Friday, December 8, 2017

Cổ thi: thơ Tô Đông Pha

Trương Mỹ-Vân (ĐK 67):
.
(nguồn: Internet)
.
Cổ Thi: Thơ Tô Đông Pha

Lô sơn 鑪山 •
Núi Lô

  

Lô Sơn 
.
Lô sơn yên toả Chiết giang triều, 
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu. 
Đáo đắc bản lai vô biệt sự, 
Lô sơn yên toả Chiết giang triều.

.
Bản dịch của TRÚC THIÊN

Khói toả Lô Sơn, sóng Chiết Giang, 
Khi chưa đến đó luốn mơ màng. 
Đến rồi, hoá cũng không gì lạ, 
Khói toả Lô Sơn, sóng Chiết Giang.

Bản dịch của TRƯƠNG VIỆT LINH

Sóng Chiết Giang mờ khói núi Lô,
Chưa qua lòng những ước ao mơ.
Đến nơi mới rõ nào đâu lạ,
Sóng Chiết Giang mờ khói núi Lô.

Đại ý bài thơ này nói rằng thông thường ở đời những gì con người không đạt được thường gây mơ tưởng luyến nhớ nhưng khi đạt được rồi, những điều ước mơ đó trở nên tầm thường như bao nhiêu giấc mơ khác đã toại nguyện. Cũng như thế: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Đời bt vui khi đã vẹn câu thề."
.
.
Tô Đông Pha
(nguồn: Internet)
.
Tiểu sử Tô Đông Pha

Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô. Thái độ của ông rất hào sảng lạc quan, tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần song ông không để ý, vẫn ung dung tự tại, đọc sách làm vui. Ông là người giàu tình cảm nên phản ánh tới văn từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ. 

Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII), khoáng đạt nhất, tư tưởng và tính tình cũng phức tạp nhất. 

Ông sinh năm 1036 (có sách nói là 1037), mất năm 1101. Hồi 10 tuổi, cha là Tô Tuân đi du học bốn phương; mẹ, họ Trình, dạy ông học. Mới mười lăm mười sáu tuổi ông đã thông kinh sử, rất trọng đạo Nho và có chí giúp nước. Năm 21 tuổi ông đậu Tiến sĩ, rồi làm quan luôn ba chục năm, nhưng chìm nổi bất thường, một phần vì ông có giọng mỉa mai, hay làm thơ châm biếm về chính trị, nên ít người thích.

Ông ở trong phái thủ cựu, không ưa những cải cách mạnh bạo của Vương An Thạch. Khi luận về chính trị thường giữ đạo trung hoà, không cầu gấp thành công, cứ bình tĩnh đợi sự tình biến đổi mà đối phó. Tuy nhiên ông không phải là người cổ hủ, trái lại rất lo đến kinh tế, võ bị, lập một kế hoạch di dân, đề nghị nuôi binh ở trong dân (thời bình là nông dân, nhưng luyện tập quân sự để thời loạn thì thành lính). Ông lại thực hiện được công việc khơi sông ở Từ Châu, công việc đắp đê ở Hàng Châu, làm lợi cho nông dân rất nhiều. Đê đó mang tên ông (Tô đê), trồng đào liễu ở hai bên, rất ngoạn mục.

Ông sáng tác được 4000 bài thơ, 300 bài từ, tản văn rất nhiều bày hay (như Phóng Hạc đình ký, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, v.v...). Vì chịu ảnh hưởng của Lão Trang, nên văn ông như lưu thuỷ hành vân, hùng vĩ mà khoáng đạt, không chịu một sự trói buộc nào cả.

Chẳng những văn ông hay thơ ông tuyệt, mà ông vẽ cũng khéo, viết chữ cũng tài, ông lại thông cả âm nhạc nữa. Thực là một thiên tài trác việt. Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa hiện nay, rất trọng ông, cho rằng văn ông càng về già càng bình dị, sâu sắc, và đã viết một cuốn sách kể đời ông, "The Gay Genious - The Life and Times of Su Tungpo". 
.
Trương Mỹ-Vân (ĐK 67) sưu tầm
.
.
(nguồn: Internet)
.