Friday, July 6, 2018

Lữ Kiều Thử Bút

Thử bút của Lữ Kiều T T M (QH 59-62)

(Bìa trước cuốn sách LKTB)
..
LỮ KIỀU
.
TÂM SỰ ĐẦU SÁCH

Những ngày đầu tháng 11 năm 2006, sương mù bao phủ thành phố suốt ngày. Và tạo nên sự mờ ảo. Như trí nhớ của một người đàn ông ngoài 60 tuổi là tôi.
    Tháng tư năm 2006 con trai tôi qua đời vì bệnh ung thư. Con chưa tròn 33 tuổi. Sự mất mát quá lớn. Tôi đã học ở con cách sống và cách chết như thế nào trong những ngày cuối của đời con. Vết đau lúc đầu như dao đâm vào tim, và sau đó, vết thương lớn dần theo thời gian. Đã sáu tháng, con ra đi. Đã sáu tháng, mỗi ngày, mỗi giờ nghĩ đến con, tôi vẫn chảy nước mắt.
    Trong dòng nước mắt ấy, tôi nhìn lại đời mình. Nhìn lại mình bằng một trí nhớ hư ảo như sương mù hôm nay..
.
Có gì đâu Ba! Đó là lời cuối, con nói với tôi trước khi tim ngừng đập. Có gì đâu. Xác phàm này. Cuộc sống này. Và kể cả tương lai này.
.
Đau khổ như ly rượu đắng, đằng nào cũng phải uống cạn. Thế nhưng dù cuộc đời có gì đâu, thì trong cái có gì đâu ấy may thay, cũng còn tình bạn, tình yêu, tình người, để ta vịn đứng dậy sau lần ngã xuống. Đó là những người mà tôi có thể nghiêng ly rượu đắng kia, rót bớt cho họ.
Phải, trong nỗi buồn khánh tận ấy, các bạn đã nhắc nhở tôi về văn chương nghệ thuật, là cuộc sống thứ hai mà tôi đã chọn từ thời trai trẻ, có thể, cũng “có gì đâu” nhưng cũng giúp một chút tro than trong tôi bùng cháy lại sức sống trong những ngày vô cảm này.
Đó là những trang bản thảo đây đó, người này giữ một ít, người nọ giữ giùm một ít trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, hoặc trong những trang báo cũ trước năm 1975 đã tan tác như một thế hệ làm văn nghệ của miền Nam cũ. Tất cả những trang chữ đó được các bạn tôi gom lại, sắp xếp lại, để hoàn thành cho tôi một tập truyện “Trên đồi là lô cốt” và một tập thử bút: “Chàng nho sinh dưới gốc tùng”. Làm sao tôi không cảm động về tình bạn văn chương ấy. Không phải tôi chỉ vịn họ để đứng dậy, mà họ đã nắm tay kéo tôi đứng dậy. Đó là Nguyên Minh, anh đã sưu tập lại, đánh máy lại, dàn trang, sắp xếp những trang viết ngẫu hứng đâu đó. Đó là Trần Hoài Thư ở New Jersey nhiệt tình xuất bản ở Mỹ và gửi tặng các bạn văn cũ và mới. Đó là chị Cao Kim Quy, đã đọc lại và biên tập bản thảo, cũng như viết vài dòng cuối sách, cảm tưởng của chị. Đó là bạn Đỗ Hồng Ngọc, người bạn đã cùng đường với tôi trên 40 năm, trong nghề cũng như trong nghiệp đã viết tựa. Tôi cũng muốn nhắc đến tình bạn của Đinh Cường, Lữ Quỳnh ở xa đã khuyến khích tôi hoàn thành cuốn sách này. Tôi cũng muốn nói đến Thanh Hằng, ở tuổi 20, trên 25 năm trước, đã nắn nót những trang bản thảo cẩu thả của tôi còn sót lại để những dòng thử bút ấy tồn tại đến bây giờ.  Còn ai nữa nhỉ. Thuận, Từ, Ngạn. Và ai nữa... Có phải là những người mà tôi đã đem lại cho họ nụ cười và cả nước mắt. Tạm gọi là tác phẩm. Hay gọi là một cuộc tổng kết chữ nghĩa của một thời. Cho dù “Có gì đâu” như con trai đã nói lời cuối với tôi như vậy.
   Phải, “có gì đâu”, đọc lại những trang viết thời trai trẻ, nồng nàn những ý tưởng tuôn trào, thấy lòng ta bùi ngùi. Mới thôi mà đã một đời người. Cái còn lại sau 40 năm là những lời nói thầm từ quá khứ, nói gì vậy, có thể rất nhiều mà cũng rất ít, chỉ nói thầm thôi, để giờ đây lắng tai nghe tiếng được tiếng mất. Và cả tiếng im lặng nữa.
   Hay là ta đã khác?
   Hay là đời đã khác? 
Đêm nay, ngồi trong căn phòng kín cửa, dưới ánh đèn mờ đục, lòng tôi buồn quá đổi. Tôi nhớ con trai không còn nữa. Tôi nhớ đến đứa cháu nội mồ côi cha chưa đầy hai tuổi. Mai sau, cháu lớn, cháu đọc những dòng này thì tôi không còn. Cháu hãy nhận của ông nội tặng phẩm này. "Có gì đâu”. Cái có và cái không của cuộc tồn sinh buồn bã, nhưng cũng đủ để tặng cho nhau. Có hề chi.

 2007
LỮ KIỀU
.
.(Bìa sau cuốn sách LKTB)
.