Thursday, June 4, 2020

Huế có đường Hàng Me

Tác giả: NGUYỄN THỊ NHƯ-MAI (ĐK64)
(post lại)
.

(Ngun: Tác gi gi)
.
Ở Huế Có Đưng Hàng Me.
.
 Huế, đối với nữ sinh Đồng Khánh chúng tôi, có những con đường rất ngắn mà kỷ niệm thì dài vô cùng. Con đường Hàng Me, nay là Phạm Ngũ Lão, là như vậy! Cũng bởi một phần đó là con đường có những giai nhân vang bóng một thời: Phố Châu, Trà My, Nga My…và nhất là Diệm My. Trong đó có cô bé lọ lem là tôi. Lọ lem là vì láng giềng của rất nhiều người đẹp!
.
Diệm My ở số nhà 11, còn tôi ở chênh chếch cửa ngõ nhà nàng, số 8 đường Hàng Me. Gần nhau thế nên ngày nào cũng đi học cùng nhau, khi cùng đi bộ, khi thì xe đạp, có khi đi xe hơi (xe hơi của ai rứa hè, Diệm My còn nhớ không?) Không những thế, chúng tôi còn là bạn học cùng lớp từ đệ thất đến đệ nhất trường Nữ trung học Đồng Khánh, 7 năm trời đằng đẵng chứ bộ!  Và suốt trong 7 năm trời sáng nắng chiều mưa, hai đứa chúng tôi cùng đi đến trường trên con đường Lê Lợi dưới hai hàng cây sao đan chen vào nhau như vòng tay che chở suốt quãng đời niên thiếu…
.
.Rủ bạn đi học, đợi bạn đi học, bao giờ cũng là tôi, vì Diệm My đi học rất muộn.
Và cũng vì thế mà biết bao chàng trai đi học, đi làm, kể cả những chàng đi chiến trường cũng muộn luôn. Vì đằng sau chúng tôi là một cái đuôi dài… dằng dặc nào là học sinh, sinh viên, nào lính tráng, bác sĩ, kỹ sư… (dù lúc đó, trời ạ! Diệm My chỉ mới học đệ tứ, đệ tam) Bởi vì sao? Bởi vì Diệm My quá đẹp! Diệm My đẹp, đẹp lắm. Ngay cả đàn bà con gái cũng mê!
 .
Tôi không đủ khả năng của một họa sĩ để giúp các bạn hình dung. Tôi xin mượn lời của Thầy chúng tôi đã gọi Diệm My là “người đẹp 30 năm."  Phải chăng Thầy muốn nói rằng trong 30 năm chiêm nghiệm của cuộc đời, Thầy thấy người học trò cũ của Thầy: Diệm My là một người đẹp nhất? Hèn chi mà cô Hiệu trưởng bắt Thầy mỗi lần vào lớp phải mang nhẫn 'fiancé’ trên ngón tay áp út ( !!? )
.
(Ngun: Tác gi gi)
.
Trịnh Công Sơn có lần nói rằng: Một người đẹp thì cái gì cũng đẹp, mặt đẹp, tay đẹp, chân cũng đẹp… để giai nhân có nơi ở trọ. Đối với tôi, Diệm My là rứa đó. Mắt nhung đen, da mượt mà trắng sáng, tóc dài đen nhánh và đặc biệt là môi thắm đỏ một cách tự nhiên. Đôi môi đỏ đến nỗi các hãng mỹ phẩm trứ danh cũng phải ghen tức. Thời của chúng tôi là thời mà ngay cả cô dâu về nhà chồng cũng chỉ e lệ thoa môi bằng giấy đỏ, hay bao hương, hay lãng mạn thơ mộng hơn là cánh hoa tường vy hái trong vườn, thì chúng tôi có đâu son môi làm đẹp cuộc đời?  Nên chi ai thấy cũng hỏi tôi, vì tôi là người gần gũi nhất với Diệm My, rằng sao đôi môi của Diệm My thắm đỏ dữ vậy? có tô son môi không? Tôi không vì chủ quan hay vì bênh bạn, mà chỉ thành thật trả lời: lúc nào cũng như lúc nào, đi học, đi chơi, hay ở nhà, ngay cả khi bạn đang ngủ, lúc đánh thức bạn dậy đi học, môi bạn lúc nào cũng như thế. Rất tiếc là lúc đó tôi không có máy ảnh màu (hay iPhone như bây giờ) để ghi lại. Hồi đó, chúng tôi chỉ có những tấm hinh đen trắng. Và nữ sinh Đồng Khánh luôn luôn là khách hàng quen thuộc của các tiệm ảnh My Ly, Tuyết Anh, La cảnh Lưu mà Diệm My là khách hàng quen thuộc. Nữ sinh trong trường và các trường khác thường đến tìm gặp, làm quen, và trao đổi tặng hình cho nhau...

Dim My thuở ấy
(Ngun: Tác gi gi)
.
Tôi có rât nhiều tấm hình đen trắng mà Diệm My tặng tôi, nhưng tiếc thay năm 1975 tôi đã mất tất cả. Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ vì sau này kể cho con gái tôi nghe về bạn bè một thuở Đồng Khánh xa xôi, tôi không thể minh họa cho thấy một “dì Diệm My hoa khôi xứ Huế" là như thế nào. Có chăng chỉ còn những tấm ảnh nhỏ xíu của chúng tôi trong bảng lớp Tam C, Nhị C… mà Thầy Phạm Kiêm Âu đã thực hiện. Mà mấy chục gương mặt trong một tấm hình lớp thì mỗi đứa giỏi lắm chỉ lớn hơn hạt đậu một chút thì làm sao thể hiện rõ nét thanh tân?
.
(Ngun: Tác gi gi)
.
Trở lại con đường Lê Lợi sau mỗi lần tan học. Hai chúng tôi đã điểm mặt cho vui những kẻ si tình lẽo đẽo theo đuổi đón đợi và chúng tôi đã đặt tên theo nhân vật tiểu thuyết, theo phim ảnh, hay bài hát nổi tiếng thời đó. Nào Dũng Đoạn Tuyệt (mà chúng tôi đâu biết mặt mũi anh chàng Dũng của Loan?), nào Pat Boon trong bài Bernadine, nào Kính Cận Nửa Chừng Xuân, nào Serenata … và những khuôn mặt ấy kiên gan bền chí tuần 6 buổi đi theo mặc cho mưa gió não nề …
Và mặc cho “tường đông ong bướm đi về mặc ai," chúng tôi vẫn hồn nhiên trong sáng của tuổi học trò. Tình cảm của chúng tôi là Thầy Cô, bạn bè ... và một vài chút vẩn vơ với cỏ cây, hoa bướm, đôi khi lãng mạn hơn như trong Chuyện tình Lan và Điệp. Đó là một hôm, trên đường đi học, tình cờ thấy một xác bướm khiến chúng tôi thổn thức (Diệm My nhớ không?) Hai chúng tôi đem giấu trong đám cỏ để kip đến trường. Khi tan trường, chúng tôi trở lại tìm xác bướm và đem chôn với đầy đủ nghi thức theo ý hiểu  của chúng tôi. Từ đó, nơi chôn ấy đã trở thành chốn dừng chân để cầu nguyện. Không biết cầu nguyện gì, cho kiếp bướm hay cho tuổi thanh xuân trong một thời có nhiều bất trắc? Diệm My ơi, nếu có dịp trở về, chắc bạn cũng khó lòng tìm ra nơi chúng ta đã chôn xác bướm, vì nơi ấy đã trở thành một Trung Tâm tư liệu hiện đại thay vì thư viện Đại Học như ngày xưa.
.
Chúng tôi sống trong cái thời mà sự tỏ tình chỉ được thể hiện qua những lá thư để rồi cuối cùng chỉ "gửi gió cho mây ngàn bay..."  Dù đang học đệ tứ, nhưng thư gửi cho Diệm My nhiều như nghìn cánh bướm, bướm bay qua vườn, bướm bay vào lớp học, bướm len lén cài dưới yên xe đạp, và tất nhiên bướm bay thẳng vào chúng tôi nếu kẻ si tình nào liều mạng! Thư nào chúng tôi cũng đọc (và xin quý anh thứ lỗi) chúng tôi cười vang mà tiếng vọng còn đến tận bây giờ. Còn tôi nữa, đã là nữ sinh Đồng Khánh tất nhiên lúc nào cũng có một “cái đuôi," huống chi tôi là em gái út của các ông anh trai hào hoa, có bao nhiêu là bạn lấy cớ đến học bài… và hộc bàn của tôi cũng đầy những “mây ngàn bay."  Nói vậy chứ chúng tôi luôn cảm xúc trước những tấm lòng và cảm xúc ấy đã trở thành sự trân trọng vì chúng đã là hành trang theo chúng tôi cả quãng đời lê thê…
.
Xin phép mở một dấu ngoặc ở đây: Diệm My không chỉ xinh đẹp, mà còn học giỏi nữa! Chắc nhiều người ngạc nhiên phải không? Đặc biệt Diệm My viết văn rất mượt mà với bút hiệu Nguyên Viên (nghe sao có vẻ tu hành quá). Nhớ lần Thầy dạy văn chương hướng dẫn lớp làm bích báo, chúng tôi hào hứng tham gia, nhất là cái khoản chọn cho mình bút hiệu. Chúng tôi nghịch ngợm muốn chọn chữ Như cho tất cả. Nào là Hà Như (Như Minh), Hoàng Như (Như Nguyệt), Lữ Như (là tôi, chọn theo tên cô Lữ Cam Thảo), chỉ có Lê Cương là giữ nguyên của Lê thị Cương. Diệm My hơi yếu về khoản hát hò, nhiều lắm chỉ hát được 2 câu tủ của nàng:
    Kìa đàn vịt ngồi dưới ao hồ
    Thằng bờm xờm vác roi đuổi đánh…
Khiến cả lớp ôm bụng cười bò. Thế nên Diệm My thường xin đọc thơ để bù trừ. Và bài thơ là một kỷ niệm khó quên vì bạn bè rất thích và còn nhớ đến tận bây giờ, là bài "Còn tím đến bao giờ" của Tô Kiều Ngân:
      Một hôm anh đi hành quân xa
      Nhìn về chân trời nơi em đang ngủ….
Và đoạn hay nhất là:     
     Mắt bỗng gặp một cành hoa sim tím
     Ôi màu hoa, màu của tình yêu
     Hái về dành tặng người em nhỏ
     Nhưng, buồn thay, hoa rụng lúc ban chiều  
     Anh nghĩ đến những mối tình bỗng héo
     Những bàn tay rời cách những bàn tay
     Những tờ thư dần nhạt nước mắt đầy
     Của buổi trước, cạn rồi, không chảy nữa
.
Như đã nói ở trên, vì không phải là họa sĩ vẽ chân dung, nên tôi đã quên một chi tiết về nhan sắc người đẹp. Đó là mái tóc. Diệm My để tóc thề gái Huế. Tóc đen mướt ngang vai. Có khi cao hứng kết thành hai bím tóc thắt nơ xanh. Rồi thả lửng lơ khi lớn lên... và bỗng có lúc kẹp tóc (phải chăng có lần sầu muộn ??)  Người ta kẹp tóc thì trông có vẻ quê quê thế nào, còn nàng kẹp tóc thì nghiêm trang khả ái mới chết thiên hạ! Nói rằng Diệm My có lúc sầu muộn, thì ra nữ sinh chúng tôi đều như thế cả. Tôi đã có những buổi chiều bãi học Văn Khoa, mặc áo dài đen, thắt bandeau hạt dẻ, khiến anh chàng lẽo đẽo theo sau gọi “người em sầu mộng" như gọi người con gái để tang cho cuộc tình!
.
Và đó là những hình ảnh cuối cùng của một thời đi học.
Sau đó, mỗi đứa một nơi.
Sông ơi, sông có xuôi dòng cũng có lúc đổ đến khúc quành.
Chúng tôi ngậm ngùi chia tay. Diệm My vào học Saigon và rồi du học Pháp. Còn tôi loanh quanh một góc trời đầy ắp hoài niệm: Đại học Văn khoa, Đại học Sư Phạm. Rồi dạy học. Mặc ai năm châu bốn biển, tôi như một người ngồi đây giữ đền kỷ niệm. Chỉ có một điều an ủi là tôi về dạy học ở Đồng Khánh, rồi Hai bà Trưng (tiếp tục sau 75) để tìm lại tuổi vàng, dù không chuyền tay nhau những me chua ổi chát, mà đứng trên bục giảng làm bộ nghiêm sắc mặt nhưng trong lòng xót xa những ký ức...
.
Tôi vẫn giảng bài mà lòng nhớ như in những khuôn mặt bạn bè yêu dấu của lớp C: nào Thái thị Ngọc Dư xinh xắn học rất chi là giỏi, nào Như Minh thông minh như tên gọi, nào Lê Cương da trắng môi hồng, Như Nguyệt đôi mắt nồng nàn và huýt gió bản Serenade rất điệu nghệ, Minh Lý dịu dàng, nghiêm trang, và Nhật Hồng mình hạc xương mai vô cùng chí tình với bạn, Vương Thúy Minh thì ngây thơ yểu điệu không ai bằng. Và những ai…hỡi bạn bè một thuở!.
.

Ngc Dư (trái), Dim My (phi)
(Ngun: Tác gi gi)
.
Tôi đang nói về Diệm My nhưng thật ra đang hồi ức một thời thanh xuân lộng lẫy với tất cả các bạn. Tôi lúc nào cũng nghĩ đến Diệm My như một trung tâm của cái đẹp và sự tốt lành, có tôi và các bạn. Đó chính là chỗ mà tôi làm điểm tựa bám trên con đường gian nan của kiếp người: tôi đã có một thời vô cùng đẹp, với những bạn bè đẹp và những kỷ niệm đẹp...
.
Cuộc sống nếu là ở trọ, thì tôi cũng đã một thời ở trọ trong một chốn huy hoàng lộng lẫy: trường Đồng Khánh, với Thầy Cô, bạn bè, và tất nhiên với Diệm My, cô bạn cùng lớp và là cô láng giềng yêu dấu.
.
Nguyn th Như Mai (ĐK64)
(post lại).
.