Thử bút của Lữ Kiều (Thân Trọng Minh)
.(Bìa trước).
.
Chàng Nho Sinh Dưới Gốc Tùng
Có thể ngồi lại, vận dụng trí nhớ, sống nồng nàn bằng phút hồi tưởng để ghi lại những kinh nghiệm xúc cảm, nhưng không thể nào diễn tả được cái bảng lảng của hình ảnh chàng nho sinh ngồi đọc sách dưới bóng cây tùng. Đã nhìn thấy ở đâu? Lúc nào? Không có ý niệm thời gian và không gian: ý thức thuần túy là ý thức trắng. Bỏ ngỏ. Đóng kín. Tôi chỉ có thể là kẻ đứng ở ngoài, gõ hoài hủy cánh cửa đóng…
.
.
.Sống không phải chỉ là những vận chuyển của thời gian. Sống là đạt từng đầu mối cảm giác, là con bạch tuột mở mắt thao láo khi phun mực đen che phủ lấy mình (có nhìn thấy gì chăng, ngoài sự mờ mịt ấy?)
.
Chàng nho sinh – tôi nghĩ đến tâm hồn bình dị của chàng. Phải bình dị thế kia mới giữ được tâm tĩnh lặng khi ngồi dưới gốc tùng. Cây tùng là thời gian bất tuyệt, vô thủy, vô chung, là thời gian khép kín sự chuyển vận, là vũ trụ thu lại trong ý nghĩa cái nhảy của Tôn Hành Giả chẳng thể nào ra khỏi lòng bàn tay Như Lai. Từ đó chàng nho sinh có thể hóa thân thành cụ già buồn bã trầm tư bên gốc tùng không biến đổi.
.
.
Hỡi cụ già của lòng vọng tưởng, có thể nào cụ sẽ ngậm ngùi như Nguyễn Trải ngày xưa:.
Chắc gì thiên hạ đời nay
Mà đem thân thế làm rày chiêm bao?
.
Ôi, đó là kinh nghiệm đắng cay của sự liên tưởng.
.
.
LỮ KIỀU
1968
(post lại)
.
1968
(post lại)
.
(Tranh Lữ Kiều T T M)