Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm
Cầu Ngói Thanh Toàn
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.
Đó là câu ca dao mà người dân xứ
Huế chúng tôi ai ai cũng thuộc nằm lòng.
Cầu ngói Thanh Toàn, cách quê chồng tôi khoảng hơn hai cây số,
là một trong những nơi du lịch của đất thần kinh thơ mộng.
Quanh co trên những con đường làng rợp bóng tre xanh, có đoạn một bên là bờ tre, một bên là con sông nhỏ êm đềm, có những cụm lục bình tím biếc trôi lờ lững dưới nắng thu, rồi trước mắt tôi bỗng hiện ra một khoảng ruộng mới cấy với những cây lúa mới nhú mầm xanh non, mùi bùn hăng hắc, mùi đất ẩm nồng nồng, tạo nên một hương thơm chỉ miền đồng quê mới có.
Xe chạy trên con đường bờ ruộng, có
tráng bê tông nhỏ hẹp, qua một hồ sen xanh biêng biếc vì mùa này không có
hoa, rồi đến chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh. Trước mắt tôi lấp lánh một khoảng
không gian tươi sáng, có chợ quê sạch sẽ, có bờ trúc vàng soi bóng xuống dòng
sông êm nên thơ, có những chiếc đèn lồng treo từ ngày nào nay đã bạc màu
cùng sương gió, có những dây nón cũng đã cũ kỹ theo thời gian. Rất tiếc
chúng tôi không đi nhằm ngày có lễ lạc, vì những ngày ấy có những trò chơi dân
dã, như thi gói bánh, các thứ bánh đặc sản của xứ Huế và các trò chơi dân dã từ
xa xưa.
Bên phải có ruộng, có những bác nông dân đang bừa cho đất mịn để
cấy lúa, và có một cây cầu bằng gỗ, loại gỗ lim, kiền kiền. Cầu dài khoảng 18m,
rộng gần 6m, hướng về phía đông nam, thuộc xã Hương Thuỷ. Hai bên cầu có bệ để
du khách ngồi nghỉ chân, phần giữa cầu cao cao, cầu có mái che, được lợp
bằng ngói lưu ly, trên mái có rồng phụng, long lân, đã cũ kỹ, rêu
phong ẩm mốc, bạc màu. Cầu được xây vào năm 1776, do một người đàn bà không
con, vợ một vị quan lớn bỏ tiền ra làm, bắt qua một con mương dẫn thuỷ của dòng
sông Như Ý. Chung quanh cảnh vật êm đềm nên thơ, dòng mương nước trong xanh, êm
ả, tạo cho khách du những khoảnh khắc thanh thoát, nhẹ nhàng.
Ở gian giữa cầu có bài thơ khắc vào gỗ quí, chắc là
lâu lắm rồi:
Thanh Toàn tiếng dậy khắp gần
xa,
Công đức Trần Nương sáng mọi nhà.
Sắc Tứ vua ban ghi sử sách,
Toàn dân qua lại nhớ ơn Bà.
Giữa cầu có người mẹ già đã 73 tuổi ngồi coi bói,
nói tiếng Anh rất lưu loát, khiến tôi nghĩ đến một người già, vì cuộc sống và
sinh nhai, đã bỏ bao công sức miệt mài học tiếng Anh để coi bói cho du khách nước
ngoài. Thật đáng nể phục.
Được biết dù nắng hay mưa ở trên cầu này đều có người
ngồi hai bên bệ vì gỗ láng bóng. Mùa nắng nóng, người dân ra ngồi hóng mát, kể
chuyện trên trời dưới đất. Ôi, biết bao chuyện thường ngày và tin tức Đông Tây
Nam Bắc.
Còn mùa mưa, hoặc vào những buổi chiều hay đêm
trăng, thường có những cặp tình nhân ngồi bên nhau tình tự, ngắm trời mây và
nhìn dòng sông nhỏ, nước trong xanh, đón những làn gió nhẹ từ cánh đồng, hít thở
những không khí trong lành, tinh khiết của bức tranh dân giả.
Rời cầu ngói Thanh Toàn, lòng tôi mang nặng lưu luyến
bâng khuâng, một cảm giác muốn ở lại nơi này, để mỗi chiều về, tôi sẽ ngồi trên
bệ cầu nhìn ra cánh đồng bát ngát lúa xanh, thả hồn mình theo từng cung bậc với
niềm cảm xúc miên man.
Cảnh vật như muốn níu chân tôi, bỗng tôi chợt nghĩ
qua bao thăng trầm của cuộc chiến tranh bom đạn, qua bao thời gian và đổi thay
của cuộc đời, cây cầu hôm nay vẫn còn nguyên vẹn, chắc bây giờ và còn mãi mãi đến
ngàn sau.
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.
Ai về cầu ngói Dạ Lê
Cho em về với thăm quê bên chồng.
Tác giả: Cẩm Tú Cầu
(Nguồn: quinhon11.com)
(MV sưu tầm)