Ngày mai là 30 tháng 4,
Mời các bạn đọc lại một bài hồi ký của Tôn Nữ Quỳnh-Diêu (ĐK71), để nhớ lại những ngày di tản từ Huế của 45 năm về trước.
.
.
Nhớ Huế Tháng Tư
.
"Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàn bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường ..."
Bài "Tôi Đi Học" của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi đã thuộc nằm lòng từ lúc còn cắp sách đến trường.
Bài "Tôi Đi Học" của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi đã thuộc nằm lòng từ lúc còn cắp sách đến trường.
.
Bây giờ hằng năm cũng cứ đến tháng Tư, bắt đầu vào Hạ, khi nghe lại những bản nhạc mà ban Dân Vận thường hát trên đài phát thanh bấy giờ, lòng tôi lại chạnh nhớ đến 44 năm về trước, gần nửa thế kỷ trôi qua. Đôi khi tôi không muốn nhớ và nhắc về những ngày tháng cũ nữa, nhưng sao nó vẫn như một vết thương không bao giờ lành. Cái tên nước Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành huyền thoại chỉ còn lại trong ký ức của mỗi người và trong tôi.
.
.
Vào khoảng cuối tháng hai năm 1975, dân Quảng Trị đã tay bồng tay bế, gánh gồng dắt nhau tản cư với những khuôn mặt thất thần, mệt mỏi, bước thấp bước cao trên các nẻo đường của Huế. Và một buổi chiều, khi tôi từ tiệm giày Hòa Bình gần rạp hát Hưng Đạo đi ra, tôi gặp anh chồng của cô bạn cũ đóng quân ở Quảng Trị, anh cho biết là "họ đã bỏ Quảng Trị rồi, chạy giặc nữa rồi". Lúc ấy tôi vẫn dửng dưng, cứ nghĩ như là những lần trước, rồi đâu cũng vào đó. Nhưng rồi dân Huế bắt đầu sắp hàng để chờ rút tiền ở các ngân hàng và sửa soạn di tản vào Đà nẵng hoặc có thể đi xa hơn nữa.
.
.
Thời gian nầy Ba tôi đang làm việc ở bộ Tổng Tham Mưu Quân Đoàn I, ông không thể về Huế để đưa gia đình di tản nên cả nhà phải thuê xe đò và khởi hành từ sáng sớm. Ngang qua cầu Sông Hương vẫn còn thấy học trò Đồng Khánh thong thả đi bộ qua cầu một cách bình yên. Trường Đồng Khánh năm đó nghe nói dự trù tổ chức cắm trại kỷ niệm ngày lễ Hai Bà Trưng thật long trọng. Mấy em gái tôi còn tiếc rẽ, người ta vẫn còn đi học có sao đâu mà mình lại bỏ đi, rồi bữa mô về làm sao vào học lại. Hồi đó gia đình tôi di tản sớm nên không gặp cảnh kẹt xe trên đèo Hải Vân và đoạn đường từ Huế vào Đà Nẵng đi lại vẫn bình thường.
.
.
Những ngày đầu tiên ở Đà Nẵng tôi cứ nghĩ như hồi năm 72, mình sẽ về lại Huế, và sẽ sống an lành như những ngày tháng cũ. Đà Nẵng vẫn tấp nập vì có thêm nhiều người tản cư về và chưa có dấu hiệu nào Đà nẵng sẽ mất. Nhưng rồi khoảng hai tuần sau dân Đà Nẵng lại xôn xao, trên đường Độc Lập, hãng Air Vietnam người ta chen chúc mua vé nhưng nghe nói vé đã không còn chỗ, và thiên hạ vẫn cứ đi lên đi xuống mà chẳng biết đi đâu. Lại một lần xáo trộn nữa, dân Đà Nẵng lại lên đường, tôi thật nản vô cùng. Gặp ai cũng chỉ một câu hỏi nên đi hay ở. Nghe tin tức của đài BBC và VOA thì toàn là tin tuyệt vọng, cứ hết quận này mất đến thành phố kia đã bị xoá sổ, sống trong lo âu và hồi hộp. Và rồi vào một buổi tối có tin Quân Đoàn I có lịnh cho di tản, gia đình tôi lại khăn gói lên đường. Chưa bao giờ tôi thấy cái cảnh tượng khiếp đảm như đêm hôm đó. Tất cả xe Jeep, Dodge, GMC của Quân Đoàn đều được trưng dụng cho tất cả quân nhân và gia đình của họ. Cả mấy trăm chiếc xe làm thành một đoàn dài nối đuôi nhau qua biển Mỹ Khê, đổ xuống đó và mạnh ai nấy chạy.
.
.
Đoàn người ngồi giữa trời đêm cho đến sáng hôm sau thì lên được một chiếc xà lang và lại ngồi phơi nắng suốt ngày hôm đó, đến gần tối họ lái chiếc xà lang ra giữa khơi đến cập sát bên chiếc tàu Mỹ thật lớn. Họ bắt đầu hạ cầu thang xuống cho mọi người leo lên tàu, ai cũng muốn lên trước nên chen chúc, xô đẩy nhau thật là lộn xộn. Khi đó thật lòng tôi muốn bay trở về lại Đà Nẵng rồi ra sao thì ra, vừa chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nhưng ở đời không thể muốn là được. Sau khi trời sập tối họ rút cầu thang và cảnh tượng bây giờ mới thấy kinh khiếp, hãi hùng. Lúc này chỉ còn cách người nào lên tàu trước thì đứng trên boong rồi đưa tay xuống kéo người ở dưới xà lang lên. Cách này rất nguy hiểm, nếu người đứng trên không đủ mạnh để kéo thì sẽ bị rớt xuống biển liền. Chiếc xà lang thì sóng cứ đánh xô ra giạt vào bên hông tàu, lâu lâu lại nghe một tiếng "bỏm" rồi tiếng người la khóc là biết có người đã rớt xuống biển. Chưa bao giờ tôi thấy cái ranh giới giữa sự sống và sự chết lại kinh hoàng như vậy, chỉ trong một tích tắc. Trên trời thì tối thui, mặt nước đen như mực, chung quanh là tiếng khóc la, gọi nhau ơi ới. Ba tôi và Bác tôi tìm cách lên tàu trước, rồi tiếp tục đưa tay kéo cả gia đình lên. Và rồi tôi cũng không biết làm sao mà gia đình tôi tất cả 18 người vừa người lớn và con nít, đứa nhỏ nhất 4 tuổi đều lên được trên tàu bình yên. Tôi luôn nhớ ơn Phật Trời đã gia hộ. Lên thoát được rồi thì cảnh hải hùng khác lại xảy ra, mọi người nằm ngồi la liệt trên sàng tàu, không có chỗ để bước chân đi nữa và cũng vì mệt và quá chóng mặt nên tôi cứ nằm xuống mặc cho nhiều người họ bước lên người tôi mà đi. Hôm đó sau khi tàu Mỹ đã nhổ neo, tôi không biết số phận của chiếc xà lang đi về đâu. Nghe mấy người đứng trên boong tàu nhìn xuống thì thấy còn rất nhiều người đứng ngồi chen chúc trên chiếc xà lang đó.
.
.
Chiếc tàu đi trong bao lâu tôi cũng chẳng biết, chỉ nghe họ nói với nhau là tàu này không được cập bến Saigon, và sau những ngày lênh đênh trên biển đợi chờ trong vô vọng thì họ cho vào cảng Cam Ranh. Mọi người phải vô tạm trú trong một trường học ở ngay thành phố, lúc đó dân Cam Ranh lại rục rịch di tản, vì vậy mà gia đình tôi lại thuê xe đò về Phan Rang rồi từ Phan Rang mướn tàu buôn đi thẳng vô Nam, đến cập bến ở Vũng Tàu.
Ở ngay bến tàu có các sư cô và ma soeur nấu từng thùng cháo thật bự cho dân tản cư ăn, ai muốn thì cứ mặc sức ăn. Lúc đó mới biết là mình còn được sống và cũng may là có bà cô em của ông ngoại tôi đi kiếm gia đình tôi nên mướn xe lam cho chúng tôi về Saigon. Khi đó khoảng buổi chìều, Saigon còn bình yên, ngồi trên xe nhìn hai bên đường thiên hạ vẫn còn đi bát phố, ăn mặc tân thời, rồi tôi nhìn lại mình thật chẳng giống ai.
.
.
Sống ở Saigon khoảng một tháng, đây là thời gian hạnh phúc nhất trong đời chạy giặc của tôi, tôi nghĩ thôi thì cứ nhận nơi nầy làm quê hương rồi mình sẽ làm lại cuộc đời vì lúc đó có tin là Huế đã mất. Dân Saigon rất thân thịện, cởi mở và dễ thương. Đường sá xe cộ, kẻ buôn người bán tấp nập. Thời gian đó tất cả các giáo chức di tản đều phải đi trình diện ở trường Trần Quý Cáp trên đường Trần Quý Cáp để nhận tiền lương chưa lãnh và chờ lệnh. Ở đây tôi có gặp lại mấy bạn quen cũ ở ĐHSP, tay bắt mặt mừng vì chúng mình vẫn ... còn sống. Đi ra đường hễ thấy mấy khuôn mặt ngơ ngác là biết dân di tản. Một hôm tôi bị lạc trên đường Nguyễn Huệ, gặp được anh cảnh sát đứng gần bên, tôi mừng còn hơn gặp được người thân, hỏi ra thì "xin lỗi cô, tôi cũng mới di tản vào đây một tuần nay thôi." May sao có người Saigon họ hỏi và chỉ đường cho tôi về.
Những tưởng như vậy là đã thoát, yên thân sống trong lòng "hòn ngọc Viễn Đông" với "đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ". Một Saigon rực rỡ sắc màu về đêm, hấp dẫn cho những người từ miền xa mới đến. Người Saigon vẫn tấp nập mua sắm, chị em tôi chiều nào cũng ghé vào chợ Bến Thành, thương xá Tax, Crystal Palace, đi dọc theo đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, trở về Tạ Thu Thâu ăn bò bía ... đời sống vẫn bình yên.
.
.
Nhưng rồi "niềm vui đã nằm trong thiên tai" *, những ngày êm đềm, hạnh phúc với Saigon hoa lệ chẳng được bao lâu, dân Saigon lại đua nhau chạy ngược chạy xuôi tìm cách ra khỏi nước. Đến giờ phút nầy thì gia đình tôi đành buông tay cho số phận, không thể nào ra đi được nữa, vì sau những lần di tản tiền bạc đã rơi rớt quá nhiều. Gia đình tôi quyết định ở lại Saigon nên Me tôi sang lại một căn chung cư nhỏ - nhỏ hơn cả cái nhà ngang ở Huế - gần nhà bà cô cho cả gia đình ở tạm, sống chờ thời. Trong thời gian đó ai cũng cho là Saigon sẽ không bao giờ mất nên tôi cũng thấy yên tâm. Nhưng rồi đến đêm 29 tháng tư, thật là một đêm đầy ác mộng, đêm đó đạn pháo nổ liên tục, đứng trước ban công nhìn từ xa ánh hỏa châu bừng sáng, rồi lại những tiếng nổ lớn, tôi có cảm tưởng như đạn đang nổ trên đầu mình. Hầu như đêm đó không ai ngủ được, trên trời cứ loé sáng và đạn vẫn tiếp tục rơi.
Rồi việc gì đến phải đến, trưa ngày 30 tháng tư sau khi radio loan tin Tổng thống Dương văn Minh đầu hàng, tôi thấy như đất trời sụp đổ. Bữa cơm trưa hôm đó chẳng ai buồn cầm đủa. Nhìn xuống đường, cả một cảnh tượng kinh hoàng xảy ra, bao nhiêu giày vớ, áo quần lính VNCH nằm tả tơi đầy đường, những người lính với gương mặt thất thần đang lê những bước chân nặng nề cố tìm đường về nhà. Cờ vàng ba sọc đỏ đã bị tháo gỡ, thay vào đó là cờ xanh đỏ vàng của MTGP có lịnh phải mua và .treo lên trước mỗi cửa nhà.
.
.
Chính quyền mới kêu gọi tất cả giáo chức chế độ cũ phải đi trình diện cũng ở trường Trần Quý Cáp. Chỉ cách nhau có vài tuần mà hai cảnh đời khác nhau, thấy buồn cười. Lần trước nhìn ai cũng xinh tươi, ăn mặc chỉnh tề, vui vẻ, còn hôm nay người nào cũng lộ vẻ ưu tư, chán nãn, quang cảnh im lìm. Ai nấy nhìn nhau thở dài, không biết tương lai rồi sẽ đi về đâu.
Hai bà dì tôi không thể bỏ công việc nên đã quyết định để gia đình ở lại Saigon về Huế trình diện trước và cũng để giữ lại hai cái nhà, vì vậy tôi cũng phải về theo. Trên đường về đường sá hư nát vì bom đạn, đường đầy ổ gà, cát bụi mịt mù, có đoạn xe không qua nổi phải xuống đi bộ, quá sức mệt mỏi.
Dì cháu tôi phải ghé về Đà nẳng ở lại một đêm để lấy thêm ít đồ dùng nên sáng ngày mai mới lên tàu hỏa đi về Huế. Khi xuống ga Huế vào buổi trưa, đi ngang qua trường Đồng Khánh phượng vẫn nở hoa, ngôi trường im lìm như thương cảm với nỗi buồn của tôi.
Con đường Đinh Bộ Lĩnh hai hàng cây nhãn vẫn rợp che bóng mát, tiếng ve kêu rền rĩ càng làm cho lòng tôi tan nát hơn. Thành phố Huế im lìm giữa trưa hè nắng gắt, mà sao tôi vẫn thấy lạnh, cái lạnh sợ hãi từ trong lòng. Trên đường đi chỉ thấy có màu nâu, đen, xám, và màu áo lính bộ đội càng làm cho Huế đìu hiu hơn. Ngôi nhà kỷ niệm vẫn còn đó chờ tôi, may mà có người bà con tốt bụng bên bác tôi tình nguyện ở lại coi nhà giùm nên không bị hư hại, mất mát gì.
.
.
Suốt mấy ngày sau đó ba dì cháu phải lo dọn dẹp lại nhà cửa, đem vất đi những gì liên hệ đến Mỹ Ngụy. Nhìn đâu tôi cũng thấy toàn Mỹ Ngụy. Bác hàng xóm qua cho hay là sách báo "đồi trụy" phải lo thanh toán chứ có tin là họ sẽ vào nhà xét. Nhìn thấy mấy tủ sách toàn là sách quý tôi không biết làm sao bây giờ. Điều làm cho tôi kinh hãi nhất là phải tự tay mình đốt hết mấy cái tủ sách của gia đình, trong đó có những cuốn sách, truyện từ xưa của giòng họ, rồi đến những tập nhạc xưa mà các dì tôi đã dùng “ngòi bút viết rông” cất công ngồi nắn nót chép lại từng nốt nhạc thật đẹp. Những tờ tuần san, nguyệt san Tuổi Hoa, Tuổi Xanh, Tuổi Ngọc mà từ hồi bé tôi đã từng hãnh diện đem khoe làng trên xóm dưới là mình có bài được chọn đăng. Rồi thì truyện dài, truyện ngắn, truyện dịch ... mà bao nhiêu tiền tôi đã đổ vào đó, Ba Me tôi không bao giờ dè sẻn với con cái khi con muốn xin bất cứ điều gì. Bây giờ chỉ còn cách đem nấu cơm cho mau hết. Nhìn những cuốn sách truyện tôi đã nâng niu bấy lâu nay trong một thoáng đã trở thành tro bụi mà lòng tôi đau như ai cắt.
.
Tình cờ cầm cuốn truyện dịch "Doctor Zhivago" của tác giả Boris Pasternak mà anh H. trong kỳ về phép vừa qua đã tặng nhân dịp tôi vừa thi đậu vào trường ĐHSP Huế với lời chúc cho tôi có được "một tương lai tươi sáng", tôi chạnh nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại tự nhiên tôi tủi thân và oà khóc làm hai bà dì hốt hoảng chạy ra hỏi: "Chi rứa, có chuyện chi rứa?" Tôi vừa khóc vừa nói: "Con tiếc mấy cuốn sách", bà dì Út khuyên tôi " ba vạn cũng bỏ con ơi, phải lo thân mình trước đã", và rồi từng cuốn sách, mỗi cuốn là một kỷ niệm cứ theo nhau vào lò lửa hòa theo những tiếng nổ tí tách u buồn. Một tủ băng nhạc cũng phải xếp hàng theo nhau vào thùng rác. Còn mấy cái mini-jupe, quần ống loe, quần jean, giày cao gót tôi cho vào một thùng cất kỹ.
.
.
Mấy ngày sau khi hai bà dì tôi đi trình diện ở ty Học Chánh Huế, đang chờ ngày học tập chính trị, còn tôi thì phải ra tận ngoài Quảng Trị làm tôi thật tình quá nản và buồn chán. Buổi sáng tôi đi ra bến xe Nguyễn Hoàng may sao gặp lại BN (ban Anh văn) và thêm một người bạn dạy Lý Hóa nên tôi cũng đỡ buồn. Ty Học Chánh QT lúc đó đã dời ra tận ngoài thành phố cũ chứ không còn ở gần Mỹ Chánh như lúc trước đây nên đường sá hư nát, quang cảnh ảm đạm, bụi đất mù trời, thật đúng là "đất cày lên sỏi đá". Và văn phòng là một ngôi nhà tranh vách đất, người cán bộ bắt tụi tôi phải kê khai lý lịch, rồi cho về, để đợi đi học chính trị. Ông ta còn vói theo một câu "lý lịch của các chị phải được cứu xét đã nhé", tôi cũng chẳng buồn quan tâm làm gì cho mệt, vì dư biết lý lịch ba đời "không trong sạch" của tôi sẽ ra sao rồi. Tự nhiên tôi có ý định bỏ dạy ngay lúc ấy, và ba đứa tụi tôi lên xe về Huế lại trong ngày, đến bến xe thì trời đã tối, tôi đi bộ vô nhà mà lòng thì trăm mối ngổn ngang.
Thời gian này ban đêm thành phố Huế bị cúp điện, vài cây đèn dầu và bạch lạp không đủ sáng giữa căn nhà quá rộng càng làm tôi sợ hãi khi bóng đêm về, đến độ một chiếc lá khô rơi ngoài sân cũng làm cho tôi giật mình. Nhiều đêm tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra ánh trăng xuyên qua hàng dừa và hai cây bạch mai trước sân nhà, ngày xưa thơ mộng bao nhiêu thì bây giờ sao mà cô liêu, lạnh lẽo mặc dù đang là ánh trăng thượng tuần.
.
.
Vài ngày sau Me tôi ở Saigon đem thêm gạo cho hai bà dì và Me tôi muốn tôi theo bà vào Saigon trong lúc ba tôi vắng nhà. Sáng ngày mai hai mẹ con tôi ra bến xe sớm, tôi đi như chạy trốn, tôi không dám ngoái lui nhìn ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm, nơi đã cho tôi một thời thơ ấu hồn nhiên, êm đềm và hạnh phúc trong sự thương yêu, chiều chuộng của gia đình và người thương. Thế là hết, giã từ Huế, giã từ đời con gái được sinh ra và lớn lên với những thăng trầm cùng Huế, chốn đế đô thâm u cổ kính một thời.
.
Ngày ra đi tôi cứ nghĩ là mình sẽ có lúc về lại, nhưng không ngờ "một lần đi là một lần vĩnh biệt" **, đã 44 năm trôi qua như một giấc mộng dài, mặc dù nhớ Huế vô cùng nhưng tôi chỉ muốn Huế của tôi là những ngày xưa để tôi vẫn giữ mãi trong lòng hình ảnh chốn đế đô cổ kính mà người đời thường ngợi khen.
Chiều nay một buổi chiều có nắng đẹp, và gió hiu hiu, "nắng nơi đây cũng là nắng ấm nhưng sao bằng nắng ấm Quê Hương?" *** bài hát đã làm cho tôi chạnh lòng khi nhớ đến Huế ngày xưa.
.
* Nhạc Vũ Thành An
** Một lần đi - Nguyệt Ánh
*** Nắng Quê Hương - Nguyệt Ánh
.
Tôn Nữ Quỳnh Diêu
(Tháng Tư - 2019).
.
.