Truyện ngắn của TÔN NỮ QUỲNH-DIÊU (ĐK 71)
.
.(Nguồn: Internet)
.
Chiếc Áo Màu Khói Hương
.
Chuyện
của Huế từ thuở "Nước thanh bình ba trăm năm cũ". *
.
Huế,
"tháng năm chưa nằm đã sáng", mới có tám giờ mà mặt trời đã lên cao,
lâu lâu từng đám mây trắng như những tảng bông gòn lững lờ trôi trên nền trời
trong xanh, quang đãng.
Hôm
nay thứ bảy, tôi được Mạ cho phép rủ con bạn thân từ thuở còn học ở trường tiểu
học, Ưu Đàm (con nhỏ này có duyên với Phật, nó được sinh ra nhằm ngày Phật
đản sanh nên Ba Mạ nó đặt cho nó tên của loài hoa Ưu Đàm), lên nhà bà cô ở Nam
Giao chơi, đến sáng chủ nhật thì về coi nhà cho Mạ đi Chùa. Ưu Đàm có khuôn mặt phúc hậu, tánh tình lại
hiền lành, dễ thương nên tôi thương nó như chị em ruột thịt.
Tôi
thả bộ từ trong Thành nội ra cửa Thuợng Tứ, mùi thơm của hoa sen từ bờ hồ
thoang thoảng theo gió bay lên làm tôi thấy lâng lâng trong lòng. Những cánh sen vươn cao, thẳng đứng dưới mặt
hồ tĩnh lặng, cất mặt nhìn đời "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi
bùn".
.
.
Ghé
nhà Ưu Đàm ở đường Trần Hưng Đạo, xong hai đứa tà tà đi về bến Đông Ba, đón xe
Từ Đàm để lên Nam Giao là trạm cuối..
Đàn
Nam Giao, nơi các Vua nhà Nguyễn thường tổ chức lễ tế Trời Đất vào mùa Xuân
hàng năm. Tưởng tượng ngày xưa Vua Quan
võng lọng, chiêng trống cờ xí ngập đường, thiên binh vạn mã, vậy mà giờ đây chỉ
trơ nền đất, cỏ hoang mọc đầy, như tiếc nuối một thời vàng son vang bóng, mới
thấy vạn vật đều vô thường.
Xe đến
bến Nam Giao còn sớm nên tôi và Ưu Đàm từ từ đi bộ vô nhà bà Cô. Bà là cô ruột của Ba tôi, ngày xưa chồng bà
làm Đốc học thời Pháp nên người ta thường gọi bà là bà Đốc. Chồng và con bà mất sớm, bà ở vậy thủ tiết thờ
chồng và tu tại gia. Hồi còn trẻ bà rất
đẹp, cái đẹp sang đài, quý phái của những người đàn bà Huế xưa.
Ngôi
nhà này ở trên một khu đất rộng có đến gần ba mẫu tây, nằm trên đường lên Tuần. Ba tôi là cháu đích tôn nên ông bà Cố cho Ba
Mạ làm của và luôn thể làm nhà từ đường.
Ba thì đi hành quân rày đây mai đó, Mạ lại hay sợ ma nên xin phép được về
phố ở với ông bà Ngoại. Vì vậy bà Cô
tình nguyện ở lại để trông nom hương khói và tu hành.
Tôi
vẫn thích con đường không tên này, con đường có nhiều hoa dại, những cánh hoa
ngũ sắc đủ màu, có loại hoa cánh nhỏ như những ngôi sao màu trắng và vàng xen kẻ
với đám lá xanh non. Ban mai mấy giọt
sương còn đọng lại trên cỏ, nhìn từ xa như một tấm thảm thủy tinh mượt mà. Mùi thơm của hoa dại, lá cây rừng, cộng với
mùi nhang trầm thoang thoảng trong gió sớm, quang cảnh yên vắng như chốn thần
tiên.
Trong
vườn có đủ thứ cây ăn trái, từ chôm chôm, bìm bịp, trái chay, sa-po-che, mít,
bưởi, ổi, thơm kể cả khoai sắn. Mỗi lần
chị em tôi lên thăm bà, khi về bà cho quà xách nặng cả tay. Trước mặt nhà là một dãy tùng bách xanh ngát,
cộng với màu vàng của hoa mai và cúc, hồng của hải đường, hoa trang màu đỏ, trắng
của hoa sói tạo thành một bức tranh rực rỡ, tươi mát. Hương thơm của mấy loại hoa hòa lại, tỏa lan
khắp cả núi đồi hoang vu mà chưa chắc có thứ nước hoa đắt tiền nào sánh bằng. Nhất là hoa sói, sáng sớm tôi hay ra vườn, ngắt
vài cánh hoa sói còn đọng sương mai, rửa sạch, xong cho vào bình, thế là có
bình trà sói thơm ngát.
Bà
cô rất thương bầy cháu, cứ hè về chị em tôi lại lên ở lại với bà vài ngày để được
thưởng thức mấy món chay thật ngon của bà.
Lâu lâu bà cho tiền ra hàng bún bò của mụ Tôn Bụi bên kia đường, hoặc xuống
hàng chị Xanh ăn bánh gói. Đây chỉ là những
quán nghèo ở hai bên đường để bán cho khách lỡ độ đường, hoặc mấy chị bán lá
chè tươi từ trên Tuần về. Ở Huế có chè
Tuần ngon đặc biệt, những ngọn lá chè tươi non, hái vô rửa sạch, vò nát, bỏ vào
ấm nước, nấu thật sôi, cho thêm vài lát gừng đập dập. Tách chè bốc khói thơm ngát, sau bữa cơm, uống
vô một tách nước chè ấm bụng mà lại dễ tiêu cơm.
.
.
****
Tôi
và Ưu Đàm thường dậy sớm cùng bà công phu sáng.
Tiếng tụng kinh trầm trầm hòa với nhịp mỏ cùng tiếng chuông gia trì, lâu
lâu điểm thêm mấy tiếng đại hồng chung bên chùa “AA” vang vọng lại, không khí
thật trang nghiêm thanh tịnh. Boong...
boong... boong... tiếng chuông ngân trong gió sớm như thức tĩnh những ai đang
còn mê lầm giữa chốn trầm luân mau tìm về bến Giác. Người thỉnh chuông cũng phải lắng lòng nhất
tâm đọc bài kệ thỉnh chuông để cầu cho muôn loài chúng sinh được an lạc và những
âm hồn được sớm siêu sinh Tịnh Độ. Tiếng
chuông đã làm ấm lòng bao tâm hồn lẻ loi, u hoài.
Trong
nhà bà có nhiều kinh sách và tranh ảnh Phật, nhưng tôi vẫn thích nhất bức hình
Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề. Cứ mỗi
sáng, sau thời công phu tôi thường ngồi chiêm ngưỡng bức hình Ngài và thấy lòng
thanh thản hơn.
"Chỗ
người ngồi một thiên thu tuyệt tác,
Trong
vô hình sáng chói nét từ bi". **
Tôi
nghĩ người nào tạo được bức hình này chắc là phải có rất nhiều nhân duyên với
Phật Pháp từ muôn ngàn kiếp trước.
.
.
****
Sáng
chủ nhật, sau khi ăn sáng xong tôi và Ưu Đàm đi bộ ra bến xe để về phố. Chợt con Ưu Đàm chỉ từ đàng xa,"Từ Tâm,
mi thấy chi không?" thì ra là một người dáng dấp thanh tao, cao dong dỏng,
khoan thai trong chiếc áo màu khói hương, với đôi guốc mộc và chiếc nón mười
tám vành cũng đang trên đường đến bến xe.
Sau khi lên xe, tôi mới nhìn rõ, một nhà sư còn trẻ, rất trẻ, khuôn mặt
khôi ngô, sáng sủa, nhất là đôi mắt - đôi mắt sâu thăm thẳm - như hớp
hồn người, làm tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng.
Con Ưu Đàm mở miệng trước:
- Thầy ơi, cho con hỏi.
Một giọng trầm ấm, nghiêm
trang cất lên:
- A Di Đà Phật, dạ tui chỉ mới
thọ Sa Di thôi.
Nó liến thoắng:
- A, vậy là Sư chú, chú tu ở
Chùa mô mà cũng đi về hướng phố vậy?
- Dạ, tui tu ở Chùa “AA”, bữa
ni về Chùa “BB” để học thêm giáo lý.
- Vậy ra chú là hàng xóm của
con nhỏ ni, nó chỉ vào tôi.
- Hai O đang còn đi học?
- Dạ, em và nó đang học đệ
tam trường Bồ Đề.
Khi xe dừng ở “BB”, sư chú
bước xuống xe và nói:
- Hôm nào rằm, mồng một rãnh
rỗi mời hai O ghé thăm vãng cảnh Chùa.
- Dạ.
Tôi lên mặt, làm rành, bảo
Ưu Đàm:
- Mi không thấy người ta mặc
áo Nhật Bình màu lam hay sao còn hỏi, chỉ có mấy Thầy mới được mặc áo tràng màu
đà thôi.
Con Ưu Đàm hỏi:
- Từ Tâm, mi có thấy người
ni đi tu uổng quá không?
Tôi trả lời "ai mà
biết", nhưng trong lòng tôi cũng thấy "uổng" thật.
Sau khi xe về lại bến Đông
Ba, con Ưu Đàm rủ rê "Từ Tâm, để tuần tới hai đứa mình đi qua thăm Chùa
thử coi sao nghe".
Vậy là lâu lâu tôi và Ưu Đàm
có dịp qua Chùa làm công quả, như phụ quét sân, giúp mấy bác nấu ăn, dọn dẹp ở
nhà trù.
Mỗi lần được gặp Sư chú là tôi
cảm thấy vui vui trong lòng. Những lúc rảnh
rỗi, Sư chú thường kể về sự tích đức Phật cho chúng tôi. Chao ơi, cuộc đời sao mà dễ thương quá.
Một hôm, nhân lúc phụ tưới
cây, con Ưu Đàm buột miệng hỏi:
- Đi tu có buồn không chú?
- Dạ không, đã theo đạo giải
thoát của Phật Đà thì không có gì phải buồn cả.
Xong nó lại hỏi:
- Chùa đây có nhận con gái
vô tu không hở chú?
(Con nhỏ hỏi thiệt vô duyên).
- Dạ không, đây là Chùa nam,
người nữ muốn tu thì phải xin vô Chùa Sư Nữ.
.
.
.****
Tuần
trước, tôi và Ưu Đàm ngồi lột hột sen cho bà nấu chè cúng Phật, Ưu Đàm lại nhắc
đến chuyện Sư chú.
- Từ Tâm, tau vẫn thắc mắc
người sao đẹp vậy mà đi tu chi cho uổng, nhất là những lúc “người ta” khoác chiếc
y vàng trông "dễ thương" quá mi hí.
- Thì ngày xưa đức Phật có
ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp mà còn đi tu nữa là, người ta có lý tưởng,
nói chi đẹp xấu.
Tự nhiên tôi ngẫu hứng, để
hôm nào gặp chú ấy tau sẽ nhại hai câu thơ của Nguyên Sa:
"Y người vàng em về yêu
hoa cúc,
Áo người lam em mến khói
hương chùa", thử coi sao nghe.
Ưu Đàm bảo “con ni lãng
mạn”, rồi hai đứa cười khúc khích.
Tưởng đâu bà cô ra tưới cây
ngoài sân, ai ngờ bà đang ở sau bếp, nghe vậy bà la hoảng "tội quá
con ơi, để cho người ta tu hành, người ta đã cát ái từ thân, bỏ tất cả, hiến
dâng cuộc đời cứu độ chúng sanh, mà bây lại đi chọc ghẹo, tội chết. Con không nghe người xưa nói "Nhất
nhân đắc đạo, cửu huyền thăng" hay sao.
Một người tu đắc đạo là cứu được cả chín đời. Gia đình nào có phước lắm mới có được người
đi tu. Bây đừng có bắt chước Ma Đăng Già
ngày xưa mà phải tội”.
Tôi còn bướng bỉnh cãi lại:
- Tụi con chỉ nói chơi thôi
mà.
Bà la tôi:
- Chơi gì mà chơi, chơi rồi
thành thiệt mấy hồi.
Con Ưu Đàm sợ quá, chạy biến
lên nhà trên.
.
.
****
Kỷ
luật nhà chùa nghiêm minh, bữa nọ trong Chùa đang bận rộn sửa soạn cho ngày rằm
lớn. Tôi và Ưu Đàm lên phụ giúp. Hôm đó tôi gặp và chào Sư chú, vậy mà chẳng
biết sao chú ấy lại chẳng nhìn thấy tôi, thế là tôi nổi giận, rủ con Ưu Đàm
không đi Chùa nữa. Trong mấy tuần liền,
tâm tôi đầy phiền muộn, có lúc tôi muốn về lại Chùa ngay, nhưng rồi tự ái đã giữ
chân tôi lại. Ưu Đàm hỏi "có
chuyện gì đâu mà mi lại sân si, tên mi là Từ Tâm mà tâm mi chẳng từ chút nào cả". Tôi quyết định sẽ không bao giờ lên Nam Giao
thăm bà cô nữa. Nhưng rồi tiếng chuông
Chùa vẫn réo gọi trong tâm tưởng, tôi lại rủ Ưu Đàm trở về. Nó la tôi "con ni nhiều chuyện".
Vừa
bước vô cổng tam quan, Sư chú ngừng tay quét lá sân Chùa, cười hiền hỏi "lâu
nay không thấy hai O về Chùa cũng thấy trông". Ưu Đàm chỉ qua tôi "mấy tuần ni hắn
lẫy không về Chùa". Sư chú nhìn tôi
cười cười "đã là con Phật thì không bao giờ được giận ai quá một
đêm. Thôi có hai chén chè đậu xanh cúng
Phật hai O ăn cho đỡ đói." Tôi nghĩ,
ít ra cũng phải vậy chứ.
Sáng
thứ hai, mới bước chân vào lớp, con Ưu Đàm le te đưa cho tôi cuốn vở học trò rồi
nheo mắt "nì, có người cho mi cái ni, mở ra coi liền đi". Tôi mở cuốn tập ra, thấy có chiếc lá bồ đề đã
ép khô với những đường gân lá rõ nét nằm ngay ngắn giữa hai trang giấy học trò
thật đẹp và công phu. Thế là tôi vui suốt
ngày hôm đó.
.
.
****
Không
ai hiểu con bằng Mẹ, hình như Mạ đã thấy nơi tôi "điều gì"
đó, nên Mạ biểu chị Bé "theo dõi" tôi. Hôm kia chị Bé hăm tôi "liệu hồn
nghe Xíu, xứ Huế ni trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay, ráng mà giữ hồn".
Đám
con trai theo tôi mỗi ngày, tại sao tôi chẳng mảy may rung động, vậy mà chỉ một
thoáng khói hương bay qua đã làm mắt tôi biết cay cay, tim tôi nghiêng hẵn theo
tiếng chuông Chùa.
Tại
sao Mạ lại sợ, tôi không có ý nghĩ gì vẫn đục, tôi lại không muốn chiếm hữu, tôi chỉ muốn giữ mãi bóng hình đó như một kỷ niệm đẹp mà
tôi tôn thờ.
Nhiều
lúc tôi nghĩ Mạ có cái lý của Mạ, Mạ đã sống đời an phận như cuộc đời bà Ngoại,
bà Cô, đời Mạ, đời những người đàn bà Huế luôn luôn tự trói mình vào với những
định kiến khắt khe của dòng họ từ ngàn xưa để lại, tự làm khổ mình, không dám
nghĩ đến những gi trái với những quy luật đó, để rồi chỉ được hai tiếng hư
danh.
Và rồi
cuối cùng, cũng không thể vượt ra khỏi vòng lễ giáo, vì tôi đang sống trong
lòng Huế, tôi phải tuân thủ những điều ấy để được xứng đáng là đứa con gái
ngoan của dòng họ quan gia. Nhưng màu áo
khói hương vẫn luôn ngự trị trong tim tôi, không ai có thể kiểm soát tư tưởng của
tôi được.
.
.
****
Đêm
nay hai mươi bốn âm lịch, trăng lưỡi liềm vẫn treo lẻ loi trên nền trời đêm. Tôi nhớ đã đọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên của
Khái Hưng, đại ý "cũng là trăng khuyết nhưng trăng thượng tuần vẫn
cho ta cảm giác ấm áp, vì nó đang đi đến sự tròn đầy hơn là những đêm trăng hạ
tuần". Hèn gì đêm nay tôi thấy ánh
trăng thật cô đơn, lạnh lẽo hay là vì tôi đang cô đơn mặc dù chung quanh tôi
lúc nào cũng có đủ người thân và bạn bè.
Hình ảnh chiếc áo màu khói hương vẫn khi ẩn khi hiện, chập chờn trong
tâm tư của tôi.
Hôm
qua tôi ghé nhà Ưu Đàm để gắng móc cho xong chiếc mũ len cúng dường Sư chú
trong những ngày lạnh sắp đến. Tôi coi
đây chính là niềm vui mỗi ngày của mình.
Nhưng
rồi đến khi hoàn thành được chiếc mũ len thì chiến cuộc lan tràn, đâu đó đã có
tiếng súng vọng lại, hỏa châu đêm đêm soi sáng cả một vùng rừng núi thâm u. Mạ sợ quá, và đây cũng là lý do chính đáng của
Mạ nên tuyệt đối cấm không cho tôi lên Nam Giao nữa, rồi cũng chỉ vài tuần sau,
bà cô đã phải đóng cửa ngôi từ đường, tản cư về dưới phố. Vậy là chiếc mũ len đã không bao giờ đến được
tay người nhận. Cơn gió lốc đã cuốn đi tất
cả.
.
.
****
Gần
ba mươi năm sau, người thiếu phụ ở phương xa ghé thăm chốn cũ thì bà cô đã viên
tịch, ngôi từ đường bị những người bên kia trở về chiếm lấy chia năm xẻ bảy, mất
đi cái vẻ uy nghiêm tĩnh mịch ngày trước. Tìm về Chùa xưa, chiếc áo màu khói
hương chỉ còn trong quá khứ, hay là đã theo gió mà tan vào hư vô.
Cô
chợt nhớ đến hai câu thơ:
"Đập
cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp
tàn y lại để dành hơi..." ***
.
Cô trở lại con đường cũ, một
quãng đời thơ mộng, an vui của thời con gái nay đã không còn nữa, thật sự không
còn gì nữa, chỉ có chiếc lá bồ đề được ép cẩn thận trong hai trang giấy học trò
là còn nguyên vẹn. Vài con chim "ò
ho" lẻ bạn lên tiếng gọi đàn. Chiều
đang dần buông, chỉ còn lại chút ráng chiều héo hắt níu kéo một ngày đã
qua, tiếng chuông chùa thong thả ngân vang như đang cảnh tỉnh muôn loài...
.
Tôn-nữ Quỳnh-Diêu (ĐK 71)
.
Tháng 5, 2017
.
Tháng 5, 2017
Viết theo lời kể của cô TL
.
.
---------------
* Thơ Chính Phụ Ngâm khúc
* Thơ Chính Phụ Ngâm khúc
** Thơ Vũ Hoàng Chương
*** Thơ Vua Tự Đức