Truyện ngắn sưu tầm
.
(Hình: Internet).
.
Người Trong Mộng
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Dương
.
.
Đây là lần thứ hai vợ chồng Tư Chuột về thăm Việt Nam, lần
trước cách đây năm, sáu năm. Thời gian cứ vùn vụt trôi, mải mê bận rộn vì cuộc
sống, dù nhớ nhà, nhớ người thân hai bên nội ngoại, mà bây giờ mới có dịp trở
về lần nữa. Tư Chuột nao nức về Việt Nam gặp lại người thân, ngoài ra còn
vì một lý do khác. Anh sẽ gặp lại một người bạn gái cũ sau hơn 30 năm xa cách,
là “người trong mộng” của anh thời còn đi học.
Qua một người bạn học cũ mới liên lạc được, hiện cũng đang
sống ở Mỹ, Tư Chuột biết tin tức một số bạn bè cùng lớp thời trung học. Họ cùng
hào hứng nhắc đến người đẹp Ngọc Diệp, cô bé xinh xinh và nổi tiếng làm thơ hay
của lớp, đám nam sinh thuở đó cứ mười người thì phải trên năm người có cảm tình
với nàng và hâm mộ thơ nàng. Trong số đông đảo những thằng trồng cây si nàng có
cả Tư Chuột. Là một người vóc dáng nhỏ thó, gương mặt choắt choeo, lại con nhà
nghèo học dở, anh nam sinh Lê văn Tư, biệt danh các bạn đặt cho là Tư Chuột
không bao giờ dám mơ được tiếp xúc nàng thơ, không bao giờ dám “chen lấn” với
các nam sinh khác để hòng chiếm được cảm tình của nàng. Tư Chuột chỉ biết
thương trộm nhớ thầm người trong mộng.
.
Ngọc Diệp là một trong số vài người đẹp của lớp, nàng con nhà
giàu, học giỏi, dáng gầy gầy, đôi mắt to đen đằm thắm, và mái tóc dài qua vai
luôn buông xỏa về một bên trông càng quyến rủ và lãng mạn. Các anh tha hồ đua
nhau làm thơ tặng nàng, Tư Chuột xôn xao chẳng thể nào ngồi yên, anh không biết
làm thơ, nên định mua một cuốn sách thơ của nhà thơ nổi tiếng nào đó để tặng
nàng, mượn thơ người khác nói lên nỗi lòng của mình hay ít ra cũng làm nàng vui
thích vì nhận được cuốn thơ hay. Nhưng anh chưa thực hiện được thì biến cố 1975
xẩy ra.
.
Bây giờ Ngọc Diệp là goá phụ, hai con, cuộc sống của nàng ở
Việt Nam rất nghèo khổ. Mới nghe, Tư Chuột mủi lòng thương xót cho người xưa.
Có ai ngờ một cô gái đẹp cao sang thuở đó, bể dâu cuộc đời vùi dập nàng sa cơ
thất thế đến tội nghiệp? Cũng có ai ngờ anh Tư Chuột, tướng tá lù đù, thuở đó
không ông thầy bói nào nhìn mà dám mở miệng tiên đoán tương lai giàu sang phú
quý cho được, học hành thì lình bình đủ điểm lên lớp là may lắm rồi, nay lại là
một người thành đạt, một ông chủ shop sửa xe to lớn và đông khách trên xứ Mỹ,
hai con học đại học, nhà cao cửa rộng trả off từ lâu, vợ Tư Chuột hột xoàn đeo
đầy cổ, đầy tay.
.
Tư Chuột đã ghi chép cẩn thận địa chỉ nhà Ngọc Diệp, nàng
sống tại Sài Gòn nên sự đi lại càng thuận tiện vì hầu hết họ hàng bên vợ và bên
Tư Chuột cũng ở quanh Saì Gòn. Nhất định, anh sẽ đến thăm nàng, cả một đời
người anh mới có dịp hiên ngang gặp mặt nàng như thời điểm này, dù anh gặp lại
Ngọc Diệp chỉ với tư cách một người bạn cũ, để nhìn lại bóng dáng người xưa.
Nay ai đã phận nấy, hai khung trời khác biệt, tình cảm thời tuổi trẻ chỉ còn là
kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp không thể nào quên..
.
Tư Chuột đã sắp đặt sẵn
mọi thứ trong đầu trước khi đến nhà thăm Ngọc Diệp, anh sẽ ghé tiệm sách mua
một cuốn thơ, món quà anh còn mắc nợ nàng bao nhiêu năm về trước. Nhưng nàng
nghèo lắm, thơ chỉ có ý nghĩa cho tâm hồn. Anh sẽ tặng nàng một món quà thực tế
là tiền, là đô la. Anh ngại ngùng quá, với một người yêu thơ, làm thơ, mà anh
mang chuyện tiền bạc ra có đụng chạm vào tự ái của nàng không? Anh sẽ bỏ món
quà ấy vào phong thư cho lịch sự, sẽ nhẹ nhàng kín đáo và nói hết sức khiêm
nhường rằng: “Tôi quý mến Ngọc Diệp chân tình nên mới tặng món quà nhỏ mọn này,
mong Ngọc Diệp đừng từ chối làm tôi đau lòng”. Ôi, đôi mắt to đen đằm thắm của
nàng chắc sẽ nhìn anh cảm động? và biết đâu trong sâu thẳm tâm hồn nàng sẽ dày
vò nuối tiếc sao ngày xưa không để ý đến anh Tư Chuột, thì ngày nay đời nàng
sung sướng biết bao?
.
Sáng nay sau khi ăn uống điểm tâm bên nhà vợ, Tư Chuột thay
bộ quần áo bình dân giản dị nhất, chiếc quần màu kaki và áo sơ mi trắng bỏ ra
ngoài. Đến nhà Ngọc Diệp trong hoàn cảnh nghèo, anh chẳng muốn mình ăn mặc sang
trọng ra vẻ Việt Kiều làm nàng tủi thân. Anh xin phép vợ để đi thăm vài thằng
bạn cũ, nhìn cách ăn mặc tàn tàn của anh, chị tin ngay, và dặn chiều về sớm để
hai vợ chồng cùng đi dạo phố.
.
Tư Chuột ra đầu ngõ kêu xe ôm chở đến một tiệm sách gần nhất
và bảo anh xe ôm ngồi ngoài chờ. Từ xưa tới nay Tư Chuột có biết gì về
thơ, nay lạc vào một rừng thơ, anh hoa cả mắt, có nhiều tập thơ của nhiều tác
giả khác nhau, cuốn nào trình bày bìa cũng đẹp, những lời đề tựa, lời giới
thiệu nào cũng bay bổng trời xanh. Mở ra đọc thử mỗi bài thơ, Tư Chuột thấy bài
nào cũng… giống nhau, thất tình, thương nhớ, giận hờn…càng làm anh rối trí. Thà
như ở shop xửa xe của anh, xe nào hư không nổ máy, anh mày mò một lúc là tìm ra
lý do ngay, thà khách hàng yêu cầu anh thay nhớt xe, anh làm vèo một cái là
xong. Còn lựa chọn một cuốn thơ trong đám thơ này sao mà khó khăn quá!
.
Tư Chuột cầm một cuốn thơ lên, bìa màu tím, xinh xinh, cuốn
thơ tên Một thời tương tư, anh thấy thích hợp với mình nhất, anh đã
chẳng một thời tương tư Ngọc Diệp đó sao! Muộn còn hơn không, để anh được bày
tỏ tình cảm với nàng, dù điều ấy nàng cũng biết thừa từ lâu. Anh mang cuốn
thơ ra quầy tính tiền, nhờ cô nhân viên gói giấy hoa cho đẹp để làm quà tặng,
anh đã hào hoa trả tiền gấp đôi gấp ba giá ghi trên bìa sau cuốn thơ và hớn hở
ra khỏi nhà sách.
.
Anh xe ôm tiếp tục cuộc hành trình tìm địa chỉ nhà Ngọc Diệp,
một con hẻm nhỏ gần khu chợ Bà Chiểu, anh ta bảo đảm sẽ tìm ra mới ăn tiền xe,
nên Tư Chuột yên tâm, âu yếm ôm nhẹ cuốn thơ vào lòng và ngắm nhìn cảnh tấp nập
của phố phường. Sau khi anh xe ôm quẹo vào vài con hẻm ngoằn ngoèo, vài lần rẽ
trái, rẽ phải đến chóng mặt, Tư Chuột đã đứng ngay trước số nhà muốn tìm.
.
Anh sửa lại nếp áo, nếp quần cho bớt nhăn nhó và run run đưa
tay lên gõ cửa, hồi hộp chờ đợi gương mặt quen thuộc ngày xưa hiện ra. Chắc khi
nghe anh giới thiệu là Tư Chuột, Ngọc Diệp sẽ nhớ ra ngay biệt danh độc đáo của
anh nam sinh nhỏ con nhất lớp, nhà quê nhất lớp, và học dở nhất lớp, ai cũng
biết.
Nhưng trong nhà vẫn im
vắng, không một ai ra trả lời! Tư Chuột đang ngỡ ngàng chưa biết tính sao thì
một bà hàng xóm sát bên chạy ra, sốt sắng:
– Ông tìm nhà bà Diệp hả?
Tư Chuột mừng rỡ:
– Vâng, có phải đây là
nhà bà Ngọc Diệp không?
– Đúng rồi, ba mẹ con bà
ấy bán quán cơm tấm ngoài đầu hẻm, kế bên tiệm bán chè, sinh tố đó, bộ khi nãy
vô đây ông anh không nhìn thấy hả?
– Vâng, thôi, cảm ơn bà.
.
Tư Chuột leo lên xe ôm và chạy ra đầu hẻm, bây giờ mới để ý
thấy quán cơm đúng như bà hàng xóm nói. Anh trả tiền hậu hĩ cho anh xe ôm và
đến hàng sinh tố kêu một ly mãng cầu tươi, ngồi nghỉ chân và suy nghĩ, không lẽ
Ngọc Diệp đang bận rộn bán buôn mà anh đến nhận diện người quen, chuyện trò và
tặng quà ngay giữa chốn bát nháo ăn uống này thì còn gì là ý nghĩa? Để chiều
nay, khi nàng về nhà, anh sẽ đến cũng không muộn màng gì, và sẽ có nhiều thời
gian để tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm thời đi học.
Anh thong thả uống ly
sinh tố và dõi mắt sang hàng cơm tấm bên cạnh.
.
Đang vào giờ cao điểm đông khách, anh chẳng thấy Ngọc Diệp
đâu, chỉ thấy một bà to mập đang ngồi cạnh nồi cơm to tướng không kém gì bà ta,
và một cái bàn thấp trên bày la liệt những món ăn, những hũ đồ chua và hũ nước
mắm, mấy ống đựng thìa, đựng nỉa. Bà vừa xới cơm ra dĩa, vừa gắp thức ăn lia
lịa và luôn miệng quát hai phụ nữ trẻ bưng bàn.
– Lẹ tay lẹ chân lên chút
coi, khách đang ngồi đợi kìa!
– Dẹp mấy cái dĩa không
vào đây cho tao, hết dĩa rồ!
Tư Chuột làm bộ bâng quơ
hỏi chị bán sinh tố:
– Nghe nói quán cơm này
ngon lắm phải không chị?
Chị sinh tố thật thà:
– Quán cơm tấm bà Ngọc
Diệp nổi tiếng ngon, ông ăn thử thì biết.
– Chị làm ơn kêu cô giúp
việc cho tôi dĩa cơm tấm sườn nướng đi.
– Hai cô đó là con gái bà
Ngọc Diệp, ba mẹ con sống nhờ nồi cơm tấm này đó.
– Vậy bà ấy đâu rồi?
– Thì bà Ngọc Diệp to béo đang ngồi bán cơm chứ ai.
.
Tư Chuột giật mình, tưởng nghe lầm. Cố giữ vẻ bình tĩnh, anh nói cho chị sinh tố khỏi nghi ngờ vì thái độ khác thường của mình: |
– Nghe danh quán cơm bà
Ngọc Diệp, hôm nay tôi mới có dịp ghé đây ăn thử.
Chị sinh tố chẳng thì giờ
đâu mà nghi ngờ như chị Tư Chuột nhà anh. Chị ta vui vẻ đi gọi cơm giùm anh,
nên Tư Chuột tự nhiên và thoải mái nhìn bà to mập kia kỹ lưỡng hơn. Đúng là
Ngọc Diệp rồi, nhờ đôi mắt to đen mà anh đã nhận ra nàng, dù hình dáng nàng thì
hoàn toàn khác hẳn.
.
Mọi thứ trên cõi đời có thể thay đổi, nhưng sao cuộc sống và
thời gian lại nỡ biến đổi một cách phũ phàng từ một cô gái xinh tươi, vóc dáng
gầy gầy, một nàng thơ dịu dàng ngày nào thành một bà to mập, ngồi bán cơm ngoài
đường phố và luôn miệng quát mắng con trước mặt mọi người như thế?
Cô con gái của Ngọc Diệp
bưng dĩa cơm tới bàn Tư Chuột; nhìn cô gái, Tư Chuột đã thấy lại đôi mắt to đen
đằm thắm của người mẹ bao nhiêu năm về trước. Anh thong thả ăn từng thìa cơm
nhỏ vì bụng hãy còn no, và vì muốn kéo dài thì giờ để nhìn thêm cảnh đời của
Ngọc Diệp, cho bõ công lao anh nao nức từ bên Mỹ khi chuẩn bị về Việt Nam, cho
bõ công lao anh đã ngồi mỏi lưng sau chiếc xe ôm đi tìm con hẻm nhà nàng cả giờ
đồng hồ.
.
Khách hàng vẫn đông, bà mẹ vẫn the thé sai bảo và mắng hai cô
con gái, có lúc rảnh tay bà ngẩng lên, quét ánh mắt lanh lợi như điểm danh các
khách hàng, bà ta ngừng lại nơi Tư Chuột vài giây, vẫn không có cảm xúc gì khác
lạ, như với bao nhiêu người khách khác mà thôi. Làm sao trong giây phút bận rộn
hối hả này, bà có thể nhận ra một người quen sau hơn 30 năm mờ mịt vì gió bụi
cuộc đời? rồi bà lại cúi xuống thoăn thoắt xới cơm, lấy thức ăn cho khách.
Tư Chuột kêu tính tiền,
cô gái hét giá 40 ngàn đồng, trong khi nãy giờ anh thấy mỗi dĩa cơm tương tự
người ta chỉ trả có 20 ngàn đồng. Anh ngạc nhiên nhưng cũng móc túi trả đầy đủ,
chị bán sinh tố nhìn Tư Chuột thương hại, thì thầm:
– Mẹ con bà này chuyên
môn coi mặt đặt tên, thấy ông là khách lạ, ngàn năm một thuở mới đến quán một
lần, nên tính giá trời ơi, kiếm thêm. Nhưng cũng còn may cho ông, bữa hôm có
chị Việt Kiều về xóm chơi, sáng ra đây ăn cơm tấm, bị chém một dĩa cơm tới 50
ngàn đồng, vì chị đó ăn mặc sang trọng lắm, nhìn vô thấy Việt Kiều liền.
.
Tư Chuột xót xa, không vì mất thêm tiền một cách vô lý, mà vì
lòng tham của con người, lại là người mà anh từng ngưỡng mộ, thương mến. Cuốn
sách thơ trong tay Tư Chuột bỗng trở nên thừa thãi, lố bịch, và phong thư có
vài trăm đô la nằm trong túi áo anh có lẽ không bao giờ cần phải lựa lời tế nhị
để trao cho người nhận nữa. Anh bỗng quyết định không cần đến nhà Ngọc Diệp,
không đối diện với nàng, người trong mộng của anh đã chết tự lâu rồi. Món tiền
này anh sẽ cho những người nghèo khổ nào đó anh gặp trên đường phố, còn cuốn
thơ, sẽ có một người xứng đáng hơn Ngọc Diệp để anh trao tặng.
.
Một thằng bé bán vé số đến bên Tư Chuột, nó chìa xấp vé số ra
mời mọc, nhưng Tư Chuột gạt đi và mời lại nó:
– Thằng nhỏ, mày muốn ăn
cơm tấm không?
– Muốn, mà không có tiền
ông ơi!
– Mày có bao nhiêu đứa
bạn kêu hết lại đây, tao bao.
Thằng vé số nhẩy cẩng lên
vì vui sướng, vội chạy đi tìm lũ bạn, một lúc sau hơn chục đứa kéo tới bu quanh
Tư Chuột, anh ra lệnh:
– Đứa nào muốn ăn gì thì
kêu đi, rồi qua uống sinh tố hay ăn chè quán này. Nghe chưa?
.
Lũ trẻ uà ra chỗ bà bán cơm, xúm xít chỉ trỏ các món ăn. Tư
Chuột gọi cô con gái bà hàng cơm ra, đếm bao nhiêu dĩa cơm, mỗi dĩa 40 ngàn
đồng, trả tiền ngay tại chỗ, làm cô kinh ngạc không ngờ hôm nay trúng mánh lớn.
Tư Chuột lại đưa cho cô một xấp bạc Việt Nam nữa và nói trước mặt lũ trẻ:
– Số tiền này đủ cho lũ
trẻ đến đây ăn cơm ít nhất cũng ba lần nữa. Tôi trả trước cho cô đấy.
Anh quay qua trả tiền chị
sinh tố cũng đủ cho bọn trẻ ba lần nữa rồi ra về.
.
Tưởng anh đi tới nhà bạn bè chiều mới
về? Thấy chồng về sớm chị Tư Chuột ngạc nhiên:
Anh chìa cuốn thơ gói
trong tấm giấy hoa xinh đẹp ra:
– Có tìm nhưng không gặp
bạn, nên anh ghé vào một tiệm sách, chọn mua tặng em một cuốn thơ tình.
– Một cuốn thơ tình?
Chị Tư Chuột cảm động ngỡ
ngàng vì món quà bất ngờ, chồng chị chưa bao giờ tặng chị một món quà thanh
lịch như thế này, chị như bay bổng vào cõi thiên thai.
– Anh ơi, tuy em ít đọc
thơ, nhưng anh mua tặng thì từ nay em sẽ siêng đọc thơ và sẽ yêu nó.
Chị mở ra thấy cuốn thơ,
lẩm bẩm đọc “Một thời tương tư”, nên càng cảm động và ngạc nhiên:
– Không ngờ anh tối ngày
lo sửa xe, tay chân dầu nhớt, mà cũng có tâm hồn thi sĩ ghê. Ở với anh mấy chục
năm em mới phát hiện ra điều này. Bộ hồi đó anh tương tư em hả?
.
Tư Chuột nhìn vợ, chị cũng to mập, sồn sồn không thua gì Ngọc
Diệp. Nhưng còn có chỗ dễ thương, chị đôn hậu và thành thật tin vào những lời
nói dối của chồng.
Tư Chuột bỗng thấy thương
vợ hơn bao giờ, anh nói bằng sự trìu mến như thuở ban đầu mới cưới nàng:
– Vì em mãi mãi là người
anh yêu, là người trong mộng của đời anh.
.
Buổi chiều đi chơi cùng với vợ, tình cờ đi ngang qua con
đường nơi đầu hẻm nhà Ngọc Diệp, quán cơm đã dẹp, chỉ còn quán sinh tố. Tư
Chuột bảo tài xế taxi ngừng lại, để anh ghé vào tiệm sinh tố mua một bao thuốc
lá ba số. Chị sinh tố nhận ra anh ngay và mau mắn:
– Mấy đứa nhỏ nhờ tôi gởi
lời cám ơn ông nếu có dịp gặp lại. Còn bà Ngọc Diệp chủ tiệm cơm, bà ấy tuyên
bố một câu về ông, nói ông đừng có buồn nghe?
– Chị cứ nói đi.
– Bà ấy nói với tôi rằng
thằng cha đó một là khùng, hai là dân giang hồ làm ăn gian dối, trúng mánh, nên
mới thừa tiền bao lũ trẻ bụi đời ngoài đường phố. Biết thằng cha chịu chơi như
vậy, lúc nãy tao tính mỗi dĩa cơm 50 ngàn đồng rồi. Tiếc quá!
.
Tư Chuột chào chị sinh tố, lên taxi, lòng thảnh thơi, không
có gì để nuối tiếc khi đã quyết định không bao giờ gặp lại người trong mộng
ngày xưa.
.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Dương
.
(st)
.
(st)