Friday, April 28, 2017

Những Ngày Tháng Không Quên

Bài viết ca Cô HOÀNG TH DOÃN, cu giáo sư Trưng Đng Khánh
.
Tranh Bá Nguyễn
.
Nhng Ngày Tháng Không Quên
.
Đúng là những ngày tháng không quên thật! Sau 30.4.75, tôi bị ở lại Việt Nam là một điều quá ngu xuẩn rồi. Tự mình làm hại mình và hại cả tương lai con cái nữa. Niềm đau này thật không làm sao phôi pha được với thời gian, vết thương trong lòng tôi cứ chua xót ngậm ngùi!
..
Nhớ lại ngày tôi vào trình diện tại trường SNA cũng là ngày không quên được nữa! Bước chân đến trường với tâm tư hoang mang cùng cực, không biết rồi đây mình sẽ làm gì và sẽ được đối xử như thế nào đây? Vừa vào đến sân trường đã thấy một số bạn bè ngồi sẵn trên các ghế đá, nhìn nhau nhếch mép không nổi; ai còn ai ở lại đều rõ cả rồi.
.
Nhìn kỹ các bạn đồng nghiệp, tôi thấy có người đã mặc áo bà ba quần đen. Có lẽ phải thay đổi cách ăn mặc như vậy mới thích nghi với hoàn cảnh mới chăng? Và Cộng Sản vào đây chỉ để làm cho con người trở nên quê mùa xấu xí mà thôi?!
Qua bao thủ tục như khai tên họ, nộp lại thẻ căn cước v.v… Chúng tôi trở lại nghề “gõ đầu trẻ” của mình. Ngay hôm khai giảng, nghe bài Quốc Ca dưới sân trường mà tôi rùng mình và muốn khóc! Tôi cứ bàng hoàng không thể ngờ được có một ngày quê hương tôi đều nhuộm đỏ như thế này! Viết đến đây, tôi lại nhớ có một lần phải điều khiển buổi lễ chào cờ, một bạn đồng nghiệp của tôi đã bắt đầu bài Quốc Ca “Này công dân ơi….”. Chúng tôi qua một thoáng sững sờ, muốn cười quá sức mà đành phải nín lặng..

Tôi may mắn hơn các bạn dạy Văn, Sử; môn Khoa học mà tôi phụ trách thì dù ở thời đại nào cũng phải diễn tả trung thực mà thôi. Chỉ tội nghiệp xót xa cho các bạn tôi, giảng bài mà không dám nhìn thẳng vào mặt học sinh, chỉ biết nhìn bức tường trước mặt và cố đóng cho xong vai trò. Nói dối quá sức như vậy làm sao khỏi hổ thẹn lương tâm của một nhà giáo đã chứ!
..
Những ngày tháng kế tiếp của chúng tôi thật nặng nề, chán nản, hội họp liên miên khiếp quá! Suốt tuần không có ngày nào được ở nhà. Buổi sáng vào lớp dạy, chiều lại họp. Chao ôi! Họp kiểu gì mà họp dữ vậy không biết? Nào là họp Tổ chuyên môn, họp Khối chủ nhiệm, họp Công đoàn, họp Ban đời sống, họp Ban văn nghệ rồi làm sổ sách, cộng điểm, phê học bạ… Trong phòng giáo sư, luôn luôn có một cái bảng đen chia ra 2 phần: Một phần ghi những việc làm tốt, phần kia là những việc chưa tốt. Điều làm tôi đau đầu và chán nhất là buổi họp đầu tháng, không có tháng nào là không có kế hoạch thi đua. Thí dụ “kế hoạch hái hoa dâng Bác” chẳng hạn. Lại còn thi đua giữa học sinh, thi đua giữa các giáo sư, các tổ chuyên môn, đăng ký dạy giờ, dự giờ, ngồi phê bình kiểm thảo lẫn nhau. Ra khỏi phòng họp là chân bước không muốn nổi và chỉ muốn “thua đi” cho nó rồi.
.
Sau đó lại có mục kết nạp các giáo viên vào Công đoàn; Ban Giám Hiệu cho đó là một vinh dự; còn tôi, tôi lại thấy chính sự kết nạp này nhằm để gây chia rẽ trong hàng ngũ giáo sư. Người chưa được kết nạp sẽ bị coi như là ý thức chính trị chưa tốt; nhưng làm sao tốt được, dù có chẻ đầu óc chúng tôi ra làm hai rồi nhét các chủ thuyết Karl Marx và Lénin vào, cũng thế thôi. Hè đến còn phải học chính trị nữa, năm đầu tiên phải học luôn 3 tháng; những giờ học tập dài lê thê và buồn ngủ quá! Ngoài miệng chúng tôi cũng thảo luận hăng say lắm nhưng thật ra chỉ nói như vẹt, ra khỏi phòng học là không biết mình nói cái gì nữa!
..
Sống với chế độ Cộng Sản thật đúng là chế độ làm bần cùng hóa nhân dân. Ngày nào các Thầy Cô ăn mặc áo quần sang trọng đẹp đẽ, được đám học sinh coi như thần tượng mà bây giờ mỗi Thầy Cô xách tòn ten mỗi người một túm cá, hay 1 túm thịt, một chút bột ngọt, một gói đường… Thật không còn vẻ hào hoa phong nhã của ngày nào! Một số học sinh thường nói với chúng tôi rằng:
– Chúng em nhìn thấy các Thầy Cô như vậy, thần tượng trong lòng chúng em tiêu tan hết!
Cũng đành tiêu tan thôi các em ơi! Vì chính bao tử của các Thầy Cô cũng cần chúng nó kia mà! Chúng tôi thường gọi loại cá này là cá “long hội“, có nghĩa là ăn vào nó sẽ lôi họng mình ra vì quá xương. Nhớ lại việc chia nhu yếu phẩm này mà buồn, cũng có nhiều vị đâm ra so bì cái này ngon, cái kia dở. Cuộc sống thê thảm quá! Đã vậy, ngay các thức cần dùng hằng ngày cũng không được phân phát đầy đủ: 3 người lãnh chung một ống kem đánh răng, hai người lãnh chung một cái mùng hay một cái vỏ xe đạp (xin nói rõ là phải trả tiền chứ không phải cho không đâu). Còn áo quần thì năm nay chỉ mua được 2 mét vải, chỉ may được cái áo thôi, chờ sang năm mới có quần và khi đó cái áo đã muốn rách rồi! Quá chán chường với chính sách bần cùng này nên có dịp là chúng tôi châm biếm mỉa mai. Có một lần đang trong buổi họp, đến giờ giải lao, các Thầy được cho đi lãnh quần đùi. Lãnh xong mặc luôn vào ngoài quần tây rồi trở vào ngồi họp, xem như không có gì xảy ra, làm cho chúng tôi cười một trận đến nôn ruột luôn.
..
Cứ thế với thời gian, chúng tôi gầy gò xanh xao dần. Đồng lương không đủ sống, nửa tháng lãnh lương một lần, cầm mấy chục bạc trong tay mà ngao ngán thở dài, không biết làm sao mà sống đủ trong hai tuần đây? Chúng tôi phải bán dần các thứ còn lại trong nhà để phụ thêm vào, theo đúng chủ trương “sạch nhà, sạch cửa”. Có một thời gian chúng tôi ăn toàn bo-bo, bột mì rồi đến khoai mì thay cơm; ăn làm sao cho hết một ngày cả mấy chục kilô khoai mì, mà để lâu thì bị hư thối, tháng đó bị hụt phần lương thực rồi đó. Ăn không đủ no mà lại làm việc quá nhiều, bắt chúng tôi phải soạn giáo án đầy đủ. Thật là một việc làm vô ích khi những bài dạy từ năm này qua năm kia đã nằm sẵn trong đầu óc chúng tôi, vậy mà đêm về phải thức viết lại ra giấy.
..
Ngoài ra, còn có hai việc khốn nạn nhất là trực đêm và trực cho heo, gà ăn. Gọi là trực đêm chứ nếu có ăn trộm vào gỡ hết gạch ngói của nhà trường, chúng tôi cũng không biết. Mà có biết cũng chẳng dám làm gì vì đàn bà chúng tôi vốn dĩ đã nhát gan rồi. Chỉ việc ban đêm đến trường, leo lên lầu, vào phòng giáo sư bật cho được ngọn đèn lên cũng đã quá mừng rồi. Sau đó, đóng chặt cửa leo lên bàn nằm và trông cho mau sáng; khổ nhất là đứa nào cũng muốn nằm vào phía trong chứ không chịu nằm ngoài gần cửa lớn, cuối cùng đành “oánh tù tì” thôi.
..
Tuy vậy, trực đêm chưa khốn khổ bằng trực heo, gà. Chủ trương chính sách gia tăng sản xuất, nhà trường đã dùng gầm cầu thang để nuôi; chỉ một đàn gà và hai ba con heo mà mỗi ngày đêm có ba ca trực, mỗi ca hai giáo viên. Chúng tôi thường nói lũ heo gà này thật tốt số, chúng được săn sóc kỹ hơn con cái của chúng tôi nữa. Chúng tôi đi suốt ngày thì giờ đâu mà chăm lo cho con, chúng học được chữ nào hay chữ đó, nhiều khi cơm cũng không kịp nấu mà ăn. Đó là chưa kể ngày lễ hay ngày chủ nhật phải đem học sinh đi dự lễ hay làm vệ sinh phường khóm nữa.
Tắm heo và cho gà ăn mà cũng có bảng nội quy treo sẵn trong phòng giáo sư, ai làm chưa tốt được nêu tên lên bảng đen liền. Cho gà ăn còn đỡ, tôi sợ nhất là tắm heo. Phải xắn quần, chui vào gầm cầu thang, người hơi cao như tôi lại càng khổ thân hơn nữa. Phân heo và nước lẫn lộn, bước vào hai chân cảm thấy ghê ghê làm sao! Việc đầu tiên là nắm ngay lấy vòi nước, nhắm mắt nhắm mũi dội cho phân trôi bớt đi đã, phần thì sợ heo cắn nên cứ xịt tưới vào mình nó rồi muốn cho nó đứng yên thì lấy bàn chải mà chà khắp mình. Có lẽ heo cũng giống người, sau khi tắm rửa mát mẻ xong, nó cũng thích đi dạo. Do đó có một lần sau khi tôi tắm cho nó xong, nó đã xổng chuồng chạy luôn, không làm sao chặn đuổi theo kịp. Cả trường vắng lặng vì đang có giờ học, vậy mà con heo hứng chí chạy ngay vào một lớp học, có lẽ nó cũng muốn “dự giờ”! Tôi vừa chạy theo vừa la lên, làm cho cả lớp hôm đó cười một trận đích đáng; cuối cùng cả thầy lẫn trò phụ nhau dắt nó về chuồng.
..
Tôi quá chán ngấy việc đi dạy học này rồi, ít ra cũng phải đủ ăn, công sức mình bỏ ra phải được đền bù xứng đáng. Muốn dạy tốt, học sinh phải học tốt; đằng này chính các em cũng chưa đủ no, làm sao học được? Vào lớp các em nằm ngay trên bàn mà ngủ vì 2 giờ sáng đã phải thức dậy phụ với mẹ lo dọn hàng. Nhìn thấy cả một thế hệ trẻ đang đi thụt lùi dần mà đau lòng vô cùng!
..
Tôi phải kéo lê những ngày buồn chán này vì nếu không có nghề nghiệp gì trong khi chồng đi cải tạo, cả nhà phải dọn đi Kinh Tế Mới. Cuộc sống thật nặng nề ngột ngạt, về địa phương làm gì cũng sợ bị để ý: Năm ba người bạn đến thăm, ngồi quây quần nói chuyện với nhau cho đỡ buồn cũng sợ bị Công an nghi ngờ. Đến trường gặp thêm cái nạn bắt phải bài trừ “văn hóa đồi trụy” như các băng “nhạc vàng” phải xóa hết hoặc cấm không cho nghe các đài ngoại quốc như BBC, VOA… Đầu óc luôn luôn bị căng thẳng, hôm nay đồn đổi tiền, ngày mai nghe đồn chuyện khác mà mỗi lần đổi tiền, nhân dân lại khốn đốn thêm vì vật giá leo thang vùn vụt. Lần đổi tiền đầu tiên tôi sợ quá, mỗi gia đình chỉ đổi được 200 đồng thôi. Cầm số tiền trong tay, tôi đã khóc, cứ sợ làm sao đủ sống, do đó cứ cho các con ăn toàn bí ngô và rau muống triền miên. Công nhân viên mỗi tháng mua được nửa ký thịt giá chính thức, còn ngày Tết mới mua được một ký-lô nhưng phải ra phường khóm xếp hàng từ 3 giờ sáng.
..
Sau 3 năm không chịu đựng nổi, tôi đã quyết định nghỉ dạy dù chưa biết làm gì để sống? Các bạn tôi cũng muốn nghỉ dạy lắm nhưng phần lớn ai cũng sợ vì ngoài việc đi dạy học có quen làm nghề gì khác đâu!
Tôi thì nhất định liều! Sống gì mà ngày qua ngày chỉ thấy mệt mỏi chán chường, không có gì vui cũng không có gì phấn khởi cho chân muốn bước tới. Tôi nộp đơn xin thôi việc, Ban Giám Hiệu đã nhiều lần đến nhà yêu cầu tôi vì các em học sinh mà ở lại, nhưng ai lo cho bao tử mấy mẹ con tôi đây? Bắt đầu đưa đơn là tôi không đặt chân đến trường nữa, dù chưa có quyết định nghỉ việc. Tôi không nhận thêm gì từ tiền lương cho đến nhu yếu phẩm.
..
Sau ba tháng thấy tôi không thay đổi lập trường, Ban Giám Hiệu đành chuyển đơn lên Bộ Giáo Dục. Kể từ đó, tôi mới thấy tâm hồn mình được thảnh thơi nhẹ nhàng rất nhiều. Tôi đi theo một nhóm học trò cũ ra đứng bán ở Chợ Trời, các em tập cho tôi buôn bán. Ra đến đây mới thấy thật đáng thương cho nghề giáo của mình, học hành chữ nghĩa thì nhiều nhưng cũng lại nghề đói nhất. Trong khi ở thế giới này, họ có cần văn chương trí thức gì đâu, vậy mà con cái họ được no ấm đầy đủ hơn con chúng tôi.
..
Những ngày đầu tiên ở đây, tôi cảm thấy tủi nhục quá, khó mà thích nghi với môi trường này, về nhà nằm xuống chỉ muốn khóc. Nhưng các con tôi cần cơm áo, tôi không lo cho chúng thì ai lo đây, chúng cần phải no để mà học. Do đó, tôi chai lì dần với thời gian, đã gọi là Chợ Trời rồi thì Thầy Cô cũng thế thôi, ngang hàng nhau hết.
Ô hô! Mỗi cuộc đời đảo lộn, ai giải phóng ai đây?
..
Khi đọc “Thương Nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng ta thường bâng khuâng tiếc nuối những tháng Tư của dĩ vãng ấu thơ, vào hè của tuổi thơ với những nao nức về ngày nghỉ sắp tới, vội vã trao cho nhau những cuốn lưu bút ngày xanh ép đầy những cánh phượng đỏ thắm! Nhưng đến một tháng Tư kinh hoàng cách đây 30 năm thì những huyền diệu tháng Tư đã sụp đổ tan tành không vương vấn một dư âm nào của khúc nhạc ngày hè năm xưa! Bây giờ mỗi tháng Tư đi qua đời mình là một thẫn thờ hoài niệm khoảng thời gian mở đầu cho những gian nan thử thách với giông bão của cuộc đời.
..
30.4.75, ngày đau thương tang tóc cho toàn dân miền Nam Việt Nam, ngày sụp đổ của một chế độ không lấy gì làm tốt đẹp lắm để thay thế bằng một chế độ khác biệt trăm lần khác biệt và bạo tàn hung ác hơn.
..
Cứ mỗi tháng Tư vào hè trên quê hương, tôi không thể nào quên được 14 năm ở lại gian nan cùng cực, một thời gian khủng khiếp, vô hình đã trở thành một ấn tượng bi thảm cho người dân Việt Nam về hai tiếng 30/4.

Tháng Tư của kinh hoàng, của đau thương, của nghèo đói, của thử thách và cũng phải là khởi điểm của tranh đấu, hy vọng, tin yêu để tái tạo lại một quê hương Việt Nam thanh bình tươi sáng, hạnh phúc và tự do.
..
HOÀNG TH DOÃN
(München – Đức Quc)
.
(post li)

Monday, April 24, 2017

Hoa Sen

Bài viết của Lê thị Chân-Tú (ĐK 67)
.
(Nguồn: Internet)
SEN
..
Mùa sen đến muộn.... Mưa dầm và cái lạnh tê tái kéo dài từ cuối mùa đông sang cả hai tháng giêng, hai làm biến đổi chu kỳ sinh trưởng của cây cỏ. Mọi năm, rằm tháng 4 là gần nửa mùa. Nhưng năm nay, đến ngày Phật Đản, trong các hồ, hoa chỉ lác đác, không đủ để dâng lên cúng Phật. Mãi đến giữa tháng 5, sen bắt đầu nở. Sen đầu mùa trong năm mất mùa, giá cứ ngất ngưởng. Nhưng không sao, cái gì hiếm thì quý. Tôi mua liền hai chục. Một trên bàn Phật, một trong phòng khách. Lọ thuỷ tinh cao, trong suốt, đặt trên tấm lá sen non, rất hợp với dáng thanh thoát của cành và màu trắng tinh khiết của hoa. Mua về, hoa đã chúm chím. Nhưng hình như muốn thử thách sự kiên nhẫn của người yêu hoa nên nó chưa vội nở.
.

Thursday, April 20, 2017

Thiên Thính Ngâm

..
(Nguồn: Internet)
.
Trương Mỹ-Vân (ĐK 67):
.
Mời các bạn xem bài cổ thi này nói về ý nghĩa chữ TÂM trong đạo Phật.
.
THIÊN THÍNH NGÂM
.
Tác giả Thiệu Ung, đời Tống
.
Thiên thính tịch vô âm,
Thương thương hà xứ tầm.
Phi cao diệc phi hoàn,
Đô chỉ tại nhân tâm.

.
Bản dịch của Nguyễn Quốc Đoan:.
.
Lồng lộng trời không tiếng 
Xanh thẳm biết tìm đâu 
Bay cao xa cách mấy 
Đều ở nơi tâm này
.
Bản dịch của Vũ Minh Tân:
.
Nghe trời, trời lặng im, 
Ngăn ngắt xanh, đâu tìm. 
Chẳng ngóng cao đợi thấp, 
Chỉ còn nghe con tim.
.
(Nguồn: Tống Thi Tứ Tuyệt, NXB Thế giới, 2010)
.
Đạo Phật là đạo tâm cho nên HT Thích Giác Hạnh có bài thơ nói về sự quan trọng của chữ TÂM:
.
Chữ TÂM độc tự vậy mà hay,
Thành bại, nên hư cũng chữ này,
Trẻ ráng trau dồi, già ráng giữ,
Đọa sa, thành tựu cũng do đây.
.
HT Thích Giác Hạnh
.
Trương Mỹ-Vân (ĐK 67) sưu tầm
..
(Nguồn: Internet)
.

Tuesday, April 18, 2017

Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa

(Truyện ngắn có thật, không hư cấu)
.
(photo by L T P).
.
Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa
 Tác giả: Lê Tấn Phước.
Con chó nhỏ nhảy qua bức tường thấp, rồi rảo chạy vào bên trong nghĩa địa. Bộ lông trắng của nó thấp thoáng dưới ánh trăng mờ ảo, như ẩn như hiện, như hư như thực. Ma quái làm sao! Tôi bỗng rùng mình nổi da gà.
* * * * *
Cách nay đúng hai mươi năm, hai vợ chồng tôi dọn từ California sang Hawaii sinh sống. Chúng tôi thuê một căn hộ trong chung cư ở vùng Valley of the Temples, Kaneohe.
Căn hộ có phòng ngủ nhìn về hướng tây, phía bên kia đường cái là nghĩa địa. Đây là một nghĩa địa lớn, có những khu vực riêng cho mỗi sắc dân. Nghĩa địa được chăm sóc kỹ lưỡng với những đồi cỏ xanh tươi trông rất mát mắt. Sáng sớm hoặc chiều tà, nhà tôi và tôi thường đi bộ tập thể dục trong nghĩa địa. Chúng tôi lang thang trên trên các đồi cỏ xanh, vừa hưởng những làn gió mát từ biển thổi vào, vừa đọc những giòng chữ khắc trên các tấm bia mộ. Những giòng chữ ngắn gọn, tràn đầy yêu thương và tiếc nhớ của những người còn ở lại dành cho người đã ra đi.
Điều đặc biệt của nghĩa địa nầy là có một khu vực riêng dành cho những con thú cưng. Khu vực nầy nằm trên triền đồi giáp với đường cái, được ngăn chia với khu vực dành cho người bởi một bức tường đá thấp.
Từ phòng ngủ căn hộ của tôi nhìn xéo về bên trái, có thể thấy rõ toàn cảnh nghĩa địa vùng Valley of the Temples.
* * * * *
Một tối nọ, chợt thức giấc nửa đêm, không ngủ lại được, tôi đến bên cửa sổ, nhìn mông lung ra bên ngoài. Ánh trăng như tấm lụa vàng phủ mượt mà xuống những đồi cỏ chập chùng trong nghĩa địa, toát lên một vẻ tĩnh mịch rất liêu trai.
Bỗng từ góc nghĩa địa dành cho thú cưng, một bóng trắng nhảy qua bức tường đá thấp, rảo chạy vào trong nghĩa địa. Tôi nhìn kỹ, thấy đó là một con chó nhỏ, màu trắng. Có vẻ như nó biết nó đang chạy đi đâu, nên mải miết chạy, không bận tâm nhìn chung quanh.
Dưới ánh trăng vàng mờ ảo, bóng trắng của con chó nhỏ thoạt biến thoạt hiện, xa dần, xa dần... rồi mất hút bên kia triền đồi.
Sự việc xảy ra như hư như thực. Ma quái làm sao! Tôi bỗng rùng mình nổi da gà.
* * * * *
Sáng sớm hôm sau tôi tò mò vào nghĩa địa xem thử chuyện gì đã xảy ra. Tôi đi một mình vì nhà tôi rất sợ ma. Tôi đã giấu nhà tôi về chuyện con chó trắng chạy trong nghĩa địa đêm hôm trước.
Đi lòng vòng trong khu vực dành cho thú cưng, tôi để ý thấy một tấm bia mộ có hình một chú chó nhỏ, màu trắng, thuộc giống Toy Poodle.
Tôi đã từng nuôi hai con Toy Poodle khi còn ở Cali nên biết rất rõ loại nầy. Toy Poodle là loại chó rất thông minh và rất ngoan, chỉ có điều không biết nói mà thôi. Đặc biệt là loại nầy rất có tình, biết bày tỏ tình cảm, và biết giận biết hờn giống như người.
Đọc kỹ tấm bia con Toy Poodle, thấy nó tên Monique, mất gần một năm, lúc mười một tuổi. Gia đình chủ nó đã khắc trên tấm bia giòng chữ: “Tưởng nhớ Monique - một em chó hết mực trung thành đã chết theo chủ.”
Tôi tìm khắp nghĩa địa thú cưng mà không thấy mộ con chó trắng nào nữa. Phải chăng con chó trắng chạy trong nghĩa địa đêm qua là Monique? Nghĩ tới đó, dù trời đang nắng ấm, nhưng tôi vẫn thấy lạnh xương sống.
Nhìn khuôn mặt ngoan hiền với hai con mắt ngây thơ tròn đen như hai hạt nhãn, tôi bỗng thấy thương cảm Monique vô cùng. Tôi quyết tâm sẽ đi tìm hiểu câu chuyện về nó.
Trước khi ra về, tôi chắp tay cầu nguyện cho Monique sớm được siêu thoát.
* * * * *
Vì bận việc nên mãi hơn một tuần sau tôi mới có dịp ghé vào văn phòng nghĩa địa Valley of the Temples. Thực tình, khi gặp người quản lý của nghĩa địa, tôi chẳng biết phải mở đầu câu chuyện như thế nào vì sợ ông ta nghĩ mình mê tín dị đoan, tin chuyện ma cỏ linh tinh.
Vòng vo hồi lâu, tôi mới kể với ông quản lý rằng tôi có thấy một con chó trắng chạy trong nghĩa địa vào lúc nửa đêm, chắc là chó của ai đi lạc.
Ông ta nhìn tôi một lúc, rồi hỏi:
- Ông thấy mấy lần?
Tôi đáp:
- Một lần. Tôi cũng chỉ mới dọn đến ở chung cư bên kia đường không lâu.
Ông quản lý hỏi:
- Ông có tin chuyện ma không?
Câu hỏi đến với tôi khá bất ngờ. Tôi chậm rãi trả lời một cách chung chung:
- Tôi nghĩ rằng có một thế giới vô hình mà mình không biết được. Nhưng tôi chưa gặp ma lần nào.
Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi, nói giọng chắc nịch:
- Ông gặp ma rồi đó. Ma chó.
Dù rằng nghi trong bụng mấy ngày nay con chó trắng chạy trong nghĩa địa có thể là ma, nhưng bây giờ nghe ông quản lý nghĩa địa khẳng định đó là ma, tôi không khỏi giật mình. Sao lại có chuyện ma quái như vậy được?
Tôi còn chưa biết nói gì, thì ông ta nói tiếp:
- Thực ra tôi cũng chưa thấy con ma chó đó bao giờ. Tôi ở ngay downtown của Honolulu, sáng đi chiều về, không ở lại ban đêm, nên không thấy nó. Nhưng người lao công của tôi ở dãy nhà phía sau nghĩa địa có thấy nó mấy lần.
Tôi vội nói:
- Ông có thể giới thiệu cho tôi gặp người lao công đó không?
- No problem. Tôi sẽ gọi cho anh ta nói rằng ông muốn hỏi thăm tin tức về con ma chó.
* * * * *
Căn nhà giành cho người lao công nằm ở cuối nghĩa địa, núp bóng dưới những tàn cây cổ thụ, phía sau đền Byodo-In. Đền Byodo-In là bản sao của ngôi đền cùng tên nổi tiếng của Nhật tại thành phố Kyoto. Ngôi đền tại Hawaii giống y chang ngôi đền tại Nhật, nhưng không có thầy tu và cũng không hành lễ, dù có một bức tượng Phật to lớn ở gian giữa; ngôi đền chỉ để cho du khách tham quan mà thôi.
Nhờ có người quản lý nghĩa địa gọi điện báo tin trước, nên anh lao công tiếp tôi khá niềm nỡ. Tôi hỏi liền:
- Nghe nói anh thấy con ma chó mấy lần, phải không?
Anh lao công trả lời:
- Dạ phải, cả thảy bốn lần.
Tôi hỏi tiếp:
- Làm sao anh biết nó là ma?
- Lần đầu em cũng không nghĩ nó là ma. Số là tối hôm đó, nửa đêm thức giấc, em chợt nghĩ không biết mình đã khóa cửa đền hay chưa. Sẵn trời sáng trăng, lại có gió mát, nên em đi vòng ra phía trước để coi lại cửa đền. Đi được nửa chừng, nhìn lên khu mộ của người Nhật phía bên phải, em thấy một con chó nhỏ, màu trắng, ngồi cạnh một ngôi mộ ở trên triền dốc cao, gần giáp ranh với khu mộ của người Tàu và người Việt. Em nghĩ chắc là chó của ai đi lạc, lại thấy nó nhỏ, sợ để ngoài trời suốt đêm tội nghiệp, nên em bước lên triền dốc để bắt nó, rồi sẽ tìm cách giao lại cho chủ của nó sau. Nào ngờ khi em ngước lên nhìn, thì không còn thấy nó nữa. Em nghĩ chắc lúc em đang lúi cúi leo lên dốc, nó nghe tiếng động, nên chạy mất.
- Rồi sau đó thì sao?
Anh chàng lao công đáp:
- Em nhìn kỹ chung quanh, không thấy con chó trắng đâu nữa. Nghĩ rằng nó đã chạy mất, nên em đi xuống.
Tôi hỏi:
- Thế còn lần sau?
- Khoảng hai tháng sau, cũng vào một đêm trăng, em lại tình cờ thấy con chó trắng ngồi bên ngôi mộ ở chỗ cũ. Lần nầy em leo lên triền dốc nhẹ nhàng hơn, cố gắng không gây tiếng động. Nhưng lên đến nửa chừng, con chó lại biến mất. Em lấy làm lạ, nó chạy đi đâu nhanh vậy? Em lên đến tận ngôi mộ mà con chó đã ngồi. Đó là mộ của bà Yoshiko Fukuda. Em tìm kiếm chung quanh, cũng không thấy bóng dáng con chó nhỏ đâu cả. Em nghĩ trong bụng có gì kỳ lạ đây, thấy hơi sợ sợ. Em đi xuống mà cứ trông chừng sau lưng, sợ có ai đi theo mình.
Nghe kể đến đây, tôi cũng thấy sợ sợ. Tôi hỏi tiếp:
- Còn mấy lần sau thì sao?
- Hai lần sau cũng vậy. Con chó cũng xuất hiện vào những đêm trăng, cũng ngồi hoặc nằm tại ngôi mộ bà Fukuda, và cũng biến mất khi em lên đến nơi.
Tôi hỏi:
- Anh có sợ không?
- Sợ chứ! Nhưng thấy nó không làm hại gì, nên em cũng quen. Vả lại, sau khi biết rõ câu chuyện về nó, em lại thấy thương nó hơn.
Thấy câu chuyện có vẻ hấp dẫn, tôi tò mò hỏi:
- Chuyện nó là chuyện gì?
Người lao công đáp:
- Một hôm, em gặp người em gái của bà Fukuda đi thăm mộ chị. Em kể cho chị ấy nghe về chuyện có một con chó ngồi bên mộ của bà Fukuda vào những đêm trăng sáng. Nghe xong, chị ấy vừa ngạc nhiên vừa sững sờ, rồi hỏi: “Có phải đó là con chó nhỏ màu trắng không?” Em nói: “Phải”. Chị ấy ngần ngừ một chút, rồi nói: “Anh hãy đi theo tôi. Tôi chỉ cái nầy cho anh xem.”
Sốt ruột, tôi xen vào:
- Chị ấy đưa anh đi đâu?
- Chị ấy dẫn em ra khu vực nghĩa địa dành cho thú cưng, chỉ vào một tấm bia mộ, hỏi: “Có phải nó đây không?” Nhìn vào hình trên tấm bia, em bật miệng kêu lên: “Đúng là nó rồi!” Em còn chưa biết nói sao, thì chị ấy trầm giọng nói: “Nó là Monique, con chó cưng của chị tôi. Chị tôi coi nó như là con gái cưng của mình.” Em gái bà Fukuda ngồi xuống, lấy khăn giấy lau sạch tấm bia, kể tiếp: “Sau khi chị tôi mất, Monique buồn rầu, bỏ ăn bỏ uống, rồi mất theo chị sáu ngày sau.” Nghe thấy giọng chị ấy đượm đầy nước mắt, em đứng lặng thinh, nước mắt lưng tròng.
Tôi cũng lặng thinh, thấy thương Monique vô cùng, và thấy mũi mình cay cay.
Một lúc sau, anh lao công kể tiếp:
- Trước khi ra về, chị ấy nói khi nào rảnh, sẽ kể cho em nghe nhiều chuyện về Monique.
Tôi bỗng thấy hiếu kỳ, muốn tìm hiểu rõ hơn về Monique. Tôi lấy ra tấm danh thiếp của mình, nhờ anh chàng lao công trao cho em gái bà Fukuda, nói rằng tôi rất thương cảm Monique và muốn nghe thêm chuyện về nó.
Vậy là bóng con chó trắng tôi thấy chạy trong nghĩa địa đêm hôm nọ chính là Monique. Nó chạy qua mấy triền dốc, tìm đến ngồi ngay bên mộ chủ của nó là bà Fukuda.
Đối với Monique, nghĩa tử chưa phải là nghĩa tận.
* * * * * *
Hơn một tháng sau, tôi nhận được email của em gái bà Fukuda.
Chào ông Lê,
Tôi tên Shinju Fukuda, là em gái của chị Yoshiko Fukuda. Nghe nói ông rất thương xót Monique và muốn biết thêm về nó, tôi xin kể vài câu chuyện về Monique cho ông nghe.
Hai chị em tôi đều độc thân, cùng sống chung với nhau. Chị Yoshiko rất thích chó, nên chị tìm mua một con chó nhỏ về nuôi, và chị lấy tên của một người bạn thân đã mất vì tai nạn để đặt cho nó là Monique.
Ngay từ đầu, Monique đã rất quyến luyến chị Yoshiko; chị đi đâu, nó đi theo đó. Mỗi tối, chị cho nó ngủ chung giường. Từ ngày có Monique, thần sắc chị tôi như tươi hẳn ra.
Monique rất thông minh. Càng lớn, nó càng hiểu ý chị tôi muốn gì, và làm đúng theo lời sai bảo của chị trăm phần trăm.
Bởi vậy, chị Yoshiko cũng ngày càng yêu thương Monique hơn, ôm nựng nó suốt ngày, luôn miệng gọi nó là con gái yêu của mẹ. Hai mẹ con quấn quít nhau không rời. Mỗi khi ăn món gì ngon, chị còn nhai và sú cho nó nữa. Thiệt hết biết!
Một hôm, khi Monique được khoảng bảy tuổi, nó biểu hiện một thái độ rất lạ. Nó liên tục ngửi vào mũi vào miệng chị tôi, rồi sủa lên. Ngay cả khi chị Yoshiko vừa đánh răng xong, Monique cũng sủa như vậy. Chúng tôi thấy lạ, nhưng không biết là chuyện gì.
Cho đến một hôm, chị Yoshiko thấy tức ngực và khó thở. Lúc nầy, Monique càng sủa dữ dội hơn. Chị tôi bèn đi bác sĩ xem sao.
Sau khi có đủ kết quả các thứ xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị Yoshiko bị ung thư phổi.
Đến lúc nầy, chị em tôi mới vỡ chuyện ra là Monique đã đánh hơi được chị tôi bị ung thư phổi từ trước, và nó đã sủa báo động, nhưng chúng tôi nào có biết gì đâu.
May nhờ lần nầy Monique sủa dữ dội, chị tôi mới đi bác sĩ, khám phá bị ung thư phổi, và kịp thời chữa trị.
Chị Yoshiko cầm cự được ba năm. Sang năm thứ tư thì các tế bào ung thư phát tán trở lại, nhanh hơn, dữ dội hơn.
Chị tôi phải trải qua các phương thức trị liệu mạnh hơn mong ngăn chặn được sự phát triển của các tế bào ung thư. Chị tôi trở nên tiều tụy, chỉ còn da bọc xương, đầu không còn một sợi tóc. Niềm an ủi duy nhất của chị là Monique.
Trong khoảng thời gian nầy, Monique càng quyến luyến chị tôi hơn, không rời nửa bước. Nhìn hai mắt buồn xo của nó mà thấy tội nghiệp vô cùng.
Nhớ có lần chị tôi mệt quá phải gọi xe cấp cứu đến chở vào nhà thương, Monique bị nhốt lại ở nhà, nó tru gào khóc lóc thảm thiết. Tôi nghe mà thấy đứt ruột. Vừa thương chị tôi, vừa thương Monique, nước mắt tôi chảy dài, chảy dài...
Đến khi chị Yoshiko từ nhà thương trở về, Monique mừng hết biết. Nó vừa nhảy loi choi liếm mặt chị tôi vừa khóc rí rí, như có ý nói rằng má bỏ con đi đâu vậy, má có biết con nhớ má lắm không? Chị tôi vừa ôm hôn nó vừa nói má biết, má biết, má cũng nhớ con lắm, mà nước mắt ràn rụa hai bên má chị. Tôi cố gắng lắm cũng không cầm được nước mắt. Ôi, tình mẹ con của chị Yoshiko và Monique thắm thiết làm sao!
Đến gần cuối năm thứ tư thì các tế bào ung thư đã di căn qua các bộ phận khác. Chị tôi buông xuôi, không chữa trị nữa. Mà chị cũng không còn đủ sức theo các phương thức chữa trị ngày một mạnh hơn. Giờ chị chỉ uống thuốc giảm đau, chờ ngày ra đi.
Chị Yoshiko bình thản chờ ngày ra đi. Chị không có gì luyến tiếc, ngoại trừ con Monique. Chị rơm rớm nước mắt mỗi khi ôm nó vào lòng, vừa hôn hít nựng nịu nó, vừa dặn dò tôi thay chị chăm sóc tốt cho nó. Monique như linh tính biết chuyện chẳng lành sắp xảy ra, nên lúc nào cũng rúc mình nằm sát chị tôi, không rời.
Rồi ngày chờ đợi cũng đã đến. Chị tôi ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ.
Nhưng Monique không chấp nhận nhẹ nhàng chút nào. Nó hết tru từng cơn, rồi lại khóc rí rí, không cách nào dỗ dành nó được. Đến lúc cho nó nằm dưới quan tài chị Yoshiko, thì nó mới nín.
Khi làm lễ hạ huyệt, Monique vùng chạy khỏi tay tôi, nhảy xuống mộ nằm trên quan tài chị Yoshiko. Mọi người vất vả lắm mới bắt được nó đem lên. Ai thấy vậy cũng chảy nước mắt, vừa thương chị Yoshiko, mà cũng vừa thương cho Monique.
Từ hôm đó, Monique buồn rầu, bỏ ăn bỏ uống. Tôi dỗ dành mấy cũng không được. Suốt ngày nó nằm trên gối trong giường chị tôi. Nó nằm cuộn mình, dấu đầu vào dưới chân trước. Thấy thương chi lạ!
Nó cứ nằm miết như vậy. Cho đến chết. Nó quyết đi theo chị tôi.
Tôi đã làm đám tang tươm tất cho Monique. Bạn bè quen biết đều đi đưa đám nó. Ai cũng khóc khi hạ huyệt nó. Ai cũng đều thương xót Monique, một con chó trung thành đã chết theo chủ.
Monique được chôn cùng một nghĩa địa với chị Yoshiko. Tôi tin là nó đã đi tìm chị tôi vào những đêm trăng sáng. Hai mẹ con họ giờ đã gặp lại nhau ở bên kia thế giới.
Shinju.
.
Lê Tấn Phước
.