Sunday, November 11, 2018

Đàn Khướu Đầu Trắng

Hi ký ca LƯƠNG KIM KÊ (ĐK 67)
.
"Năm xưa chúng ta bn nhau
Hc cùng mt mái trường xưa..."
.
.
ĐK67 tại Saigon 2014
.
.
ĐÀN KHƯỚĐẦU TRNG
.
Đã hơn 5 giờ 30 chiều, trời bắt đầu lắc rắc mấy giọt mưa, lo sợ cơn mưa lớn, tôi vội bắt xe ôm quen đưa thằng cháu ngoại mười sáu tháng tuổi siêu quậy của tôi, qua giao cho mẹ nó.  Thằng nhóc được ngồi xe khoái chí nhún nhẩy theo từng nhịp nẩy của bánh xe, ngẩng mặt lên trời khoái chí hứng những giọt mưa đang dần nặng hạt.  Những hạt mưa bỗng lớn hơn và nhanh hơn, cơn mưa thực sự đến, anh xe ôm dừng xe đưa chiếc áo mưa, tôi trùm vội trên đầu nhóc, nhóc phản đối kich liệt.  Tôi giục anh xe ôm cứ đi tiếp, vì nếu không sẽ trễ mất.         
Chiều nay tôi có một buổi họp mặt bạn bè cùng khối lớp, đã rất lâu chúng tôi chưa có một buổi họp mặt hứa hẹn sẽ đông vui như hôm nay.  Thế là cứ… đội mưa mà đi.
.
Thằng nhóc đang quyết liệt bức bối kéo chiếc áo mưa ra khỏi đầu, một cuộc “giằng co“ giữa bà và cháu trên xe máy đang chạy, gay go đây!  Bỗng điện thoại trong túi quần tôi reo lên, chắc là bạn nào đó gọi cho tôi, tôi bận co kéo với cháu ngoại không nghe máy.  Thằng nhóc dừng vùng vẫy, nghe ngóng vài giây rồi bắt đầu tìm kiếm, theo tiếng điện thoại, nó sờ vào túi quần tôi, rồi điện thoại ngừng reo.  Thằng nhóc ngồi yên nghe ngóng, tôi thở phào, chắc nó chịu yên rồi đây.  Nhưng không, nó lại bắt đầu loi choi, cuối cùng kéo được áo mưa ra khỏi đầu, nó thò mặt ra cười khoái trá, tôi đành phải để nhóc đùa với những giọt mưa.  Rồi cơn mưa nhẹ dần, đến nơi làm việc của con gái, tôi giao nhóc quậy cho mẹ nó rồi tiếp tục đến tiệm ăn Hòai Phố nơi chúng tôi hẹn gặp nhau.
.
Đến đúng địa chỉ, nhưng đấy là tiệm Hội An, băn khoăn, tôi điện thoại cho bạn Thấy, trưởng ban Trung Tâm Sưu Tầm Trẻ Lạc và Tổ Chức Sự Kiện (chúng tôi vẫn hay đùa với nhau như vậy vì bạn ấy rất nhanh nhạy và nhiệt tình trong việc kết nối bạn bè xưa thân thiết.) 
   _ Alô,  Ê ! Mụ mi ! đây là Hội An chơ mô phải Hòai Phố mô !
  _  Đúng rồi, Hội An và Hoài Phố là một mi nờ! Tau cũng sắp đến đây nì !
.
Vừa vào cổng tiệm ăn tôi đã thấy bạn Bạch Lan đứng tươi cười đón ở đó, cũng vừa lúc một số bạn khác ùa vào, chúng tôi ôm chầm lấy nhau tíu tít mừng vui gặp mặt. Các bạn phương xa Cửu Quí, Kim Đôn, Bạch Lan chăm chăm tươi cười nhìn từng bạn một, sau đó là một màn chụp hình, quay phim lọan con cào cào, ai nấy đều cười vui.  Lát sau đôi uyên ương Lệ Huyền đến, rồi không lâu sau bạn Hợi đến, khuôn mặt phúc hậu nổi bật với màu áo đen.  Tôi vừa được biết bạn này có “bàn tay vàng“, nấu ăn rất tuyệt vời, thật tiếc là nhà bạn ấy quá xa, nên không tổ chức họp mặt tại nhà bạn ấy theo như nhã ý của bạn lúc ban đầu.

Tiệm ăn giờ này chưa đông, tôi nhìn thấy một bàn dài đã đươc sắp xếp sẵn cho chúng tôi, bên trái, có ba thực khách nam, cũng cỡ tuổi chúng tôi.  Tôi kín đáo quan sát, thấy ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa thú vị của họ cũng đang kín đáo nhìn chúng tôi rồi cúi đầu nở nụ cười ý nhị.
.
Chúng tôi, chưa ai chịu ngồi vào bàn mà cứ tụm năm tụm ba nói chuyện.  Tôi nhìn đám bạn tôi vui vẻ hàn huyên, hơn 25 thiếu nữ nhiều tuổi, lao nhao, đúng là cái tổ bồ chao.
.
Cái âm thanh nhộn nhạo ấy đưa tôi về những kỉ niệm xưa, ngày chúng tôi là nữ sinh Đồng Khánh.  Ngày ấy khối lớp đệ tam, đệ nhị chúng tôi bị (hay “được“ hè…!) xếp vào học ở hai dãy lớp đằng sau, mỗi khi mưa lớn, nước ngập là hai dãy lớp gần như bị bao vây bởi nước ngập, chúng tôi thường đặt tên là lớp học cù lao vì cách biệt hẳn với các dãy lớp trên.  Thời gian trong một niên khóa học ở “cù lao“ không nhiều và không lâu , nhưng đã hình thành những “cái tổ bồ chao“. “Cái tổ bồ chao“ ngày ấy luôn họat động “náo nhiệt và thường trực“, đến nỗi, nổi tiếng cả trường.  Hồi ấy có lần khi lên văn phòng lấy sổ điểm và sổ đầu bài, tôi bị bà Dần kêu lại cảnh cáo :
   
_  Nì ! Lớp trò nói chuyện và ồn ào lắm đó nghe, như cái tổ bồ chao, có ngày tui cho dán miệng lại đó, liệu hồn! Lo giữ trật tự đi!
       
Tôi lí nhí dạ rồi về lớp mà không hề nói lại với các bạn trong lớp, bởi một điều dễ hiễu là chính tôi cũng là một con bồ chao trong đám bồ chao ấy.
       
Nhắc đến bà Dần, tôi luôn thắc mắc là cô giám thị nhỏ nhắn ấy cũng có cái tên rất đẹp , thế nhưng chúng tôi lại “gọi chết “cái tên là Bà Dần (theo tên chồng cô ấy), có lẽ vì Dần là Cọp, mà chúng tôi lại sợ cô ấy như sợ cọp, bởi lẽ làm giám thi luôn luôn là phải nghiêm khắc để trị đám học trò lau nhau xếp thứ ba sau “ma và quỉ “ này.  Cô ấy mãi về sau không thấy “dán miệng“ bất kì con bồ chao nào, cô ấy vẫn luôn là một cô giáo hiền hậu như trong tấm hình thủa cô còn trẻ chụp chung với các cô trong trường mà bây giờ tôi vẫn còn giữ.
       
Cái tổ bồ chao ngày xưa ấy, nay, khi gặp lại nhau vẫn còn là tổ bồ chao.  Qua tìm hiểu, tôi biết được về chim Bồ chao, còn gọi là Khướu đầu trắng, tên khoa học là Garrulax leucolophus. Chim có màu nâu hung vàng xỉn, đầu có mào màu trắng, cả ngực và bụng cũng trắng muốt, tiếng hót vang ồn ào, hót liên tục suốt ngày. Ra là rứa !!! Gọi là “tổ bồ chao“ thật không oan ức tí nào .
      
Những con Chim Bồ chao, Khướu đầu trắng Đồng Khánh ngày xưa ấy, bây giờ có người tóc đã nhuộm trắng màu thời gian, nhưng nụ cười vẫn thắm trẻ tình bạn cũ, và vẫn cứ lao nhao, ồn ào cả một góc nhà hàng. (còn bồ chao tôi, thì … tóc vẫn nâu, nhuộm nâu màu thuốc nhuộm)
.
Tiếng bạn Bạch Lan  vang lên:
     _ “ Mời các bạn vào chỗ ngồi “
.
Bây giờ những âm thanh lao xao theo chân các bạn tôi, rải đều vào dãy bàn dài.  Trên bàn, xếp sẳn các dĩa chả, hến trộn, mít trộn.
     _ Ở đây còn có món Mì quảng và Cao lầu, tùy các bạn lựa chọn nhé !
.
Thế nhưng, mặc cho Bạch Lan đi qua đi lại “hò hét“, hầu như chúng tôi không ai quan tâm chuyện ăn uống lắm mà tích cực nói chuyện râm ran.  Bạn Kim Đôn cầm máy quay, lia qua lia lại không biết bao nhiêu là vòng, bạn Cửu Qúi say sưa với người bạn thâm giao Xinh Xinh mấy mươi năm gặp lại, rồi loay hoay hàn huyên với nhiều bạn khác quên cả ăn uống, Bạch Lan thì hầu như không ăn mà cứ đi qua đi lại.
.
Cả một số trong chúng tôi dù ở gần nhau, nhưng rất hiếm gặp được nhau đông vui như thế này, nên cũng nhiệt tình “hót như Khướu.“  Có mấy bạn không ngại đường xa, từ quận  Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú, Biên hòa  v..v , cả tôi từ Đà lạt cũng có mặt.  Máy quay của Kim Đôn xoay vòng “điểm danh“ từng khuôn mặt:  Cửu Quí, Xinh Xinh, Thiện,  Anh Thư, Ngọc Trang, Hồng, Lệ Huyền, Xuân Hòa, Hòang Hoa, Bùi Kim Chi, Ngọc Thạch, Trần Ngọc Anh, Minh Ngọc, Bích Đào, Hợi, Thấy, Tường Hoa, Bạch Lan, Kim Đôn, Hồ Ngọc Anh, nhà thư pháp Tố Lan, Hồng Vân, Oanh, Diệu Anh và tôi.  Đặc biệt hôm ấy có Cửu Hương, Cửu Hoa, em của Cửu Qúi và hai ông rể (phu quân của Cửu Hương và Lệ Huyền)
.  
Đêm vui qua nhanh, chúng tôi hẹn nhau ngày mai lại gặp, tại Bình Phước, tham quan rừng trầm của Kim Chi là cô ruột Cửu Quí.
.
Bạch Lan lại lên tiếng :
  _ Ngày mai đứa mô đi Bình Phước giăng tay lên !
       
Chúng tôi rào rào :
      _  Tau .. tau… tau…
      _  Một, hai, ba, ...... mười lăm … Ê ! khoan, giăng tay lần nữa, tau đếm lại, một, hai, ba, bốn…. mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu.  Mười sáu đứa.  Ngày mai có mặt tại nhà Anh Thư lúc 8 giờ xe sẽ đến đón nghe !
        
Chúng tôi chia tay nhau, bài hát Bạch Đằng Giang vang lên, lại quay phim, chụp hình.
        
Khi các bạn đã ra về gần hết, các bạn phương xa vẫn còn vui vẻ ra mặt.  Bach Lan nói với tôi:
      _ Tau vui quá mi nợ, tau không ngờ các bạn lại đến đông đủ như ri.  Vui hết sức!
      
Chúng tôi chia tay nhau.  Mưa đã tạnh từ lâu.  Tôi lên xe ra về, dư âm bài hát Bạch Đằng Giang như còn vang mãi trong đầu.
     
Ngày hôm sau, đúng 8 giờ tôi có mặt tại nhà bạn Anh Thư.  Khi tôi đến đã có hai bạn Hồng và Bich Đào, vài phút sau là bạn Ngọc Thạch, bạn Thiện.  Bạn Ngọc Anh đến, rất chu đáo phân phát mỗi bạn một ổ bánh mì và một chai nước.  Tuyệt, tôi chưa kịp ăn sáng!  Bạn Thấy, nhà rất gần đây, cũng đã có mặt.  Ồ! bạn Xinh Xinh (cái tên nghe xinh hí) đã quyết định đi, vui rồi, hôm qua bạn ấy còn lưỡng lự.  Bạn Anh Thư vác ra một túi xách, lấy ra những món quà tặng mọi người, ai nấy ồ lên thích thú, một con búp bê bằng  gỗ, mỗi con mỗi màu rất xinh xắn.  Tôi được một con búp bê màu vàng rất dễ thương, nhưng màu vàng là màu tôi không thích, tôi ghé tai bạn ấy: “Thư ơi ! tau thích màu đỏ!“. Chỉ là mè nheo một chút cho vui, ai ngờ bạn ấy loay hoay tìm tòi và đổi cho tôi một con búp bê màu đỏ, bạn ấy thật dễ thương hết sức .
.
Đã 8 giờ 30, xe vẫn chưa đến, chúng tôi vào nhà Anh Thư ngồi đợi, không lâu sau bạn  Ngọc Trang xuất hiện, và mãi 9 giờ xe mới đến.  Chúng tôi lên xe, xe lăn bánh, dọc đường xe dừng đón bạn Tường Hoa, tôi nhìn ve áo bạn ấy, có một cành hoa tulip vẽ đơn sơ nhưng rất đẹp, chợt nhớ ra bạn ấy là một họa sĩ.
.
* *
Xe bắt đầu cuộc hành trình về Bình Phước.  Bỏ xa dần thành phố Sài Gòn, xe bon bon trên đường ngược xuôi dòng xe qua lại.  Bạn Cửu Quí và Lệ Huyền ngồi cùng xe với O Kim Chi đi trước.  Trên xe những "con chim Khướu đầu trắng" phát huy cao độ nhịp hót vui tươi, âm thanh rào rào tạo trong tôi một cảm giác vui vui khó tả.  Trong vô số những chuyện “đó đây“  lí thú, chúng tôi nhắc đến những cô giáo của chúng tôi.  Hồi còn đi học, ngoài chuyện học hành, bọn học trò chúng tôi thường rất ngưỡng mộ những cô giáo xinh đẹp của mình.  Phải nói là trường Đồng Khánh chúng tôi qui tụ phần lớn những giáo sư nữ vừa trẻ đẹp lại vừa giảng dạy tuyệt vời.  Thế nhưng “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen“ hay sao ấy, một vài quí cô giáo thân yêu của chúng tôi găp phải chuyện tế nhị trong gia đình không lối thoát …
..       
Xoay quanh chuyện đời thường, bạn Bạch Lan làm một bài “thuyết giảng“ về mối quan hệ, đối nhân xử thế trong đời.  B. Lan nói rất mạch lạc, dõng dạc đầy thuyết phục.  Tôi ngạc nhiên hỏi:
        _ Lan ơi ! Chí lí ! Răng mi nói hay và bài bản rứa?
        _ Tau nói quen rồi, tau sinh họat trong hội của tau gần mười năm nay rồi mi ơi! 
         
Hôm qua, Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm, mãi vui họp mặt, không ai nhớ đến Khuất Nguyên với giòng sông Mịch La, sáng nay các bạn ngồi băng ghế sau sôi nổi bàn chuyện thịt vịt, bánh tro với chè kê.  Nghe nhắc đến chè kê tôi quay lại nói đùa:
       _ Ôi ! các bạn ơi! đừng gọi là chè kê mà gọi là chè “kơ“ nghe!
      
Cả nhóm  cười ồ, nhao nhao :
       _ Răng rứa ? Răng rứa?
        
Tôi nói :
      _ Hi… hi…hi.. phạm húy, phạm húy, với lại ngày hôm qua tau bị thiên hạ nhắc đến nhiều, nhảy mũi quá xá rồi !
         
Bạch Lan nhanh nhẩu:
      _ Ê ! Con tê ! Mi là cái “cục cức“ chi, mà làm như thử là vua chúa, bày đặt ..phạm húy !!
         
Cả xe cười rần rần.  Tôi thật tình khoái chí khi nghe B. Lan nói năng “văng mạng“ như thế.  Cái từ “cục cức“ nói đùa của bạn tôi, mà đã lâu lắm tôi mới được nghe lại, làm gợi nhớ một thời chúng tôi còn trẻ, những lúc ngồi bên nhau đùa giỡn, chúng tôi dở thói “ ba nhe”, cùng nhau tếu táo như thế, nào là: cục cức..., ỉa vô …, ỉa không cần .., thúi rùm…, đồ sến cu lơ… , đồ sịa , con ngưa Thượng Tứ, mi rượng mô về ? ….v..v  và  v…v… ( xin lỗi, đây là văn “tả cẳng“, nên có chi nói nấy, rất mong thông cảm), những  từ mà chỉ những khi bạn bè thân thiết gặp nhau “đốp chát“ mới nói (chơ nói ở nhà thì bị ăn đòn nát đít), mà không ai giận ai bao giờ.
        
Những trận cười thoải mái như muốn thu ngắn đường dài.  Nhưng rồi các bạn tôi có người sốt ruột lên tiếng:
    _ Tụi bây ơi! sắp tới chưa?
        
Tôi nói :
    _  Tau đã đi một lần, nhưng quên đường rồi.  Để tau hỏi đã nghe !
       
Tôi bấm điện thoại, hỏi O Kim Chi :
    _ Kim Chi ơi! Sắp tới chưa hả em ?
    _ Xe chị tới mô rồi ?
        
Tôi ngơ ngác, vì làm sao biết được là xe đang đi tới đâu, nhìn ra đường thấy có một cây xăng, tôi trả lời :
     _ Xe chị đang đi ngang cây xăng nè !
        
Kim Chi bật cười, rồi đưa máy cho Cửu Quí, Qúi nói chuyện với tôi, mà tôi còn nghe tiếng cười khúc khích của Kim Chi.  Tôi báo với các bạn chắc phải 2O phút nữa mới đến.  Đến đây, có lẽ đã hơi thấm mệt nên “cường độ và tốc độ“ líu lo của đàn chim bồ chao giảm xuống.  Tôi lơ đãng nhìn ra ngoài, xe đang chạy qua những rừng cao su ngút ngàn.  Những cây cao su được trồng theo hàng lối đều đặn thẳng tắp, vết dao vạch còn dấu lượn tròn quanh thân cây, bên dưới là cái chén hứng những giọt cao su trắng tươm  chảy.  Thân cây cao, ngọn cây giao nhau tạo thành những vòm cây râm mát, tôi ngẫm nghĩ, những cặp tình nhân mà kéo nhau ra đây tay cầm tay, dạo mát dưới những vòm cây này, chắc là lãng mạn lắm đây.  Có điều, hơi nguy hiểm à nghen!  Rừng cao su rộng ngút ngàn vắng vẻ, không một bóng người, cơ hội ngàn vàng cho đạo tặc hành động.  Xin đừng nghe lời tui xúi dại !!!
.
Ngồi trên xe buýt 
.    
Qua khỏi rừng cao su, xe đi ngang đâu đó tôi không biết, tôi thấy những hàng phượng vĩ nhí mới trồng, mấy tay quản lí công trình cây xanh tỉnh này cũng hay đây, trồng cây tạo bóng mát  bằng phượng vĩ là một lựa chọn khôn ngoan, không như ở vài đọan đường ở quốc lộ 1A, hàng cây bằng lăng khoe màu tím lãng mạn, nhưng cây không cao, nên màu tím đẹp lãng mạn ấy không làm đủ mát khách đi đường.  Phượng vĩ là loại cây nhanh trưởng thành, gốc bám vững vàng, cành tỏa bóng mát rộng, tới mùa thi, ve sầu thi nhau gọi hè, tạo thành màn hợp ca vui vẻ dưới tàng hoa phượng thắm rực rỡ, cho dù “hàng phượng bay“ ở đây không “mù không lối vào“ và “hàng cây lá xanh“ không “gần với nhau“ được.  Vì đơn giản đây là quốc lộ,  mưa không thể làm mù lối, và khỏang cách hai bên quốc lộ quá xa .
Vì là mới trồng, nên cây chưa cao, tôi thấy có một vài cây đã nở hoa, màu hoa ở đây đỏ thắm chứ không  ngã đỏ cam như phượng vĩ tôi thấy ở vài cây hai bên đường từ Lâm Đồng xuống.  Đặc biệt có một cây quá nhí mà đã có hoa, trông ngộ nghĩnh pha chút kì quái như trẻ con mà “ranh“ sớm, lén mẹ trang điểm “vô tổ chức“.
       
Quãng đường từ Sài Gòn đến Bình Phước non 130 km, xe đang chạy ngang Đồng Xoài, tôi đọc thấy một tên đường là lạ: Phú Riềng Đỏ.  Trên đường đi, tôi thấy có vô số những cây xăng, bây giờ tôi mới thấm ý nụ cười của O Kim Chi, nhiều cây xăng thế, biết cây xăng nào là cây xăng nào, ở đâu, mà khi Kim Chi hỏi, chị đang đi tới mô, tôi bảo, chị đang đi ngang cây xăng.  Có thánh mới biết là xe đang đi tới đâu ! !
       
Rồi xe rẽ phải đi vào con đường đất, xe bắt đầu vũ điệu “Van“, mà “Van“ ở đây không phải là điệu Valse lả lướt mà là điệu “cheval“, xe nhún nhảy như ngựa chạy trên đường đất hơi lồi lõm.  Nhưng thời gian xe nhún nhảy chỉ vài phút  thôi là đã đến nơi.
        
Từ điện thoại ai đó hỏi là: đi rừng trước, hay là ăn trưa trước, cả xe nhao nhao: “Nghỉ ngơi chút đã“, vì mọi người coi bộ ai cũng hơi mệt sau đọan đường dài.
        
Chúng tôi lục tục xuống xe, hơi nóng ban trưa bên ngòai phả vào mặt, chúng tôi vội vào nhà, hai máy quạt đang chạy vù vù vẫn không xua được cái nóng đang bủa vây chúng tôi.  Còn tôi, người xứ lạnh quen với nhiệt độ quanh năm 18 đến 24 độ C, nên thấy nóng quá, nhưng cũng vui vẻ với cái quạt cầm tay hỗ trợ.  Trên bàn hai dĩa sầu riêng mời gọi, chúng tôi không e lệ gì.  Chúng tôi nghĩ ngơi giây lát, bạn Tường Hoa tranh thủ thời gian rảnh, tốc họa chân dung bạn Bích Đào, bàn tay bay bướm của bạn ấy làm hiện dần trên giấy khuôn mặt bạn Đào, hay thật, tôi đăng kí bạn ấy một bức tốc họa, nhưng thời gian không có nhiều, nên đành hẹn dịp khác.  Không lâu sau, hai bàn ăn được dọn ra, chủ nhà thật chu đáo, một bữa cơm cây nhà lá vườn, mà là vườn rừng mới đặc biệt chơ!  O  Kim Chi giới thiệu :
    _  Đây là gà rừng nì  (“gà đi rừng “không phải“ gà đi bộ“, hì !), đây là cá lăng suối,  đây là mướp vườn rừng xào nì, đây là thịt heo rừng nì, đây là rau lang rừng luộc nì …., đây là gỏi măng rừng và đây là canh rau tập tàng rừng….
          
Cả mấy đứa chúng tôi nhao nhao :
    _ Còn tụi mình là người rừng nì  !
        
Cả đám chúng tôi cười rũ rượi, nhiệt tình tham gia “bữa ăn rừng.“  Tôi “thèm thuồng say đắm“ nhìn dĩa cá lăng kho, thật hấp dẫn, món cá lăng suối kho này, tôi đã từng được chủ nhà, Kim Chi thết đãi vào năm ngoái, thật ngon làm tôi nhớ mãi.  Bữa ăn gây cho tôi cảm giác như được về với thiên nhiên, một chút lãng mạn với khung cảnh rừng, thức ăn rừng, không khí thóang mát yên tĩnh, xa cảnh xe cộ ngựơc xuôi hối hả, lòng  thấy êm ả bên cạnh đám bạn bè xưa hiếm khi gặp lại.
        
Ăn cơm xong, được ăn tiếp sầu riêng và mít, cả mít và sầu riêng cũng là cây nhà  lá vườn rừng.  Tôi ăn múi sầu riêng ngọt ngào mà thấy yên lòng vì không lo lắng chất kích thích chích vào trái, giục chín ép như ở sầu riêng của một số lái thương ham lợi.
         
Chúng tôi lên xe để bắt đầu đi vào rừng, trước khi lên rừng, chúng tôi ghé vào một căn nhà đầu rừng, xung quanh nhà trồng đủ lọai cây, tôi thú vị với giàn mướp đắng, theo lời chủ rừng Kim Chi đây là giống mướp đắng của Úc, trái be bé xinh xinh, và hình như là không đắng như mướp VN, bên cạnh là giàn mướp rắn, trái xanh, thân nhỏ dài, thòng từ giàn xuống, uốn éo, trông xa như đàn rắn lục đang tình tự với nhau. (Đây là ví von thôi nhé, chơ nếu mà đàn rắn lục thật sự thì, lo mà cao chạy xa bay thôi!  Chúng nó đang tình tự, “phá đám“, thì có mà rước họa vô thân.)  Có vài cây măng cụt, tôi thật không ngờ, trái măng cụt xấu xí thế mà hoa lại rất đẹp, những cánh hoa xanh đều đặn ôm ấp đám nhụy phơn phớt  vàng trông xinh xắn làm sao!
        
Chúng tôi lên xe, xe tiếp tục “leo“ dốc, nhìn ra ngòai tôi thấy những  thân cây đã cưa khúc, chất đống, phơi ruột màu đỏ như son, sau này hỏi, mới biết đó là cây gỗ gõ đỏ, cách nay 18 năm khi nhận rừng, chủ nhà rừng đã thấy có nó.  Tiếp nối đường dốc, hai bên đường là khu rừng trầm, đám rừng trầm rộng lớn có 18 năm tuổi nầy mỗi năm đều có trồng dặm thêm.  Xen lẫn rừng trầm là những rừng cao su, cao su ở đây trồng không được ngay hàng thẳng lối như những rừng cao su bạt ngàn tôi nhìn thấy hai bên quốc lộ.  Vài nơi, tôi thấy thân cây cao su rạp hẳn về một phía như đàn lau lách dưới trận cuồng phong.  Có lẽ  một trận bão rừng nào đó đã qua đây, đẩy rạp chúng về một phía, rồi do chúng còn bé nên không đủ sức lấy lại được “dáng đứng cao su“.  Nhìn đám cao su đồng lọat nghiêng về một phía, tôi chợt nhớ đến câu danh ngôn của Pascal: “Con người là một cây sậy, cây sậy có tư tưởng“ .  
Tôi nói
    _ Ê ! Các bạn ơi, nhìn xem đám cao su ni nì, hắn vui chưa  tề, đồng lọat nghiêng về một phía.  Pascal có nói rằng “Con người là cây sậy có tư tưởng.“  Còn những cây cao su ni, như con người, có… “suy nghĩ, gió chiều nào theo chiều đó“ he !
   
Từ đàng sau, bạn Ngọc Trang có lẽ không nghe rõ, lên tiếng :
   _ Tau phản đối.  Chính xác Pascal nói là “Con người là cây sậy có tư tưởng,“ mi ơi !
      Tôi chưa kịp nói gì thì bạn Bạch Lan đã nhanh nhẹn nói to lên:
   _ Nì,  Đúng câu trước là của Pascal, câu sau là của hắn, Pạt … Kê
    
Chúng tôi được một mẻ cười no nê.  Bạn B. Lan nói đúng, nhìn đám cao su nghiêng hẳn về một phía, tôi cho rằng, ở một góc độ, chỉ vì là con người có tư tưởng, biết suy nghĩ, nên một số người đã lựa chọn cho mình một suy nghĩ, một hành động là, gió chiều nào, thì cứ theo chiều nấy, cứ a dua, ba phải cho… yên thân, cho dù có phải đánh mất đi chính mình, mà những “cây sậy“ nầy, trong xã hội nào cũng có, hà rầm.
      
Xe tiếp tục đưa chúng tôi đến gần hết khu rừng, xe đi trước thông báo:  “Đi nữa là đến khe suối, chúng ta đi nữa không?“ Chúng tôi đồng loạt hỏi:
    _  Suối hay khe?
    _  Là suối mới đi, còn khe thì… nỏ đi !
.
..
Xe đi trước hỏi hai lần như thế, thông qua cậu tài xế, cả hai lần chúng tôi đều trả lời như thế, có nghĩa là chỉ thích “ngắm suối,“ chơ không thích “dòm khe.“  Xe quay đầu trở lại, trời đã quá trưa từ lâu.  Chúng tôi vào nhà, nghỉ ngơi chốc lát chuẩn bị về.  Chủ nhà thật chu đáo, chuẩn bị cho chúng tôi sản phẩm cây nhà lá vườn rừng, nào mít, bí đao, mướp rắn, xoài.  Chúng tôi ai nấy vui vẻ bảo rằng, được đi chơi, được ăn, được noái, được goái đem về. Đã thiệt ! 
    
Chúng tôi lên xe ra về, lượt về trên xe có cả Cửu Quí, và vợ chồng Lệ Huyền.  Cái tổ bồ chao di động chúng tôi lại tiếp tục râm ran tíu tít.  Hết chuyên đề “nái lóai “ (hì… hì… nóai lái), qua chuyên đề văn nghệ.  Bạn Bạch Lan, đúng là một tay văn nghệ đặc sắc, bạn ấy bỗng nhiên nhắc lại tiết mục văn nghệ đặc biệt của lớp đệ thất B5 của chúng tôi, mà chưa chắc một số bạn cùng lớp B5 nhớ đến.
Bạn ấy nói :
_Ê ! tau nhớ lớp B5 tụi bây có diễn họat cảnh Công chúa ngủ trong rừng hay ghê hí!     
        
Họat cảnh “Công chúa ngủ trong rừng“ do giáo sư hướng dẫn chúng tôi năm đệ thất, cô T.N.T.B dàn dựng.  Cô T. B. dạy môn Văn lớp tôi, là cô giáo trẻ và rất xinh đẹp, đôi mắt cô đen láy, miệng nhỏ xinh xắn, hồi ấy tôi rất thích giờ Văn của cô ấy.  Giờ đây, ở tuổi trên 70 mà cô ấy vẫn còn tươi tắn vô cùng.
            
Cô đã dày công tập tành tiết mục họat cảnh, với bài hát dễ thương nầy, gồm nhiều đỏan khúc 4 chữ và điệp khúc 6 chữ.  Bạn Thu Lê làm chàng hòang tử đẹp trai, oai phong với áo choàng, mang bốt, đầu đội mũ gắn lông công, bạn Ngọc Trang làm công chúa xinh xắn với chiếc đầm xanh, bốn cô tì nữ cũng xinh đẹp không kém, là bạn Thấy, Hồng Phước, Diệu Hạnh và Đông Hải.  Một số đông bọn chúng tôi làm rừng cây, rừng cây khi tập chỉ nghiêu ngao hát theo, dựa vào nhau đong đưa âu sầu xào xạc ru nàng công chúa trong giấc mê dài, và buồn bã tiếc nuối tiễn đưa công chúa tỉnh giấc, theo chân hòang tử đẹp trai, nên tôi cũng thuộc ít nhiều bài hát nầy.
             
Hôm tháng 3 vừa rồi Hòang tử Thu Lê có về, thật tiếc, vì công việc đột xuất, phải trở lại nhà nên không ở lại họp mặt như đã định, chứ không, Công chúa Ngọc Trang và Hòang Tử Thu Lê đã có dịp hội ngộ, để tròn trịa một kỉ niệm đẹp thời thơ ấu.  Bạn Thấy, Thu Lê và tôi trước đây, nhân một dịp về Huế năm nào, đã cùng ngồi lại với nhau, lục lọi hồi ức chép lại bài hát nầy, bạn Thấy ngồi làm Nữ tì  “chẳng nói năng chi“, chỉ nghe nhiều nên nhớ rất giỏi, nhiều hơn cả Hòang tử Thu Lê.  Nhớ đến câu công chúa hát trả, khi Hòang tử cầu hôn: “Xin theo không đắn đo chi mắt nhắm cho tình dẫn đi …“  Cả ba chúng tôi phá lên cười ngặt nghẽo đùa: Nhỏ mà ranh! yêu mù quáng!
               
Bạn Cửu Quí cũng nhắc tôi nhớ đến vở kịch “Vợ dạy chồng ngu“,  (tôi thủ vai chồng ngu) với ba câu ông chồng phải thuộc để đối đáp với người đời:
     _ Ta đây chứ ai  !
     _ Anh hùng há sợ gì ai !
     _ Việc ấy cần gì phải nói  !
 Óai oăm ở chỗ, ông chồng quá ngu, ba câu đưa vào không đúng với sự việc, nên mọi chuyện đi đến dở khóc dở cười. Chỉ là vở kịch ngắn, nhưng cũng lấy được ít nhiều tiếng cười của lũ trẻ con chúng tôi.
     
Trong khi “trạo“ chuyện văn nghệ, bạn Ngọc Trang nhắc đến thầy Khuê, nhẹ cất giọng, hát bài hát xưa không còn nhớ tên :
                            “ ………
                             Hôm nay nào bạn ơi
                             Ôi nỗi lòng sung sướng
                             Mau mau đến trường cùng nhau
                            Thi đua chăm học ngoan
                            Mai sau dù xa cách
                            Nhưng không bao giờ lòng quên
                            Năm xưa chúng ta bạn nhau
                            Học cùng một mái trường xưa... “
.
Đây là bài hát của thầy Lê Như Khuê, ngày xưa thầy dạy chúng tôi môn Nhạc.  Bạn Ngọc Trang gần như nhớ hết, hay thật.  Tôi chỉ nhớ lõm bõm, ư ử hát theo.  Cả xe im lặng lắng nghe, hồi tưởng quá khứ…
       
 Mãi mê nhắc chuyện xưa, đường về thu ngắn, xe gần đến thành phố lúc nào không hay.  Thành phố đã lên đèn, từ những cây cầu vượt nhìn xuống, dòng xe chạy loang lóang ánh đèn qua lại, lên xuống.  Đã đến lúc chúng tôi chia tay.  Đến Cát lái, xe thả các bạn phương xa xuống, tay bắt tay bịn rịn.  Đôi lời hẹn hò gặp lại vào năm 2016 ???.  Qua mỗi chặng đường, chúng tôi lần lượt xuống xe, những người bạn trên xe thì vơi dần, nhưng chĩu nặng trong tôi một chút bâng khuâng, tiêng tiếc những phút giây vui vẻ bên nhau.
            
Mấy ngày sau đó Bạch Lan, Kim Đôn, Hợi về Đà nẳng, bọn Bê Năm Xê Hai (B5, C2) chúng tôi có một buổi gặp gỡ mini tại Quán ăn Đất Phương Nam.  Chúng tôi gồm Cửu Quí, Như Nguyện, Thấy, Xuân Hòa, Ngọc Trang, Anh Thư, Xinh Xinh, tôi, có cả O Kim Chi và con gái Cửu Quí.  Chúng tôi trò chuyện xoay quanh những kỉ niệm xưa, hai bà cháu Kim Chi tế nhị ngồi yên, mĩm cười nhìn chúng tôi lao xao trò chuyện.  Tôi tặng các bạn tấm hình chụp chung năm đệ nhị.  Hình không đủ mặt hết lớp C2 chúng  tôi, nhưng cũng gợi chúng tôi nhớ một thời hoa mộng áo trắng sân trường xưa, từng khuôn mặt ngày xưa, bây giờ vẫn còn đây, hay đâu đó trong tận bốn phương mây trời.  Có vài bạn tôi thường xuyên gặp, như bạn Thấy, Như Nguyện ở Sài gòn, Ngọc Diệp ở Đàlạt.  Thỉnh thoảng  gặp như Thu Lê, Ngọc Anh, Ngọc Trang, Xuân Hòa, Anh Thư, Bùi Kim Chi, Kim Thoa, Lâm Kim Cúc, Hoài Hải, Bạch Lan, Diên Hồng …. Có vài bạn gặp nhiều qua email như Ngọc Trâm, Ngọc Ấn, Bạch Lan…, thỉnh thỏang qua email như Lương Tâm, Minh Hà, Thanh Xuân....Có vài bạn thì bặt hẳn tin tức như Đào thị Thanh Bình, Bùi Thái Lai,  Ngân Ba, Ng thi Thu, Quang Châu, Mộng Hiền, Nguyễn thi Như Nguyện (Ng thị Thái) v…v . Có vài bạn không có mặt trong tấm hình nhưng tôi vẫn rất nhớ là Phương Mỹ, ở nhà người cậu, tuốt sau ga, bạn Hồ thị Minh Hồng thì tôi đã một lần găp lại vào khỏang năm 1969-70 ở Đalạt tại nhà bà chị họ tôi, chúng tôi chơi đánh thẻ, tôi thua bạn ấy dài dài, chúng tôi thỉnh cũng có thấy bạn Lương Thúc Anh, Vũ Thân Túy An, Võ thị An … trong những tấm hình hội ngộ ở Mỹ, nhắc đến bạn Võ thị An, tôi rất nhớ màn vừa độc vũ vừa hát “Kìa con bướm vàng“ rất dễ thương, ngây thơ, và hồn nhiên mà bạn ấy trình diễn ở buổi văn nghệ nhẹ trong lớp.  Có vài bạn hiện diện đâu đó, nhưng ẩn mình không lên tiếng.  Chúng tôi ngậm ngùi nhắc đến bạn H.T.K.C, khắc khoãi nỗi đau không lối thóat, bất lực, tự giải thóat cho mình bằng một sự ra đi hết sức lãng mạn.  Tôi tự hỏi, vô số những cành hoa nồng nàn vô tình xung quanh bạn ấy, làm bạn vơi dần những phút giây trên trần thế, nhưng có làm vơi hết nỗi niềm đau ???
            
Trước khi chia tay nhau, Tôi đề nghị bạn Ngọc Trang hát lại bài hát kỉ niệm xưa. Giọng N. Trang êm ái, tình cảm, lời bài hát nhẹ nhàng:  ”... năm xưa chúng ta bạn nhau, học cùng một mái trường xưa ! “, theo tôi về đến nhà.  Một đêm trằn trọc, kỉ niệm một thời áo trắng dần hiện trong tôi như cuốn phim quay chậm, đậm, nhạt.  Cái Tổ bồ chao "khướu đầu trắng" chúng tôi ẩn hiện trong sân trường với lối đi giữa hai hàng phựong vĩ, đám cỏ xanh mướt.  Mùa mưa đến, thảm cỏ xanh lấm tấm điểm hồng bởi hoa mắc cỡ, hoa lan đất.  Những cánh hoa mắc cỡ hồng phơn phớt tím, tròn nhỏ cỡ hòn bi mọc xen lẫn giữa những cánh lá đối, xếp lại “mắc cỡ“ khi có bàn tay người chạm vào.  Hoa Mắc cỡ có tên khoa học là Mimosa Pudica còn gọi là hoa trinh nữ, u thảo, hay thẹn mộc thảo, thuộc loại thân thảo, có nhiều gai nhỏ.  Vào những dịp tổng kết cuối năm học, chúng tôi thường lội ra sân tập thể dục, kiên nhẫn tránh gai, ngắt từng cánh hoa mắc cỡ xinh xắn, thú vị nhìn đám lá lần lượt e thẹn xếp lá vờ ngủ say.  Chúng tôi vào lớp sắp xếp những cánh hoa mong manh ấy thành chữ trên mặt bàn, nào là “chia tay mùa hè,“ nào là “tạm biệt lớp học“ …v…. v
.
Một thời áo trắng chúng tôi bay lượn trên bao ngã đường xứ Huế.  Từ Ga xuôi về, từ cầu Trường Tiền qua, từ Vĩ Dạ đến, từ bến đò sông Hương lên, từ Nam giao xuống.  Con đường hàng Đóat  với hàng lá vẫy gọi.  Đặc biệt có hai con đường ghi đậm nét nhất trong quãng đời học sinh của một số trong chúng tôi .
             
Thứ nhất là con đường nằm giữa hai trường Quốc Học và Đồng Khánh, tôi đặt tên con đường ấy là “Con đường vui“, không phải là  “vui “ vì … “phải lòng“ một anh Quốc học nào, mà vui vì được lội nước mưa.  Đến mùa mưa là cuối con đường (phía trường Y khoa) thường xuyên ngập nước đến nửa đọan đường.  Nhóm chúng tôi gồm bạn Kim Phú, đầu đường Nguyễn Huệ (phía An Cựu), đến Cung An Định đón chúng tôi, gồm chị Tố Nga chị tôi, chị Tuyết Hương và em là bạn Tuyết Hoa, tôi.  Đi ngang nhà thờ, réo Ngọc Anh, qua trường Thiên Hựu, đến ngã tư Nguyễn Huệ - Lý thường Kiệt có chị Thơ và bạn Thấy hòa nhịp chân vui.  Bọn chúng tôi đi nhanh cho đến “con đường vui“ để xắn quần, cột áo dài lội nước la hét thỏa thích, bỏ xa các chị Tố Nga, chị Thơ, chị Tuyết Hương đang rụt rè dò dẫm đằng sau.  Cũng từ con đường, này chúng tôi thỉnh thỏang  súyt soa lạnh, cùng đi trong những cơn mưa giông đưa hòang hôn đến sớm, hạnh phúc thấy ấm lại với viên kẹo bông dâu, hay vài cái bánh bột lọc … , tác phẩm của chính chúng tôi sau buổi học nữ công gia chánh muộn do cô giáo K.C , “lá trúc che ngang mặt chữ điền“, dạy.  Đây là môn học mà chúng tôi rất thích, vì ngoài chuyện được “nấu nấu nướng nướng“, chúng tôi còn đựợc thưởng thức món ăn do chính mình thực hiện dù có khi món ăn bị điểm thấp, dở cũng thành ngon hì !!! 
.              
Thời gian sau này, gia đình tôi dọn về ở đường Duy Tân, chúng tôi không còn dịp cùng nhau lội nước "con đường vui" nữa, và vì không còn bạn cùng chung đường, tôi thường đi học một mình.  Tôi đi qua  trường Jean D’ Arc, ngang trường tiểu học Lê Lợi, vào đường Hàng Đóat, một mình đếm bước, nghe hàng lá đóat xạc xào, rồi rẻ trái vào con đường, tôi đặt tên là “con đường long não“.  Đây là con đường thứ hai không hề phai nhạt trong kí ức tôi, cả giòng sông Hương sóng lăn tăn êm ả, lẫn mùi long não nồng nàn.  
Ngày xưa ấy, tôi thường đi học sớm, tẩn mẩn tìm ngắt những mầm lá long não non mọc lên từ gốc cây, vò nát, đưa lên mũi, hít lấy hít để mùi long não ngạt ngào, mùi long não  theo tôi trên đọan đường ngắn ngủi từ nhà đến trừơng ngày xưa ấy, đã theo tôi suốt cả cuộc đời, mỗi khi nhớ về Huế, tôi nhớ và thèm ngửi lại biết bao, mùi hương hăng hắc đặc trưng  ấy.
.        
Chỉ là một mùi hương thôi, mà theo ta lâu đến như thế, thì kỉ niệm xưa êm đềm cùng bạn bè, có thể nào quên ! ?  Nhắm mắt lại chúng ta thử quay về quá khứ, hãy “nhìn“ xem!  Kia là cổng trường hồng, qua cổng trường, đi vào là lối đi thẳng đến cột cờ nằm chính giữa ngã tư, bên trái, phải, đường dẫn đến văn phòng, từ cột cờ nhìn thẳng là nơi tập thể dục mùa mưa, và sân khấu.  Hai bên là hai dãy lớp học, tầng trên tầng dưới, hai bên sân khấu có thêm mấy phòng học.  Trong đó có phòng học lớp nhị C2 chúng tôi, gần bên lớp là chiếc trống trường và phòng bà cai bán chè.  Đằng sau, tách rời hẳn là hai dãy lớp cù lao, nơi nhóm bồ chao khướu đầu trắng làm mưa làm gió năm đệ tam ...
               
Một thời hoa mộng đã qua đi, thầy cô, bạn bè đã chìm vào quá khứ, cái quá khứ êm đềm có lúc từng bị bỏ quên, ngủ yên trong khoảng thời gian dài mãi mê chìm đắm với chuyện cơm áo gạo tiền, với thời cuộc biến động đổi thay, với lo toan chồng con, công việc. Cho đến khi sương chiều chạm mái tóc mai, (hu .. hu.. tóc bạc nhiều nên đã nhuộm, tóc mai là nơi ngoan cố nhất, không chịu ăn thuốc), con cái đã lớn, khỏang cách hai thế hệ cha mẹ- con cái trải dài hơn nửa thế kỉ, thì sự đồng cảm giữa hai thế hệ - có khi không có mấy -  để chia sẻ kỉ niệm xưa.  Giờ bạn bè xưa gặp nhau lại thật khó, nhưng gặp được nhau rồi, cùng nhau chia sẻ, tô đậm kỉ niệm xưa thì sẽ khó mà quên, cho dù đã đến tuổi nhớ nhớ, quên quên...
             
Riêng tôi, những buổi gặp mặt vừa qua tuy ngắn ngủi, nhưng tôi nhìn và tìm nhận ra đấy chính là những ngườibạn của tôi ngày xưa, vì niềm vui hội ngộ làm tất cả đều như trẻ lại, rất trẻ.  Nụ cười Ngọc Trang vẫn tươi như thủa nào, Kim Đôn vẫn phảng phất đôi nét Jacqueline Kennedy, vẫn đôi mắt nai Như Nguyện ngày xưa ấy, vẫn Xinh Xinh ánh mắt reo vui, vẫn còn là đôi mắt đẹp sâu thẳm tôi nhìn thấy từ thủa nào của Thấy, gò má thanh gọn Cửu Quí vẫn theo bạn ấy đến bây giờ, mái tóc bồng và hàm răng trắng đẹp của Thu Lê vẫn thu hút ánh mắt nhìn của bạn bè, Xuân Hòa tươi cười kéo theo cánh mắt hơi xếch reo vui, Bạch Lan làn da vẫn trắng trẻo, Minh Ngọc với đôi mắt không cười mà như đang cười.  Qua những tấm hình xưa còn lại, tôi còn không quên đôi con rít dài đong đưa trên lưng bạn Anh Thư, Quỳnh Nga, đôi con rít chạm đến ngực của Tôn nữ Chiếu, đôi mắt sâu và to của Tôn Nữ Trai, mái tóc dài mềm mại của Diên Hồng, của Phạm thị Mười.  Trung Thư thì gần như tóc demi garcon, Ngọc Trâm đôi mắt long lanh với hàng mi khá dài, Minh Hà người thanh mảnh nổi tiếng học giỏi, Lương Tâm mắt to, đen trông rất hồn nhiên với mái tóc “bum bê“,  Thanh Xuân có giọng nói nhè nhẹ, dịu dàng.  Đoàn Thi Châu có một thân hình khỏe mạnh cân đối, Hạnh Phước ít nói, điềm đạm.  Lúm đồng tiền của Nguyễn thị Hòa còn sâu?  Đôi mắt Thanh Bình có còn đẹp và buồn muôn thuở?
         
Ôi !  “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua, tìm đâu những ngày xinh như mộng?  Tìm đâu những ngày thơ, tìm đâu những chiều mơ?   Tìm đâu, biết tìm đâu bây giờ ?“ (Những ngày thơ mộng của Hòang thi Thơ)
.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có chuyện dài “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.“  Còn tôi, tôi chỉ muốn hỏi: “Có ai bán vé trở về tuổi thơ, đắt mấy tôi cũng xin mua.“
.
Lương Kim Kê (ĐK 67, B5, C2)
.
      
Chim Khướu
(Hình: Internet) 
.
T B: Bài viết thân tặng các bạn đồng khóa ĐK 67.  Trong bài viết kí sự, hồi ức này có gì thiếu sót hay nhầm lẫn xin các bạn thân yêu của tôi vui lòng cho biết để chỉnh sửa. Rất cám ơn.
K K 
..
(post lại).