Hồi ký của TÔN NỮ QUỲNH DIÊU (ĐK 71)
.
.
(Hình: Internet)
.
THÁNG TƯ LẠI VỀ
Hồi nhỏ, mỗi đêm trước giờ
đi ngủ, bà Ngoại tôi thường kể những câu chuyện cổ tích, bắt đầu bằng hai
tiếng "ngày xưa". Ngày xưa với Tấm Cám, chị Hằng chú Cuội,
Cây tre trăm đốt, Công chúa ngủ trong rừng... Ngày xưa với hoa bướm, với
Tiên với Bụt, với những tấm lòng độ lượng đã làm chị em tôi mê mẫn, cứ trông
cho đến giờ bà Ngoại kể chuyện... Những câu chuyện dễ thương đã đưa trí
tưởng tượng của bầy cháu phiêu du khắp chốn.
Nay tôi cũng có chuyện để
kể, nhưng chuyện xưa của tôi chỉ có biệt ly, kinh hoàng và đầy nước mắt.
Mỗi năm tháng tư về, đó
là khoảng thời gian hãi hùng và đau thương nhất đối với tôi. Nhiều
lúc tôi muốn quên đi cho tâm trí được thảnh thơi, nhưng sao những hình ảnh cũ
vẫn cứ như một cuốn phim chiếu chậm, nhất là vào những đêm khó ngủ..
Nhớ lại vào cuối tháng
hai năm 1975, khi mà Huế có những cơn gió xoáy lạ kỳ, cuốn hết bụi rác làm
thành từng cụm giữa đường như những ụ rơm nhỏ, thiên hạ bảo nhau đó là điềm mất
nước.
Lúc ấy từng đoàn người,
với những gương mặt thất thần, từ Đông Hà, Quảng Trị gồng gánh vào Huế, họ chưa
hết kinh hoàng, thì những người dân Huế lại tìm cách di tản vào Đà nẵng lánh
nạn. Ai ai cũng đều lo âu, sợ hãi, nghe tin tức thì toàn là những
tin tuyệt vọng. Huế như một thành phố đang hấp hối, mạnh ai nấy chạy.
.
Gia đình tôi rồi cũng
phải giã từ Huế và ngôi nhà thân yêu tản cư vào Đà nẵng. Ở đâu được
vài hôm, Đà nẵng lại "dậy sóng". Và rồi
cứ "trôi theo giòng đời" cả nhà lại phải tìm cách đi vào
Nam. Nhớ lại đêm rời khỏi bến phà ở Đà nẵng cho tới lúc bước chân
lên đất Saigon, chúng tôi đã đi qua không biết bao nhiêu thành phố, từng chặng
đường chông gai, lên xe xuống tàu mấy mươi bận. Con đường di tản quá
sức hãi hùng, cái chết thấy trước mắt. May mà gia đình tôi vừa người
lớn và con nít mười tám người đều thoát nạn.
.
Tưởng đâu được yên thân
làm lại cuộc đời ở "hòn ngọc Viễn Đông", ai ngờ những ngày giữa
tháng tư dân Saigon lại tìm cách trốn ra khỏi nước. Lúc này thì gia
đình tôi đành phó thác cho số phận và Phật Trời.
.
Đêm 29 tháng tư, Saigon
sống trong biển đạn, pháo kích khắp nơi, lúc đó người dân chỉ biết cầu nguyện
chứ chẳng biết trốn đi đâu. Và đến trưa ngày 30 thì hỡi ôi, tất cả
đã sụp đổ, vậy là mất nước rồi sao, mất trong sự uất ức, nghẹn ngào, tức
tưởi. Nhìn xuống đường như một bãi chiến trường, áo quần, giầy lính
vất ngổn ngang, người người xôn xao trước những chiếc xe chở đầy bộ đội đang
tràn vào thành phố. Saigon hoa lệ tả tơi như những cánh hoa rơi
trước cơn giông bão.
.
Buổi cơm trưa hôm đó
chúng tôi không ai nuốt nỗi, mọi người lặng yên, bàng hoàng. Cái cảm
giác hoang mang, sợ hãi vây bủa lấy tôi, rồi đây tương lai không biết sẽ đi về
đâu.
.
Một tuần sau, tôi phải
theo hai bà dì ruột trở về Huế trước để trình diện ở ty Giáo
dục. Lúc tôi ra đi, Ba tôi căn dặn "con cố gắng giúp Me
nuôi các em nên người, chuyến đi này không biết bao giờ Ba mới gặp lại Me và
tụi con". Vì lúc đó Ba tôi phải chờ ngày đi trình diện ở trường
trung học Donbosco - Saigon để "học tập cải
tạo". Xe đã chuyển bánh, tôi ngoái lui vẫn thấy Ba tôi đứng
nhìn theo mà lòng tôi quặn thắt.
.
Trên chuyến đường từ
Saigon ra Huế thật lắm gian nan, xe phải dừng lại nhiều lần vì đường đầy ổ gà
do bom đạn tàn phá. Về đến Huế, thấy phố xá đìu hiu, người đi đường
rải rác, chỉ có tiếng ve sầu kêu inh ỏi như cảm thông với nỗi muộn phiền của
tôi. Nhà đã bị niêm phong, tôi phải lên công an Phường xin giấy
chứng nhận mới được vào. Nhin cảnh nhà vắng lặng, bụi và màng nhện
giăng đầy, tôi thật quá chán nản. Bác Ba hàng xóm qua hỏi
thăm "thấy gia đình cô về lại bình yên, bác mừng lắm", rồi bác
nói nhỏ vào tai tôi "bác tưởng gia đình cô đã đi thoát được rồi chứ, à, mà
có cờ "ba que" hay bất cứ thứ gì liên hệ tới "Mỹ
Ngụy" thì nhớ bỏ đi, đừng tiếc mà khổ". Tôi chỉ cười cười
nói cám ơn bác và nghĩ nếu ở đời "muốn là được" thì tôi đã không
phải trở về đây làm gì nữa.
.
Sau khi đi trình diện ở
ty Giáo dục, họ cho tôi về để chờ "cứu xét" vì lý lịch của tôi
không được "sạch sẽ" và nhất là tôi lại dạy môn Quốc
Văn. Những ngày ngồi không sau đó, ba dì cháu phải thanh toán hết
tất cả những gì dính líu đến Mỹ Ngụy. Cả căn nhà rộng thênh thang,
đi đâu cũng thấy toàn "tàn dư Mỹ Ngụy”, nhất là những tủ sách quý của
ông Ngoại và Ba tôi, những bộ sách "Pháp Luật" của ông Ngoại tôi
thật tuyệt vời. Ngày xưa Ba tôi rất mê sách, những sách Anh, Pháp
ngữ, toàn bộ Bách khoa, Paris Match, New York Time... những giấy tờ
chứng nhận mấy khóa tu nghiệp Tham mưu Trung cấp và Cao cấp của Ba tôi, mấy cái
huy chương sáng loáng, rồi còn mấy bộ album cũng toàn hình "Mỹ Ngụy" nữa. Tôi đành phải đem đốt hoặc nấu cơm cho mau hết. Ngồi
nhìn ánh lửa bập bùng và tiếng lách tách nổ của mấy tấm hình mà thấy cả một
trời tiếc nuối.
.
Giữa căn nhà vắng lặng
đến rợn người, tôi cứ có cảm giác bất an, lành lạnh ở sống lưng như có ai đang
rình rập, mặc dù Huế đang giữa mùa Hè, đến nỗi mấy chiếc lá khô rơi ngoài hiên,
hay một tiếng động nhỏ cũng làm tôi giật mình. Giờ đây đêm về chỉ có
ba dì cháu, tối đến cũng không dám mở đèn.
.
Huế của tôi bây giờ như
vậy sao? Sầu Đông thôn vẫn đầy những cánh hoa tim tím dịu dàng, con
đường Phượng Vỹ một thời hò hẹn ngày xưa, ngôi trường Đồng Khánh lặng yên trước
giòng sông Hương êm đềm... Huế đẹp và thơ mộng như một người con gái
trong độ tuổi xuân thì mà sao tôi vẫn thấy như có một màn đen u ám đang phủ
trùm lấy Huế. Tất cả đã đổi khác hoàn toàn.
.
Nhớ lại chỉ hai tháng
trước đây, cũng nơi chốn ấm cúng này với những bữa cơm đoàn tụ của đại gia
đình, tiếng cười đùa của mấy anh chị em tôi, rồi trước ngày rời Huế, con N. bạn
tôi ở Bao Vinh ghé thăm, tôi còn khoe nó chiếc áo dài mới may, và hai đứa trèo
lên cây chùm ruột hái trái ăn với muối, ớt, đường, vậy mà giờ đây nơi này chẳng
khác gì căn nhà vô chủ. Tự nhiên tôi nhớ hai câu hát ru em Me tôi
thường ru con ngủ:
"Vì ai nên nỗi sầu
này,
Chùa Tiên vắng vẻ, tớ
thầy xa nhau".
.
Vâng, vì ai mà gia đình
tôi phải ly tán?
Trong thời gian chờ
đợi "cứu xét", Me tôi tức tốc ra Huế khuyên tôi nên bỏ dạy để
vào Saigon giúp Me tôi buôn bán kiếm sống qua ngày. Đây là một quyết
định rất sáng suốt của bà, vì mỗi lần nhớ lại cảnh một tên nằm vùng đã vào nhà,
hỏi cung Me tôi suốt một buổi để cố tìm cách bắt cho được Ba tôi vào một chiều
Đông giá lạnh năm Mậu Thân kinh khiếp đó vẫn ám ảnh lấy tôi mãi. Tôi
liền theo bà vào Saigon vì ông bà Ngoại tôi phải trở về Huế để giữ lại căn nhà.
.
Trước đây Me tôi chẳng
khác gì một cành lan quý được nâng niu, sống trong nhung lụa, trong sự thương
yêu bao bọc của gia đình bên ngoại, vậy mà giờ đây một mình bà nơi xứ lạ quê
người, phải bương chãi ngược xuôi, đi buôn từng thước vải, tube thuốc, từng kí
lô đường, buồng chuối... cùng với các bà vợ có chồng cải tạo khác.
.
Thời gian nầy Me tôi gởi
hai em trai lớn về Huế ở với ông bà Ngoại và các dì, rồi bà lặn lội đi xin lại
trường cho các em gái tôi tiếp tục việc học hành ở Saigon. Bây giờ
chỉ có mấy mẹ con bơ vơ trong căn chung cư nhỏ thua chái bếp ở
Huế. Lâu lâu mấy tên bộ đội lại còn đến gõ cửa bắt đi kinh tế mới,
ba tôi mới được về.
.
Tôi muốn hét to lên
cho thoát khỏi cảnh tù túng, ngột ngạt. Tại sao vậy? Cả
ngàn câu hỏi tại sao. Cái cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối như hồi còn
bé tôi lỡ tay vuột mất chiếc bong bóng bay. Đôi lúc tôi không biết
mình đang sống thật hay đây chỉ là một cơn ác mộng kinh hoàng.
.
Mấy hôm chưa có việc làm,
tôi hay rủ bà dì họ đạp xe lên nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi để tránh bị tra tấn bởi
mấy cái loa phát thanh ở phường. Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi trước đây
của người Pháp, tọa lạc trên một khu đất rộng và yên tĩnh. Các phần
mộ bây giờ hầu hết của người giàu Saigon và một số sĩ quan Việt Nam Cộng
Hoà. Những ngôi mộ đủ kiểu rất đẹp, có người trông nom, hoa vẫn nở,
cây cối xanh tươi, chim vẫn hót líu lo, những chú bướm đủ màu bay lượn chung
quanh những cánh hoa vàng thắm. Không khí ở đây thật yên vắng và
thanh bình. Đến nỗi lúc đó tôi ước gì mình được làm người trông coi
nghĩa trang thì hạnh phúc biết mấy. Không biết những người nằm ở
đây, trong không gian vắng lặng này, họ có biết ngoài kia, chỉ cách một bức
tường thành là cả một cuộc sống đảo lộn như những con trốt xoáy ghê hồn.
.
Có những chiều khói nhà
ai đang lên, tôi như một người mộng du, đi giữa lòng thành phố Saigòn mà không
biết đi về đâu, tôi cảm thấy mình là người xa lạ ngay trên chính quê hương, đất
nước của mình.
.
Nhiều hôm đạp xe ngang
qua mấy trường học, nhìn chiếc cột cờ lẻ loi, cô đơn giữa sân trường vắng lặng,
còn đâu nữa lá quốc kỳ phất phới tung bay trước gió, hòa với bài Quốc ca của
đám học trò nhỏ trong không khí trang nghiêm mỗi sáng thứ hai đầu tuần.
"Ngày ngày chào lá
quốc kỳ,
Nhớ người chiến sĩ chết
vì non sông.
Nhớ xưa bao vị anh hùng,
Phất cờ độc lập thành
công hoàn toàn."
Bài học thuộc lòng dễ
thương từ hồi ở tiểu học vẫn luôn in trong tâm trí tôi.
.
Rồi tôi cũng phải xin làm
đủ thứ nghề từ nhận may gia công, vấn thuốc lá, làm kế toán cho những tổ hợp tư
nhân... để kiếm sống qua ngày và còn lo thăm nuôi cho ba tôi. Từ
ngày ba tôi xa nhà cho đến gần cả năm sau họ mới cho các người tù cải tạo viết
thư cho gia đình. Nhận được thư thì mừng vì biết ba tôi còn sống,
chứ cũng không biết họ đã đưa ông đi đâu..
Kinh hoàng nhất là lúc
được tin các "sĩ quan cấp tá ngụy" đã bị đưa ra Bắc, trong đó có
ba tôi đang ở tận trại tù Yên Bái. Me tôi và mấy bà bạn đồng cảnh
ngộ chỉ biết ôm nhau khóc.
.
Ngày tháng trôi qua, từ
trại tù nầy chuyển qua trại khác không biết bao nhiêu lần, vào năm 1979 họ đưa
nhóm tù về Vĩnh Phú. Đây là lần đầu tiên Me tôi sửa soạn bới xách đi
thăm nuôi Ba tôi. Từ Saigon, bà đi tàu Thống Nhất ra Hà Nội, ở lại
nhà trọ một đêm, ngày mai đi xe đò về Vĩnh Phú, tiếp tục đi đến một bến đò gọi
là đò ông Ngọc, nước sông chảy xiết chỉ có một con đò mong manh chở đám vợ Ngụy
đi thăm chồng, đã vậy còn bị công an bắn theo, con đò chòng chành suýt bỏ
mạng. Lên bờ, Me tôi phải đi bộ khoảng mười lăm cây số đường rừng
mới đến trại, cũng ở lại một đêm. Sáng ra họ cho những người tù ra
gặp thân nhân và Ba Me tôi chỉ được nói dăm ba câu trong nửa giờ đồng hồ trước
sự kiểm soát của một tên công an. Sau đó Me tôi phải vội vàng ra về
cho kịp chuyến xe cuối ngày..
.
Sau một năm, họ lại
chuyển Ba tôi vào trại Thanh Hoá. Lần này tôi đi cùng Me tôi và em
trai út, chín tuổi. Từ Thanh Hoá, trên chiếc xe đò cũ mèm, ì à ì ạch
lên dốc rồi xuống dốc như cuộc đời của đám vợ con Ngụy khốn khổ, cuối cùng cũng
dừng ở ngã ba cây chuối và từ đó phải lội qua mười con suối mới tới được trại,
nước chảy xiết, may mà vào mùa hè nên nước không cao mấy. Những
người đi cùng họ bảo có hôm có cọp ra, tôi nghe mà rụng rời, vì đường đi một
bên là núi đá cheo leo, phía dưới là vực sâu, nhà cửa không có, nếu có chắc gì
họ sẽ giúp. Rồi mấy mẹ con tôi cũng chỉ gặp được Ba tôi có nửa tiếng
đồng hồ, hầu như là khóc nhiều hơn nói.
.
Giữa trưa hè tháng năm
nắng gắt, đoàn người lếch thếch, già có, trẻ có, khập khiển theo nhau lội qua
từng con suối. Từ ngọn núi
bên kia lâu lâu có tiếng gió rít từng hồi như những tiếng rú ai oán với nỗi
buồn vong quốc.
.
Trên chuyến tàu Thống
Nhất, tôi thấy có bà cụ khoảng trên 70 tuổi, tóc bạc phơ, gầy còm, mệt nhọc
xách hai tay hai giỏ đệm đầy quà bới, đi thăm con trai. Tôi hỏi
bà "Vợ anh ấy đâu mà bác phải lặn lội đi một mình tội
vậy". Bà cụ bảo "tui ở Rạch Giá, còn vợ nó phải ở nhà
kiếm ăn mới nuôi nổi bầy con năm đứa đang trong tuổi lớn, háu
ăn. Con trai tui ngày xưa là Thiếu tá BĐQ mà tiền lính tính liền cô
ơi, ở nhà tui còn phải trầm bồ cho mẹ con nó nữa, khổ lắm
". Tôi chỉ biết thở dài thương cảm theo tiếng thở dài của bà.
.
Thời gian này cuộc sống
rất cơ cực vì gia đình tôi chỉ là dân tạm trú, tôi không mua được bất cứ cái gì
ở hợp tác xã của nhà nước, từ gạo muối, vải vóc, thức ăn đều phải mua chợ đen,
đắt gấp cả mười lần. May mà ông bà Ngoại và các dì cậu ở Huế đã cưu
mang, giúp đỡ cho Me tôi nuôi con và bới xách cho chồng, mặc dù đời sống ở Huế
lúc đó còn khổ hơn ở Saigon nhiều.
.
Những gói quà thăm nuôi
chẳng có gì ngoài vài thức ăn khô và mặn, thuốc men cần thiết, nhưng đã gói
ghém sự chân thành mà chỉ có những người vợ miền Nam mới hết lòng cho chồng
con. Đáng kể hơn nữa là mấy chú lính của Ba tôi ngày xưa, đi lập
nghiệp ở Long Khánh, lâu lâu họ về Saigon thăm và gởi cho Ba tôi khi thì vài kí
lô đậu xanh, khi thì bắp, nếp, gạo, mè. Biết mấy chú rất nghèo, Me
tôi không dám nhận nhưng họ cứ nài nỉ vì ngày xưa Ba tôi đã thương và giúp cho
họ rất nhiều, nay họ chỉ muốn trả ơn thôi.
.
Trên đường vào trại, lâu
lâu lại gặp những toán tù đi lao động, có công an bồng súng theo sau, họ cứ
nhìn trong đám chúng tôi để coi có người thân không. Họ phải làm đủ
thứ, từ đốn tre, chẻ nứa, cuốc đất, trồng cây, có những người còn phải gánh
những gánh phân người ruồi nhặng phủ đầy. Họ, trong những bộ đồ tù
rách nát, với chiếc nón lá bung vành vậy mà sao trông họ vẫn còn toát ra vẻ
hiên ngang và khí phách của những người sĩ quan Cộng Hòa ngày xưa.
.
Từ khi Ba tôi được chuyển
vào Nam, trại Xuân Lộc, Đồng Nai thì những lần thăm nuôi được nhiều và dễ dàng
hơn. Miền Nam nắng ấm, dân miền Nam vẫn dễ thương, thân thiện và dễ
thông cảm hơn những khuôn mặt lạnh lùng, những cái nhìn thù hận như ở ngoài
Bắc, mà có lần những người tù cải tạo đã bị ném đá vào mặt, máu me dầm dề.
.
Sau hơn 9
năm "cải tạo", cuối cùng Ba tôi cũng được trở về với tấm thân
tiều tụy, gầy còm. Chín năm trôi qua như một giấc mộng dài.
.
Mặc dù phải lo chạy gạo
hàng ngày, lo toan đủ mọi thứ, Me tôi chưa bao giờ than thở hay lớn tiếng đối
với các con, cho dù đôi lúc tôi đã làm nhiều điều lầm lỗi. Bà chỉ
nhẹ nhàng khuyên bảo và những lời khuyên nhủ đó luôn là những kim chỉ nam cho
chúng tôi vào đời. Sống trong cảnh cơ cực, nhiều lúc bà phải nhịn ăn
cho con được no lòng, bà vẫn vui vẻ dịu dàng, hy sinh tất cả.
.
Đôi lúc ngồi nghĩ lại tôi
thấy phục Me tôi quá sức, ngày xưa bà chỉ là một bà nội trợ đảm đang, suốt ngày
lo cho chồng con, chưa bao giờ giáp mặt với đời, vậy mà trong cơn nguy biến,
một mình bà phải xông pha kiếm gạo nuôi con, bới xách cho chồng, chạy cho được
cái hộ khẩu ở Saigon, lo cho con vượt biên, rồi cũng chính bà lò dò hỏi thăm
mọi nơi để tìm cách lo cho chồng con đi theo diện HO, cũng chính một tay Me tôi.
.
Hôm nay, tháng tư về, nhớ
lại chuyện xưa, tôi chỉ muốn vinh danh tất cả các bà "mẹ Ngụy, vợ Ngụy," những
người đàn bà của miền Nam nước Việt đã âm thầm làm thân "Cái
có lặn lội bờ sông, Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non" để
rồi "Nuôi con đèn sách thiếp làm phụ thân". Trong đó
có Mẹ tôi, Mẹ bạn, những người Mẹ tuyệt vời, sống cuộc đời trong sạch, nếu có
phải hy sinh, phải lột da róc thịt, nhịn cả cái ăn cái mặc cho chồng con được
sống thì họ vẫn an nhiên, vui lòng.
.
Xin dâng một nén tâm
hương đến ông bà Ngọai, các dì và những người đã ra đi trong và sau cuộc chiến.
Riêng tặng Me tôi và xin
tặng tất cả các bà Mẹ những ngày cuối tháng tư.
.
Tôn Nữ Quỳnh Diêu (ĐK 71)
(post lại)ì.
.
(Hình: Internet)