(Bài sưu tầm)
(Bút ký của Nguyễn Minh Hiệp)
Tôi là một chuyên viên thư viện thuộc Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh. Năm 2005 tôi đi dự Hội nghị AUNILO (Mạng Liên Thư viện Trực
tuyến các trường Đại học Đông Nam Á) (1) tại Đại học Sains, Penang, Malaysia. Một
đồng nghiệp Malaysia nói với tôi rằng:
– Tại trường tôi có
một số sinh viên Việt Nam đang theo học, nhưng không bằng ở Đại học Malaya ở
Kuala Lumpur thì đông hơn. Tôi có một thắc mắc là tại sao sinh viên Việt Nam
lại qua du học Malaysia. Tôi nhớ trước năm 1975 thế hệ cha chú chúng tôi qua
học ở Sài Gòn nhiều lắm; hồi đó không hề thấy sinh viên Việt Nam qua học ở
Malaysia?
Một câu hỏi đơn
giản như thế mà khiến tôi cảm thấy nghẹn ngào. Biết trả lời sao đây!
Tôi sực nhớ lại hồi đó trong
dịp hè mỗi khi tôi vào Sài Gòn chơi ba tôi luôn dặn dò:
– Con vào Sài Gòn
đi dạo phố thì phải cẩn thận. Nghe nói bọn sinh viên Phi Luật Tân móc túi dữ
lắm. Bọn chúng hay mặc áo chim cò (loè loẹt) dễ nhận biết lắm.
Du học Sài Gòn là
mơ ước của sinh viên Đông Nam Á trước năm 1975. Đại học tại Sài Gòn nói riêng
và nền giáo dục với triết lý “Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng” ngày xưa đã từng
như thế. Thế mà ngày nay Đại học Việt Nam không được xếp một thứ hạng nào trong
khu vực! Tại sao?
Câu hỏi này ai cũng
có thể trả lời được. Nhưng đối với tôi, kể lại chuyện ngày xưa tôi đi học như
thế nào – đó là câu trả lời hay nhất.
Tôi sinh trưởng tại
Huế. Tôi đi học từ lớp Năm (Lớp Một ngày nay) đến khi tốt nghiệp Cử nhân đều
miễn phí.
Khi tôi bắt đầu
nhập học trường Trung học (cấp 2) Hàm Nghi (2), học sinh được phân ngẫu nhiên
trong 5 lớp. Sau nửa học kỳ 1, được phân lại mỗi lớp đều có học sinh giỏi,
trung bình và kém, danh sách lớp này mới là chính thức trong suốt 4 năm học
(Điều này trả lời thắc mắc của một vị bộ trưởng Giáo dục trên truyền hình :
“Tôi vừa đi tham quan những trường trung học ở các nước Đông Nam Á. Thấy rằng
số lượng học sinh giỏi và xuất sắc tương đương với ta nhưng tôi không hiểu tại
sao họ không có học sinh yếu kém”). Bởi vì cách phân lớp như vậy sẽ có sự thi
đua học tập theo lớp; còn mỗi học sinh thì thi đua với chính bản thân mình.
Không hề có trường điểm, trường chuyên mà theo Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn gọi là
luyện gà nòi.
Tiểu học mỗi ngày
học một buổi. Trung học học theo tiết, chiều thứ Năm và chiều Thứ Bảy được nghỉ
học theo quy định của bộ Giáo dục.
Lên Trung học đệ
nhị cấp (cấp 3) đến Lớp Đệ Nhị (Lớp 11) và Lớp Đệ Nhất (Lớp 12) chúng tôi tham
dự hai kỳ thi quốc gia rất nghiêm túc: Tú tài Bán phần và Tú tài Toàn phần (3).
Học sinh tốt nghiệp
Tú tài Bán phần nếu không có điều kiện hay khả năng học tiếp thì có thể đi theo
đường hướng nghiệp trong những trường dạy nghề để trở thành công nhân lành nghề
trong tương lai.
Viện Đại học Huế có
5 trường thành viên: Sư phạm, Khoa học, Văn khoa, Y khoa, và Luật khoa. Sư phạm
là trường uy tín nhất, là trường duy nhất tổ chức thi tuyển theo chỉ tiêu Nhà
nước. Ra trường chắc chắn được phân công đi dạy. Trường Y khoa xét tuyển từ
sinh viên năm thứ nhất Đại học Khoa học. Về sau trường này có tổ chức thi
tuyển. Còn các trường khác chỉ ghi danh học, không thi cử gì hết.
Mặc dù Trường Đại
học Sư Phạm là uy tín nhất nhưng quy mô của trường thì nhỏ, vì nhà trường chỉ
dạy những môn Sư Phạm, các môn chuyên ngành chính thì sinh viên Sư phạm học
chung với sinh viên trường Khoa học và Văn Khoa. Ra trường sinh viên nhận bằng
Cử nhân Sư phạm được phân công đi dạy, hè sang năm về học những tín chỉ chuyên
ngành còn lại sẽ nhận thêm một bằng Cử nhân chuyên ngành chính của mình (Toán,
Lý, Văn, Anh văn, vv…) tại Đại học Khoa học hay Văn khoa. Giáo sư trung học hồi
đó hầu hết đều có ít nhất là 2 bằng đại học.
Sinh viên học chính
thức một trường nếu giỏi thì được ghi danh học bằng hai một trường khác và được
hưởng chế độ “Miễn chuyên cần”. Hồi đó tôi học 2 trường Khoa học cho Lý-Hoá và
Văn khoa cho Anh Văn đều miễn phí.
Viện Đại học có
chương trình Giáo vụ 2 (Giáo vụ 1 là ở các trường thành viên) để tổ chức giảng
dạy Ngoại ngữ chung cho toàn thể sinh viên năm thứ nhất cho toàn Viện Đại học.
Và những môn nhiệm ý khác như “Quản trị xí nghiệp”, “Tin học căn bản”, “Âm nhạc
và đời sống”, vv… Đây là chương trình học mang tính giao lưu rất thú vị. Viện
Đại học trưng dụng cơ sở của các trường trung học trong hai buổi nghỉ của học
sinh (chiều Thứ Năm và Thứ Bảy hàng tuần) để tập trung dạy Ngoại ngữ cho toàn
thể sinh viên của năm trường thành viên, để đảm bảo sinh viên trong tất cả các
trường có trình độ ngang nhau thì học chung với nhau. Tất cả sinh viên của Viện
đại học được thi xếp lớp để phân hạng A,B,C,D trước khi chính thức vào các khóa
học ngoại ngữ toàn Viện đại học. Trưng dụng luôn giáo sư dạy Ngoại ngữ của các
trường trung học để dạy chương trình này.
Viện Đại học không
quản lý tiền lương của công nhân viên nhà trường. Hằng tháng nhân viên của Sở
Tài chánh qua phát lương cho nhân viên tại Viện Đại học.
Cách tổ chức quản
lý như thế này của thời Việt Nam Cộng hòa được các Đại học Đông Nam Á học tập.
Ngày nay Việt Nam đi học tập lại các Đại học Đông Nam Á nhưng chưa có thể làm
tốt được. Bởi vì Giáo dục ngoài phạm trù Tri thức còn có Đạo đức và Nhân văn.
———————
CHÚ THÍCH:
(1) AUNILO (ASEAN
University Network Inter-Library Online) – Mạng Liên Thư viện Trực tuyến các
trường Đại học Đông Nam Á gồm 30 thành viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực:
Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore,
Thái Lan, và Việt Nam. AUNILO tổ chức Hội nghị thường niên luân phiên tại các
trường thành viên trong khu vực nhằm trao đổi thông tin và thảo luận nhằm xây
dựng những giải pháp nhằm tăng cường năng lực của từng thư viện cũng như phối
hợp chia sẻ thông tin, phục vụ mục tiêu đào tạo và nghiên cứu trong các trường
đại học Đông Nam Á.
(2) Trường Trung
học Hàm Nghi là một trong ba trường nổi tiếng của Xứ Huế sau Quốc Học và Đồng
Khánh xưa, lại được mang tên của một vị vua Triều Nguyễn. Trường Hàm Nghi vốn
có tên là Trường Trung học Thành Nội, được thành lập từ năm 1955 và có cơ sở
giảng dạy tại Bộ Học (cũ) trước mặt vườn hoa Tôn Nhơn Phủ (nay là công ty thiết
bị trường học Hàn Thuyên). Đến năm 1957, trường được dời về Trường Quốc Tử Giám
Triều Nguyễn và đổi tên thành trường Trung học Hàm Nghi. Trường dành cho nam
sinh từ Đệ Thất đến Đệ Tứ; từ niên khóa 1966-1967 trường mở thêm Đệ nhị cấp.
Trường bị giải thể vào năm 1975.
(3) Tú tài Bán phần
và Tú tài Toàn phần hay còn gọi là Tú tài I và Tú tài II là hai kỳ thi quốc gia
để đánh giá học sinh bậc trung học thời Việt Nam Cộng hòa. Học sinh lớp Đệ Nhị
(lớp 11) muốn học tiếp thì phải thi đậu bằng Tú tài I. Học sinh Lớp Đệ Nhất
(lớp 12) phải thi đậu bằng Tú tài II mới hoàn tất bậc trung học. Đó là những kỳ
thi Quốc gia rất nghiêm túc. Tỷ lệ học sinh đậu nói chung Tú tài I từ 15-30% ;
Tú tài II từ 30-45%. Kết quả bằng Tú tài được xếp theo thứ tự Ưu, Bình, Bình
Thứ, và Thứ.
NGUYỄN MINH HIỆP (Cử nhân LH-ĐHKH Huế 1969-1973, Master Khoa học Thư
viện tại Boston, USA, Giám đốc Thư Viện Cao học – Thư viện ĐHKHTN, ĐH QG TP
HCM)
(MV sưu tầm)