Saturday, January 20, 2018

Từ chiếc lược bạc Trường Tiền

Bài viết của Bùi Kim-Chi (ĐK 68)
.
(Nguồn: Internet)
.
Từ Chiếc Lược Bạc Trường Tiền
Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ      
Đôi bờ đôi cánh tay vua
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình“
.
Tôi đang đứng ở đây. Trên sông Hương. Giữa đường cong nghệ thuật của chiếc lược bạc Trường Tiền. Chiếc lược ngà và mái tóc buông hờ lãng mạn dưới mắt của nhà thơ Nguyễn Bính đã đánh thức bóng dáng "một góc riêng" của một Đồng Khánh xưa trong tôi với ký ức xanh ngọt ngào.  Ngậm ngùi.  Nức nở.  Cung nga "úp mặt làm thơ thất tình"  Con bé Đồng Khánh ngày xưa “thổn thức lướt từng phím nhớ trên con đường về lối cũ…“
.
Trời, mây, nước lao xao, hương xuân còn lại vương đầy trong gió theo giọt nắng cuối ngày.  Mơ màng… tôi bâng khuâng đứng nhìn chiều tím dần lên. Khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày của Huế có lẽ là đây.  Ở thời khắc này, Huế luôn lặng lẽ dẫn hồn người trở về “Huế của ngày xưa“ mà ở đó một thời con gái Huế với áo dài trắng, nón lá, tóc mềm xõa lưng, cặp sách trên tay khua guốc mộc dịu dàng qua về trên cầu Trường Tiền.  Dáng hạc mảnh mai, thanh thoát.  Đó là “chân ngà“ của các thi, văn, nhạc, họa sĩ và nhiếp ảnh gia xứ Huế xúc cảm ghi dấu hình ảnh đẹp của nữ sinh Đồng Khánh trên đường đi học.  Nắng sắp tắt.  Màu khói hương bàng bạc khắp trời rồi từ từ trùm lên không gian.  Chiếc lược bạc Trường Tiền bỗng lung linh sắc màu nhưng tôi lại không nhận ra màu sắc lộng lẫy của chiếc áo mới mà là hình ảnh đáng yêu muôn đời vẫn vậy của chiếc lược bạc được cài duyên dáng trên suối tóc dài óng mượt Hương giang.  Điểm xuyết là những chiếc hoa trắng nhẹ bay trong trời chiều của Huế, cách đây hơn nửa thế kỷ.
.
Trời đất, hoa được cài vào quá khứ đã lâu nay mở ra vẫn tươi đẹp, gợi cảm, lộng lẫy sắc màu trước mắt tôi –  Ôi ! Đồng Khánh của tôi…
.
Tôi đậu vào học lớp Đệ Thất trường Đồng Khánh năm tôi 11 tuổi.  Hân hoan.  Cảm xúc thật đầy.  Rưng rưng … tôi khóc vì mừng.  Tôi bắt đầu được làm người lớn vì được “mặc áo dài đi học.“  Lạ lắm!  Tôi cũng bắt đầu làm “điệu“ từ đây.  Cái “điệu“ mà trước đó, thời tiểu học – không có.  Đi học.  Tôi vén khéo tóc hai bên bằng hai chiếc kẹp bạc.  Gương mặt tươi tắn, nước da trắng hồng. Mũi cao.  Mắt sáng, tròn và trong veo.  Gương mặt ưa nhìn.  Còn thân hình thì thôi, không nói làm gì – con nít. Mạ may cho hai bộ áo dài trắng vải Tetoron.  Vải áo mỏng, vải quần xa xị dày hơn.  Thêm hai chiếc áo lót vải phin xinh xinh.  Cứ thế mà thay đổi. Sạch sẽ.  Tươm tất.  Con nít được mặc áo dài làm “người lớn nhỏ tuổi“ đi học nên thích “soi gương“ và “điệu".   Vui , tôi soi gương.  Buồn, tôi soi gương – nỗi buồn tuổi dại.  Cô giáo la, về nhà lo lắng, tôi soi gương.  Ba mạ la, khóc, tôi soi gương và nhất là ‘"điệu" tôi soi gương.  Ôi ! tôi đó.  Đệ Thất trường Đồng Khánh mặc áo dài đi học ngộ nghĩnh và đáng yêu!
.
Từ ngôi trường hồng yêu dấu tôi lớn dần lên với những niềm vui và nỗi buồn tuổi thơ để chuẩn bị làm thiếu nữ với những ước mơ đời thường của con gái trong khuôn  phép nhất định.  Với tôi, những ngày được cắp sách đến trường là những ngày vui không thể nào quên được.  Thuở xa trường một năm, năm …năm, thuở mười …năm, hai mươi …năm, năm mươi …năm và bây giờ một trăm… năm.  Mỗi thời nữ sinh Đồng Khánh đều có những nỗi niềm riêng, kỷ niệm riêng, cảm xúc riêng …Tất cả rộn rã gọi nhau trở về lặng lẽ với "trường xưa yêu dấu."  
.
Thuở Đồng Khánh, tôi yêu mùa nắng và thích mùa mưa.  Nắng lên.  Sân trường ríu rít tiếng chim chuyền cành trên những cây Phượng có tuổi đang chen nhau bung lá điệu đàng khoe dáng – dáng lão Phượng Đồng Khánh vẫn đẹp và duyên.  Dưới nắng xuân, thảm cỏ xanh bên trong khoảng trời hẹp lô nhô những cánh hoa tím, hoa vàng xôn xao đợi người thưởng lãm.  Rồi, nắng sân trường bừng lên, người đẹp Đồng Khánh xuất hiện  trên những con đường nhỏ quanh sân.  Ẩn mình yểu điệu sau mái tóc nồng nàn hương.  Một thoáng người đẹp Đồng Khánh – đài các, cao sang.   Thú tìm ngắm người đẹp trong sân trường giờ ra chơi cũng là một nét đẹp rất riêng của trường Đồng Khánh ngày xưa.  Riêng mưa Huế, mưa hồng, mưa tím Đồng Khánh có hết.  Đó là những sáng mưa, chiều mưa trong đôi mắt con gái dạo quanh trường hồng.  Rồi, mưa, mưa nhỏ, mưa dầm dài ngày, mưa như thác đổ và mưa lụt "trêu" con gái trên đường đi học.  Thế mà tôi lại thích.  Với mùa mưa, nữ sinh Đồng Khánh có những khoảnh khắc không thể nào quên được.  Đội mưa đi học.  Mưa rất lớn. Ngang qua cầu Trường Tiền gió và mưa chực sẵn đổ và người.  Lạnh, mưa, gió làm người và xe chao đảo, ngã nghiêng theo gió.  Hàng Phượng trong sân trường đìu hiu, xác xơ.  Sân trường bỗng nhốn nháo tiếng học trò lẫn vào tiếng mưa tuôn ào ạt . Trắng, xanh, đỏ, tím, vàng … di chuyển. Có học khôn. "Chắc được nghỉ học" . 'Lụt sắp tới nơi rồi..." …Tiếng chuông báo hiệu giờ vào lớp. Sân trường vắng tiếng học trò nhường chỗ cho tiếng gió rít và tiếng mưa xối xả qua chiếc máng xối ở một góc tường. Con đường đất trước hành lang lớp học ngập nước – nước ứ. Nhìn vẫn cứ thích mắt. Mọi cặp mắt đều hướng về cửa lớp chờ đợi. Theo lệnh của nhà trường, học sinh được nghỉ học vì nước sông Hương tràn bờ ở Đập Đá. Cả lớp ồ lên. Gương mặt rạng rỡ. Sắp được "lội lụt."  Trên đường Lê lợi, nước sông Hương chỉ "dọa dẫm" con người ở mé công viên trước tòa Tỉnh chưa lên đường cái nên các bạn ở khu vực gần trường theo các bạn ở Chợ Cống, Đập Đá để "lội lụt".  Nước ở Đập Đá tràn bờ từ sáng sớm nhưng chưa đến nỗi nào, xe và người có thể qua lại và học trò thì vẫn có thể ‘lội lụt‘ nhưng phải thăm chừng con nước ‘lên đột ngột‘  - kinh nghiệm lội lụt của các bạn Bích Lan, Kim Phụng nhà ở Chợ Cống và Hàng Me … Nhà ở trong Thành Nội nên tôi lội lụt cùng nhóm bạn ở trong thành. Mưa bỗng ào ào rất to.  Ngang qua Tòa Án, một chiếc xe hơi ào tới, nước vỡ òa tung tóe trước mắt chúng tôi.  Nhấp nhô.  Nghiêng qua.  Đảo lại.  Cả bầy con gái tắm trong nước.  May mà có áo mưa che.  Năm đứa quây tròn bên nhau Tương Ngẫu, Ngọc Thạch, Ngọc Khánh, Bích Hà và tôi: "Bất lịch sự."  Bích Hà nhìn theo xe phàn nàn.  Tôi đưa tay vuốt vội nước trên mặt rồi hồn nhiên:
- Dị chưa tề.  Lội lụt mà lịch sự chi.  Đường của chung.  Trời cho nước.  Xe đi.  Người lội.  Ấy đừng nhiều chuyện. 
Bích Hà "háy" tôi một cái thật dài.  Muốn đứt con mắt luôn -dù dưới mưa tuôn tôi vẫn thấy rõ- .… Đoạn đường này tương đối cao nên khoảng ở giữa đường, nước chỉ qua mắt cá chân, đường trải nhựa nên nước rất trong thấy rõ những đôi chân thon nhỏ, trắng ngần, xinh xinh của năm đứa con gái lấp lánh trong nước.  Guốc mộc, quai guốc trong, hất nước tung tóe ….
.
Trời mang khói lam chiều bay từ những ngôi nhà vườn Huế thả vào không trung.  Một chiếc xe bus chở khách về muộn qua cầu.  Mắt rưng rưng. Tôi nén cảm xúc.  Chiếc xe bus này khác hẳn chiếc xe đò “tội nghiệp“ ngày xưa chở học trò Đồng Khánh đi học.  Tôi cũng là một trong những nữ sinh Đồng Khánh đi học bằng xe đò và cả qua đò Thừa Phủ.  Những chiếc xe đò màu xanh dương đậm, trần xe có sơn một chút màu trắng, số xe nằm ở bên hông.  Số 1 chạy tuyến đường An Cựu, số 2 Địa Linh, Bến Ngự số 3, Chợ Dinh số 4, số 5 Từ Đàm, số 6 Cầu Kho, Long Thọ số 7,  Kim Long số 8, số 9 Thuận An, số 10 Văn Thánh, 11 Dạ Lê, 12 An Hòa, An Lăng 13, Tây Lộc 14.  Mặt kính trước xe có bảng gỗ nhỏ ghi các tuyến đường Bến Ngự, Từ Đàm, Long Thọ, An Cựu … Khởi hành từ bến xe Đông Ba (chợ Đông Ba) ở chân cầu Gia Hội, xe đò chở chúng tôi đi học.  Học trò Đồng Khánh ở khắp nơi trong thành phố đều có thể đến trường bằng xe đò.  Ngang qua trường Đồng Khánh có xe đò số 3, số 5, số 7.  Bất chợt trước mắt tôi là màn mưa … Hình ảnh chiếc xe đò màu xanh dương đậm cũ kỹ ngày xưa trở lại trong tôi dưới mưa.  Buồn và tội nghiệp.  Con bé học trò Đồng khánh ngày xưa là tôi lại “lóc cóc" lên xe đò đi học vào một ngày mưa.  Học trò Đồng Khánh mặc áo dài đi học vào ngày mưa, thương quá.  Lên xe mọi người đều mặc áo mưa.  Có lẽ để đỡ lạnh và tránh bùn dơ.  Mùa mưa đồng phục của nữ sinh Đồng Khánh là áo dài màu xanh bleu-marine và quần trắng.  Quần trắng mà gặp bùn dơ nữa thì than ôi!  May mà anh “lơ“ đã thu xếp triêng, gióng, thúng, mủng của bạn hàng lên trần xe.  Đi học sớm, tôi được ngồi cùng một số bạn trên một băng ghế gỗ dài đã cũ.  Ríu ra ríu rít … Trời ạ, chuyến xe đò hôm nay có cô giáo.  Cô giáo cũng đi dạy sớm nên có chỗ ngồi ở dãy ghế trên, mặt ghế có một lớp nệm mỏng bọc ni lông.  Tiếng lao xao của học trò chấm dứt.  Đó là hai cô giáo Đồng Khánh là hai chị em ruột nhà ở bên kia cầu Gia Hội.  Gương mặt cô hiền nhưng rất nghiêm.  Một người bạn ngồi cạnh nói nhỏ vào tai tôi:  "Ấy ơi, cô của mình mặc hai quần."   "Tầm bậy!"   "Ấy không biết à, trời mưa cô sợ bị ướt và bùn dính vào quần trắng.  Đứng trên bục trước tụi mình mà cô chịu được à.  Rứa là cô mặc hai quần!"  
"Cái con này," nhỏ bạn lại tiếp tục vẻ bí mật:  "Mà ấy biết không, quần ‘xa tanh‘ trắng ở trong, quần ‘xa tanh‘ đen ở ngoài.  Tới trường cô vào phòng dành riêng cho nữ giáo sư, cởi bỏ quần đen bên ngoài.  Lên lớp, cô của tụi mình vẫn đẹp, tươm tất như trời nắng."  "Răng ấy biết?"  "Thì ấy cứ để ý mà coi."   Tôi đưa mắt len lén nhìn cô, nhìn dưới chân cô.  Ghế thấp.  Cô cao.  Có lẽ ngồi mỏi, cô co duỗi chân.  Thế là quần trắng lấp ló bên trong quần đen… Bây giờ tôi cũng là một cô giáo và "cô giáo học trò" cũng đã từng học theo cách làm của cô giáo mình ngày xưa, mặc hai quần để đi dạy vào những tháng mưa dầm ở Nha Trang.   "Trời mưa mà sao áo quần của cô giáo mình vẫn sạch sẽ, tươm tất."   Học trò của tôi cũng đã kháo nhau như thế.     Tôi rất vui và thầm cám ơn cô giáo ngày xưa của tôi.  Chỉ có cô giáo Đồng Khánh mới cẩn thận và chu đáo như thế.  (Không hiểu học trò của tôi có phát hiện ra được, tôi mặc hai quần ???) 
.
Giật mình.  Tôi nhìn xuống dòng Hương đang phẳng lặng bỗng dậy sóng.  Hai ba chiếc đò dọc về muộn sau một ngày dài rong ruỗi mưu sinh.  Lặng người.  Thương Huế quá.  Xa xa …trên bến đò Thừa Phủ của ngày xưa, dòng Hương đang chuyển mình dẫn mắt tôi về trên ấy.  Thấp thoáng những chuyến đò chiều chở các nàng Đồng Khánh qua sông sau giờ tan học … Một chiếc đò rời bến đưa các nàng áo trắng sang sông.  Trời chiều man mác. Hoàng hôn sắp đổ xuống với sắc hồng pha tím rải khắp trời.  Con đò lướt nước dịu dàng, êm ả.  Sóng lăn tăn đẩy nhẹ những nhánh rong non dập dìu trên sóng nước không biết trôi về đâu, về đâu… Trên đò, dáng các nàng Đồng Khánh ngồi thật đẹp.  Áo dài vén khéo, một tay cầm nón kẹp chặt chiếc cặp xinh xinh, một tay giữ lấy thành đò.  Tóc mây vương gió chiều tung bay che nửa khuôn mặt dễ thương, khả ái.  Chỉ có thế thôi nhưng trông các nàng Đồng Khánh sao mà nền nã, đằm thắm và đáng yêu quá… Một chuyến đò nữa vừa cập bến.  Khách trên đò chưa kịp xuống thì ôi thôi các nàng Đồng Khánh, các chàng Quốc Học tranh nhau lên đò.  Áo dài, quần tây, xanh xanh, trắng trắng lẫn lộn giành nhau lên đò.  Không ai "dị" không ai "trẽn' chi cả.  Xô qua, đẩy lại.  Mạnh ai nấy lên.  Bác lái đò hiền lành: "Ui cha, từ từ thôi, rồi ai cũng được lên đò. Răng mà giành nhau dữ rứa! Từ từ thôi cả chao đò."  Bác nói thì cứ nói, học trò thì vẫn cứ tranh nhau lên đò. Lời nhắc nhở dễ thương của bác lái đò theo gió chiều man mác thổi về nơi ấy … một nơi nào đó vô định.  Bác lái đò buồn bã lắc đầu.  Rồi đò cũng rời bến. Ai nấy hoàn hồn. Bây giờ con gái, con trai bắt đầu "trẽn", bắt đầu "dị"  Đồng Khánh kéo nón che mặt, Quốc Học quay lưng làm lơ. "Xem như tụi mình không quen biết nhau. Khỏe! " … Lại một chuyến đò nữa.  Khách học trò đã đầy nhưng đò vẫn neo bến đậu không chịu rời. "Đò đầy quá không chèo được. Lên bớt đi chuyến sau."  Đồng Khánh làm thinh, Quốc Học e dè đảo mắt thăm dò rồi cũng ngồi yên, cúi mặt.  Giọng nói sang sảng của chị lái đò réo gọi hai ba lần.  Mọi người trên đò đều nghe, nghe thật rõ nhưng … không ai nghe.  "Lì dễ sợ!"   Chị lái đò chì chiếc.  Quốc Học nhìn qua, Đồng Khánh ngó lại. Tất cả ngồi im re.  Chị Gái buông mái chèo ngồi xuống mạn đò lấy nón quạt.  Trời chiều mát mẻ, gió sông Hương mát lạnh nhưng chị lái đò vẫn ngồi quạt.  Chị quạt càng lúc càng mạnh. "Chị lái đò thi gan cùng tuế nguyệt là đám học trò."  Tôi cười...
.
Màn đêm buông xuống.  Hương Giang khoác chiếc áo nhung đen mềm mại, từ từ buông suối tóc dài duyên dáng, gợi cảm cuốn hồn người.  Ngậm ngùi tôi nhìn tôi trên sông  từ chuyến đò áo trắng năm xưa rồi bỗng giật mình, nước mắt hoen mi.  Một trong những con bé tranh đò năm xưa nay đã xấp xỉ thất tuần và Đồng Khánh trường xưa thì đã vào tuổi hạc "trăm năm" ….
.
Ôi, Đồng Khánh ngày xưa của tôi.  Thầy cô ơi!  Bạn bè thân yêu ơi!  Đi học … đi lội lụt…  đi xe đò… và cả qua đò Thừa Phủ… Tất cả đã dìu nhau đi vào quá khứ.  Có còn chăng là hình ảnh dễ thương của người xưa năm cũ bâng khuâng, ngậm ngùi mở cửa thời gian để tìm 'hoa" trong quá khứ.  Rộn ràng, đầy sắc màu của Đồng Khánh ngày xưa …
.
BÙI KIM-CHI (ĐK 68)
.

(Nguồn: Internet)
.