Bút ký của LƯƠNG KIM KÊ (ĐK67 - B5, C2).
Tiêm Chủng và Chích Ngừa
Chỉ thị 18 đã qua mấy ngày,
tui vừa chích ngừa mũi 2 cũng được có vài ngày nên chỉ nhìn "bàng dân
thiên hạ" từ "khung cửa sổ"...
Sáng sớm ngày 1.10, người đi
thể dục lác đác thăm dò, vài ngày sau số người đi thể dục buổi sáng đông hơn,
những tiếng rao hàng đâu đó bắt đầu vang lên:
-“Bánh mì nóng dòn đê ...!”
- “Xôi bắp xôi đậu xanh đê ...!”
- “Ai bắp không?"
Buổi chiều, tiếng rao của cô
bán đậu hủ lại lảnh lót sau chiếc khẩu trang:
- “Đậu hủ nóng bà con ơi ...!”
Bà Bảy bán gà, sau thời
gian dài nghỉ cầm dao mà hôm nay tay cầm dao vẫn “chặt, bụp" thoăn thoắt, mười ngón tay trong đôi găng xé, trộn, bóp gỏi gà ngoay ngoáy. Khách mua gà
kiên nhẫn đứng chờ mua đem về.
Ngày đầu mở “hé cửa", tiệm hớt tóc là đông khách nhất, từ sáng tới chiều, bao giờ tui đếm cũng có khoảng 10 chiếc xe máy đậu trước cửa tiệm, xe này ra thì có xe khác vào.
Nhớ lại mấy tấm hình chụp đầu tóc với mô hình “cỏ non, cỏ già" của hai thằng rễ tui, tui hiểu ngay ra, hôm nay sao tiệm hớt tóc lại đông khách đến thế!
Thôi thì, để anh thợ có nụ cười vui trong ngày, hăng hái chỉnh sửa tác phẩm lỗi đường dao kéo của mấy cô vợ làm thợ xén tóc bất đắc dĩ trong mùa dịch.
Thêm 1, 2 ngày qua nữa, ngoài đường xe cộ, người qua lại nhiều hơn, riêng siêu thị vẫn chỉ lác đác khách.
Từ ban công nhà tui, tui chỉ nhìn được một góc sinh hoạt nhỏ của Sg những ngày đầu CT 18 như thế thôi.
Những gì còn lại, tui chỉ biết
qua cái điện thoại trên tay tui, đại loại “cả thế giới trên tay tui". Những
sự kiện, những hình ảnh, những con số ...
Thói thường ai cũng muốn những con số đi lên, làm ăn tiền của nhiều lên,
học hành ngày càng cao lên, v.. v .., thậm chí đánh bài cũng ... “tiến
lên".
Riêng đặc biệt mùa đại dịch Covid, ai ai cũng mong những con số đi xuống.
Ai cũng mong, mỗi ngày qua, những con số ca nhiễm, ca đi xa, thấp dần xuống, dần
xuống đẩy lùi đại dịch.
Những ngày qua, đúng là những con số đang giảm xuống, cho dù là do
nguyên nhân nào, nó đã giảm xuống, làm nhẹ đi nỗi lo âu hàng ngày đang đè nặng
lên con tim mọi người ...
Hy vọng đã vươn lên .. ..
Gần 4 tháng “cố thủ“ trong nhà, tui cũng căng thẳng theo với những cung bậc diễn biến của đại dịch. Khu tui ở, nằm trong vùng cận đỏ. Hằng ngày Fo, F1 ...lẩn quẩn đâu đó, xa xa gần gần .... Những bóng áo liền quần khi xanh, khi trắng, thấp thoáng trong, ngoài. Âm thanh chiếc máy xịt khử khuẩn nhỏ nhỏ to to ...
Ngày
vắng vẻ, đêm tĩnh mịch..
Trời vào thu, nắng mưa bất chợt. Mây kéo bè kéo
lũ chen nhau che ánh mặt trời.
Trời chợt khi sùi sụt, chợt khi yếu nắng, ẩn hiện
như chơi trò cút bắt.
Thì ra, trời cũng buồn!
“Trời buồn người có vui đâu bao giờ!"
Người giàu buồn vì không còn dịp kiếm thêm tiền
cho giàu thêm.
Người nghèo thì thậm khổ vì không giữ được những
đồng tiền còn lại ít ỏi của mình.
Những cặp tình nhân đang yêu nhau bỗng dưng làm
Ngưu Lang Chức Nữ trong tháng 7 mưa ngâu 4 lượt “bis," đôi bờ Ô Thước mãi
chới với xa ...
Đám trẻ con nghỉ học, thiếu bạn, xệ môi,
khoanh gối ngồi chờ...
Tui cũng ơ hờ với miếng ăn giấc ngủ, cho ngày đã
lê thê, cho đêm cũng trượt dài với giấc ngủ không tròn.
Nghĩ phận “người cao tuổi, có bệnh nền," tui
bấm bụng “cố thủ."
May thay những ngày cố thủ
trong nhà, tui được cô Tổ Trưởng CC tui ở, thấy tui từ vùng cao xuống, kẹt lại
Sg trong mùa dịch, nơi nặng nề nhất nước, cô đã quan tâm “đi chợ" giùm, lại
còn mang lên đến tận cửa phòng. Tui rất cảm kích và ái ngại. Cô ấy nói: "Cô
yên tâm, con coi cô như mẹ con vậy, cô cần gì, cứ nói con!" Thật cảm động!
Thế là từ đó, tui yên tâm
cố thủ. Thỉnh thoảng thực phẩm được đưa đến cửa, các con tui thay nhau chuyển
trả qua tài khoản, tui tách biệt hẳn, không tiếp xúc với ai, và ngỏng cổ chờ
ngày chích ngừa.
Rồi ngày chích ngừa mũi 2
cũng đến, ngày chích ngừa cho “người cao tuổi."
Tui dậy sớm, gửi tin nhắn
giấy mời chích ngừa qua đt cho con gái vượt chốt đưa tui đi. Tui đến nơi lúc
6:30 sáng, tui là người thứ 4 xếp vào hàng. Nhìn quanh: toàn là “người cao tuổi."
Hàng người xếp hàng
dài rồng rắn, chờ đợi trong khoảng 50 ph thì có người mở cổng. Tui chưa kịp bước
chân đi thì đã bị làn sóng những “người cao tuổi" từ đàng sau ùn ùn tràn đến
chen lấn, xô đẩy.
Trời đất! “Người
cao tuổi" chen lấn, xô đẩy “người tuổi cao"!
He ... he...
! Ai “cao tuổi"; Ai “tuổi cao" đây hở trời ...?!
Tui được vô số những
thanh niên thiếu nữ sống lâu năm ưu ái xô đẩy tui từ vị trí “số 4" xuống tận
vị trí “mấy chục," tui không biết ?!
Tui ngạc nhiên! Thì ra “người cao tuổi" cũng còn mạnh mẽ ra phết!
Mặc cho các
tình nguyện viên đi lên đi xuống hò hét: “Yêu cầu quí ông quí bà xếp hàng giữ
khoảng cách!” nhưng đám quí ông, quí bà vẫn thân ái đứng sát nhau.
Tui cực kì lo sợ cho
khoảng cách đáng lo này, mặc dầu đã rất cẩn thận trang bị: tóc tóm gọn trong mũ
vả, đeo 2 khẩu trang tẩm muối, bên ngoài “ụp" thêm cái mặt nạ trong suốt.
Áo khoác ni lông (nóng thấy mụ nội), tay đeo găng y tế, trong tay lăm lăm bình
xịt an côn 90 độ nhỏ nhỏ.
Tui nhấp nhổm, đăm đăm nhìn
về phía 4 kiểm soát viên đang kiểm tra giấy mời. Nhận thấy nguy cơ đám đông, mấy
nhân viên nhanh chóng hối hả kiểm tra giấy mời.
Rồi cũng đến lượt tui.
Thở phào!
Bây giờ mọi người mới
được ngồi vào những dãy ghế được xếp với khoảng cách an toàn.
Có tất cả 4 vị trí những khu vực xếp hàng chục dãy ghế như thế mới vào được bên trong chỗ chích ngừa.
Nói một cách nôm na, những người cao tuổi chúng tui, phải dần dần, lần lượt lê la chuyển chỗ ngồi qua hàng chục cái ghế (tui áng chừng phải trên 50 lần chuyển) để đến chỗ chích ngừa.
Đến khoảng 9:00 thì tui chích xong. Tui ra bên ngoài, lột bỏ găng tay, 2 khẩu trang vào thùng rác. Tui đeo găng tay, khẩu trang mới vào.
Con tui kiên nhẫn đứng chờ tui
ngoài đường. Thấy tui ra nó vừa cười vừa nói: “Mẹ! Sao mấy cụ ông cụ bà lớn tuổi
rồi mà chen lấn hăng hái thế mẹ!”
Tui đùa: "Vì những người cao
tuổi như mẹ đều sợ con mẹ Cồ rô na, con ạ!”
Nói chuyện chích ngừa, tui nhớ ngày xưa
còn bé, tui cũng phải chích ngừa. Anh chị em tui lần lượt, khi thì bị lên sởi,
khi thì bị lên “tót", là dạng thư thủy đậu nhưng nhẹ hơn và không để lại sẹo
(rỗ). Có khi bị lên quai bị, (còn gọi là “chàm bàm")
Tui nhớ có lần đồng loạt cả
mấy chị em tui đều bị lên quai bị, ba mẹ tui cho tụi tui nằm chung, buông màn
chắn gió, không cho ra ngoài. Ở hẳn trong phòng cho đủ “ba bảy hai mốt ngày," lành hẳn mới được ra.
Lần ấy người dì của tui đến
chơi, thấy vắng vẻ, hỏi. Chị tui trả lời: “Dạ thưa dì, mấy em con bị đau chàm
bàm”
Tui nghe dì tui hỏi: “Có thằng Cu
bị đau không? Con đừng cho hắn “dảy dót diều" (nhảy nhót nhiều) nghe
con, dảy dót cho bưa đi ! Mai mốt, thút d... lên cổ ... rồi ...“
Dì tui nói đến đó, tui nghe tiếng
mẹ tui nói: “Chị .... chị.... nói chi rứa!"
Dì tui im bặt.
Tui nghe mà cứ thắc mắc mãi
...
.
Hồi ấy không gọi là chủng ngừa hay
chích ngừa... mà gọi là trồng đậu hay trồng trái...
Tui nhớ người y tá cầm 1 cây, đầu
có lưỡi như cây bút chấm mực viết của học trò, vạch mấy vạch vào cánh tay, hai
chỗ cách nhau khoảng 4, 5 phân. Vết vạch chảy máu, sau đó sưng lên mưng mủ, rất
đau. Thời gian sau thì lành để lại vết sẹo cho đến bây giờ.
Sau này dụng cụ cải tiến:
súng bắn, kim chích...trong chủng ngừa lao, siêu vi B ...v..v
Ngày nay một số các bệnh như trái
rạ, thuỷ đậu ..vv... ít hoặc không thấy xuất hiện nữa ...Các loại bệnh
khác cũng thấy ít dần do chích ngừa, và dần dần không còn là mối lo trong y tế
nữa.
Mong sao, rồi đây sẽ có những
loại thuốc chích ngừa hoặc thuốc uống tận diệt được Cô rô na, nạn Covid sẽ biến
mất trên thế giới này.
Sẽ không còn phân loại tứ sắc
vùng: đỏ, cam, vàng, xanh!
Lúc ấy thế giới chỉ còn 1
màu xanh.
Sài Gòn rồi sẽ xanh tươi, Sài Gòn
rồi sẽ trở lại nhộn nhịp cuộc sống mới
Sài Gòn rồi sẽ: “Sài Gòn đẹp lắm!
Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!"
Mong lắm thay!
(Sài gòn những ngày đầu tháng 10. 2021.)
Lương Kim Kê (ĐK67 - B5, C2).