Wednesday, April 5, 2017

Trăm Năm Đồng Khánh quay về

Bài viết của Bùi Kim-Chi (ĐK 68)
.
.
Trường xưa Bạn cũ đâu rồi ?
.

Trăm Năm Đng Khánh Quay V

.
 15/2/2017 ( Thứ 4, ngày 19 tháng Giêng Đinh Dậu ). 
.
Sài Gòn nhộn nhịp, đông vui. Tết vẫn còn để người Sài Gòn còn có dịp được gặp nhau bên tách trà ấm chúc phúc đầu năm. Nét đẹp ngày xưa chỉ còn lại đôi chút. Buồn. Giọng nói to, hào sảng và chân chất của người Sài Gòn cũ luôn ở trong tôi. Trân quí. Đang ở Sài Gòn nhưng hồn tôi lại vọng về Huế, nơi ngày xưa có con đường Lê Lợi rợp bóng ngọc bích âm thầm tạo dáng thơ, duyên và “lãng mạn ngầm“ cho ngôi trường con gái. Vô cùng cảm kích và xúc động khi tôi được tin Ban liên lạc Cựu nữ sinh Đồng Khánh tại Sài Gòn sẽ tổ chức Lễ hội hướng về trường xưa nhân Kỷ niệm 100 năm ngày Thành lập trường vào một ngày tháng giêng.


Mục đích của các chị là tạo điều kiện cho các thầy cô và cựu nữ sinh Đồng Khánh ở hải ngoại, tại Sài Gòn và các tỉnh phía nam có thể được gặp lại nhau, cùng nhau nhìn lại trường xưa yêu dấu với cổng trường hồng khiêm cung, đài các; ngắm lại sân trường con gái với thảm cỏ xanh mượt mà điểm vài cánh hoa tím, hoa vàng li ti cùng dãy lớp học hài hòa nhưng bề thế, cao sang được tái hiện lại ở Khu Du Lịch Văn Thánh Sài Gòn. Một ý tưởng hay và độc đáo. Các chị còn cho biết sẽ chọn một điểm có không gian đẹp, thơ mộng tạo nét duyên riêng cho cựu nữ sinh Đồng Khánh trong ngày quay về… Trong nỗi niềm xúc cảm tôi say sưa nghĩ tưởng về ngày ấy, về các chị, các bạn Đồng Khánh của tôi với tình cảm thân thương, ngọt ngào. 
.
Một thoáng bâng khuâng … Áo dài trắng hay tím. Cả hai. Nhưng áo dài trắng dễ thương hơn. Thời của mình học là áo trắng mà. Huy hiệu tím hay hồng. Ừ. Màu hồng trẻ trung hơn. Trời ơi, ngày nớ mình sẽ mặc áo dài lụa trắng, đội nón lá nghiêng vành, quai nón lệch. Ôi ! dễ thương quá. Duyên thật là duyên. Mình đó. Cô gái nữ sinh Đồng Khánh của lớp đệ nhị C1 với chiếc huy hiệu xinh xinh trên hò áo dài có đường chỉ thêu màu hồng viền quanh tên và lớp của 50 năm về trước …. 
 
Áo dài tím, áo dài trắng, nón lá nghiêng vành ơi ! Hãy quay về. Về đây nghe. “ Về đây cho nhau nụ cười … thỏa ước mơ đi dạo ( dạo quanh sân trường Đồng Khánh)… Nhạc hoa xin tạ chút ơn …” Cám ơn nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã nói hộ lòng tôi.
.
Hãy quay về. Nhớ về nghe. Hạnh phúc là đây, lúc chúng ta được gặp lại nhau tại cổng trường Nữ Trung Học Đồng Khánh ở Sài Gòn.
.
25/2/2017 (Thứ bảy, ngày 29 tháng Giêng Đinh Dậu ) 
.
Vẫn còn đây tháng giêng xanh. Mùa xuân vẫn còn. Sắc mai nở muộn vẫn còn bâng khuâng thoáng nét vàng vương giả. Tết vẫn còn quẩn quanh. Sài Gòn xôn xao từng góc phố nhỏ rộn rã “ bước chân ngà “ một thời của người Đồng Khánh xưa. Con đường dẫn đến Khu Du Lịch Văn Thánh vui hơn mọi ngày. Bồi hồi. Xúc động.
 Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi ! “ …
.
Nhạc lòng rộn rã. Vành nón nghiêng che. Chân tôi cuống quít theo tà áo bay. Tôi tìm gió trong hơi sương. Gió ơi, gió ơi !. Và đây, áo dài tím, áo dài trắng nhẹ bay khắp trời Văn Thánh ….

… “ Khi gió mới lên làn tóc tung tăng 
Xỏa ngang bờ vai khi tuổi dậy thì 
Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên 
Mắt tròn như mộng say đời xinh xinh 
Cô là tất cả trời đẹp xứ Kinh …

Giật mình. Tiếng hát mượt mà, đằm thắm qua giai điệu và ca từ đẹp của chị Trần thị Lục Hà, cựu nữ sinh Đồng Khánh vọng lại đâu đây làm cho hồn tôi như “ ngây “ như “ say “ vì Đồng Khánh của thuở còn đi học. Xôn xao. Ngậm ngùi. Hôm nay Lễ Hội Kỷ Niệm trường tôi chạm vào ngưỡng cửa trăm năm. Một trăm năm với bao đổi thay của “ Đời “ và “ Người “. Không gian lẫn thời gian song hành lặng lẽ ghi dấu – một dấu chấm lặng. Thế đó, nhưng con gái Đồng Khánh vẫn dịu dàng, kín đáo âm thầm mang hoa “ học trò “ cài vào quá khứ dành để tặng riêng mình… Rồi sáng nay, 25 tháng 2, người Đồng Khánh may mắn có dịp được quay về nơi có “ khung trời hồng“ rất chi “dễ thương“ và “ tình“. Vậy là, quá khứ bỗng nở hoa lộng lẫy sắc màu. Người và cảnh như hòa quyện vào nhau giữa không gian đậm nắng vàng tươi. Sài Gòn rất dễ thương. Cũng xôn xao, rộn rã giữa nắng xuân vây bủa sẻ chia niềm vui với “ Huế xưa “ có ngôi trường hồng Đồng Khánh 100 tuổi ở ngay tại Sài Gòn.
.
.
Chào mừng Lễ Hội Kỷ Niệm 100 năm ngày thành lập trường Nữ Trung Học Đồng Khánh“ – nội dung của những cánh phướng nền hồng chữ tím nồng nàn bay giữa đất trời phương nam. Mắt rưng rưng, tim tôi lỗi nhịp khi thoáng thấy cổng trường màu hồng mang dòng chữ Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh màu trắng đang âu yếm nhìn và mở rộng vòng tay đón chúng tôi – thầy cô và trò. Những người con yêu của Đồng Khánh đã quay về. Bùi ngùi. Xúc động. Áo trắng rồi áo tím – khóc. Một cây phượng trẻ tha thướt tỏa cành là đà nghiêng mình trước cổng đã phần nào vẽ lại nét duyên xưa cho Đồng Khánh. Lần lượt chúng tôi nhanh chân vào cổng. Mời gọi chúng tôi trong dáng vẻ e ấp, đài các của gái Huế là “ nàng thơ “ thư pháp với dòng chữ nhủ vàng bay bướm, tài hoa “ Trăm năm Đồng khánh quay về “ trên nền giấy đỏ có ẩn rồng và phượng. Sang trọng và đầy ẩn ý. Hôm nay là ngày “ vàng “ của Đồng Khánh ( Trăm năm mới có một ngày hôm nay ). Đi bên cạnh nàng thơ là chiếc nón Huế mang quai nón tím điệu đàng. Cả hai được cài trên thân cây Đoát lão. Người Đồng Khánh ngẩn ngơ – nhìn. Ngẩn ngơ – nhớ. Ngẩn ngơ – khóc.
.
.
Nội ơi, trường ni là trường của nội học ngày xưa phải không nội ?“. Mắt rưng rưng tôi nhìn thằng bé khoảng 7, 8 tuổi đang bước chân qua cổng trường. Một Đồng Khánh áo tím tay dẫn cháu nội cũng màu áo tím – dễ thương. Bà nội hân hoan : “ Ừ. Trường Đồng Khánh của nội học ngày xưa đây “. Cảm động quá. Nước mắt tôi lại viền quanh. Từ cổng, trên con đường dẫn vào dãy lớp học màu hồng bên trong là hai hàng tranh xưa của Đồng Khánh được phóng to đang thu hút, mời gọi thầy và trò Đồng Khánh trở về những ngày tháng cũ với những giờ thực hành trong phòng thí nghiệm, giờ nữ công gia chánh, đồng diễn thể dục, đi xe đạp chậm, trình diễn văn nghệ … Cảnh nữ sinh Đồng Khánh tan học qua đò Thừa Phủ. Hình ảnh của các thầy cô giáo cũ đẹp và quí phái. Đây cô Thanh Tâm, cô Mộng Hà, cô Từ Nguyên, Cô Hoàng Kim Cúc, Cô Nguyệt dạy Anh Văn, Cô Mai Hương, Cô Như Nguyện, Cô Phương Lan, Cô Hoàng Thị Doãn … Thầy Âu, Thầy Nam, thầy Phong, thầy Cảnh, thầy Toản, thầy Hoan, thầy Hiển, thầy Hạnh, thầy Tuyến … trông các thầy rất trẻ, phong cách điềm đạm, trang nghiêm. Và đây ba cô Hiệu trưởng Giáng Châu, Tường Loan, Bích Đào và cô Quế Hương … mỗi cô một vẻ sang trọng của nữ giáo sư ngày ấy. Một tấm hình đã làm cho các thầy cô và học trò Đồng Khánh xôn xao và nức lời khen là, hình cô Lê thị Mỹ xinh xắn, thân hình cân đối với vòng eo “ rất đẹp” đứng cùng học trò ở bến đò Thừa Phủ. ( trong hình này có chị Phan Thị Hiệp Thành, người mà ngày ấy được nhiều cô giáo thương ).

Đi dần vào bên trong, một cảnh tượng sinh động bày ra trước mắt mọi người là tài khéo tay của các chị cựu nữ sinh Đồng Khánh được thể hiện qua các gian hàng trình bày mỹ thuật, công phu. Lãng mạn nhất là quán Tố Tâm Thư Pháp. Các con chữ lượn lờ trên giấy như những cánh bướm nhẹ bay, những con đò nhỏ lang thang tìm bến đỗ. Tài hoa và điệu nghệ vô cùng. Ghé bên Tố Tâm Thư pháp là những tác phẩm văn học của các chị được trình làng đẹp, trang nhã có sức hút. Ngồi chơi với bụi. Trăng nơi đáy giếng. Huế của ngày xưa. Mưa rêu. Chiều muộn. Treo tình trên sóng. Tim tím Huế. Biếc xanh em … Dễ thương quá, những cái “ Trẹt “ tre thư pháp nền hồng, chữ tím giới thiệu các gian hàng đang làm điệu khoe dáng ở trên cao. Đây, Nước chè Truồi, Bánh bèo Tây Thượng, Tương ớt Hoàng Thị, Nón lá Thanh Toàn, Thời trang và Sắc màu Thiên Thanh, Bánh trái đơm hoa đã thu hút hàng trăm khách Đồng Khánh và cả những khách không phải Đồng Khánh nhưng “yêu Đồng Khánh“ ghé qua, tấm tắc khen tài nữ công của các chị. Trong niềm hân hoan đó, tôi ngậm ngùi nhớ đến cô Hoàng thị Kim Cúc và bà Bửu Tiếp. Hai vị giáo sư đã có công dạy chúng tôi trở thành những người mẹ tốt, người vợ đảm đang hôm nay...


..
.
Tiếng trống gọi đàn của cô Phan thị Bích Đào, vị Hiệu trưởng cuối cùng của trường Đồng Khánh ( 1975 ) vang lên. Hàng trăm Đồng Khánh lắng hồn. Cười, khóc lẫn lộn. Chúng tôi đang đứng giữa sân trường có dãy lớp học màu hồng, có bảng thông báo của nhà trường, có con đường nhựa, có thảm cỏ xanh cùng nhau nghe lời huấn thị của cô Hiệu trưởng. Mọi người xuýt xoa. Cô còn trẻ, khỏe và đẹp quá. Chấm dứt hồi trống dài, để lấy lại trật tự như ngày xưa, cô và trò đồng ý với nhau và sau khi xin phép khách và đồng nghiệp cô hô to : “ Im “. Học sinh đồng thanh ; “ Lặng “. Ba lần như thế và cô bắt đầu. Ngàn con mắt Đồng Khánh hướng về cô, lòng run lên trong cảm xúc đầy vơi theo từng lời nói của cô rồi ngậm ngùi nhớ về thuở xa xưa của mình dưới mái trường hồng thân yêu. Trong một thoáng, lòng tôi bỗng triền miên trong nỗi nhớ …

MC Thái Tuyết với giọng trầm buồn đã đưa mọi người trở về “ một thuở “ gặp nhau dưới mái trường Đồng Khánh năm xưa. Thời gian quay trở lại. Một số đã không còn – thầy cô và bạn bè. Phút mặc niệm bắt đầu … “ Tri ân người xưa“. Một trong những nội dung của phần lễ đã thu hút thầy trò Đồng Khánh và khách mời. Nao lòng nhớ về “ người xưa “. Tiếng của cô Nguyễn Thị Thu, cựu Giám Học trường Đồng Khánh khá to, rõ dù cô đã vào tuổi bát tuần. Các vị Hiệu trưởng người Pháp từ những năm đầu thành lập cho đến các cô Hiệu trưởng người Việt cuối cùng trước khi mất tên trường được cô Thu xướng danh rành mạch, rõ ràng với sự trân trọng. Bà Yvonne Lebris (1919-1921). Bà DuBois (1921-1924). Bà Boudron Damasy (1924-1928). Cô Crayol (1928-1931). Cô Mauriege (1931-1936). Bà Gabrielle Martin (1936-1945). Cô Võ Thị Thể (1945-1947). Cô Hồ Thị Thanh (1947-1952). Cô Đào Thị Xuân Yến (1952-1955). Cô Nguyễn Thị Quýt (1955-1956). Cô Nguyễn Thị Tiết (1956-1960). Cô Đặng Tống Tịnh Nhơn (1960-1964). Cô Tôn Nữ Thanh Cầm (1964-1965). Cô Thân Thị Giáng Châu (1965-1966). Cô Lê Thị Tường Loan (1966-1973). Cô Phan Thị Bích Đào (1973-1975).

Cũng để nhớ về cựu nữ sinh Đồng Khánh thời áo tím, áo trắng ngày xưa, Ban tổ chức đã mời các chị đại diên cho từng thời kỳ lên khán đài diện kiến thầy cô và các bạn. Thời kỳ đầu tiên (giai đoạn 1945-1951), có chị Lê Thị Mỹ, chị Nguyễn Thị Thu (cả hai chị sau này đều là giáo sư Đồng Khánh). Thời kỳ thứ hai (giai đoạn 1951-1957), có chị Lê Khắc Ngọc Cầu, chị Tôn Nữ Diệu Trang (cùng là giáo sư Đồng Khánh và Quốc Học), chị Trần Thị Hoắc Hương. Thời kỳ thứ ba (giai đoạn 1957-1963), có các chị Huyền Tôn Nữ Mai Hương, Tôn Nữ Tuyết Mai (đều là giáo sư Đồng Khánh), chị Cao Thị Yên Trang, Chị Bùi Kim Chi, Chị Dương Thị Từ, chị Nguyễn Cửu Kim Chi. Thời kỳ cuối cùng (giai đoạn 1963 cho đến ngày mất tên trường 1975), giai đoạn này có rất nhiều cựu nữ sinh Đồng Khánh dự Lễ Hội. Đại diện cho thời kỳ này, chị Nguyễn Thị Thu Thảo nghẹn ngào và người nghe thì sụt sùi : « Thưa quí thầy cô và các chị, chúng em vào trường Đồng Khánh năm có biến cố lịch sử Mậu Thân 1968, rời trường cũng vào năm có biến cố 1975 và từ đó … mất tên trường … ». Ngậm ngùi. Thương cảm. Đồng Khánh ơi !. Rồi tất cả đã cùng nhau đồng ca bài Mái Trường Xưa với hoa soan thay hoa phượng đùa trong nỗi nhớ xôn xao một thời Đồng Khánh nghịch ngầm đáng yêu …Thầy cô đang trìu mến nhìn các em. Lớn tuổi nhất là Thầy Châu Trọng Ngô, đã vào tuổi hạc cửu tuần. Cùng với thầy từ Huế vào Sài Gòn dự Lễ Hội có cô Phan Thị Bích Đào và cô Tôn Nữ Tuyết Mai đã làm cho Đồng Khánh ở Sài Gòn thật ấm lòng.

Một tác phẩm của nữ sinh Đồng Khánh nửa thế kỷ còn lại. Sinh nhật lần thứ 50 của "Nàng" được quay về. Mọi người nôn nao chờ đợi "Tập San Nữ Sinh Trung Học Đồng Khánh. Mùa Hè 1967." lên màn đấu giá …Thời gian vội vã chen nhau từng phút, từng giây. Một Quốc Học và một Đồng Khánh tranh nhau. Nhưng … cuối cùng "anh" phải nhường "em" vì gương mặt em nhìn thánh thiện và rạng rỡ quá : "Mình phải giành cho được vì trong nớ có bài viết của con bạn thân mình". Dễ thương ghê, cô bạn Nguyễn Cửu Kim Chi của tôi …


Và đây :
"Nghìn năm Hương Ngự hữu tình 
Trăm năm Đồng Khánh soi mình Hương Giang"
… "Đâu còn là chuyện ngày xưa 
Nữ sinh Đồng Khánh bây giờ là em".
Chữ viết màu tím, nền nả, điệu đàng trên nền giấy trắng, khung hình trắng tượng trưng cho áo trắng nữ sinh với hình ảnh cầu Trường Tiền, cành phượng đỏ đã thể hiện tấm lòng của một cựu nữ sinh lớn lên từ lớp Mẫu Giáo của trường Đồng Khánh gửi đến Lễ Hội mừng sinh nhật lần thứ 100 của "Mẹ" qua nét vẽ chữ của chính mình. Rồi bức tranh thư pháp cũng lại vào tay của một cựu nữ sinh Đồng Khánh vì "có chữ Đồng Khánh" màu hồng … đậm nét sắc màu của thuở còn đi học ( bạn ấy tâm sự ) … Tất cả đều là trường xưa, bạn cũ …
.

Có một điều làm cho tôi buồn buồn là cô Ngô Thị Vinh, giáo sư hướng dẫn và dạy Văn rất hay năm tôi học đệ ngũ vì bệnh không tham dự lễ được. Cô là thần tượng của nhiều lứa học trò Đồng Khánh ngày ấy. Cô giáo Lê Thị Liên cũng không dự vì bệnh. Các chị vừa tổ chức lễ, vừa lo lắng về bệnh tình của cô, một thời cô là người đẹp "học trò" và cũng là người đẹp "cô giáo", được rất nhiều học trò Quốc Học và Đồng Khánh ngưỡng mộ vì … "cô đẹp". Tôi muốn nhắc đến cô vì cô là một trong bốn thầy cô (Cô Thu, thầy Hoan, Cô Liên, thầy Hiển) đã cố vấn, giúp đỡ ý kiến cho việc tổ chức lễ hội mà hôm nay lại không có mặt.

"Lời sông núi bừng vang bốn phương trời 
Giục chúng ta đường phụng sự quyết tiến …"
.
Chương trình văn nghệ "đặc sắc" của cựu nữ sinh Đồng Khánh ở Sài Gòn diễn ra vô cùng sôi động. Các chị giỏi quá. Tất cả từ lục tuần trở lên nhưng chị nào cũng hát hay, diễn hay, múa đẹp. Hai tiết mục để lại tình cảm sâu lắng trong tôi là Hợp ca Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương và Hoạt cảnh Nam Quốc Sơn Hà do chị Mộng Huyền, cựu nữ sinh Đồng Khánh 64-71 dàn dựng (người đẹp một thời ở nhà sách Gia Long, đường Trần Hưng Đạo Huế ). Cả hai tiết mục này đã làm cho không khí Lễ Hội "nóng" lên, khơi dậy tình yêu nước không nguôi - Việt Nam … Việt Nam … muôn đời ….
.
Nắng ở trên cao, mắc võng đong đưa hát tình ca Đồng Khánh, âu yếm nhìn Huế xưa giữa Sài Gòn có cổng trường hồng, có tà áo trắng lẫn trong tà áo tím, nghe lén lời thầm thì của Thầy cô và học trò bồi hồi chia tay nói lời hẹn ước:  "Nói đi. Đồng Khánh ơi! Bao năm nữa chúng ta lại quay về. Còn thời gian không. Có còn không"  Ướt mi. Thời gian ơi ! Sao không phải là ngày xưa !!!
.
BÙI KIM-CHI.
.
.
ĐỒNG-KHÁNH (xin bấm vào đây)