Tuesday, February 28, 2017

Cô giáo và Nữ sinh Đồng Khánh

Bài viết của Hoàng Mỹ-Đức (ĐK 66) 

(Nguồn: Internet)
..
.
CÔ GIÁO và NỮ SINH ĐỒNG KHÁNH
.
Nhìn đi nhìn lại thì hình như tất cả các cô nàng ĐK đều đẹp, cái đẹp đó đi từ ngôi vị cao nhất hoa hậu, đẹp ít thua một tí thì á hậu, rồi đến hoa khôi và hạng chót cũng là người đẹp ! Chẳng cần có ban giám khảo nào chấm cho cuộc thi lớn này vì thực vậy chính họ đã vừa là người dự thi, vừa là một giám khảo, họ tự cho điểm nhau, tự cho điểm mình rồi vô tư liệt thứ hạng trao vương miện, đeo vòng nguyệt quế cho nhau, thế mà ai cũng hài lòng sung sướng chẳng hề có chút ganh tỵ gì. Nghĩ mà tức cười, quả như thượng đế ban đầu khi nắn nên Eva từ cái xương sườn của Adam rồi tiếp tục có cả thế giới đàn bà .... Ngài đã ban cho một tên gọi chung là “phái đẹp” để từ dạo ấy cho đến đời các cô ĐK ai cũng đẹp, chẳng hề có người xấu ! Hi Hi !

Các cô ĐK đây phải kể từ cô giáo trở xuống học sinh. Bây giờ trong ký ức người đang ghi lại những dòng này thấy vô cùng thú vị khi được chứng kiến những hình bóng một thời đó.
.
Các cô giáo và học trò ĐK tuy ở khắp nơi trong thành phố nhỏ bé là thế nhưng cứ mỗi ngày tất cả các nhan sắc tập hợp lại rải rác trên sân trường thì thật không có bút vẻ nào có thể ghi lại hết những cái đẹp ấy.
.
Từ dáng điệu quí phái, thướt tha như người đẹp trong tranh, thì những lời xuýt xoa và bao nhiêu đôi mắt chạy theo cũng không bén kịp tà áo lụa mượt mà của cô Diệu Tâm, A Trang. Thật thú vị khi nhìn mái tóc uốn dài, vén khéo một bên điệu đà không khác gì tài tử của cô Bá Diệp, cô Doãn hay mái ngắn demi-garcon của cô Cam Thảo, Bích Đào. Ngay cả vẻ đẹp ôn nhu, hiền hòa của cô Tịnh Nhơn, trang đài của cô Quế Hương, cái vui rộn ràng của cô Tiểu Bích bên cạnh tính nghiêm trang, kín đáo của cô Lưu Ty, Mỹ Trang, vẻ cứng cỏi lạnh lùng có nét đẹp giống vị đệ nhất phu nhân Jackie nước Mỹ của cô Phương Lan lẫn với sự đôn hậu của cô Tiết, cô Thu, cô Mỹ, có sư thân mật của cô Thanh Tâm, và những nụ cười duyên dáng đậm đà của cô Minh Châu, Thanh Thu. Thật là một bức tranh tuyệt vời để ngưỡng mộ !

Đám học trò thường xuyên tiếp tục theo dõi các cô giáo từ nét mặt, bộ dạng, cách trang điểm, hình thức bên ngoài ... để chấm điểm. Mùa nào cũng là mùa thời trang của các cô nhưng mùa lạnh là mùa để diện những áo khoác mode nhất -- hồi đó manteau hai lớp thịnh hành, hai màu trong ngoài khác nhau mà cách pha màu tinh tế không thua kém những chiếc áo lông xù mềm mại từ len ngoại nhập sang trọng. Tôi cứ nhớ mãi trong ký ức áo len lông xù màu xanh da trời, màu vàng nhạt của hai cô Lệ Thủy, Lệ Khanh từ xe hơi bước xuống như các công nương. Rồi nhớ đến vẽ nhanh nhẹn của cô giáo điệu trẻ trung mặc áo đầm đi dạy là cô Tăng thị Nguyệt.

Và cứ thế Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi ngày nhìn những “tà áo Văn Quân” muôn sắc, muôn màu, muôn vẻ của các cô giáo, tự nhiên đám học trò lớn nhỏ trở thành những giám khảo tự lựa chọn cho mình một thần tượng riêng, nhiều khi còn hơn thế -- lựa cho mình một tình yêu đầu đời với trái tim nóng bỏng ngây thơ thanh khiết. Không cười sao được vì theo tôi tình yêu này mang tính bất thường nhưng không kém độc đáo, ha ha ! Chỉ nội trong đoàn cùng lớp của chúng tôi thôi là có nhiều tình yêu nổi bật rồi. Quế Hương thì si mê cô Lý Kiên, Kim Hồng thì thương cô Mỹ Trang, Bình An ái mộ cô Võ Thị Nhàn, Như Mai kết với cô Cam Thảo, sau này lứa già hơn một chút thì Ni Na với cô Bích Đào,... Thật lạ, chẳng phải tình yêu nam nữ mà sao những trái tim này luôn rung động theo một tần số quá cao, tôi phì cười khi nhớ đến mỗi khi cô Lý Kiên gặp mà không cười với Quế Hương là hắn về lớp khóc như mưa, như gió mùa đông xứ Huế, để các bạn phải hết lời an ủi hoặc như đầu một ngày Như Mai phải chạy đi tìm gặp cho được cô Cam Thảo để thấy cô, ngày nào cũng như ngày ấy thì vào học mới chú tâm. Vui nhất là vẻ rụt rè, thậm thà thậm thụt gởi thư qua lại của Ni Na với cô Bích Đào là tụi tôi đưa tay chào hàng. Kim Hồng thương cô Mỹ Trang với tình thương đậm đà không quá biểu tỏ như các bạn khác. Mà đó chỉ là lứa của tôi chứ còn lứa bạn lớp trên và lứa các em lớp dưới nữa, cứ tiếp tục với mối tình đầu dễ thương như vậy đó. Có lẽ vì các nữ giáo sư ĐK cũng khá độc đáo để khó có trường nào, nơi nào có các cô giáo như vậy.
Một điểm đặc biệt của ĐK là tất cả các cô giáo trước đây cũng trưởng thành từ học trò ĐK, có tên đẹp làm sao -- đó là những mỹ danh hay, lạ, có ý nghĩa như Lưu Ty, Sương Hà, Khanh Tương, Diên Chi .... mà chỉ riêng xứ Huế mới có. Dường như các cụ thân sinh đã lựa chọn từ trong cái đẹp của Đường thi cho các cô rồi,

Học trò kính trọng, quí mến cô giáo. Ngược lại các cô đối với học trò bao giờ cũng dạy dỗ không những hết lòng trong môn học mà đôi lúc còn rất gần gủi với học trò, hướng dẫn thêm những kiến thức ngoài đời, động viên, an ủi, tìm hiểu hoàn cảnh để cùng tâm sự ... cho nên việc học trò yêu thương, ngưỡng mộ các cô cũng đúng thôi.
Những gì của các cô đã tạo những ấn tượng, những hình ảnh đi  vào mắt, in vào trí để đám học trò ĐK dù khi ở gần hay ở xa quê hương, khi lớn tuổi ngồi nhớ Huế, thì lập tức nhớ luôn cả cái nóng, nhớ từng cơn mưa nhỏ hay mưa dầm, nhớ cái lạnh lập cập miệng thở ra khói, nhớ lại trường xưa với phượng vỹ trong sân, nhớ luôn cô giáo, với những khuôn mặt, những nụ cười, những nghiêm nghị chừng mực, nhớ những màu áo ... Đó là những hoa hậu, á hậu, hoa khôi, của học trò ĐK chúng tôi, đó là những người đẹp cô giáo không bao giờ có tuổi, mãi mãi vẫn dừng lại ở lứa tuổi ba mươi!
.. 
Nói đến học trò ĐK, nhạc sĩ Thu Hồ đã sáng tác một bản nhạc quá hay, quá dễ thương  kết hợp với tiếng hát tuyệt vời của chị Lục Hà ( ca sĩ Hà Thanh ) cũng là nữ sinh Đồng Khánh trước đây đã tạo nên một bức tranh sống động từ các cô học trò Đồng Khánh xứ Huế trong buổi tan học. 
“Khi gió mới lên làn tóc tung tăng, xỏa ngang bờ vai trong tuổi dậy thì” có lẽ không ai diễn tả hay hơn thế. Tôi hình dung ngay trước mắt những thiếu nữ đang lớn tùy theo từng lứa tuổi, ngây thơ đùa giởn trong sân trường trong những giờ chơi và nhất là giờ tan học. Muôn vàn áo trắng đi bên nhau trên đường hoặc xe đạp sóng đôi trò chuyện ... cho nên Trịnh Công Sơn mới ví đó là “những cánh vạc bay". Người khác miền ra xứ Huế mà lòng không xao xuyến bởi màu nước sông Hương và nữ sinh Đồng Khánh mới là lạ để:
“Có ai vô lý như thi sĩ
 Môi nở qua đường cũng nhớ thương...”

ĐK có một số học trò đẹp nổi tiếng. Từ thế hệ của mấy dì tôi thì phải nhắc đệ nhất mỹ nhân Tố Cần, xếp đồng hạng mỗi người một vẻ là Trà My, Ngọc Diệp để có những vầng thơ từ Khải Định:
“  Tôi gặp cô em có một chiều,
Một chiều nắng nhạt gió hiu hiu
Mà thôi từ đó giây thân ái
Siết chặt cho lòng bao mến yêu...”

 Lứa cô tôi tiếp theo có Thanh Châu, Dạ Thảo, Hồng Nghê, Diệu Hạnh ... “mỗi người mỗi vẻ”. Kế tiếp là Thu Sương để nhạc sĩ Văn Phụng khi lạc về xứ Huế trên đường vắng chợt nghe tiếng dương cầm của chị Thu Sương vọng từ trên lầu cao đã gây cảm xúc viết nên “Tiếng Dương Cầm”.  Đến thời “ Soi bóng bên tê vườn Thúy Hạnh / Tương tư rêu phủ mái Bình Linh ” thì màu mắt của người đẹp vườn Thúy Hạnh là Phương Thảo đã đi vào “Nắng Thủy Tinh” của Trịnh Công Sơn. Ngoài Phương Thảo, bên cạnh còn có Xuân Lan, Tương Giang, Diệu Lê, Xuân Mai ... đếm ít ra cũng đến thập đại mỹ nhân thế hệ ấy mà ai cũng “mười phân vẹn mười” cả. Lứa chúng tôi nổi tiếng với Diệm My như chị Tố Cần nổi tiếng thời trước nhưng tiếc là chẳng có ai làm thơ ca tụng như lứa đàn anh ca tụng các chị thời trước. Cũng không quên nhắc đến Thủy Tiên, Tín Hương “Có Những Niềm Riêng”, Bích Thọ, Bích Hà. Và tại sao lại quên đi uẩn tình thật sự với hàng trăm bức thư của Trịnh Công Sơn gởi người đẹp Dao Ánh nhỉ ? Những lớp sau của chúng tôi cũng có muôn vàn sắc đẹp làm nao lòng người nhưng khi ấy tôi đã rời trường nên không biết đến, thật đáng tiếc!
Tiếu lâm một chút để tự tin mà tóm lại rằng -- ngoài những người nổi danh vừa kể còn lại bao nhiêu là bấy nhiêu người đẹp ĐK cả. Hi Hi !
.
.
Nữ sinh ĐK dâng hoa trong ngày lễ Hai Bà Trưng tại Huế 

Học trò ĐK qua từng thế hệ xinh xắn như vậy đó, duyên dáng vô cùng trên từng nụ cười, liếc mắt, nghiêng nón ...  “sao em không nhìn mà nghiêng nón...” những cử chỉ đó hình như là thủ thuật của nàng đẹp, của tóc dài Đồng Khánh mà Trời ban cho lúc tạo dáng để làm lay động thế gian.

Ôi cám ơn Thượng Đế đã cho xứ Huế có một kho tàng nhan sắc nằm ở trường ĐK tôi. Kể làm sao hết niềm hảnh diện, niềm tự hào đó. Phải ví như những xâu chuổi muôn màu kim cương, hồng ngọc, bích ngọc, thúy ngọc, lam ngọc ... lóng lánh, trân quí tuyệt vời.   

Tôi cũng là học trò Đồng Khánh lúc nhỏ ngồi nghe kể, lớn lên hay đứng nhìn các chị, các bạn đó mà ngưỡng mộ thích thú. Bởi bản tính ưa đùa, nghịch ngợm nên cái nhìn của tôi cũng dưới nhận xét khác người. Họ độc đáo không những trong cái đẹp riêng của mình, lại còn độc đáo trong tình yêu. Những người đẹp sau 1975 dù có dạy, có học trong ngôi trường hồng đó cũng hết hân hạnh để được gọi và hảnh diện là cô giáo và học trò Đồng Khánh. Dòng sông xanh không bao giờ đổi tên nhưng tên trường của chúng tôi thì đã mất. Từ ngày Hai Bà Trưng thay cho Đồng Khánh, thì ĐK chỉ còn là một di sản trong hồn xứ Huế, di sản với những tượng đài sắc đẹp từ hình thức lẫn nội dung sẽ không bao giờ phôi phai dù đất có biến cải, núi lay động và biển có ầm ầm cuộn sóng thì tình đó, kỷ niệm đó giữa cô giáo và nữ sinh ĐK chúng tôi mãi mãi vượt không gian thời gian !
...
Viết xong trưa 10.06.2016..
Hoàng Mỹ Đức
..
(Bạch Lan gởi)..