(Bài sưu tầm)
NÓI
THÊM VỀ "PHƯƠNG PHÁP THỞ BỤNG"
(Bài của BS Đỗ Hồng Ngọc)
Ghi chú: Một bạn trẻ vừa có thư hỏi trong Thiền tập có phải thở bụng không? Có chứ. Vì thở bụng là cách thở sinh lý tự nhiên mà. Không chỉ con người mà con ếch, con cóc, thằn lằn, rắn mối… gì cũng thở bằng bụng cả. Do đó, trong Thiền tập cũng phải thở bụng chứ. Lúc đầu dõi theo từng nhịp thở vào thở ra, thậm chí đếm… (chánh niệm), khi đã điều hòa thì không còn cần dõi theo hơi thở nữa, mà bắt đầu “quán sát”; ở giai đoạn thiền sâu hơn thì không còn cảm nhận có hơi thở nữa… (ĐHN).
Nói thêm về “Phương pháp Thở Bụng"
(Abdominal -or diaphragmatic- breathing)
Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại
Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác
sĩ Nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phồi nặng, điều trị ở bệnh viện
Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây
giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn,
cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Các bác
sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ
chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả
là ông đã sống đến tuổi 85 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa,
họat động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!
Thót bụng thở ra.
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!
Nhiều độc giả viết thư, gởi email, điện thọai hỏi thêm
về Phương pháp Thở Bụng này. Có người bảo sau 2 tháng “tập luyện” đã
thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe
có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn; có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần
mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v.. Một độc giả ở tận Hà
Tiên, nói nhờ đã thử tập thở 2 tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập
chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ 5 phút mới hết…
Trước hết cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải
thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải có giờ
giấc, tư thế nọ kia? Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời
sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả!
Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết: Nó thở đều
đều, nhẹ nhàng, và… thở bằng cái bụng! Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp
xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên không chỉ của người mà của…mọi
loài. Thử quan sát con thằn lằn, con cắc kè., con ễnh ương… thì biết. Nó thở
bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ
hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên
nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều
oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi. Tóm lại, nhớ rằng
thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì
cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả! “Ở đâu cũng đựơc/ Lúc nào
cũng đựơc” là vậy.
Thứ hai là không nên ráng sức, gắng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên
nhẫn để tạo thành thói quen tốt thế thôi. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì
sẽ dẫn đến … thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần… Tại sao vậy? Tại vì đã
ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối lọan sự điều hoà tự nhiên của cơ thể. Cho nên
người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”! Ta thở bụng là
để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn” của một
phái võ nào đâu! Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng.
Nhưng phải kiên trì, như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy
hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó ( tăng huyết áp, tiểu đừơng…) thì vẫn phải
dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng
cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.
Thứ ba, nếu luôn nhớ mình đang thở, thì theo dõi luồng hơi thở ra,
hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình
nhích lên nhích xuống theo từng nhịp thở là đựọc. Lâu nay ta thở một cách phản
xạ, vô thức, nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, dõi theo nó thì sẽ
giúp ta… quên các thứ chuyện lăng xăng bên ngoài, giúp tâm ta được tĩnh lặng.
Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ… sẽ tiêu hao rất nhiều năng
lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!
Câu “êm, chậm, sâu, đều” trong bài vè chưa cần phải tập.
Còn lâu mới “êm chậm sâu đều” được! Cứ thở tự nhiên, vì không phải “luyện công”
mà! Có người hỏi nên thở bằng mũi hay bằng miệng, vì có người khuyên phải hít
vào bằng mũi, thở ra bằng miệng? Mũi dùng để thở. Không khí qua mũi sẽ được
sưởi ấm, bụi bậm… sẽ bị lông mũi chặn lại. Do vậy nên thở bằng mũi tốt hơn, trừ
phi quá mệt (leo leo cầu thang, chạy bộ…) hoặc bệnh, hoặc luyện khí công…
«Thót bụng thở ra» được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở
ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với
những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện
thì thở ra.
Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im
lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người
nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé
“tung mình” ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự
động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó
chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được
“lắp đặt” xong, đã khởi động tốt…
Sự hô hấp thực chất xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không
phải ở hai lá phổi. Phổi chỉ là một cái máy bơm, bơm khí vào-ra, “phình xẹp”
vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế”
của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn pít-tông (piston) chính là cơ
hoành – một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên
thụt xuống (như cái bễ lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành
nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Cơ hoành có khả
năng nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp
chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí (Các cơ hô hấp khác chỉ chịu tránh nhiệm
20%). Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất!
Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for
Reversing Heart Disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở
bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy
bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.
Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công,
yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu
nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không
ngoài cách… thở bụng, phối hợp với dinh dưỡng, vận động thể lực.
Phương pháp thở bụng (Abdominal -or
diaphragmatic- breathing) không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô
hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện
tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu
quả.
Tác giả: BS Đỗ Hồng Ngọc