Friday, April 24, 2020

Anh tôi

Hi Ký ca Cao Kim-Quy
 .
(Nguồn: Internet).
Anh Tôi
Một kỷ niệm trong rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên! Luôn luôn nhớ, nhưng chỉ một lúc nào mới có thể viết ra. Hay là vì để kỷ niệm anh tròn ... 80?
Anh kế tôi lớn hơn tôi 10 năm và 1 ngày. Khi tôi còn là con bé đệ thất, đệ lục gì đó thì anh tôi đã vào không quân. Sau thời gian được gởi đi huấn luyện ở Mỹ, anh tôi trở về lái một trong những chiếc skyraider đầu tiên của miền Nam thời ấy. Tôi nhớ mỗi sáng thứ hai đầu tuần, anh tôi mặc bộ đồ bay màu cam trông rất oai hùng, băng súng đạn đeo trể nãi bên hông, cổ quàng chiếc khăn voan tím lãng mạn, hoặc có khi đen, có khi cùng màu với áo bay, phất phơ thật“nghệ sĩ”. Anh tươi cười xoa đầu tôi rồi lên xe vào đơn vị. Trong mắt những đứa trẻ như tôi, anh là một người hùng, còn trong mắt những cô gái đã biết mộng mơ thưở ấy , các chàng pilot luôn là những chàng trai hào hoa kiêu bạc mà các cô thường ngầm chút tự hào khi sóng bước vì chàng nào cũng phong độ, đầy vẻ che chở cho người con gái nhỏ bé đang e ấp đi bên cạnh mình.

Mùa đông năm 1965, Nha Trang mưa bão mịt mù, những ngọn sóng thần ập vào đến tận chân bưu điện thành phố, nhưng riêng tôi lại cảm thấy rất ấm áp vì sinh nhật năm ấy, con bé mười lăm tuổi là tôi lần đầu được cả hai ông anh “thần tượng” dắt đi xem ciné ở rạp Tân Tân rồi lại được tung tăng trong mưa trở về nhà, hai tay vẫn bám lấy bàn tay của hai anh. Làm sao tôi có thể ngờ được đó là lần cuối cùng tôi có diễm phúc ấy!
Một buổi sáng mùa hè 1966, từ chợ về, tôi thấy cổng nhà mở toang, cửa nhà mở toang, hai cánh cửa tủ sách cũng đang mở toang với chồng sách ngổn ngang trên sàn nhà (có lẽ anh lớn của tôi đang sắp xếp sách) mà nhà không một bóng người. Hàng xóm cho biết, anh lớn của tôi mới chạy vào phi trường. Tôi lật đật đạp xe theo. Buổi sáng hôm qua, anh tôi ra đi, báo sẽ bay lên Đà Lạt. Tưởng anh có công tác chưa về được, mọi ngưởi không mấy băn khoăn. Nhưng sáng nay anh lớn tôi tình cờ được biết, có chiếc tàu hải quân vớt được thẻ lương mang tên anh tôi bềnh bồng trên mặt nước. Máy bay anh lái hẳn đã nằm sâu nơi nào đó trong lòng biển Nha Trang. Bạn anh tối hôm qua đã loanh quanh trước nhà định báo tin dữ, nhưng họ không đủ can đảm bước vào khi thấy cảnh nhà tôi đang vui vẻ bình an quá!
Phi đoàn an ủi rằng họ sẽ cố gắng tìm kiếm dấu vết. Anh lớn tôi lặng người. Mẹ tôi hoảng loạn. Ba tôi im lìm cuộn chiếc drap trắng trên tay, thất thểu đi dọc hết bãi biển Nha Trang ngay từ buổi trưa nắng gắt, mong thấy xác con xô dạt vào bờ thì còn có tấm drap để phủ. Chiều hôm đó, bạn thân nghe tin, đạp xe đến an ủi, nhưng hắn ngạc nhiên thấy tôi tỉnh bơ không chút âu sầu. Làm sao tôi có thể tin được đây là sự thật! Mới sáng hôm qua, anh còn cười rất tươi với tôi kia mà, anh còn oai hùng đến thế kia mà. Áo quần giày dép anh còn đầy ngay trước mắt tôi, album ảnh còn đây, những bức thư tình của người yêu anh vẫn còn tươi màu mực, làm sao anh có thể bỗng dưng biến mất khỏi trần thế này được! Tôi dứt khoát không thể tin điều phi lý nực cười ấy. Nhưng chiều tối, khi ba tôi thất thểu trở về, vẫn với tấm drap trắng cuộn tròn, im lìm ngồi vào mâm cơm giờ đây đã có thêm chiếc chén không gác đôi đũa dành cho người vắng mặt, nước mắt từng giọt rơi vào chén cơm đang rung trên tay, thì tôi không thể không khóc. Tôi khóc không vì mất anh (làm sao có chuyện này được!) mà khóc thương ba tôi vốn là người cứng rắn đang đau khổ trong tột cùng của sự kìm nén. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi thấy ba khóc.
Những ngày sau, phi đoàn của anh tôi đã trả lời rằng đến cả chiếc máy bay to lớn họ cũng không thể tìm thấy dưới lòng biển sâu, dù đã nhờ cả hải quân phối hợp. Mẹ tôi bắt đầu tất tả lên rừng xuống biển, tìm đến những thầy bói nổi tiếng nhất, hầu mong nghe được chút tin tức gì về sự sống chết của con. Lúc này ngồi nhớ lại tôi thầm cám ơn ông thầy nào đó đã dám tuyên bố anh tôi còn sống và đang ở …Miến Điện (?!). Ông ta đã cho tôi một tia hy vọng, đã “nuôi” tôi lạc quan sống tiếp nhiều năm sau đó chờ ngày anh về. (Lớn lên tôi nghiệm ra rằng ta hãy cứ gieo vào lòng ai đó niềm hy vọng, dù nó có thể mong manh, có thể không có thực, nếu tia hy vọng ấy có thể làm cho đời họ tốt đẹp hơn ít nhiều).
Tôi thường lang thang lên Nhà thờ Núi của Nha Trang những buổi chiều vắng, đứng trên cao, phóng tầm mắt ra phía màu xanh của những hàng dương thuộc khu nhà máy nước thuở đó, rồi tưởng tượng ra anh tôi sẽ bất ngờ xuất hiện từ “khu rừng dương” kia, áo quần tả tơi, (tôi giả thiết anh có thể thoát ra khỏi chiếc máy bay đang rơi, trôi nổi trên biển, lưu lạc đến… Miến Điện hoặc một đảo hoang nào đó, rồi phải băng rừng lội suối bao ngày mới tìm được đường về quê nhà! Lúc ấy tôi nghĩ, cách chính xác nhất để tìm đường về chẳng phải là lần theo …đường rầy xe lửa đó sao ). Tôi hy vọng mình sẽ nhìn thấy anh đầu tiên, sẽ lao xuống ôm chặc anh trong vòng tay mình, để chắc chắn tôi không mơ, để biết rằng tôi đã đúng, anh tôi … không thể nào chết được! Rồi anh em tôi sẽ về nhà, đem lại ngạc nhiên và hạnh phúc tột cùng cho bao người thân!
Cứ thế, tôi sống tiếp, và chờ dợi, nhớ anh mỗi ngày nhưng không bi lụy (ít nhất phải cho tôi một bằng chứng chứ, đến cái xác của anh cũng không ai nhìn thấy, sao dám bảo anh tôi đã chết!). Thuở ấy, tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu như bây giờ, rằng trên đời này không gì là khộng thể. Thuở ấy, tôi ngây thơ nghĩ rằng những điều phi lý, quái đản thì không thể tồn tại. Nhưng bây giờ thì đời đã dạy tôi tin. Tôi tin, vì tôi đã thấy, người ta có thể lạnh lùng kiếm những đồng tiền bẩn ngay trên sinh mạng của kẻ khác, người “có nhiều bằng cấp” có thể phát biểu những câu rất thiếu học, người “trí thức” có thể làm những điều rất vô liêm sĩ… tôi cũng đã sống đủ để có thể hiểu được lẽ vô thường của thế gian. Tôi đã hiểu, ngay bây giờ ta đang hạnh phúc tràn trề với người thân, nhưng chỉ tich tắc sau ta có thể mất nhau mãi mãi, cho nên mỗi phút giây hiện tại đều là phút giây vô cùng ý nghĩa mà ta không thể xem thường.
Sinh nhật 16 tuổi của tôi vài tháng sau đó, anh lớn tặng tôi món quà là cuốn lịch ảnh năm 1967. Tôi còn nhớ cuốn lịch có những bức ảnh hình sông Seine lặng lờ với những chiếc thuyền chở khách du lịch, những chú chim bồ câu tụ tập từng đám trên bờ sông bình yên mổ thức ăn, và những kiosque bán quà lưu niệm, những họa sĩ đang ngồi trên chiêc ghế thấp vẽ chân dung cho du khách… nhưng nhớ nhất là dòng chữ ngắn ngủi anh lớn đã viết cho tôi ở trang đầu “Hai anh luôn nhớ đến ngày sinh nhật của em!”. Chao ôi, anh tôi tưởng an ủi được tôi bằng câu nói ấy, nhung anh có ngờ đâu bao nhiêu lần tôi đọc đến chữ “hai anh” là bấy nhiêu lần nước mắt tôi ràn rụa đến nhòe mặt chữ. Anh kế vẫn “luôn nhớ đến ngày sinh nhật của em”, nhưng anh đâu rồi? đâu rồi? Tôi cứ chờ mãi, dù tôi thực sự không biết anh tôi đang ở nơi đâu! Tôi chỉ biết mình không thể nắm tay hai anh cùng một lúc nữa! Cho đến bao giờ? Lúc ấy tôi không thể biết.
Nếu anh tôi vẫn còn đâu đó trên cuộc đời này, anh đã vừa chẳn 80, còn tôi thì đã 70. Nhưng mỗi khi nhớ đến anh, tôi chỉ thấy một chàng trai 26 tuổi oai hùng, rạng ngời sức sống, và dĩ nhiên tôi vẫn chỉ là con bé con 15, 16 đầy mẫn cảm của tuổi chập chững vào đời. Chính anh đã giữ cho tuổi thơ tôi còn mãi đến tận hôm nay. Đôi khi con bé trong tôi vẫn còn mơ hồ một cảm giác chờ đợi. Ngày anh về.

.
Cao Kim-Quy
.
Anh Tôi