Thử bút của LỮ-KIỀU
.
(Hình: Internet)
.
SEN
.
Tôi qui y ở chùa Từ Hiếu,
một ngôi chùa cổ cách thành phố khoảng bảy cây số, trên đường đi lên Vạn Niên.
Thời gian qua, không thể nhớ những bước chân tuổi thơ chạy trên những viên sỏi
sân chùa cũ. Nhưng không quên, không bao giờ quên màu nước xanh ngọc bích của
cái hồ bán nguyệt nằm ở mặt tiền, bước qua khỏi cổng tam quan là nhìn thấy. Ôi,
màu nước in hình trời, cây cỏ, bóng chùa, cái màu xanh rêu phong mà không cũ,
đầm ấm sâu thẳm mà vẫn sáng láng rực rỡ hào quang của ngọc bích. Trên mặt hồ ấy
là những đóa sen hồng, sen trắng. Và bên cạnh màu hồng, màu trắng kia là màu
lam khói hương của tà áo mẹ tôi.
.
.Sau này, tôi còn dịp nhìn những sen hồng sen trắng khắp miền đất nước. Sen hồ Tịnh Tâm, ở Tây Lộc, sen ở Đồng Tháp, trong rừng tràm của khu Xẻo Quýt. Sen trên những đồng sen bát ngát ở Campuchia. Sen ở vườn thượng uyển bên Tàu. Thậm chí, tôi cũng tò mó ngắm những loài hoa rất gần với sen như bông súng, hoa nénuphar ở ngoại ô Paris, trong vườn của họa sĩ Claude Monet.
.
.Sau này, tôi còn dịp nhìn những sen hồng sen trắng khắp miền đất nước. Sen hồ Tịnh Tâm, ở Tây Lộc, sen ở Đồng Tháp, trong rừng tràm của khu Xẻo Quýt. Sen trên những đồng sen bát ngát ở Campuchia. Sen ở vườn thượng uyển bên Tàu. Thậm chí, tôi cũng tò mó ngắm những loài hoa rất gần với sen như bông súng, hoa nénuphar ở ngoại ô Paris, trong vườn của họa sĩ Claude Monet.
.
Nhưng chỉ có sen ở hồ bán nguyệt chùa Từ Hiếu gây cho tôi cái bồi hồi về một vẻ đẹp và một tình cảm lạ lùng, mà mỗi khi hình dung lại, tôi tưởng như đó là những người bạn thân thiết luôn luôn trung thành với tôi từ tuổi thơ cho đến giờ tóc đã bạc. Bởi vì, trong cánh sen kia, hình như thấp thoáng màu khói hương của tà áo mẹ tôi, và nụ cười bất tuyệt của đức Phật.
.
Nhưng chỉ có sen ở hồ bán nguyệt chùa Từ Hiếu gây cho tôi cái bồi hồi về một vẻ đẹp và một tình cảm lạ lùng, mà mỗi khi hình dung lại, tôi tưởng như đó là những người bạn thân thiết luôn luôn trung thành với tôi từ tuổi thơ cho đến giờ tóc đã bạc. Bởi vì, trong cánh sen kia, hình như thấp thoáng màu khói hương của tà áo mẹ tôi, và nụ cười bất tuyệt của đức Phật.
.
Năm 1995, con mắt của tôi
bị bệnh, thị lực kém hẳn đi. Có những đêm trực ở bệnh viện, bước xuống những
bậc cấp cầu thang để đi thăm bệnh, tôi dò dẫm từng bước. Tôi không còn quyền
vấp ngã, vì tôi không còn gượng dậy được. Đêm dài, tôi không ngủ. Tôi nghĩ đến
lúc trước mắt tôi chỉ còn màu đêm vĩnh viễn. Se sắt vô cùng. Tôi nhớ đến từng
khuôn mặt người thân, ở gần, ở xa, còn hay mất. Tôi nhớ mẹ tôi. Dù ở tuổi nào,
dù cuối cuộc đời, khi mất mẹ, người ta vẫn cảm thấy mồ côi. Tôi nhớ đến những
đóa sen ở ngôi chùa cũ, người bạn không bao giờ thay lòng đổi dạ trong đời tôi.
Và tôi vẽ những bông sen trong tâm cảnh ấy.
.
Trong những đêm không ngủ
ấy, tôi vẽ sen bằng chất liệu màu nước. Cho nhanh. Cho đỡ mất công nhìn kỹ vì
mệt mắt. Tôi thích những đài sen – vì tôi biết trong ấy có những hạt sen thơm
tho – rồi những chiếc lá sen còn tươi xanh lục. Tôi vẽ những chiếc lá sen khô
cuốn lại, tan tác đen nâu như ống thổi lửa. Tôi vẽ sen hồng cạnh sen trắng. Sau
này, có thì giờ, tôi dùng chất liệu sơn dầu, vẽ trên giấy hoặc trên bố, tôi vẽ
những nhụy hoa tàn, những cánh hoa tàn rơi trên mặt bàn mà mẹ tôi vẫn cẩn thận
dùng một cái chổi đót bé tí quét gom trong tờ giấy, rồi gói lại. Mẹ không nỡ
vất đi cái gì thuộc về hoa sen.
.
.
Vẽ sen say mê như vậy
trong khoảng hai năm, đột nhiên tôi không còn hứng nữa. Đó là thời gian tôi đọc
bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Đó là thời gian tôi đọc những câu thần chú trong
mật tông có liên quan đến sen; thậm chí, tôi có dịp tỉnh táo để nhìn những bức
họa hoa sen được thể hiện bởi bao nhiêu họa sĩ và thiền sư.
Tôi nhìn thấy ảnh chụp một
đóa sen được vẽ trên đá tại vùng núi ở Hi Mã Lạp Sơn, nơi tuyết phủ quanh năm,
và nơi ấy không có hoa sen, người vẽ chưa thấy đóa sen bao giờ.
.
Tôi hiểu ra, sen không
chỉ là một đóa hoa, mà là một cái gì hơn thế nữa. Thời nhỏ, tôi cũng là một cậu
bé trong đoàn Phật tử, cũng được đính một huy hiệu hoa sen trên ngực áo. Hình
như huy hiệu ấy, ở Huế, phát xuất từ chùa Từ Đàm, do họa sĩ Phạm Đăng Trí vẽ
(tôi biết rằng, tờ báo Phật giáo tên là Liên Hoa do thầy Thích Đức Tâm chủ biên
cũng do họa sĩ Phạm Đăng Trí trình bày).
.
.
Vấn đề không phải là hình
dáng sắc màu của hoa mà là điều đóa hoa sen gợi cho lòng ta. Như tích “niêm hoa
vi tiếu”, khi Phật đưa đóa sen cho tăng chúng và mỉm cười thì chỉ có đệ tử Ca
Diếp mìm cười đáp lại. Dù chỉ là huyền thoại, nhưng tôi cũng hiểu được cái vô
ngôn của nét đẹp kia. Sen chỉ là cái cớ. Cái cớ cho người ta bước tới, hay dừng
lại, tinh tiến hay vô minh. Cái cớ cho điều lành hay điều dữ. Cho tâm an lạc,
hay sự loạn động. Và trong cõi ta bà này, sen - với tôi - là cái cớ để yêu thương
hay từ biệt cuộc sống này. Bởi chỉ là cái cớ, cho nên nó hữu hình mà vô hình,
như ngọn núi xanh mà không phải là ngọn núi xanh.
Hay nói theo lời kinh,
không chỉ là cái cớ mà còn là phương tiện. Để tự mình tìm thấy khuôn mặt thật
của mình (Bản lai diện mục).
..
..
Tôi không vẽ sen được
nữa. Bởi vì những đóa sen hồng sen trắng trở thành một ý niệm. Như mẹ tôi, như
bạn tôi trở nên một phần trí nhớ của đời tôi. Cái phần đã tạo nên nhân cách của
mình, và từ đó, số mệnh của mình.
Có những đêm ngồi thao
thức dưới ngọn đèn, tôi tự hỏi nếu không có những cành sen ở hồ bán nguyệt chùa
Từ Hiếu, thì đời tôi sẽ ra sao. Ra sao? Tôi không biết nữa, nhưng chắc chắn sẽ
khác.
.
.
Những dòng này
viết cho bạn tôi, để trả lời một câu hỏi. Cám ơn bạn đã gợi cho tôi bao nhiêu
điều se sắt mà tôi tưởng đã vượt qua, nhưng nào tôi có vượt qua được đâu, dù có
trầm tư bao nhiêu lần về Tứ Diệu đế.
.
.TÁC GIẢ: LỮ KIỀU