Họp mặt ĐK67
(San Jose / July 2018)
Tĩnh Lặng
Khi
bạn đánh mất liên lạc với sự im lắng ở nội tâm, bạn sẽ đánh mất liên lạc với
chính mình. Khi bạn đánh mất liên lạc với chính mình, bạn sẽ tự đánh mất mình
trong thế giới của hình tướng. Mọi thứ hữu hình là tất cả những gì trong đời
sống, trong vũ trụ mà ta có thể sờ mó, nhìn thấy, cảm nhận hoặc có thể tạo
thành một khái niệm ở trong ta. Tất cả đều là biểu hiện của Tâm. Nói một cách
khác, Tâm là nơi muôn vật, mọi thứ hữu hình được tạo ra, được sinh ra.
Khi nào có sự yên tĩnh ở chung quanh – bạn hãy lắng yên để nghe sự yên tĩnh đó. Tức là chỉ để ý, chú tâm đến sự yên tĩnh đó. Lắng nghe sự yên tĩnh như thế sẽ làm thức dậy một chiều không gian im lắng ở trong bạn, vì chỉ qua sự im lắng thì bạn mới có thể nhận ra sự yên tĩnh.
Bạn sẽ nhận ra rằng
giây phút bạn lưu ý đến sự yên lặng ở chung quanh, bạn không hề suy nghĩ. Bạn
chỉ nhận biết, nhưng không hề suy tư.
Khi bạn chú tâm đến sự
yên lặng, ngay lập tức có một trạng thái cảnh giác nhưng rất im lắng ở nội tâm.
Bạn đang hiện diện. Bạn vừa bước ra khỏi thói quen suy tưởng của tâm thức cộng
đồng, của nhân loại, một thói quen đã bị thâm nhiễm trong hàng ngàn năm qua.
Hãy nhìn một thân cây,
hay một bông hoa. Hãy để cho nhận thức của bạn đậu lên trên vật thể đó – như
một cánh bướm. Bông hoa ấy tĩnh lặng biết bao nhiêu! Thân cây và bông hoa đang
cắm rễ trong trạng thái an nhiên tự tại biết bao nhiêu. Hãy để thiên nhiên dạy
cho ta thế nào là tĩnh lặng.
Khi bạn nhìn vào một
thân cây và nhận ra sự tĩnh lặng của thân cây đó, chính bạn cũng trở thành sự tĩnh
lặng. Bạn tiếp xúc với thân cây ở một mức độ rất sâu. Bạn sẽ cảm thấy đồng nhất
với những gì bạn đang cảm nhận qua sự tĩnh lặng. Cảm nhận sự đồng nhất giữa
mình với mọi vật đó chính là Lòng Xót Thương – một tình thương chân chính.
Sự im lặng rất hữu ích.
Nhưng bạn không cần phải có sự im lặng thì mới giúp bạn tìm ra sự tĩnh lặng.
Ngay cả những khi có tiếng ồn, bạn vẫn có thể nhận ra đang có sự tĩnh lặng bên
dưới những ồn ào, nhận ra khoảng không gian từ đó tiếng động được phát sinh. Đó
chính là không gian bên trong của nhận thức thuần khiết, đó cũng chính là
Tâm. Tức là cái Biết linh hoạt và sống động nhưng vô hình tướng ở trong ta. Đó
chính là bản chất chân thực của mình.
Bạn chợt nhận ra rằng
có một sự nhận biết như là một cái nền nằm sau tất cả những nhận thức của các
giác quan, tất cả những suy tư. Nhận ra sự nhận biết đó là sự phát sinh của sự
tĩnh lặng ở nội tâm.
Bất kỳ một tiếng ồn
đáng ghét nào cũng đều hữu ích như sự lặng yên. Làm cách nào?
Bằng cách buông bỏ sự
chống đối trong nội tâm về tiếng ồn, bằng cách cho phép tiếng ồn ấy được như nó
đang là. Sự chấp nhận này cũng giúp bạn đi vào cõi an bình ở nội tâm, tức là sự
tĩnh lặng.
Bất kỳ khi nào bạn
chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó – bất kể hình thức
phút giây ấy đang biểu hiện là gì – bạn sẽ có được trạng thái lặng yên, bạn có
được sự an tịnh.
Hãy chú tâm đến khoảng
trống – khoảng trống giữa hai ý tưởng, khoảng không ngắn ngủi giữa những chữ
trong một câu chuyện, giữa những nốt nhạc của tiếng dương cầm, hoặc khoảng
trống giữa hơi thở vào và hơi thở ra của bạn.
Khi bạn chú tâm đến
những khoảng trống đó, nhận thức về một cái gì đó, lúc ấy chỉ còn là nhận thức
thuần khiết.
Chiều không gian không
có hình thể ấy của nhận thức thuần khiết được phát sinh từ bên trong bạn, thay
thế cho thói quen của bạn thích tự đồng hóa mình với những biểu hiện bên ngoài
của hình tướng.
Như thế sự tĩnh lặng
có phải là sự vắng mặt của tiếng ồn và những tình huống không? Không, sự tĩnh
lặng chính là tự thân của sự thông thái – là Tâm nằm ở bên dưới, từ đó mọi thứ
hữu hình được phát sinh. Và làm sao cái Đó có thể tách rời với bản chất chân
thực của bạn? Cái Đó cũng là tinh chất của tất cả những thiên hà và mỗi ngọn
cỏ; của tất cả những bông hoa, cây cối, chim chóc và tất cả mọi vật thể khác.
Sự tĩnh lặng là vật
thể duy nhất trên cõi đời này không mang một hình tướng. Nhưng thực ra, sự tĩnh
lặng đâu phải là một vật thể, và nó cũng không thuộc về thế giới này.
Khi bạn nhìn vào một
thân cây hay một con người, từ sự tĩnh lặng ở trong bạn, thì ai đang nhìn vậy?
Có một cái gì đó, sâu hơn là con người của bạn, đang nhìn. Đó là Tâm đang nhìn
vào cái vật mà chính Tâm đã sáng tạo ra.
Đó cũng là cảm giác
hài lòng mà bạn cảm thấy khi ngắm nhìn một thân cây, hay một con người, từ sự
tĩnh lặng, không vướng bận chút suy tư.
Sự tĩnh lặng, không có
hình tướng nhưng tràn đầy ý thức ở trong bạn. Đó cũng chính là bản chất chân
thực của bạn.
(sưu tầm)
(post lại)