Wednesday, May 31, 2023

Tai Hại của Ngũ Dục

 Trương M-Vân (ĐK 67) ghi li theo li ging ca Thy Thích Pháp Hoà, tu vin Trúc Lâm, Edmonton, Canada và tài liu từ thuvienhoasen.org

.
(Nguồn: Internet)
.
TAI HI ca NGŨ DC.
NGŨ DỤC
Theo lời dạy của Đức Phật, Ngũ Dục là năm điều con người thường ham muốn, thích được thoả mãn đầy đủ, gồm có tài dục, sắc dục, danh dục, thực dục, và thuỳ dục; thường gọi tắt là “tài, sắc, danh, thực, thuỳ”.
Tài dục: lòng ham muốn tiền bạc của cải, vàng bạc, tài sản vật chất, những thứ con người ưa thích.
Sắc dục: đắm say đam mê những gì xinh đẹp mỹ miều, những thứ gợi lên lòng ham muốn.
Danh dục: lòng ham muốn danh thơm tiếng tốt, địa vị, quyền cao chức trọng trong xã hội, những thứ con người phải nỗ lực để đạt được.
Thực dục: lòng ham muốn ăn uống cao lương mỹ vị, những món ngon vật lạ, hoặc hiếm có, và sự ăn uống nhiều quá độ.
Thuỳ dục: sự ham muốn ngủ nghỉ nhiều đến quá độ.
.
Nguồn Gốc của NGŨ DỤC
Ngũ Dục phát sanh khi 5 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân tiếp xúc với ngũ trần (sắc là hình dạng và màu sắc, âm thanh, mùi hươngvị chua ngọt đắng cay..., và xúc chạm như mềm mại, thô cứng...)

Sắc dục: ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt.
Thanh dục: ham muốn tiếng hay, lời dịu ngọt.
Hương dục: ham muốn mùi thơm ngạt ngào.
Vị dục: ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt.
Xúc dục: ham muốn sự đụng chạm êm ái, dễ chịu.
.
TAI HẠI của NGŨ DỤC
Đức Phật thường ví dục vọng với bảy điều: như một khúc xương khô, như một miếng thịt tươi, như bó đuốc bằng rơm, như hầm lửa, như con rắn độc, như giấc mộng, và như vật vay mượn.
1. Đức Phật thường ví dục vọng như một khúc xương khô. Ngài nói cũng như một con chó đói gầy ốm, mệt mỏi, đến bên chỗ mổ bò. Người đồ tể quăng cho con chó một khúc xương đã rút tỉa hết thịt. Con chó lượm được khúc xương, chạy đến chỗ này chỗ kia mà gặm, đến rách môi, mẻ răng, hoặc rách cuống họng, nhưng con chó không vì vậy mà đoạn trừ được đói. Cũng vậy, “Dục vọng như khúc xương khô, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy những điều nguy hiểm”.
2. Đức Phật ví dục vọng như một miếng thịt tươi. Hãy hình dung trên cánh đồng cách thôn xóm không xa, có một miếng thịt rơi trên khoảng đất trống, một con quạ tìm thấy và mang miếng thịt ấy bay đi, rồi những con quạ khác trông thấy đuổi theo để tranh dành. Chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu con quạ ấy không vội vã xả bỏ tức khắc miếng thịt này thì liệu những con quạ khác có dừng sự truy đuổi chăng? Không thể có, vì những con khác sẽ truy đuổi, tranh dành cho đến cùng. Đức Phật kết luận: “Cũng vậy, dục vọng như miếng thịt, hoan lạc ít mà khổ não nhiều, đầy những nguy hiểm”.
3. Đức Phật ví dục vọng như bó đuốc. Người cầm bó đuốc rơm đang cháy mà đi ngược gió, nếu không liệng bỏ tức khắc nhất định sẽ bị cháy tay, cháy người. 
4. Đức Phật ví dục vọng như hầm lửa lớn, nếu một người không ngu si, không điên đảo, chỉ muốn hạnh phúc, ghét sự đớn đau, người ấy không lý do gì lại nhảy vào hầm lửa.
5. Đức Phật ví dục vọng như con rắn độc to lớn, dữ dằn. Nếu một người không ngu si, không điên đảo, muốn hạnh phúc, ghét khổ đau, muốn sống chứ không muốn chết, thì người đó không dại gì thò tay cho con rắn cắn. 
6. Đức Phật ví dục vọng như giấc mộng. Một người nằm mộng, thấy mình sung túc, hưởng năm thứ dục lạc thỏa thích, nhưng khi tỉnh dậy, một thứ cũng không thấy. 
7. Đức Phật ví dục vọng cũng như vật vay mượn. Vay mượn càng nhiều thì trả càng mệt..
Tóm lại, ngũ dục như khúc xương khô, như miếng thịt, như bó đuốc, như hầm lửa, như rắn độc, như giấc mộng, như vật vay mượn. Chúng ẩn chứa tiềm tàng những mối hiểm nguy, vui ít khổ nhiều, càng vướng vào dục thì đau khổ càng ngày càng nhiều hơn. Vì vậy con đường tu tập của Phật giáo là con đường xuất ly, đoạn tận, và diệt trừ sự tham muốn các dục, bởi đó chính là nguyên nhân của mọi khổ đau, hệ lụy. Đức Phật đã từng nói nếu ai diệt được dục thì Ngài sẽ xác chứng cho người ấy “thành thánh quả với thần thông, với lậu tận thông, khi đã tận diệt các lậu hoặc”.

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ có một số đông những người ngoại đạo tìm đến chỗ các Tỳ-kheo thảo luận. Họ nói rằng có gì khác nhau giữa thuyết của Phật với thuyết của họ về ba vấn đề dục, sắc pháp và cảm thọ, vì họ cũng như Phật, hiểu biết hoàn toàn về ba pháp ấy. Các Tỳ-kheo không trả lời được sự chất vấn của họ nên đã đem vấn đề này trình bày lại với Phật. Phật giảng về sự liễu tri (sự thấu hiểu thông suốt, thâm sâu) ba pháp ấy trong giáo lý Ngài, ấy là cần phải hiểu rõ ba điều: vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly ra khỏi chúng. Với ba điều này, ngoài Đức Thế Tôn ra, không có bất cứ một ai trên đời, từ chư Thiên cho đến các loài  Ma, Phạm tăng, Sa-môn, Bà-la-môn, và loài Người, không có bất cứ ai có thể biết được nghĩa ấy để tuyên bố, giải thích rõ ràng như Ngài. 
Liễu Tri về Dục
1. Vị ngọt của dục là năm pháp (chữ pháp [“dhamma” không viết hoa] nghĩa là tất cả sự vật và hiện tượng ở đời, còn chữ pháp viết hoa “Dhamma” nghĩa là giáo pháp của Phật), năm pháp này làm tăng trưởng dục: các sắc, thanh, hương, vị, xúc khả ái do năm giác quan mắt, tai , mũi, lưỡi, và thân tiếp nhận, khiến phát sanh ra lạc và hỷ.
2. Sự nguy hiểm hay tai họa của dục: vị ngọt của dục chỉ tột cùng đến đó chứ không thể hơn nữa, nhưng tai họa của nó thì rất nhiều:
+ Vì con người theo đuổi năm  thứ ấy mà phải vất vả làm lụng đủ thứ nghề nghiệp. Đôi khi còn tham lam quá độ đến nỗi tạo thêm ác nghiệp.
+ Sự đau khổ, thất vọng ê chề nếu sau bao nhiêu nỗ lực theo đuổi mà vẫn không có được điều mình mong muốn.
+ Sự mất công gìn giữ, lo sợ mất mát khi đã có được những điều mình đeo đuổi.
+ Nỗi đau khổ ghê gớm khi tài sản đã có bị mất trộm, bị chính quyền tịch thu, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu cháy, bị con cái hư đốn làm phá tán.
+ Vì các dục mà chiến tranh xảy ra khắp nơi giữa người với người; ngay cả trong gia đình, vợ chồng con cái cũng tranh chấp nhau, đưa đến tử vong hoặc đau khổ gần chết.
+ Do dục mà con người trở nên hung bạo, tán tận lương tâm, đánh nhau đến chết bỏ.
+ Do dục mà có cướp bóc giết hại, và có những hình phạt ghê gớm dành cho tội nhân..
Kết Luận
Đức Phật dạy rằng người đắm say, đam mê theo ngũ dục quá đáng, giống như con chó gặm khúc xương khô, như kẻ cầm bó đuốc bằng rơm đi ngược gió, như chứa rắn độc trong nhà v.v... Hưởng thụ ngũ dục không có chừng mực điều độ sẽ làm chúng ta khổ não trong hiện tại và tương lai. 
.
Trương M-Vân (ĐK 67) ghi li theo li ging ca Thy Thích Pháp Hoà, tu vin Trúc Lâm, Edmonton, Canada và tài liu từ: thuvienhoasen.org.
(Post lại)