Truyện Ngắn của LỮ KIỀU (Thân Trọng Minh)
.
.
Người Chờ Máy
Bay
.
Giờ ra chơi. Ty bỏ đám bạn
thân, ra đứng tựa lưng vào gốc phượng già. Mùa hạ bắt đầu bằng những đám mây trắng
lửng lơ giữa bầu trời xanh. Mùa hạ cũng bắt đầu bằng những con chim sẻ xinh xắn
ríu rít dưới tàng cây ngang cửa sổ Ty học.
Với Ty, mùa hạ cũng bắt đầu
bằng những xúc động nhẹ nhàng về một cánh bướm, một đóa hoa, và nhất là về những
tiếng côn trùng rả rích nôn nao trong bãi cỏ đêm.
Giờ học vừa qua, Ty học Việt
văn, cô giáo giảng về những bài thơ của Chiêu Ly Phạm Thái khóc cô Quỳnh Như.
Ô, người xưa thật là bi ai lãng mạn. Trong lúc cô giảng bài, Ty tưởng tượng đến
khuôn mặt Quỳnh Như, Ty tưởng tượng ra một Quỳnh Như có đôi mắt đẹp, sống mũi
thẳng, đôi môi hình trái tim. Nghĩa là giống cô Vinh, cô giáo mà Ty thương nhất.
.
Bây giờ, đứng một mình dưới gốc phượng, Ty nhìn lũ bạn đang cặp tay nhau cười nói vui vẻ, mà lòng thì quạnh hiu. Quạnh hiu! Đó cũng là một từ ngữ mà cô Vinh hay dùng. Hà, người bạn ngồi cùng bàn hỏi:
Bây giờ, đứng một mình dưới gốc phượng, Ty nhìn lũ bạn đang cặp tay nhau cười nói vui vẻ, mà lòng thì quạnh hiu. Quạnh hiu! Đó cũng là một từ ngữ mà cô Vinh hay dùng. Hà, người bạn ngồi cùng bàn hỏi:
- Ty ơi, đứng chi mà buồn vậy?
Ty trả lời:
- Đâu có. Ty có buồn đâu. Ty
hơi mệt!
Sự thật thì Ty không mệt.
Nhưng lúc này thì Ty quả thật muốn ở một mình, hoàn toàn một mình, vì Ty biết
giờ này chú Hoàng đang ở trên không trung lẫn trong đám mây trắng kia. Ty cũng
biết là sáng nay chú Hoàng sẽ lái máy bay, bay ngang trường Ty, "để thăm Ty", như lời chú nói.
.
.
Chú Hoàng là người đàn ông dễ
thương nhất mà Ty biết. Chú là bạn chú Nam, chú ruột của Ty, vì vậy cho nên, lần
đầu gặp chú, Ty chẳng biết gọi người đàn ông ấy là gì hơn là gọi bằng chú. Ty còn
nhớ rõ lần đầu gặp chú, đó là một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, lạnh đến nỗi có
bao nhiêu áo ấm Ty đều mặc vào người làm Ty trở nên mập mạp một cách ngộ ngnĩnh.
Bấy giờ Ty đang tập đàn dương cầm. Ty đã học hết những cuốn tập đàn căn bản, và
Ty đang học những bài cổ điển. Lúc chú và chú Nam bước vào phòng, Ty đang vừa đánh
đàn vừa nghêu ngao hát, như môt tên say rượu. Ty không còn nhớ điều gì đã làm
Ty thích chí nghêu ngao dị hợm như vậy, nhưng Ty còn nhớ rõ cái cảm giác xấu hổ
điếng người lúc Ty quay lui thấy chú Nam và người đàn ông lạ mặt đang nhìn mình.
Hình như mặt Ty đỏ và nóng như lửa dù trời lạnh căm căm.
Còn chú Nam thì cười hô hố:
- Ha ha! Nhỏ Ty bày đặt tập
làm ca sĩ. Này, Hoàng, mày thấy cháu tao đẹp không?
Ồ, cái chú Nam lãng xẹt. Chú
làm Ty ngượng ngùng và tức bực không thể tưởng được. Ty quên cả việc mời người
khách tên Hoàng ngồi. Cho đến khi Ty lấy lại bình tĩnh thì Ty thấy mình đang ngồi
đối diện với chú Nam và người đàn ông tên Hoàng. Chú Hoàng nói:
- Ty chóng lớn quá.
Cái giọng hách xì xằn quá. Nhưng
Ty không giận. Ty chỉ e thẹn nghĩ đến cảnh mình nghêu ngao hát bậy bạ bị người đàn
ông lạ ấy bắt gặp.
.
.
Sau lần ấy chú Hoàng thỉnh
thoảng đến thăm Ty. Mỗi lần chú đến, Ty lại xấu hổ vì bị ám ảnh bởi hình ảnh kỳ
cục của mình. Nhưng chú Hoàng quá dịu dàng, quá dễ thương. Còn Ty, trước mặt chú,
Ty lại quá vụng về ngây ngô. Có lần chú đến và mặc đồ không quân; bấy giờ Ty mới
biết chú là thiếu úy và lái máy bay quan sát. "Máy bay bà già" như lời chú.
Chú rất ít nói về mình. Chú
chỉ đến, dịu dàng hỏi Ty về việc học, việc đàn. Rồi chú đi. Chú đến không hay,
chú đi không hẹn. Nhưng Ty bắt đầu có thói quen nhìn lên trời tìm máy bay. Ty bắt
đầu phân biệt được tiếng động cơ của từng loại. Ty có thể nằm trên giường, nghe
tiếng phi cơ bay ngang để đoán là máy bay Caribout, C.123, C.130, hay C.47. Đôi
khi chạy ra cửa sổ để kiểm chứng tài của mình. Ty bị nhầm. Nhưng bao giờ tiếng
máy bay L.19, máy bay quan sát mà chú Hoàng lái, thì trăm lần Ty đoán không
sai.
Các bạn Ty phục tài Ty sát đất.
Còn Ty, mỗi lần ngồi học trong lớp, nghe tiếng L.19 bay ngang, Ty nhìn ra cửa sổ
lòng nôn nao hỗn mang trăm mối. Có lần Ty xin phép cô giáo chạy nhanh ra hành
lang để nhìn đôi cánh phi cơ chao đi, nghiêng một vòng trên cột cờ thành phố.
Những lúc như vậy, Ty nghĩ tới chú Hoàng và muốn khóc.
Tuần trước, chú Hoàng lại thăm
Ty. Chú cho Ty một chiếc khuyên tròn. chú nói rằng đó là một loại ốc vít trên máy
bay. Khuyên rộng quá. Ty phải đeo vào ngón tay trỏ. Chú cười, và nói:
- Chú thích bay ngang trường
học của Ty vào giờ ra chơi. Chú thăm Ty mà Ty không biết đó!
Ty cảm động nhưng chẳng biết
phải nói gì. Phải, có lần giờ ra chơi, Ty thấy chiếc L.19 sà xuống sát ngọn cây
trường. Ty nói:
- Thôi, đừng làm vậy nữa chú.
Nguy hiểm quá.
Chú nheo mắt:
- Cô bé sợ hả?
- Dạ.
- Không sao đâu, thỏ con!
Ô, chú lại chế nhạo Ty rồi,
bộ Ty giống con thỏ lắm sao? Nhưng Ty chẳng thể bày tỏ, vì mọi lời Ty nói ra,
Ty thấy không diễn tả được lòng Ty, cho nên Ty thấy mình vô duyên hết sức. Khi
về, chú nói:
- Tuần sau, sáng thứ sáu, chú
sẽ bay ngang trường Ty, vào giờ ra chơi.
.
.
Giờ đây, Ty đứng một mình dưới
gốc cây phượng già và chờ tiếng máy bay quen thuộc. Tim đập mạnh, Ty nhìn lên
trời rồi nhìn đồng hồ. Chỉ còn năm phút nữa là hết giờ ra chơi. Sao chú Hoàng
chưa bay đến?
Hà đến sau lưng Ty, hỏi:
- Ty ơi, sao buồn vậy?
- Đâu có, Ty có buồn gì đâu.
- Ty giận Hà hả?
- Trời ơi, Ty mà giân Hà ư?
Ty đã nói rồi, hôm nay Ty hơi mệt.
Giọng Hà áy náy:
- Hay là để Hà xin phép cô
cho Ty nghỉ giờ sau nghe.Giờ Toán, chắc Ty cũng không thích đâu.
Ty gượng cười, nắm tay bạn:
- Thôi, Ty không nghỉ học đâu.
Hà ơi, Hà có thích nhìn máy bay không?
- Ô, cũng thích chớ. Ty hỏi
chi vậy?
- Không.
- Ty ạ. Hôm nay mình thấy Ty
sao là lạ ấy. Ty có điều chi giấu Hà rồi.
Ty cười buồn, không trả lời
bạn. Ty lại nhớ tới Phạm Thái và Quỳnh Như.
Không, Hà chẳng thể nào hiểu
được. Chính Ty mà Ty còn chẳng hiểu lòng mình nữa kia!
Hình như có một cái gì đó đã
ngăn cách Ty với đời sống hồn nhiên cũ. Có phải là cánh máy bay của chú Hoàng?
Có phải là khuôn mặt đàn ông dịu dàng, nghiêm nghị rất đỗi gần gũi mà vô cùng cách
xa ấy? Ty nói:
- Hà ơi, mùa hạ rồi đấy.
- Ừ. Nắng gắt rồi. Phượng cũng
đã nở.
- Bầu trời thì xanh. Hà ạ. Mình
thích được chết trẻ.
- Ô kìa, Ty nói gì lạ vậy?
- Quỳnh Như cũng đã chết trẻ.
Hà kêu lên:
- A, thì ra Ty bị ám ảnh bởi
giờ Việt Văn vừa qua. Cô Vinh giảng về Phạm Thái hay quá. Hà không ngờ Ty bị xúc
động như vậy.
Ty cười dịu dàng, không nói
gi. Hà chẳng thể nào hiểu được. Ty cúi xuống, nhặt một cánh phượng khô.
Tiếng chuông reo dứt giờ ra
chơi. Lòng Ty chợt se sắt. Hà nắm tay Ty kéo đi vào lớp. Ty thẫn thờ bước theo
bạn, nhìn lên không trung chờ một cánh máy bay quen thuôc. Nhưng chú Hoàng đã
không đến. Chắc chú quên rồi.
Có lẽ chú Hoàng quên lời hẹn
bay ngang trường Ty vào giờ ra chơi. Nhưng Ty, Ty không thể quên. Những sáng thứ
sáu, Ty lại lủi thủi một mình đứng dưới gốc phượng già nhìn lên không trung, mặc
các bạn cười đùa ở đằng xa, trên những lối đi im mát của sân trường. Một buổi sáng,
chú Nam đến thăm Ty. Ty muốn hỏi thăm về chú Hoàng nhưng không dám
Khi ra về, chú Nam chợt hỏi:
- Ty còn nhớ chú Hoàng không?
Ty run giọng trả lời:
- Dạ có.
- Tội nghiệp, Hoàng mất tích
trong một phi vụ thám thính.
.
.
Sau đó, hình như chú Nam còn
nói một gì đó mà Ty nghe không rõ. Mà hình như Ty cũng không nói được một lời gì. --
mẹ Ty, hay chú Nam -- có hỏi Ty sao mặt Ty bỗng tái xanh vậy. Những tiếng nói
xao động mập mờ không rõ ràng trong trí óc lênh đênh của Ty. Ôi, chú Hoàng đã mất
tích.
Chú ở đâu? Nơi nào? Ty ở đâu?
Giữa mọi người? Giữa bạn bè quyến thuộc nhưng Ty tưởng như mọi người đêu giấu mặt,
chỉ còn mình Ty chơ vơ.
Sáng thứ sáu tuần ấy, Ty nghỉ
học, úp mặt vào tay khóc một mình.
.
TÁC GIẢ: LỮ KIỀU (Thân Trọng Minh)
.
Lời tác giả:
Câu chuyện có thật của một nữ sinh đệ nhị cấp sống trong trường Đồng Khánh, ở Huế, với mẹ. 40 năm sau cô bé trở thành một thiếu phụ, một cư sĩ Phật giáo. Một buổi trưa tại phi trường Houston, Texas, tác giả gặp lại. Chỉ còn nụ cười là y như xưa. Như lời kinh Pháp Cú: Quá khứ đã qua...
Tháng 7, 2006
.
(post lại)
.
.
NHỮNG CHIẾC LÁ CUỐI NĂM
.
CON BƯỚM CHẾT BÊN THÀNH CỬA SỔ
.
(post lại)
.
.
.
Sân trường Đồng Khánh
(trước 75)
.
.
CON ĐƯỜNG NHAN SẮC.
NHỮNG CHIẾC LÁ CUỐI NĂM
.
CON BƯỚM CHẾT BÊN THÀNH CỬA SỔ