùng làm khăn…Bằng chứng còn là được thân nhân ở bên ngoài tiếp tế mà lại lén lút để ăn riêng…Nếu không có một người trước cái án oan của mình hốt hoảng đặt ra một nghi vấn, anh Quyết ấy sao không đi? Sao không nghi ngờ anh ấy mà lại nghi ngờ em chỉ vì em thèm thuốc quá! Thì mỗi đêm một người cứ phải chết cho dù có phải lần lượt chết đến người thứ gần bốn trăm!

Mọi nghi ngờ giấu kín được trút hết vào người kỹ sư. Ông ta bị đóng đinh câu rút giữa những người anh em mà ông đã yêu từ lúc còn trẻ tuổi. So với người thanh niên, ông là thế hệ đi trước. Ông có bằng kỹ sư. Ông yêu cuộc cách mạng này, ông nguyện hiến cả đời mình cho sự nghiệp ấy. Thế nhưng ông bị buộc tội tổ chức đào cả một đường hầm để đưa cả trăm chiến sĩ vào giữa những họng súng của kẻ địch. Ông bị chết là phải lắm. Người thanh niên có nghĩa vụ to lớn và chính đáng giết ông ta.

Một cách tuyệt vọng, không phải vì phải chết mà vì niềm tin đã sụp đổ.

Khi một người sống mà không niềm tin nào cả thì chết là một giảo thoát. Ông ta chịu để cho người thanh niên đâm dao vào ngực mình. Cái lớp vỏ cuối cùng của củ hành này tuy có cay nồng thật đấy nhưng chưa làm người bóc vỏ nổi cơn điên gào thét. Phải đến khi người thanh niên chùi máu dính trên con dao vào tay áo mình, cười lớn trước sự ngây thơ ngờ nghệch của người kỹ sư và nói những lời làm cho tóc ta dựng ngược, tôi biết anh vô tội nhưng tôi phải giết anh…tôi là kẻ duy nhất biết ba khẩu đại liên đang chờ những người tù…tôi là kẻ lên sau cùng khi 99 người đã bị giết. Thì lúc ấy khi những lời nói của hắn ta trào ra khỏi miệng như những con rắn độc, ta sững sờ nín lặng, rồi hai tay bịt lấy tai mình mà hét toáng lên. Sao lại có một sự thực tàn nhẫn và lạ lùng đến như vậy. Một sự thực cay xè còn hơn là một củ hành thúi.

Sau cơn cuồng điên vì không thể tin được lại có một kẻ bội phản yêu quái ranh ma như thế, ta rơi xuống vực sâu của sự im lặng. Sự im lặng của thao thức.

Sự im lặng của tuyệt vọng. Trong mơ hồ ta thấy những khuôn mặt dị kỳ với những con mắt không phải chỉ có những con sâu mà còn có cả cọp beo rắn rít, những con mắt của bạch cốt tinh chỉ nhìn vào ai là kẻ đó lạnh toát biến thành xác chết.

Ta giật mình nhớ lại những lời nói, tiếng cười của hắn. Hắn sôi nổi nhiệt tình bao nhiêu càng đáng sợ bấy nhiêu. Hắn sẵn sàng hy sinh cả 50 và như ta thấy đó cả 100 nếu tính luôn cái chết sau cùng của người kỹ sư để tạo nên cho mình cuộc vượt thoát với tất cả hào hùng còn hơn cả Ché Guevara. Khi người kỹ sư mà hắn xem như cái đuôi quá dài của bọn tiểu tư sản bị giết thì trên đời này còn ai biết được sự thật của hắn. Sự sống sót của hắn đã là một trang anh hùng trong lý lịch của hắn. Giờ lại thêm cái chiến công giết kẻ “phản bội” để trả thù cho anh em, thực ra là để bịt miệng, hắn trở thành kẻ đi đầu trong đoàn quân chiến thắng. Thử tưởng tượng từ đó đến nay, nếu chưa chết, hắn đã leo lên bao nhiêu bậc? Hắn đã giết thêm hại thêm bao nhiêu người vô tội để xây đắp tượng đài cho mình?

Mà đâu phải chỉ có một trại tù như thế ở Phú Quốc mới có những kẻ như hắn. Ở Côn đảo? Ở Sơn La? ở Ma thiên lãnh? Nhà tù chính là bệ phóng cho những sự nghiệp phi nhân.

Thôi mệt quá, không hơi sức đâu mà nghĩ tới hắn nữa. Nói một đôi điều ngoài lề với tác giả, mặc dù có thể khó nghe, nhưng mong được một nụ cười hỉ xả.

Là như thế này, sao lại để cho hắn nói quá nhiều. Chỉ một vài tiếng là đủ.

Chỉ cần “mô Phật” khi chùi xong lưỡi dao vào áo là đã quá cay chua rồi. Cần gì phải để hắn hỏi chú tiểu bé con có thấy trong mắt có con sâu hay không. Ngoài tiếng con người mà hắn không xứng đáng được gọi thì con gì chẳng được, cứ phải là con sâu. Những cảnh không lời của cái hội đồng kỷ luật 8 người đó với một ngọn đèn con khi sáng khi tắt (như lương tâm) và những người bị giết lặng lẽ là tuyệt đỉnh của vở kịch này. Còn hơn những cảnh đấu tố địa chủ ác ôn, cảnh những “bạn văn, bạn thơ” hỏi tội những người trong NVGP. Những cảnh đó nói lên biết bao điều tối ám trong lòng hắn. Nếu vở kịch này diễn ra trước cổng tam quan mà không có chú tiểu ở đầu và cuối mà thay vào đó là những tiếng chuông chùa vọng ra từ hậu trường thì đúng là cả một sự im lặng kinh hoàng như cả trái đất này đã biến thành một lỗ đen.

Kết

Kịch của Lữ Kiều là những dấu hỏi lớn, những phân định một cách công bằng về công và tội, về Thiện và Ác, về ánh sáng và bóng tối. Không một sân khấu nào giữa thời buổi này dám dựng. Hãy dựng nên trong đầu ta, mệt thật đấy, đau thật đấy, nhưng chỉ một mình ta cùng sống và cùng chết với kịch, nói như Thánh Thán, không sướng sao?

KhuĐu 

(20/5/09)