Xin giới thiệu một Truyện Ngắn của tác giả BỬU UYỂN (phu quân bạn Lê thị Lệ-Huyền, ĐK67 -B7, A2).
.
Đứa Con Lưu Lạc
Tác giả: Bửu Uyển (QH 59- 62)
Sau 30-4-1975, tất cả công chức, quân nhân VNCH đều bị bắt đi
tù cải tạo. Một số đi cải tạo ở Miền Nam, một số ở các trại cải tạo trên Cao
Nguyên, một số ở miền Trung, và một số lớn thì bị đưa ra Miền Bắc. Tháng 12
năm 1976, tôi bị đưa xuống tàu “Hải Phòng” và chuyển ra Bắc.
Trại cải tạo đầu tiên tôi
đến là Trại Phong Quang, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1979, khi Trung Quốc
đánh qua biên giới Việt – Trung, tôi được chuyển về Trại Phú Sơn, thuộc tỉnh
Bắc Thái. Một thời gian sau, họ lại chuyển tôi về Trại Nam Hà, tỉnh Hà Nam
Ninh.
Trong thời
gian tôi đi tù cải tạo ở Miền Bắc, vợ con tôi đang sống ở Cần Thơ với vô vàn khổ
cực, đau thương. Vợ tôi vất vả mua bán quần áo cũ ở vĩa hè, cũng chỉ đủ ăn cho
4 mẹ con (vợ tôi và 3 con nhỏ). Nhà tôi rất đau khổ khi nghĩ đến tương lai của
các con. Nhiều gia đình trong xóm đã cho con đi vượt biên, một số đã đến đảo
bình yên, đem đến cho họ chút hy vọng tương lai cho các cháu nhỏ.
Năm
1982, nhà tôi gom góp được 1 lượng vàng, và hy sinh cho cháu Tèo (cháu
lớn nhất – 12 tuổi) đi theo một tổ chức chuyên đưa con nít vượt biên, giá 1
lượng cho mỗi cháu. Sau khi đóng tiền, họ đưa cháu ra Đà Nẵng để chuẩn bị ra
đi.
Nhà
tôi ngày đêm cầu nguyện, mong ngóng tin con đã đến đảo... Nhưng chờ đợi 1 tháng
rồi 2 tháng, rồi 1 năm sau cũng không có tin tức gì của con. Nhà tôi đau khổ
ngày đêm thương nhớ con, không biết cháu có đến được đảo không, hay đã chết
trên biển cả mênh mông rồi.
Năm
1984, tôi được tha về, chỉ còn da bọc xương. Vợ chồng, cha con chúng tôi vui
mừng gặp lại nhau, không thấy cháu Tèo. Tôi hỏi: ”Tèo đâu?” Biết không
thể giấu được, nhà tôi phải kể rõ mọi chuyện cho tôi biết.
Tôi ngã nhào, úp mặt
xuống đất khóc nức nở. Tôi kêu gào: "Tèo ơi! Tèo ơi!! để ba chết thay cho
con!“ Cả nhà cũng khóc theo. Chúng tôi quá đau đớn vì mất đi một đứa con,
nhưng dù thương tiếc, thì chuyện đã rồi; chúng tôi phải sống cho 2 cháu còn
lại, 1 trai và 1 gái.
Ngày
tháng qua đi, bỗng chương trình HO đến, đem lại cho những gia đình tù cải tạo
chút hy vọng le lói. Chúng tôi làm hồ sơ, được phỏng vấn HO và sau đó, được
định cư ở Mỹ từ năm 1992.
Từ
ngày qua Mỹ, khi chúng tôi có dư được đồng nào, cũng gom góp gửi về VN, đặc
biệt giúp cho các trại nuôi trẻ mồ côi. Ban đầu thì giúp nhiều nơi, nhưng sau
một thời gian, khi nhận thấy yểm trợ lung tung như vậy kém hiệu quả, chúng tôi
chọn lọc lại, và quyết định chỉ giúp cho một trại mồ côi mà thôi do khả năng
tài chánh của chúng tôi có hạn.
Tình cờ, chúng tôi chọn
giúp cho trại mồ côi Sao Biển, ở vùng Đà nẵng mà thôi. Từ đó chúng
tôi chỉ giao dịch với trại mồ côi Sao Biển, và trở nên thân thiết
với quí Xơ (Soeur) trông coi trại nầy. Chúng tôi thường
xuyên liên lạc với trại mồ côi đó, thăm hỏi tình hình sức khỏe và sinh hoạt của
các em. Dù sự chu cấp của chúng tôi không dồi dào lắm, nhưng các em luôn luôn
có đủ cơm ăn, áo mặc và được học hành.
Năm
1997, Xơ Bề Trên của Nhà Dòng, cũng là người quản lý trại mồ côi Sao Biển, mời
chúng tôi về VN một chuyến để thăm Nhà Dòng và thăm các em mồ côi.
Lúc nầy vấn đề tài chánh của gia đình chúng tôi bắt đầu thoải mái, nên chúng
tôi quyết định sang năm 1998, chúng tôi sẽ về Đà Nẵng theo lời mời của Xơ Bề
Trên để thăm Nhà Dòng của Xơ và thăm các em mồ côi trong 2 tuần.
Máy
bay của chúng tôi đến phi trường Đà Nẵng lúc 3 giờ chiều ngày 14 tháng 5 năm
1998. Khi đến nơi nhận hành lý, chúng tôi đã gặp các Xơ đến đón
chúng tôi. Quí Xơ và chúng tôi chuyện trò vui vẻ, như những người thân lâu ngày
gặp lại nhau.
Xe
đưa chúng tôi về Nhà Dòng, cơ sở của quí Xơ và cũng là nơi tọa
lạc nhà trẻ mồ côi Sao Biển. Khi xe đi vào cổng, chúng tôi thấy
nhiều Xơ đứng đón chúng tôi. Nhìn vào trong, nhiều trẻ mồ côi, áo quần sạch sẽ,
đứng 2 hàng đón chào chúng tôi, các em cùng vỗ tay và nói lớn: “Chào mừng
Ông Bà ân nhân của chúng con.” Chúng tôi cảm động quá. Nhà tôi ngồi xuống,
ôm nhiều em nhỏ vào lòng. Chúng tôi tạ ơn Chúa, đã cho vợ chồng tôi được hưởng
những giây phút tuyệt vời như thế nầy.
Xơ
Bề Trên đưa chúng tôi lên phòng nghỉ. Xơ dặn dò chúng tôi: "Ông
bà rửa mặt mau mau rồi đi xuống Hội trường, chúng ta còn nhiều việc
phải làm “
Một
Xơ trẻ dẫn chúng tôi đến Hội trường. Hôm nay Hội trường được trang hoàng lộng
lẫy: hoa giấy, bong bóng màu được trưng bày khắp nơi. Đông đủ quí Xơ và nhiều
trẻ mồ côi đã hiện diện, ngồi ngay ngắn trong Hội
trường.
Xơ
Bề Trên nói lớn: ”Mọi người hãy đứng dậy, vỗ tay chào mừng Ông Bà
Trần Quốc, là ân nhân của Nhà Dòng và của các em mồ côi." Tiếng vỗ tay ròn rã khắp Hội trường, vài em lại nói: "Chào Ông Bà !
Chào Ông Bà!” Chúng tôi quá cảm động, không nói nên lời.
Khi
chúng tôi đã ngồi yên chỗ, Xơ Bề Trên nói: “Thưa Ông Bà, từ năm 1994 đến
nay, Ông Bà đã ưu ái giúp đỡ cho Nhà Dòng và cho các em mồ côi ở đây quá nhiều.
Đêm ngày, chúng tôi băn khoăn không biết đến bao giờ mới có cơ hội đền ơn Ông
Bà. Nhưng tình cờ, chúng tôi tìm gặp được một món quà đặc biệt mà chắc chắn ông
bà thích thú đón nhận.” Xơ Bề Trên hớn hở nói lớn: ”Thưa Ông
Bà, đây là món quà mà chúng tôi trang trọng gởi đến Ông Bà."
Từ
một cửa lớn ở cuối Hội trường, một Xơ dẫn một chàng thanh niên vào Hội trường,
đi đến Xơ Bề Trên. Khi chàng thanh niên vừa xuất hiện, nhà tôi đứng bật dậy,
chạy ào đến ôm chầm lấy chàng thanh niên và khóc sướt mướt: "Tèo, Tèo,
con của mẹ. Lạy Chúa, con tôi đây mà." Tèo cũng ôm chầm lấy mẹ, khóc
nức nở trên vai mẹ và cứ luôn miệng gọi: “Mẹ ơi! Mẹ Ơi! Con nhớ mẹ
quá!”
Tôi
quá vui mừng, ôm con tôi vào lòng, và thì thầm bên tai con: “Tèo ơi! Ba đây
con! Ba thương, ba nhớ con biết chừng nào."
Cả
Hội trường ngạc nhiên, vui mừng rơi lệ khi bất ngờ chứng kiến cảnh
vợ chồng tôi gặp lại đứa con đã 15 năm mất tích. Mọi người chia xẻ niềm vui với
chúng tôi bằng tiếng vỗ tay kéo dài. Một Xơ đem đến tặng cho vợ chồng chúng tôi
một bó hoa rực rỡ. Xơ nói: ”Chúc mừng Ông Bà gặp lại đứa con yêu quí
của mình, mà mười mấy năm nay Ông Bà cứ nghĩ là cháu đã chết!”
Các
em mồ côi chạy đến ôm Tèo và nói: ”Anh Tèo sướng nhé, hôm nay anh có cha, có
mẹ. Nhưng anh đừng quên tụi em nhé, tụi em thương anh lắm !”
Hôm
nay, Xơ Bề Trên đãi mọi người ăn bánh ngọt và uống Cô-Ca. Các em mồ côi nói
cười vui vẻ. Trong khi đó, nhà tôi cứ ngồi ôm con vào lòng, nắm chặt tay con, có
lẽ nhà tôi sợ cháu lại biến mất một lần nữa.
Trong
khi mọi người đang ăn bánh ngọt, Xơ Bề Trên nói với cháu Tèo: ”Con kể
lại cho mọi người nghe, vì sao mà con vào ở trại mồ côi Sao Biển, và trường
hơp nào, con phát hiện được Ông Bà Trần Quốc là cha, mẹ của con.”
Cháu
Tèo vâng lời, đứng dậy và nhỏ nhẹ nói: "Lúc con còn rất nhỏ, khoảng 11, 12 tuổi
gì đó, mẹ con nói với con là sẽ lo cho con đi vượt biên để có tương lai, rồi
con có điều kiện để giúp ba, mẹ và hai em nữa. Với trí khôn non nớt
của con, con đồng ý đi.
Vài
hôm sau, có người đến đem con ra Đà nẵng, gởi con ở nhà Dì Tư; họ nói với con
là hai, ba ngày nữa sẽ ra đi. Hằng ngày con chơi với thằng Út , con Dì Tư, và
bình thản chờ họ đến đem con đi. Nhưng chờ mãi mà, đã lâu mà không thấy ai đến
kêu con đi. Dì Tư nói là Dì không thể tiếp tục nuôi con được nữa, nên Dì đem
con đến giao cho các Xơ của trại mồ côi Sao Biển. Từ đó, con bắt đầu sống cuộc
đời của một trẻ mồ côi, như các em khác đang sống ở đây.
Con
không thiếu ăn, không thiếu mặc, lại được các Xơ thương mến, nhưng cứ thẫn thờ
buồn bã, vì con nhớ ba mẹ con lắm. Con thường lặng lẽ khóc một mình .
Từ
lâu, con đã quên hết quá khứ trẻ thơ của con, khi con còn ở với ba, mẹ con.
Thậm chí con không nhớ tên con là gì, chỉ biết mọi người gọi con là Tèo.
Ngày
đêm con nhớ ba, mẹ con lắm. Con đau xót nghĩ rằng, con sẽ vĩnh viễn không còn
gặp lại ba mẹ con nữa. Không biết giờ nầy ba mẹ con ở đâu !
Cách
đây 3 ngày, tình cờ con đi ngang chỗ mấy Xơ đang đứng bàn luận việc gì đó, con
nghe Xơ Bề Trên nhắc đến tên một vị ân nhân của Nhà Dòng là Ông Bà Trần Quốc.
Tiếng “Trần Quốc” khi lọt vào tai của con, nó như một tiếng sét phá vỡ bức
tường u ám của trí nhớ con. Con lập lại “Trần Quốc, Trần Quốc ” sao cái tên
nghe quen quá. Ngay lúc đó, trí nhớ của con chợt trở về, con nhớ rõ ràng, “Trần
Quốc” là tên của ba con.
Con
đi đến bên Xơ Bề Trên và nói với Xơ: "Thưa Xơ, Xơ mới nhắc đến tên Ông Trần
Quốc, ông ấy là ai vậy ?” Xơ nhìn tôi rồi trả lời: “Ông Bà Trần Quốc là ân
nhân của Nhà Dòng và cũng là ân nhân của các em đó. Thứ năm nầy, Ông Bà sẽ từ
Mỹ về thăm chúng ta. Mà sao em lại hỏi về Ông Bà Trần Quốc làm gì vậy?” Con
trả lời: "Thưa Xơ, trí nhớ đã trở lại với con khi con nghe tên Ông
Trần Quốc. Con nhớ một cách chắc chắn rằng Ông Bà Trần Quốc là cha, mẹ của con
!”
Xơ Bề Trên ngạc nhiên
nhìn tôi: "Thật vậy sao? mà con còn nhớ mặt cha mẹ của con không?”. Con thưa
với Xơ: ”Hình ảnh thân yêu của cha mẹ con, luôn ở trong trái tim con” Xơ Bề
Trên đi vào phòng làm việc, lấy ra một tấm ảnh và đưa cho con xem. Con không
thể kềm chế được, con reo lên: ”Ba! Mẹ! Con của ba mẹ đây nầy !” Con quá xúc
động, con khóc òa như một đứa bé. Con ôm bức ảnh vào lòng, và nói với bức ảnh: ”Ba,
mẹ ơi, con nhớ ba, mẹ quá! “
Xơ
Bề Trên, sau một phút giây ngỡ ngàng, Xơ đã ôm vai con và nói: ”Tạ ơn Chúa,
đây quả thật là một phép lạ, Chúa đã trao ban cho gia đình Ông Bà Trần Quốc.
Rồi Xơ nói với con: ”Xơ mừng cho con, 3 ngày nữa con sẽ gặp lại cha, mẹ con”
Mọi
người im lặng lắng nghe cháu Tèo kể lại câu chuyện của đời mình. Khi cháu vừa
dứt lời, cả Hội trưòng như bùng lên, vỗ tay chào mừng một ngày vui quá to lớn
của gia đình tôi.
Xơ
Bề Trên đến bắt tay vợ chồng tôi, Bà trang trọng nói: "Chúa đã trả công bội
hậu cho Ông Bà vì những việc bác ái mà Ông bà đã làm từ bấy lâu nay. Xin Chúa
chúc lành cho Ông Bà và cháu Tèo, để gia đình Ông Bà được sống những ngày hạnh
phúc tuyệt vời bên nhau."
Tác giả: Bửu Uyển
(tháng 9-2020)