Trương Mỹ-Vân (ĐK67) sưu tầm.
Bản Ngã và Sự Hiểu Biết tỷ lệ nghịch với nhau
.
Khi bàn về cái tôi, người ta thường nói hóm hỉnh rằng: Trong cuộc sống, cái tôi mà nặng thì thành tội; cái tôi huyền thì thành tồi; và cái tôi sắc thì thành tối. Mà sống trong tội lỗi, tồi tàn và tăm tối đều là sống trong sự thiếu hiểu biết. Vậy phải chăng sự hiểu biết và cái tôi có sự đối lập như Albert Einstein đã từng nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ. Hiểu biết càng ít thì cái tôi càng lớn”.
Trong cuộc sống lúc nào chúng ta cũng gặp gỡ rất nhiều người và trong số đó có những người tưởng chừng như sự hiểu biết của họ không bằng chúng ta, tuy nhiên khi nói chuyện với nhau chúng ta mới thực sự thấu hiểu rằng hóa ra những kiến thức mà chúng ta biết chưa chắc đã bằng họ.
.
Người hiểu biết càng nhiều thì cái tôi càng nhỏ.
Trên chuyến tàu chạy từ ngoại ô vào trung tâm thủ đô Paris, có một ông già ngồi bên cạnh một chàng sinh viên trẻ. Khi tàu chạy được một đoạn thì ông già từ tốn lấy ra trong túi một cuốn kinh sách rồi ngồi đọc lời nguyện. Anh sinh viên liếc nhìn tỏ ra khó chịu. Thời gian trôi qua, ông già vẫn lẩm bẩm đọc. Anh sinh viên không chịu được nữa liền thốt lên:
– Này ông! Đến bây giờ ông vẫn còn tin vào sự vớ vẩn này ư?
Ông già từ từ nhìn lên và nhè nhẹ gật đầu:
– Vâng… Tôi vẫn tin, còn anh?
Anh sinh viên cười khẩy:
– Kể ra hồi nhỏ tôi cũng có tin nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin được khi khoa học giúp tôi khám phá ra những điều mới mẻ, những chân trời mới.
Ông già giơ tay ngắt lời anh sinh viên:
– Anh vừa nói là khoa học đã giúp anh khám phá ra những chân trời mới, vậy anh có thể cho tôi biết chân trời mới ấy là thế nào không?
Anh sinh viên sôi nổi quả quyết:
– Vâng! Nếu muốn xin cứ cho tôi biết địa chỉ của ông, tôi sẽ gửi đến cho ông một cuốn sách, khi đọc xong cuốn sách ấy, ông sẽ tức khắc bỏ những niềm tin vớ vẩn này ngay.
Ông già điềm tĩnh lấy ra tấm danh thiếp đưa cho anh sinh viên. Anh sinh viên đọc tấm danh thiếp thì ngượng ngùng rồi lẳng lặng bỏ sang toa khác. Trên tấm danh thiếp ghi vỏn vẹn mấy chữ: Louis Pasteur – Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Paris.
.
Cảm ngộ:
Người càng hiểu biết thì càng khiêm hạ với mọi người (cái tôi nhỏ), người tự đánh giá mình hiểu biết nhiều, lại dễ sinh tâm kiêu ngạo (cái tôi lớn) thì sẽ không còn nhu cầu tìm tòi cái mới và rèn luyện thêm thì trí tuệ sẽ cạn dần và không được sự kính trọng của mọi người. Hơn nữa, người có trí tuệ sâu sắc là người sống hướng thiện và có tình thương với vạn vật.
.
4 đặc điểm điển hình của người có cái tôi quá lớn
1. Luôn cho rằng mình đúng
Cái tôi quá lớn có thể khiến mọi người không chấp nhận những sai lầm về mình. Trong bất kỳ một công việc nào, họ luôn cho bản thân mình là người đúng. Do đó, họ chẳng bao giờ chịu lắng nghe người khác.
Khi nhìn vào các cây liễu và cây dầu trong cơn bão, cây liễu mềm dẻo, uốn mình thừa nhận sự yếu đuối của nó trước những cơn gió mạnh bạo. Trong khi đó, cây dầu lại đứng hiên ngang, giương tất cả các cành to khỏe nhất, cứng cáp nhất để thể hiện sức mạnh của mình, để khẳng định “cái tôi” của nó. Kết quả là cây dầu đã bị quật đổ, cành cây xơ xác, còn cây liễu thì mỗi ngày mỗi lớn hơn dẫu cho biết bao nhiêu cơn bão đã qua đi.
Người có cái tôi càng lớn thì họ lại càng không sẵn sàng tiếp thu những đóng góp của người khác nên chẳng thể thu tích được những tư tưởng hay những điều hay điều mới lạ.
.
2. Chẳng bao giờ chịu nhường nhịn
Với những người không chịu cúi đầu thì việc chấp nhận mình thua kém người khác cũng là việc vô cùng khó khăn. Sự kiêu hãnh trong bản tính của họ sẽ dẫn đến những xung đột khi người xung quanh giỏi giang, xuất chúng hơn.
Để bảo vệ quan điểm cá nhân, họ thậm chí cố tình tình hạ thấp quan điểm của người khác. Đại đa số những người có cái tôi lớn cũng đến từ những mong muốn khẳng định những giá trị và cống hiến của bản thân.
Đôi khi, họ cho rằng “nhường nhịn” đồng nghĩa với “thua thiệt” nên luôn cố gắng bảo vệ những quyền lợi dù là nhỏ nhất của bản thân. Tuy nhiên, nếu không học được điều này, họ có thể sẽ còn đánh mất đi nhiều thứ hơn.
Người biết nhún nhường không cảm thấy mất mặt hay dại dội. Bản chất đằng sau hành động này chính là chìa khóa cho những thành công vì nó góp phần tạo nên sự hòa hợp trước mọi vấn đề của cuộc sống. Từ đó việc hợp tác trở nên dễ dàng để con người có những điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân.
.
3. Dễ dàng mất đi sự bình tĩnh
Có cái tôi quá lớn cũng là nguyên nhân của những sự ganh tị và đố kị. Họ quá tự tin nên cũng dễ tự ái, dễ nóng giận khi người khác nhắc đến những khuyết điểm của họ.
Cho dù nhắc nhở với ý tích cực cũng trở nên “chói tai” đối với tuýp người này. Điều này chính là rào cản lớn nhất đối với sự thành công khi họ đánh giá rất cao khả năng của bản thân và nghĩ rằng đã đủ.
Họ sẽ chẳng đủ kiên nhẫn để chú ý đến từng lời nói, suy nghĩ, hành động của mình và người khác trong tất cả các vấn đề. Mọi thứ của họ đều được bộc lộ một cách rất bản năng.
Sẽ chẳng có ai lại đi muốn hợp tác hay xây dựng mối quan hệ với một người mà khi xảy ra những bất đồng họ liền mất đi sự bình tĩnh, tức giận, thậm chí là dùng những lời lẽ xúc phạm nhau.
.
4. Luôn so sánh bản thân với người khác
Bất kỳ mọi sự so sánh đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Ở những người lạc quan và mong muốn phát triển, họ so sánh để nhìn nhận những sai sót của bản thân trước hết.
Nhưng ở những người có cái tôi lớn, sự so sánh thường khiến họ bỏ qua khuyết điểm của mình, chỉ tập trung vào thiếu sót của người khác. Những lời so sánh như vậy sẽ khiến họ “tô đậm” hình ảnh một con người tự cao trong mắt mọi người xung quanh.
So sánh quá nhiều chỉ khiến họ mất phần lớn thời gian vào việc quan tâm đến những lợi ích, cá tính và quan điểm bản thân. Điều này khiến một số người luôn đẩy mình vào tình trạng liên tục bất an và căng thẳng. Tâm trí chỉ quanh quẩn trong những điều trước mắt thì rất dễ bỏ qua tất cả các cơ hội thăng tiến.
Những người như vậy cũng rất khó để thực sự tiến xa trong cuộc sống vì họ chỉ nhìn nhận được giá trị của bản thân, và chẳng thấy được những giá trị của người xung quanh.
.
Cái tôi nằm ngay trong chính mỗi người, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng đủ hiểu biết để nhận thức và làm cho nó nhỏ lại. Không ai trong chúng ta muốn bị người khác gán cho cái mác là “cái tôi lớn” và cũng không ai muốn trở thành một kẻ ngu si, thiếu hiểu biết, nên mỗi chúng ta cần nhận biết và kiểm soát cái tôi của mình. Chúng ta cần làm cho mình trở nên hiểu biết hơn, luôn luôn hướng nội tìm và làm cho cái tôi bé hơn mỗi ngày.
.