(Post lại)
Xin giới thiệu bài viết của Thầy HÀ THÚC HOAN, cựu giáo sư (sau 75 gọi là "giáo viên") trường Đồng Khánh, và là thầy giáo cũ dạy môn Việt Văn của ĐK67 chúng tôi năm Đệ Nhị (lớp 11).
NĂM TRONG MỘT..
.
Tôi nghĩ những bộ môn thuộc khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa thì không cần phải có yêu cầu cao như thế. Bằng chứng là thầy Châu Trọng Ngô dạy Toán năm đệ nhị (lớp 11), thầy Bùi Ngoạn Lạc dạy Toán năm đệ nhất (lớp 12) đều được tất cả học sinh ban B kính phục về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
.
Đối với thầy giáo dạy các bộ môn thuộc khoa học xã hội như Anh văn, Việt văn, Sử địa thì yêu cầu về kiến thức phải cao hơn. Kinh nghiệm cho biết, muốn dạy Việt văn một cách tự tin và có kết quả, thầy giáo, cô giáo tốt nghiệp sau ba hoặc bốn năm học tập ở đại học còn phải trải qua hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy. Dạy các môn Công dân, Sử địa và Pháp văn ở trường Quốc Học, thầy Nguyễn Hữu Thứ có kiến thức tổng quát chẳng khác gì một cuốn tự điển sống. Tuy không được học với thầy, nhưng qua lời truyền tụng của những anh chị ở các lớp trước, tôi được biết nhờ có trí nhớ tuyệt vời mà thầy đã có hiểu biết sâu rộng về pháp luật, sử địa, ngôn ngữ và văn chương Pháp cùng các lãnh vực khác như thể thao, điện ảnh, âm nhạc. Nhờ vậy, thầy đã chiếm trọn vẹn cảm tình và sự kính trọng của nhiều thế hệ học sinh.
.
.
Theo truyền thống Đông phương, tu sĩ là người đã thoát khỏi năm cái bẫy sập là tài, sắc, danh, thực, thụy. Muốn có mặt một cách xứng đáng trong hàng ngũ của những nhà mô phạm, thầy giáo, cô giáo phải biết dừng lại ở một giới hạn để không mất uy tín vì tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ.
Nhiều vị thầy dạy tôi ở trường Quốc Học có tài cao học rộng mà vẫn bằng lòng với cuộc sống giản dị, thanh bạch đến trọn đời. Thầy Dương Thiệu Tống đỗ Tiến sĩ Giáo dục ở Đại học Colombia (Mỹ), hát hay, dạy Anh văn và từng làm Hiệu trưởng trường Quốc Học, vào Sài Gòn làm Hiệu trưởng trường Thực nghiệm ở Thủ Đức rồi dạy Anh văn và Giáo dục học ở Đại học Sư phạm. Thầy Lê Khắc Phò đỗ Cử nhân Luật ở Đại học Montpellier (Pháp), vẽ giỏi, ban đầu dạy Sử địa ở trường Quốc Học, có một thời gian làm Tổng thư ký Đại học Huế khi mới 30 tuổi, nhiều năm sau dạy Địa lý và Pháp văn ở Đại học Sư phạm Huế. Nhưng mãi cho đến những năm cuối đời, tại TP. HCM, ngôi nhà nhỏ của thầy Tống vẫn ẩn khuất trong ngõ ngách của đường Lê Văn Sĩ, còn ngôi nhà nhỏ của thầy Phò thì vào sâu trong một con hẻm của đường Phan Đăng Lưu. Tôi đã đến thăm hai thầy vài ba lần mà lần nào cũng phải hỏi nhà vì lối vào thì quanh co với nhiều ngả rẻ mà số nhà dù đã phân biệt A/ B vẫn còn có thêm hai cái “xuyệc” (sur).
Năm tôi học lớp đệ tam, thầy Tôn Thất Ngạc dạy Toán với phong cách rất đặc biệt làm tôi nhớ mãi. Những buổi sáng mùa thu trời se lạnh, mặc com-lê (complet) màu lam nhạt, thắt cà-vạt (cravate) màu đỏ, thầy đứng hoặc đi lại chậm rãi trong lớp, nói nhỏ nhẹ, từ tốn, đầu hơi nghiêng xuống, hai bàn tay chắp thành hình hoa sen búp trước ngực, đầu mấy ngón tay hướng lên cao và khẽ chạm vào cằm. Trong lớp học yên tĩnh, tôi lắng lòng tiếp thu những định nghĩa, định lý toán học mà có cảm tưởng như đang nghe một vị Thượng tọa thuyết giảng Phật pháp. Thầy Ngạc ngày trước là huynh trưởng Gia đình Phật tử An Lăng, về sau tu Thiền và hiện là bậc trưởng thượng của một môn phái Thiền Pháp Hoa ở Mỹ.
Có một sự trùng hợp khá thú vị là cùng với hai vị giáo sư dạy Toán cho tôi ở Đại học Huế là thầy Nguyễn Văn Hai và thầy Nguyễn Văn Trường, ba vị giáo sư dạy Toán khả kính của tôi ở trường Quốc Học là thầy Tôn Thất Ngạc, thầy Châu Trọng Ngô, thầy Bùi Ngoạn Lạc kẻ trước người sau đều quy y Phật và đã trở thành những cư sĩ, những thiện tri thức có uy tín của Phật giáo quốc nội và hải ngoại.
.
Có một vận động viên không chuyên trong đời sống của nhà mô phạm.
.
Vận động viên là người có sức khỏe dồi dào để tập luyện và thi đấu ít nhất một môn thể thao. Phải có thể lực tốt như một vận động viên thì thầy giáo, cô giáo mới có đủ sức khỏe để sống thủy chung trọn đời với cái nghề dạy học “đem hơi ra” và nhiều hao tâm tổn trí. Ở trường Quốc Học, tôi đã được thụ giáo những vị thầy như thế......
Người phải nhắc đến trước hết là thầy Châu Trọng Ngô. Thầy là một cầu thủ bóng đá đã nhiều lần mang giày ra sân cỏ thi đấu với học sinh và giáo chức Huế trước và sau năm 1975. Nhờ chơi thể thao mà thầy Ngô có sức khỏe tốt, sống cởi mở, gần gũi với học sinh và thân ái hòa đồng với mọi người. Nhờ biết duy trì sự có mặt liên tục của một cầu thủ bóng đá trong cuộc đời của một nhà giáo mà thầy Ngô cho đến bây giờ, dù tuổi đã trên tám mươi, trông vẫn còn tráng kiện và nhanh nhẹn hơn nhiều bạn đồng nghiệp và học trò. Hiện nay, thầy vẫn có đủ sức khỏe để làm Phật sự, để tổ chức và thực hiện nhiều chương trình từ thiện.
.
Có dáng người nho nhã, thanh mảnh của một thư sinh, nhưng thầy Lê Khắc Phò là một cầu thủ bóng bàn có thành tích. Năm học 1949-1950, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thứ mời danh thủ bóng bàn Lê Văn Tiết đến thi đấu biểu diễn ở trường Quốc Học. Năm ấy, đang học lớp đệ nhất, được vinh dự thay mặt học sinh Quốc Học cầm vợt đấu giao hữu, thầy Phò đã chọn thế thủ để đương đầu với thế công của tuyển thủ bóng bàn Việt Nam, tạo cho mọi người cơ hội thưởng thức những đường bóng bay nhanh như chớp, mạnh như vũ bão của nhà vô địch Lê Văn Tiết, và những lần bỏ bóng, cứu bóng nhẹ nhàng, khôn khéo của vận động viên Lê Khắc Phò. Tất nhiên trận đấu đã kết thúc với phần thắng thuộc về “cây vợt vàng” Lê Văn Tiết, người đã từng hạ vô địch thế giới Murrakami với tỉ số 3/2 sít sao. Nhưng tất cả học sinh Quốc Học có mặt hôm ấy đều cảm thấy thích thú vì đã có dịp hăng say cổ vũ “gà nhà” trong một trận đấu thể thao sôi nổi và hào hứng. Mười năm sau, làm giáo sư hướng dẫn lớp đệ nhất B1, thầy Phò đã vui miệng thách đấu với các học sinh và tự tin hứa hẹn sẽ tặng phần thưởng nếu có bạn nào giành được chiến thắng.
.
Có một nghệ sĩ nghiệp dư trong đời sống của nhà mô phạm..
Nếu nhà nghệ sĩ bước ra sân khấu để giao lưu với nhiều khán giả thì nhà giáo bước lên bục giảng để tiếp xúc với nhiều học sinh. Dù công việc có khác nhau, nhưng muốn thành công thì cả hai đều phải quan tâm đến hình thức và đồng thời phải có một ít năng khiếu về nghệ thuật.
Tuy không đua đòi ăn diện, nhưng thầy giáo, cô giáo cần có nét mặt tươi tỉnh và y phục chỉnh tề mỗi khi xuất hiện trước học sinh. Trừ mùa hạ nóng bức, trong ba mùa xuân, thu và đông, những giáo sư Quốc Học thế hệ chúng tôi đều thắt cà-vát, mặc áo vét-ton trông rất nghỉêm chỉnh và lịch sự.
Ngày 26 tháng 12 năm 1956, trường Quốc Học tổ chức trọng thể Lễ đệ lục thập chu niên. Tối hôm ấy, tại nhà chơi, đã diễn ra một chương trình văn nghệ dàn dựng công phu có thể nói là chưa từng có. Mở đầu chương trình văn nghệ hoành tráng này là bản hợp ca bốn bè Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương do thầy Lê Hữu Mục soạn phần hòa âm và 70 nam nữ học sinh Quốc Học trình diễn rất kỹ thuật và đầy nghệ thuật. Theo lời tường thuật sau này của thầy Nguyễn Hữu Thứ, rất nhiều khán giả cho rằng khó có một bài hợp ca gây ấn tượng đẹp như bài Ly rượu mừng của học sinh trường Quốc Học hôm đó.
.
Vào những phút cuối giờ học Pháp văn, thầy Nguyễn Hữu Thứ thường tập những bài hát tiếng Pháp để học sinh luyện giọng, đồng thời giảm căng thẳng cho trí óc của học trò. Tôi được biết trong đại hội tái lập Hội ái hữu Cựu học sinh Quốc Học tổ chức vào năm 1972, theo yêu cầu của Hội trưởng là thầy Nguyễn Đình Hàm, thầy Thứ đã hát bài Sérénata của Eurico Tosseli và hát rất hay, làm cho Hội trưởng là thầy Hàm phải khen “Ông Phó quả là chim họa mi của Hội”....
.
Nhiều thầy giáo dạy văn chương đã hơn một lần bước vào lớp học như đi vào một thế giới khác, một thế giới không hề có một thoáng lo toan về cơm áo gạo tiền của đời thuờng. Những khi ấy, đối diện thầy, cô là những gương mặt, những cái nhìn biểu hiện sự trong sáng và tin yêu của những tâm hồn còn trẻ, và trong lòng thầy, cô chỉ có ý cao, tình đẹp của những tài năng lỗi lạc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v. Đó là lúc nhà giáo sống trọn vẹn với bài giảng, làm hồi sinh tình cảm vả tư tưởng của tiền nhân với tất cả cảm xúc và đam mê của một nghệ sĩ trên sân khấu, tạo nên sự hứng thú, cảm thông, hòa hợp giữa thầy và trò, khắc ghi vào tâm trí học sinh những ấn tượng khó phai mờ.
.
Có một cảnh sát viên công tâm trong đời sống của nhà mô phạm.
.
“Tiên học lễ hậu học văn” là một đặc trưng giáo dục có tính truyền thống cần được tôn trọng và phát huy của người Việt Nam. Theo phương châm “dạy người trước dạy chữ sau” ấy, như ông cảnh sát giữ gìn an ninh và trật tự trên đường phố, trong lớp học, ông thầy có công tâm không bao giờ quên nhiệm vụ uốn nắn, sửa chữa những sai sót, những lỗi lầm có tính đời thường để giáo dục nhân cách cho học sinh.
Năm học 1956 - 1957, tại lớp đệ tam B1 trường Quốc Học, thầy Phạm Đình Thắng đã để lại cho tôi một bài học khó quên về giữ gìn nhân cách. Là một nhà giáo trẻ dạy Anh văn, thầy Thắng vui tính, thích sống hòa đồng với học sinh. Vào một ngày chủ nhật, thầy dẫn chúng tôi đi xem các danh lam thắng ảnh của thành phố Huế. Vào đầu giờ học ở tuần sau, thầy phân phát những tấm hình chụp trong lần du ngoạn ấy để học trò chuyền tay nhau mà xem cho vui. Khi nhận lại những tấm hình, thầy đếm cẩn thận và biết mất một tấm. Hỏi trò nào còn giữ tấm ảnh mà không thấy ai trả lời, thầy đỏ mặt vì tức giận, lớn tiếng phê phán gay gắt bạn nào đó đã “ăn cắp” tấm hình. Thuở ấy, còn trẻ người non dạ, tôi tự hỏi tại sao mất một tấm ảnh không đáng giá bao nhiêu mà thầy Thắng đã không giữ được bình tĩnh, làm cho học trò có cảm tưởng thầy đang đau lòng tiếc của như mất bạc mất vàng? .
.
.
Không ai thi vào Đại học Sư phạm để thỏa mộng làm giàu hay kiếm tìm quyền cao chức trọng. Nhiều người chọn nghề dạy học vì không muốn “Ra trường danh lợi vinh liền nhục / Vào cuộc trần ai khóc lẫn cười.” như Nguyễn Công Trứ. Cho nên, nếu được trả thù lao xứng đáng để tổ chức cuộc sống cho bản thân và gia đình, nếu được trung thực nói ra những điều mà mình đã cảm xúc và suy nghĩ, không cần thi đua, chẳng phải bình bầu, như quý thầy dạy trường Quốc Học trước đây, tôi tin phần đông giáo chức ngày nay sẽ tự trọng, tự giác hoàn thành nhiệm vụ trồng người, sẽ sống trọn vẹn, gắn bó, thủy chung với trường lớp, từ đó gìn giữ và phát huy phẩm cách Năm trong một của người thầy để trở thành những “lương sư” góp phần “hưng quốc”.