Bài viết của Nguyễn Như Mai (ĐK 64)
.
(Hình:Internet)
Tình Thư
.
.
Có những điều rất xa xôi mà hóa
ra vô cùng gần gũi. Và cũng có những cái tưởng chừng làm cho người ta xích lại
gần nhau hơn, nhưng thật ra chúng lại đẩy con người xa nhau về phía đối cực.
Chính suy nghĩ này khiến tôi nhớ đến một người cô, một người chị và là một người
bạn đồng nghiệp (em xin lỗi cô): cô Tôn Nữ Lưu Ty.
Khi học lớp C, cả C1
và C 2, đầu thập niên 60 ở Đồng Khánh, chúng em ít khi dám đến gần cô Lưu Ty,
giáo sư Anh văn. Vẻ bên ngoài của cô lạnh lùng, nghiêm túc, và nghiêm trang
quá! Mãi đến gần hết lục cá nguyệt đầu tiên của niên khóa, chúng em mới nhận ra
đó chỉ là “giả tưởng “ (sách Phật pháp dịch từ “appearance” sao mà hay!)
“Sợ” cô là thế, nhưng rất nhiều học sinh thương thầm,
trồng “cây si”...kiểu ngày trước thương một cô giáo là chạy theo cô, đến nhà cô
hoài, là theo dõi và nắm rõ thời khóa biểu của cô, là chịu khó học bài của cô
dù đôi khi có những bài rất khó nuốt. Những người bạn của tôi như Kim Hồng,
Thúy Minh, Nhật Hồng ...thuộc lòng thời khóa biểu dạy học của cô để khi cô ở
nhà là đạp xe qua Ngã tư Nguyễn Du – Mạc Đỉnh Chi, dù chỉ để đứng ngoài cửa ngõ
nhìn cây hường sắp ra trái hay cành tử vy mới nở hoa tim tím đang đung đưa như
gọi mùa thu về.
.
Và suốt mấy năm học với
cô, chúng em chỉ sợ trời mưa lụt, trường cho nghỉ học, cô không đi dạy. Trong
khi được nghỉ lụt là hạnh phúc nhất của đời đi học ở Huế của chúng em!
Sau khi tốt nghiệp Đại
học sư phạm, em trở lại trường Đồng Khánh đầu những năm 70, rụt rè làm cô giáo,
ngại ngùng là đồng nghiệp của quý thầy cô, thì chính cô Lưu Ty đã giúp tôi xóa
bỏ biên giới cách biệt thầy trò để trở thành bạn đồng nghiệp.
.
Thầy Cô, Cô Lưu Ty và học trò.
.
Nói về bạn, thật rất xúc động khi nghĩ về khái niệm “bạn” của cô Lưu Ty, mà sau này, trong những lá thư gửi về Huế, cô vẫn thường gọi là “bạn của những ngày ấy”... Chẳng hạn: “nhớ các bạn thời đi cuốc đất quá !” Thời cuốc đất là thời gian đi lao động tăng gia sản xuất của thầy cô và học sinh trường, như trồng khoai ở Phong Sơn, trồng sắn ở Phú Bài, trồng thông ở Hương Hồ giai đoạn sau 75..
Khái niệm “bạn” của
cô rất thực tiễn. Cô luôn luôn quan tâm đến bạn, thể hiện trên những dòng thư:
“ Mai nhớ nhắn chị Huy Hoàng thử dùng đậu đen đậu đỏ để hạ đường huyết”... “Mai
để ý coi Tôn Nữ Lý bây giờ sức khỏe ra sao? Lượng đường huyết đã giảm chưa? Hạnh
Phước đã lành chân chưa? Tuyết Mai bây giờ chắc đã đi thăm con gái ở Canada phải
không? Bích Đào ra sao rồi? Có thường đi bộ với Mai nữa không? Có hai người đi
với nhau như vậy sẽ vui chân mà đi được nhiều hơn ...”
Nói về bạn, thật rất xúc động khi nghĩ về khái niệm “bạn” của cô Lưu Ty, mà sau này, trong những lá thư gửi về Huế, cô vẫn thường gọi là “bạn của những ngày ấy”... Chẳng hạn: “nhớ các bạn thời đi cuốc đất quá !” Thời cuốc đất là thời gian đi lao động tăng gia sản xuất của thầy cô và học sinh trường, như trồng khoai ở Phong Sơn, trồng sắn ở Phú Bài, trồng thông ở Hương Hồ giai đoạn sau 75..
Đó, những điều tưởng
rằng rất xa, mà lại .... .
Còn những cái tưởng
chừng giúp người ta xích lai gần nhau hơn thì cô Lưu Ty không tin tưởng lắm! Đó
là những phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại, điện thư ... Nhiều
năm trôi qua, tôi hầu như liên lạc với người thân, bạn bè bằng điện thoại và nhất
là thư điện tử, thì tôi lại nhận những lá thư của cô Lưu Ty viết bằng tay. Cô
nêu lý do “ ....Mỉnh viết thư gửi cho Mai đây. Vì mình không muốn gửi email.
Tính mình thích kín đáo, riêng tư ..nên không hợp với email”
Thật ra cô chưa nói hết
lý do đó thôi. Trong thâm tâm, cô nghĩ rằng viết thư tay “có tình” hơn, ấm áp
hơn thư điện tử. Này nhé, trang giấy trắng mênh mông để trải lòng bằng những
nét mực xanh, tím, dưới những ngón tay chân tình, gần gũi, mang tấm lòng của
người xa xứ về quê nhà. Viết xong, xếp lá thư (không biêt lúc đó cô có ngân nga
bài hát của Đoàn Chuẩn?), bỏ vào bì thư, viết địa chỉ tên thành phố và đất nước
gợi nhớ quê nhà yêu dấu. Và em xin phép cô tưởng tượng thêm chút lãng mạn, cô
có đã từng như em, thay vì thấm nước bôi keo, em đã từng, như thời đi học: cứ
lè lưỡi dán tem... Thật là mất vệ sinh ghê rứa. Nhưng em vẫn từng và vẫn thích.
Không sao cả, xem như là một nụ hôn gửi về “sông Hương mùa đông thiếu áo, hè thời
thiếu ăn ...” như một bài hát thuở trước. Và gọi thầm thư ơi... thư hãy thay ta
bay về... nơi ấy... với những người ta thương...
Hình như lúc nào cô
cũng gọi thầm Huế ơi. Vì trong thư nào cô cũng nặng nợ với Huế: “Ngày nào mình
cũng để ý xem thời tiết ở Việt Nam. Rồi mình nghĩ đến Huế của mình, mong Huế đừng
mưa nhiều, đừng lạnh nhiều, để người nghèo bớt khổ...” Hay trong một thư khác: “ Mai ơi, nơi này
đang mùa đông. Nói đến mùa đông lại nhớ đến xứ nghèo của mình đang vào mùa bão
lụt...”
Có khi da diết hơn,
cô tâm sự: “Những hôm Cali có mưa, mưa rả rích làm mình nhớ mưa dầm ở Huế lắm.
Phòng khách của mình gần ngay máng xối nên nghe róc rách làm nhớ những đêm ở Huế
nằm nghe mưa lụt...”
Và không chỉ là cô,
thỉnh thoảng em vẫn được nhận những lá
thư gửi bằng đường bưu điện của cô Mỹ Trang, thư và thiệp Giáng sinh của cô Bạch
Mai... mà không chỉ là em, những lá thư ấy cũng khiến cho người đưa thư cảm thấy
vui mừng. Mỗi lần rung chuông đưa thư, anh ta đều nói: từ ngày có email, em rất
buồn vì không ai ở bên kia gửi thư tay nữa. Chỉ còn rất ít người như cô là nhận
thư tay! Điều đó khiến em rất vui.
Cô thấy chưa, cô đã
làm cho nhiều người hạnh phúc trong đó có cả ... người đưa thư... gợi nhớ một
bài hát “Mr Postman”.
Cô ơi, đó là tấm
lòng của cô! Mà tấm lóng ấm áp như thế không thể “để gió cuốn đi...”. Tấm lòng
đó vẫn ở trong em, trong tâm hồn những người thân quen, bạn bè của cô. Và nhất
là vì được chuyển đi bằng những lá thư
viết tay dịu dàng, bay hơn nửa vòng trái đất, về với người thân và bạn bè, hiếm
hoi như những con chim khách hót chào đầu ngõ báo tin vui một ngày đầu thu của
một thời đã qua, nay không còn nữa.
“Cô Mai ơi, có thư gửi
cho cô đây!”
Đó là điệp khúc của
người đưa thư mà em luôn mong đợi. Và em biết chắc rằng đó là thư của cô Tôn Nữ
Lưu Ty!
.
.
Nguyễn Như Mai.
.
(Hình:Internet)
.
(Hình:Internet)
.
-----------------------------------------------------
.
.
ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
.Nhạc Trịnh Công Sơn
.