Saturday, March 18, 2023

Câu Chuyện một Dòng Sông

Xin giới thiệu một bài viết của tác giả DƯƠNG ĐÌNH CHÂU, do anh Lê Văn Đàn (phu quân của Thảo Trang, ĐK67) sưu tầm gởi đến.
.
.
(Nguồn: Internet).

Câu Chuyn Mt Dòng Sông

(Tác gi: Dương Đình Châu)

Bồ liễu cô thân, nàng công chúa Huyền Trân vì cơ đồ vạn cổ đã nam hướng Xà thành tạo thế ngàn năm vững bền ở phương Nam (theo Lê Mạnh Thát).

Tấm thân ngàn vàng ấy, sự hy sinh vô giá ấy đã mang về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm. Từ đó ta có một con sông. Trong Ô Châu cận lục Dương Văn An gọi là nguồn Kim Trà và rồi chúa Tiên vào trấn thủ đất Thuận Hóa, huyện Kim Trà được mang tên Hương Trà và từ đó sông đã mang tên.

Sông lớn và hùng vĩ như sông Nile, sông Amazon, sông Dương Tử, sông Mississippi. Nhỏ hơn, ngắn hơn nhưng không kém phần nổi tiếng trong thơ văn nhạc họa như sông Volga, sông Donau, sông Rhein, sông Seine, sông Potomac. Nhưng với con dân Việt, nhiều sông còn nổi tiếng hơn như sông Bạch Đằng, sông Như Nguyệt, sông Tiền (khúc sông giữa Rạch Gầm - Xoài Mút), sông Hương..

Mỗi một con sông có thể kể chuyện mình với đời và mỗi một người lại mang trong mình một dòng sông để tưởng nhớ về. Với người Huế sông Hương rất thơm, ai mà không nói vậy. “Sông Hương có giống thạch xương bồ. Sanh ở hai bờ tả hữu trạch”. Trong “Trường ca sông Hương”, Vân Bình Tôn Thất Lương đã cho ta biết suối nguồn của dòng sông có giống cỏ thơm mang tên Thạch xương bồ. Nước sông thơm như vậy nhưng lắm khi ta bẵng quên đi. “Đồng ẩm Hương giang thủy. Vô nhân thức thủy hương” (Đào Tấn), cùng uống nước sông thơm mà không người biết nước thơm. Không quên đi sao được khi sông vẫn giữ riết mượt mà điệu lý của thuở chớm yêu. Cái thuở nhớ ít mà tưởng nhiều ấy “Thương nhau nhớ ít tưởng nhiều” (Nguyễn Du); khi sự lãng mạn được thăng hoa thì mấy ai mà không quên hết; một mảnh trăng thôi cũng lưu giữ biết bao điều sầu muộn! “Hương giang nhất phiến nguyệt. Kim cổ hứa đa sầu” (Nguyễn Du).

Những ai đã từng lang thang trên những bến sông, xuôi ngược từ thượng lưu xuống hạ lưu và ngược lại khi bình minh ló dạng, ánh sáng lấp lánh trên mặt sông thì mới chợt nhận ra nét tài hoa của Chu Thần. Chính xác và hùng tráng làm sao dòng sông như thanh cổ kiếm dựng giữa trời xanh “Trường giang như kiếm lập thanh thiên!” (Cao Bá Quát). Những ai đã hơn một lần ngạc nhiên khi qua lại trên những dòng sông nổi tiếng ngắm dòng chảy như thác đổ ở đầu nguồn các sông Mississippi, Potomac... đi dọc sông Rhein lặng nhìn các lâu đài cổ kính, trên sông Donau nhìn hai bên bờ Buda và Pest, ngồi trên thuyền nghe giới thiệu về kinh đô ánh sáng hoa lệ sẽ ngạc nhiên hơn vì chỉ một đoạn sông ngắn, từ ngã ba Sình đến ngã ba Bằng Lãng mà lịch sử đã tràn đầy. Sông không chỉ thơm mướt một màu ngô khoai mà còn vô cùng linh thiêng và đầy huyền thoại. “Thương thay trong buổi gian nguy. Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung.” (Hà thành chính khí ca). Vị trung thần Trần Thúc Nhẫn đã gieo mình xuống ngã ba Sình để giữ trọn khí tiết trong trận chiến 1883 vài ngày sau khi vua Tự Đức băng hà, cho đến vị em Thánh Thiên Y A Na Đồng Khánh đổi tên Ngọc Trản sơn thần từ thành Điện Huệ Nam. Dòng sông nào mà chẳng mang ít nhiều huyền thoại, chủ yếu do cư dân hai bên bờ tạo nên qua thời gian. Chàng thi sĩ Thúc Tề (hy sinh trong kháng chiến 9 năm) cũng đã thấy “Nhịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma. Biến mất vì nghe giục tiếng gà”. Còn biết bao cổ vật của biết bao đời vẫn được lưu giữ dưới dòng sông cùng với câu chuyện con rùa lớn trước điện Huệ Nam. Trước kia điện này có tên Ngọc Trản sơn thần từ vì sự tích vua Minh Mạng lên HươngUyển sơn đánh rơi chén ngọc, bỗng nhiên con rùa lớn hơn chiếc chiếu nổi lên miệng ngậm chén ngọc trao lại cho vua. Từ đó Hương Uyển sơn được mang tên Ngọc Trản sơn

Phải ngược dòng sông trong sương sớm qua Trường Tiền, Dã Viên. Bên tả ta thấy hiện ra Đức Quốc Công từ, phủ Trưởng công chúa con vua Thiệu Trị đến Vĩnh Quốc Công từ. Qua vườn An Hiên cây trái Bắc Nam xanh mướt bốn mùa và từ xa xa Linh Mụ hiện ra với 108 tiếng chuông xua tan phiền muộn của cư dân thôn xóm cả một vùng rộng lớn. Tương truyền khi ôn Linh Mụ thỉnh chuông dân quanh vùng nhận ra tiếng trầm hùng mang nặng đạo tình của vị Đệ Tam Tăng thống, vừa khoan thai vừa đầy thiền vị của vị cao tăng (cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu) rồi qua Linh Tinh môn, Đại Thành môn của Văn Miếu. Bên hữu ngạn, qua các Đại Học, trường Đồng Khánh, Quốc Học, Bình Linh và màu xanh mượt mà của Thủy Biều, Lương Quán. Lúc này mặt trời đã lên cao giữa lồng lộng sông nước, ngước lên phía thượng nguồn thấy ngọn Thương Sơn (Kim Phụng) xa xa, “dáng núi đẹp cao nhọn lên hơn hẳn các núi non bên hữu. Đây là một ngọn núi xinh đẹp lạ thường.” (Ô Châu cận lục do Trần Đại Vinh hiệu đính và dịch chú) ta mới nhận chân được tâm hồn người Huế được cộng hưởng vẻ đẹp của núi, hương thơm của sông do thiên nhiên ban tặng và do chính con người bồi đắp.

Ta lắng nghe cụ Phan từ Bến Ngự ngược ra sông. Cái khi nhìn thấy con sông cụ vẫn vô cùng ngạc nhiên thốt lên “Hương ơi, e phải mày không. Sông nọ hóa ra mình có”. Ai mà chẳng vậy! Cái mình hằng có nhưng bẵng quên đi nên khi có người nhắc lại mới biết xót xa là nhà ta ở đó. Không được như các Thiền sư xem nơi nào lại chẳng là quê nhà (hà xứ bất vi gia), tôi được sinh ra ở Hà Nội nhưng cả đời sống êm đềm với sông Hương. Đi xa khi nghe ai nhắc đến chuyện sông Hương núi Ngự tôi vẫn thường bâng khuâng, nhớ tới quê nhà. Vậy ta mới hiểu tấm lòng của Địch Nhân Kiệt khi đi dẹp rợ Hung nô thấy mây giăng ngang rặng Tần Lĩnh chợt nhớ tới mẹ cha (Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại).

Thuở mang gươm đi mở nước ai cũng nhớ tới ngọn nguồn có thể là ngọn núi, con sông, ngôi chùa, bến nước, sân đình. Thiên thai của Văn Cao cũng giúp ta nhớ tới cội nguồn của dòng Hương. Chàng Tư Mã thuở xưa sớm đã nghe đàn lạnh trên sông Huế có vậy chàng mới nhớ tới áo xanh của quan văn, quan võ cấp dưới (ngũ, tứ phẩm) “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế. Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh” (Văn Cao).

Thôn xóm đôi bờ cũng lắm điều lạ. Cỏ non tràn xuống bờ nước, biêng biếc ngô khoai, thanh trà trĩu quả. Nơi những khúc quanh Hòn Chén, Lương Quán từ bên này sông nhìn qua bên kia (tả ngạn qua hữu ngạn) sông cũng nghiêng nghiêng như sông Đuống nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ, sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc. Huyền thoại sẽ giàu thêm biết bao khi chỉ một khúc sông dài chưa tới một dặm đã trải dài 5 phân khoa Đại học (Luật khoa, Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Sư phạm), với hơn 6.000 sinh viên trước 1975, gần 2.000 sinh viên nhiệm ý, hơn 3.000 trai thanh gái lịch. Thôi thì dập dìu tài tử giai nhân, ra ngõ gặp người đẹp từ bốn phương trời tụ hội sau đó vượt vũ môn rồi tung bay khắp bốn phương trời thật khó mà gặp lại “Giai nhân nan tái đắc” (Lý Diên Niên).

Cái thuở em tan trường về, đường mưa nho nhỏ (theo Phạm Thiên Thư) anh theo em về trao thư, trao hoa ép vào cuối vở muôn thuở còn thương là chuyện thường ngày ở đường Lê Lợi. Còn ở phía bên kia, thời trai trẻ ở Huế ai lại không qua lại lắm lần đoạn đường nên duyên từ nhà sách Ưng Hạ xuống đến nhà sách Gia Long. Nhìn qua bên kia đường là những tiệm cà phê nơi “an tọa” của các chàng trai đi nghể gái đang tuổi xuân thì. Chuyện theo đuổi gái xuân thì thì ông vua Thành Thái, đệ nhất si tình, dựa cột nhà Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ khi theo Nguyễn Hữu Thị Nga đã thốt lên “Kim Luông có gái mỹ miều. Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi.” (theo Nguyễn Hữu Lẫm, cháu Nhất giai Huyền phi Nguyễn Hữu Thị Nga).

Thi ca nhạc họa đã cho sông vốn đã nổi tiếng càng nổi tiếng hơn, thôn xóm đôi bờ cũng nổi tiếng thêm. Qua đập đá là Vỹ Dạ thôn. Những chàng thi sĩ choáng hơi men hay những văn nghệ sĩ, trí thức cả nước ai mà không nhớ đến thôn xóm bé nhỏ này. Quanh nhà là những hàng chè tàu cắt phẳng phiu đôi khi chen lẫn những bụi hóp và đây đó nở một vài bông hoa đủ làm vui lòng khách qua đường (theo Bửu Ý).

Nói đến Vỹ Dạ phải nhắc đến bài thơ của Hàn Mặc Tử. Bài thơ lạc vận, thất niêm mở đầu bằng một câu văn vần thông thường “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?” Đây là loại câu thơ mồ côi tuyệt bút theo Jakobson (theo Đặng Tiến) ấy vậy mà lúc nào cũng được xếp vào 10 bài, rồi 5 bài thơ hay nhất trong 80 năm thơ mới. Làm gì có bến Văn Lâu, làm sao có câu hò mái đẩy ở khúc sông trước Nghinh Lương Đình vậy mà những câu ca của Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã lay động lòng người biết bao thế hệ. Thật là nghịch lý! Vậy ta mới thấu hiểu ý nghĩa của từ poiesis trong tiếng La tinh ngoài nghĩa là thi ca còn có nghĩa là làm. Làm thơ quả là việc cực nhọc, làm việc thường xuyên khổ cực đến nỗi hơi thở chỉ còn thoi thóp “Văn chương tàn tức nhược như ty” (Nguyễn Du). Bùi Giáng đã thoát dịch: “Thơ văn hơi thở như lời tơ than”. Ý nghĩa đích thực ở đây là làm ra, cho xuất hiện từ cái không đến cái có (theo Phạm Công Thiện) quả là thơ không tiến tới như văn xuôi mà qua lại. Kiều thì trông vời con nước mênh mông, Kim Trọng thì vời... trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo. (Nguyễn Du). Quả là loanh quanh, tìm ra thi tứ mới lạ ấy mới đúng là thiên tài.

Sông Seine là dòng sông thơ. Ai qua lại nhiều lần trên cầu Mirabeau mà không nhớ tới thơ của Guillaume Apollinaire và... cầu Clémenceau (Trường Tiền).

Sous le pont Mirabeau coule la Seine

Et nos amours
Faut-il qu’il m’en souvienne
La joie venait toujours après la peine
Vienne la nuit sonne l’heure

Les jours s’en vont je demeure… (Le pont Mirabeau) và tôi tạm dịch theo liên tưởng của tôi.

Dưới chân cầu Trường Tiền

Trôi dòng nước sông Hương
Và tình yêu của chúng ta
Anh vẫn nhớ niềm hoan lạc luôn đến sau nỗi khổ đau.
Rồi đêm trôi qua
Rồi ngày trôi qua
Anh còn ở lại.


Sông Hương cũng vậy, nhiều thi sĩ đã viết về nó như đã nêu danh.

Nhạc sĩ viết về sông Hương cũng vậy. Số lượng quả là nhiều, nổi tiếng như Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thông Đạt, Châu Kỳ, Lê Hoàng Long, Lê Hữu Mục, Văn Phụng Minh Kỳ, Trần Đình Quân… nhưng với tôi người với vài ba nốt nhạc đã vẽ được hình hài sông Hương từ hạ lưu đến thượng lưu là Trịnh Công Sơn. La la, sol sol, sol sol, fa fa, “con sông là thuyền, mây xa là buồm” trong Bốn mùa thay lá, người nhạc sĩ tài hoa đã vẽ nên vóc dáng chỉ có của sông Hương - thuyền - những chiều sương khói che mờ dãy Trường Sơn trùng điệp ở phía Tây - buồm - thuở ấy một tuần mấy độ luôn có một nhóm bạn nhỏ với các anh Hồ Đăng Lễ, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Ý v.v… ngồi trên sân thượng xẹc Tây (Cercle nautique de Hué). Cùng ngồi trên đó là các giáo chức cơ hữu Đại học Huế và các giáo chức thỉnh giảng trong hay ngoài nước. Nơi đây một thời thường là nơi gặp gỡ của những người nổi tiếng nhưng cũng còn phải kể thêm những người thường xuyên có mặt, chú Lộ với điếu thuốc Bastos xanh dính chặt vào môi dưới, chú Song bụng phệ coi hồ bơi, (từ thời Bảo Đại), canoe, périssoire. Một thư viện Pháp nho nhỏ, vài ông Tây nhà đèn (Sở điện lực) với cả đàn con lai mới lớn làm cho ven sông thêm dáng yêu kiều.

Khi nói về sông Hương ta không thể không nhắc đến một nhân vật đã đặc tả được sông Hương: Uy Viễn tướng công, nếu không có thư của một bạn tâm giao đồng triều, chắc Nguyễn Công Trứ không dám trở về Huế vì tướng công bị vua Minh Mạng nghi ngờ. Thư chỉ có vài từ “Vị đáo Tiền đường giang” chuyện của chàng chưa đến sông Tiền đường nơi Thúy Kiều gieo mình. Vậy mới có thơ:

Lênh đênh một chiếc thuyền nan
Một cô gái Huế một quan đại thần
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn rầy rà như con.


Trên tôi đã nhắc qua phong cách, tâm thức của người Huế đã chịu ảnh hưởng của núi đẹp, sông thơm. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử hình thành ta mới thấy ảnh hưởng của nhiều yếu tố khiến người Huế có lối sống đặc trưng không nơi nào có được: nhàn nhã, thanh cao và hòa hợp với thiên nhiên. Nên cho dù là nỗi khổ, niềm vui, hơn thua, được mất, danh lợi, lợi danh không phải là điều sống chết. Đây là một lối sống mà gần đây các học giả Trung Quốc đã tổng kết được ở thị dân nhất là cư dân chốn kinh thành dù bản thân kinh thành có nhiều lần dời đổi. Đó là lối sống Trang Thiền (ảnh hưởng của Lão giáo và Thiền trong Phật giáo). Nhìn lại lịch sử khi chúa “Tiên” (chịu ảnh hưởng của Lão Trang) vào trấn thủ đất Thuận Hóa, lối sống mang tính thoát tục khó mà phù hợp với cư dân bản địa và lưu dân theo chúa (trong thành nội có Linh Hựu quán thờ các vị tiên trong đạo Lão Trang). Con chúa Tiên, chúa “Sãi”, Nguyễn Phúc Nguyên chịu ảnh hưởng của Phật giáo và sau đó các chúa và các vua triều Nguyễn đều nương theo Phật giáo để thuần hóa người dân. Vua chúa, công hầu khanh tướng tuyệt đại đa số đều cư Nho, mộ Thích. Bao nhiêu quốc tự và quan tự ở đất này; hàng trăm phủ đệ trải dài khắp chốn không nơi nào quá to lớn, xa hoa, cách biệt. Lối sống chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo, vô đắc vô thất, vốn là đỉnh cao của Thiền. Thực ra lối sống ở nơi này chịu ảnh hưởng của Tam giáo. Tuy vậy Phật giáo đã cắm rễ sớm nhất và sâu nhất ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Do vậy lối sống Huế phải chăng chính là lối sống Thiền Trang cho nên cho dù ta có vận dụng trí tuệ đến đâu chăng nữa cũng không thoát ra được quy luật có tự bao đời.

Vậy là bãi bờ xanh mướt cỏ cây, trải dài ngô khoai, trúc tre khắp chốn, lăng tẩm, đền đài, cổ tự, đại học và lịch sử thấm đẫm trên từng ngọn cỏ lá cây khiến dòng sông có đủ nội lực để cất lên tiếng nói của mình bằng thơ văn, âm nhạc, hội họa.

Nước thì dùng dằng như không muốn chảy. Con sông đại diện cho cả một vùng đất thuở Huyền Trân, bồ liễu cô thân nam hướng Xà thành mà lòng vẫn quay về cố quốc, ruột thắt tim đau đến những câu thơ bâng quơ của chàng Trung Niên thi sĩ làm thơ cho “chuồn chuồn châu chấu”. “Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Thơ nói lên tâm hồn chàng đã bị con người, sông núi nơi này mê hoặc nên dù dòng đời đẩy đưa, lang bạt kỳ hồ mà vẫn miên viễn nhớ về hỏi han.

Nên dù ta có đi khắp bốn phương trời, ở bên này hay ở bên kia biển lớn, nơi phố thị hay miền quan ngoại lòng vẫn luôn tưởng nhớ về nơi cố quận. Dòng sông từ thuở nào vẫn ôm ấp biết bao nhiêu chuyện, có chuyện để quên đi, có những chuyện để nhớ về, nước sông vẫn êm đềm trôi xuôi, trôi xuôi mãi mãi.

Hè Honolulu nhớ Huế
D.Đ.C
(SH293/07-13)

(Anh Lê văn Đàn sưu tầm gởi đến)