CLAUDE MONET (1840-1926)
(Nguồn: Internet)
.
.
Đi Thăm Làng Họa sĩ Claude Monet
.
cách đây vài
năm theo các chị qua Pháp, thăm viếng khắp nơi từ thành thị đến thôn quê
và thăm các nước quanh Pháp. Chuyến ngao du này chỉ hai tuần thôi, đi đến
hơn 9 ngàn cây số, nhưng nhớ nhất là ngày đi thăm làng và nhà họa sĩ
Claude Monet gần Paris. Ông sinh ngày 14 tháng 10 năm 1840 và mất ngày 5
tháng 12 năm 1926 thọ 86 tuổi.
Hồi mới qua
Mỹ không có lịch Việt nam phát hành nhiều như bây giờ, năm nào mình cũng mua
lịch có tranh vẽ của họa sĩ Claude Monet, tranh của cha
già phái Ấn Tượng vẽ hoa súng rất nhiều mà hoa
súng đối với mình là kỷ niệm đẹp thủa ấu thơ. Ngoài ra, ông
cũng nổi tiếng về tranh phong cảnh đẹp tuyệt vời khiến thiên hạ say
mê như bức họa Impression, Sunrise (1872), The Bridge at Argenteuil
(1874), The Studio Boat (1874)... chỉ nhìn qua một lần là nhớ mãi...
.Đường dẫn gần vào làng rất hẹp
hai bên là nhà cửa xây san sát nhau, xe mướn thiệt đồ
sộ to hơn xe Van bên Mỹ, trong xe mình có thể đi lại tự
nhiên, người tài xế tuổi đã hơn 80 vẫn lái chạy phon phon
trong lúc tim mình muốn vở vì không quen lái xe kiểu cao bồi này. Giá như anh ta trẻ đi hơn 60 năm, mặc áo sơ
mi ca rô thì mình phải hát bài ca “học sinh cao bồi mặc áo sơ mi ca rô...”
.
Bước chân ra khỏi xe,
cảm giác sợ hãi vụt biến mất từ hồi nào vì mắt mãi hướng
nhìn làn sóng người ồ ạt đi vào làng hướng có nhà hoạ
sĩ Monet. Con đường vào làng nhà nào cũng trồng hoa,
hoa viền con đường đi, ngôi làng nho nhỏ mà khách du lịch đi
tới đi lui rất đông đảo.
.
Muốn thăm ruộng hoa phải đi qua những vườn hoa ở đây ngạc nhiên lẫn thích thú khi nhìn thấy bức tường cao bằng lá cây leo được cắt tỉa công phu, từng vạt lá nằm ngay hàng thẳng lối, vạt lá xanh non kết liền vạt lá đỏ thẫm, những màu lá khác nhau trông lạ mắt vừa che được tiếng ồn bên ngoài vừa làm người ở trong vườn có cảm giác được phút giây riêng biệt gần gủi với thiên nhiên hoa lá xinh tươi quanh mình.
.
.
Mỗi vườn có vẻ đẹp
riêng quyến rũ du khách dừng chân ngắm vườn hoa màu trắng
tinh khiết, vườn toàn hoa vàng, vườn hoa màu hồng đậm, nhạt tô
điểm sắc hương của nhau ... Bao năm rồi mới thấy lại đoá hoa Forget-me-not
trong khu vườn hoa tím khiêm nhường dưới đám lá nhỏ, nhìn hoa lại nhớ
xưa ba mình thường trồng dưới gốc hai cây hoa Mộc nằm hai bên tầng
cấp trước sân nhà. Thủa ấy, cô bạn thân ở Nguyệt Biều đến nhà
chơi, bạn tôi có cặp mắt to đen láy đảo trước sau
không thấy ông già mình là lanh tay bức lẹ một vài đoá hoa đem về ép trang
sách học trò, viết lên bài thơ TTKH dành khoe bạn bè.
Hoa màu hồng đậm nhạt
.
Hoa vàng
Đi hết những vườn hoa
là vùng đất rộng trước mặt một ruộng hoa màu lá xanh non với nét
chấm phá bởi sắc hoa đỏ, xanh, tím, vàng, cam, trắng... lung linh trong
nắng gợi cho du khách hình ảnh bức tranh nổi tiếng khắp thế giới
của họa sĩ Monet.
Ruộng hoa..
.
Trên đám cỏ xanh trước
ruộng hoa là các em học sinh người bản xứ cở lớp ba, lớp bốn được các cô
giáo phát cho mỗi em 1 tờ giấy trắng loại cứng, các em đang
ngồi bên nhau chia sẻ những viên phấn màu.
.
Các em học sinh đang tập vẽ.
Ngắm nhìn các em, rồi ngước mắt nhìn lên
trời cao tưởng tượng họa sĩ ở trên đó đang nhìn các con cháu
tập tửng say sưa làm quen với sắc màu, mĩm cười vui sướng nhớ thủa bằng
tuổi các em ông đã kiếm vài chục xu (Franc) một tấm. Hy vọng
trong đám xuân xanh ấy có kẻ theo bước chân ông cảm hứng
ruộng hoa kia sáng tạo nhiều môn phái mới đóng góp thêm đỉnh cao nghệ
thuật hội họa thế giới mà hơn 100 năm trước ông đã làm. Họa sĩ
Claude Monet chắc chắn không ưu tư lo lắng như văn hào Nguyễn Du tác
giảTruyện Kiều đã khắc khoải:
.
.
Bất tri tam bách
dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân
khóc Tố Như?
.
.
Vẻ hồn
nhiên của các em sao giống hình ảnh của mình thủa còn đi học Đệ
nhất cấp trường Đồng Khánh quá. Hồi đó mình đã kết nhóm bạn yêu
hội hoạ thời gian từ đệ thất đến đệ tứ, thầy Lân dạy hôi họa mỗi
tuần một giờ có lần hứng chí thầy cho cả lớp ra ngồi ngoài sân
trường dưới gốc cây Mù U, mỗi trò ngồi trên ghế nhỏ, trước mặt
có giá vẽ làm như hoạ sĩ .......đề tài thầy đưa ra là vẽ tự do. Thế là
không hẹn nhau nhóm bạn mình đều dùng màu đen tô hết tờ giấy,
thầy hỏi: Các cô cho Thầy biết vẽ đề tài gì đây?, mình lanh
miệng thưa : "Dạ, thưa thầy tụi em vẽ Đêm Ba mươi". Vui
nhất là thầy cho vẽ mặt nạ, vẽ mặt nạ thì tha hồ dùng màu đen,
tô màu thầy cho phép dùng tay hay cọ đều được hết, giây phút ngồi vẽ sao
hạnh phúc quá đi, mấy giờ học khác mình đều trông cho mau qua, ngược lại giờ đó con bé nhỏ này chỉ xin: "thời gian ngừng
trôi."
Thủa đó, nhóm bạn
thích hội họa thường đợi cuối mùa hạ là rủ nhau vào Thành Nội chạy
quanh Hồ Tịnh Tâm tìm hoa súng vẽ cho bằng được vì khi học lớp đệ lục
cô Lưu Sơn dạy quốc văn đã buộc cả lớp học thuộc bài Hoa Súng của tác
giả Đinh Gia Trinh: " Cuối thu sen đã tàn còn để lại trên mặt
nước những lá nhăn nheo như buồn một nỗi buồn ly biệt, nước phẳng lặng đồng
ruộng phẳng lặng, ngọn cỏ xanh xanh. Trên suốt một dãy đầm sen ấy.... '' ..Tác
giả đề cập đến hoa súng nên lớn lên không biết có phải vì đã
từng yêu hoa súng nên nhìn tranh Monet là cảm tình ngay.
.
Đến khi lên đệ Tam,
tuổi mặc áo dài đã có eo, mái tóc thề xỏa ngang
vai... nhân ngày triễn lãm của trường mình được cô giáo chọn đứng tiếp
khách. Khách đa phần các anh có để ý các o Đồng
Khánh đã mạnh dạn hiên ngang đi vào cổng trường không
sợ ông cai trường chận lại. Cũng cần nhắc thêm đây là
trường con gái nên các anh được vào trường mỗi năm một lần thôi. Nhớ
hồi đó có ông anh người bạn thân thầm để ý mình nhưng mình không biết
(sau này mới biết). Hèn gì thấy mình đón chào, anh ta mặt đỏ
gay như người say rượu, bước vào là dịu dàng lý nhí hỏi mình có
triễn lãm gì không? ý anh ta muốn mua như khăn thêu, khăn móc, áo gối,
khăn bàn ăn...v..v.... để may ra làm vừa lòng người. Mình ngây thơ mừng
rỡ dẫn anh ta đến đống mặt nạ vẻ hồi năm xưa ở góc tối tường sau, lẹ tay
lôi cái mặt nạ đen thui thui nét rằn rện xanh đỏ, vàng, cam,
tím....nét rằn rện vui vẻ hân hoan khoe: "Dạ có đây, mặt
nạ Bl vẽ đây".
Tự nhiên đứng đây nhớ
chuyện xưa mà cười một mình, nhìn
lên trời cao muốn hét to
lên: "Hoạ sĩ ơi,
cám ơn ông, tôi là “fan”của
ông đây!"
.
Theo đoàn người băng
qua con đường hầm thăm hồ nước mùa này vẫn còn vài đoá
hoa hoa súng điểm màu hồng phấn êm đềm nổi trên mặt nước cạnh những lá
súng xanh là hình ảnh quen thuộc của những ai yêu tranh Monet. Ông đã vẽ
rất nhiều tranh hoa súng, mỗi tranh có màu hoa khác nhau và
tuỳ ánh sáng trong ngày để hoa và nước hồ được hoạ sĩ pha màu
đã làm nhiều người say mê mong tìm hiểu.
.
Mùa này hoa
không nở nhiều như tranh ông vẽ, hai cây cầu Nhật Bổn tơ liễu buông
mành thơ mộng vẫn còn đó, không gian như ngừng trôi, vào đây bước chân
bỗng chậm nhẹ, im lặng tận hưởng cảm giác như đang đi vào tranh của
người xưa.
.
.
.
Hoa súng
.
Mình đi như mơ mà mơ thật
bạn ơi, mơ về những khuôn mặt bạn bè mê hội họa một thời bên nhau cùng ước mong
lớn lên sẽ làm họa sỹ. Mơ có bạn Tường Hoa, Hoàng Trang, Bích Lan, Cẫm Dung,
Như Quê có mặt hôm nay, tại đây để cùng ngắm hoa súng ngoài kia... tìm lại
tuổi thơ hồn nhiên một thời Đồng Khánh.
.
Hồ nước
Cây cầu gổ bắt qua hồ nước.
Lòng thầm cám ơn
cái hồ nước nho nhỏ xinh đẹp, cám ơn những người bảo trì và hôm nay mình được duyên
lành đứng ở đây, tận mắt nhìn được vài đóa hoa súng, hay những
cành liễu rủ bên cầu đã từng thấy trong tranh hoạ sĩ như hình chụp
vừa gởi các bạn xem ở phần trên.
.
Sau đó xếp hàng
mua vé vào thăm nhà họa sĩ Monet, ông đã ở đây 43 năm, tranh vẽ của ông
là hoa, lá trong vườn, hồ nước, ruộng hoa ngoài làng tất cả được
chăm sóc cẩn thận mà mình đã chụp rất nhiều trên đây. Nhà ông
có mặt tiền rất dài, bạn có thể nhìn xem những hình chụp dưới đây:
.
Mặt tiền nhà họa sĩ Monet
Hoa màu tím trông rất thơ mộng
Mình thấy nhiều hoa
lạ lần đầu tiên trong đời như khóm hoa trắng, hoa cam đỏ dưới
đây:
.
.
Hoa Trắng
Hoa Cam đỏ
Trồng hai màu hoa khác
nhau nhưng đó là một kết hợp sắc màu đẹp tuyệt:
.
.
Hoa tím kề bên hoa vàng
.
Hoa tím cạnh hoa đỏ
Đi ra xa hơn là những
luống hoa màu chia ra nhiều con đường đi rất thơ mộng, thế là các chị và
mình như đi vào mê hồn trận tha hồ chạy quanh chụp hình ngắm hoa xuýt
xoa luôn miệng sao hoa ở đây nhiều màu nhiều giống lạ quá? .Đi quanh chụp
hình hoa một hồi mình chọn băng ghế trước nhà họa sĩ nhìn ra vườn hoa
chợt nhớ đến câu người xưa thường nói:
"Một
người làm quan cả họ được nhờ."
Xứ văn minh biết tôn trọng người tài có khác, ngẫm nghĩ về cái làng nho nhỏ này hằng ngày tiếp đón du khánh đến viếng cả ngàn người, lợi nhuận thu vào không nhỏ. Buồn cười nhất khi đọc bảng quãng cáo viết trên biểu ngữ rất lớn hôm nay có món ăn vào ngày thứ tư họa sĩ Monet thường dùng. Ui chao món ăn hơn 100 năm rồi không biết có đúng không? nào ai biết? nhưng nhìn thiên hạ ở đây không ai có máu nghi ngờ như mình, ngoan ngoãn sắp hàng thật dài, thì ra người ta chủ trương ăn cho biết có chết ai đâu? Vậy B Lan xin sửa câu nói trên: "Một người nổi tiếng cả làng được nhờ", đồng ý không bạn?
.
Bạch Lan
.
B L tái bút:
.
- Luận bàn
ngoài đề cho vui thôi:
.
Thôi thì nước mình không có những ngôi sao nghệ thuật lên hàng quốc tế như Monet nhưng có văn hào Nguyễn Du đối với chúng ta cũng an ủi nhiều (cụ Nguyễn Du tác giả Truyên Kiều người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tỉnh, sinh ngày 3, tháng 1 năm 1776 mất ở Huế ngày 16 tháng 9 năm 1820 thọ 54 tuổi chôn cất ở làng Nghi Xuân tỉnh Hà Tỉnh).
.
Thôi thì nước mình không có những ngôi sao nghệ thuật lên hàng quốc tế như Monet nhưng có văn hào Nguyễn Du đối với chúng ta cũng an ủi nhiều (cụ Nguyễn Du tác giả Truyên Kiều người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tỉnh, sinh ngày 3, tháng 1 năm 1776 mất ở Huế ngày 16 tháng 9 năm 1820 thọ 54 tuổi chôn cất ở làng Nghi Xuân tỉnh Hà Tỉnh).
.
Giá như làng
Tiên Điền quê hương cụ Nguyễn Du cũng tân trang sạch sẽ, giữ vẻ cổ
xưa, cũng có hàng quán nấu các món ăn cụ thường xơi vào ngày trong
tuần thì cũng thu hút du khách một thời yêu truyện Kiều đến thăm lắm
chứ?
.
- Tường Hoa hiện là họa sĩ có tiếng ở Việt
Nam.
.Như Quê hiện có phòng tranh tại nhà riêng trong Thành Nội.
.Như Quê hiện có phòng tranh tại nhà riêng trong Thành Nội.
.
- Cám ơn các bạn chịu khó đọc và mời xem YouTube tranh của họa sĩ Claude Monet do B Lan chọn dưới đây.
- Cám ơn các bạn chịu khó đọc và mời xem YouTube tranh của họa sĩ Claude Monet do B Lan chọn dưới đây.