Bài viết của Tôn
Nữ Quỳnh-Diêu (ĐK 71)
.
VIDEO ĐẠI HỘI KỶ NIỆM 60 NĂM.
NGÀY THÀNH LẬP ĐẠI HỌC HUẾ (1957 - 2017)
.
.
.
.
Nhân mùa khai trường, tôi xin góp nhặt vài kỷ niệm dễ thương về mái trường xưa.
.
Trường Xưa
Tác giả: Tôn Nữ Quỳnh-Diêu (ĐK 71)
.
Năm
nay Đại Hội kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đaị Học Huế (1957-2017) được tổ
chức tại San Jose vào ngày 9 tháng 7 năm 2017.
Và hôm nay tôi trở về để tìm lại một góc Huế xưa của gần nửa thế kỷ về
trước..
.
.
San
Jose đang giữa mùa Hạ nhưng khí hậu buổi sáng mát dịu, bầu trời trong xanh,
quang đãng. Tôi tưởng mình là người đến
sớm nhất, nhưng tới nơi đã có nhiều cựu sinh viên và một số thầy cô đang đứng
trước nhà hàng Dynasty để trò chuyện và chụp hình lưu niệm.
Tôi
cố đi nhìn những bảng tên để mong tìm lại những "người xưa"
nhưng chẳng tìm được ai trong số 27 người bạn đồng môn thuở đó.
.
.
Chương
trình buổi lễ bắt đầu lúc 11 giờ trưa, với những nghi thức chào cờ Việt Nam.
Hoa Kỳ và một phút mặc niệm cũng như những lần họp mặt khác.
Sau
phần giới thiệu về Đaị Học Huế của một cựu giáo sư, giới thiệu các thầy cô của
các phân khoa, ban tổ chức đã mời giáo sư Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu có vài
lời, với giọng nói nhỏ nhẹ, hiền từ thầy đã cho chúng tôi những lời khuyên hữu
ích. Kế đến là phần tặng hoa thầy cô,
cùng các tấm plaques kỷ niệm để nói lên công ơn dạy dỗcủa các vị.
Buổi
văn nghệ rất đặc sắc do các cựu sinh viên đảm trách đã thu hút nhiều người
xem. Mặc dù đã luống tuổi nhưng vẫn có
những giọng hát ngân nga cao vút và điêu luyện của sinh viên các phân
khoa. Đặc biệt phần song
ca "Thương về xứ Huế" của Minh Kỳ đó hai bạn Kim Thư, Tịnh Tâm
trình diễn cùng phần phụ diễn của các tà áo dài tím Huế và những chiếc nón bài
thơ thật duyên dáng và dễ thương.
******
Hôm
nay tôi ngồi đây, bên ni bờ đại dương tham dự ngày Đại Hội mà hồn thì lãng đãng
theo những sợi tơ trời bay về tận chốn quê nhà yêu dấu, nơi có ngôi trường Đaị
Học Sư Phạm, đã nuôi dưỡng tôi, cho tôi và giúp tôi có đủ hành trang để vững bước
vào đời.
"Giòng
sông đời không bao giờ soi lần thứ hai hình bóng cũ, một cánh chim bay qua vườn
là bay mãi không ngừng ..." Mặc dù tôi vẫn biết những gì thuộc về quá
khứ không nên truy tìm, nhưng sao tôi vẫn hay thích tìm về với những kỷ niệm,
cho dù buồn hay vui, hạnh phúc hay bất hạnh thì kỷ niệm muôn đời vẫn là những
chuỗi ngày đáng nhớ.
Trường
tôi, Đại học Sư Phạm Huế là một ngôi trường khang trang trong khuôn viên rộng
rãi nằm trên đường Lê Lợi, bên cạnh là trường trung học Kiểu Mẫu và trước mặt
có dòng Hương Giang xanh mát lững lờ trôi.
Sau
khi thi đậu phần viết và vấn đáp, lần đầu tiên bước vào sân trường Đaị Học tôi
cũng thấy hồi hộp như hồi còn bé đến lớp mẫu giáo ngày nào. Bạn bè lúc này không còn là những con nhỏ
lanh chanh, đùa giỡn thoải mái, mà sao trông ai cũng có vẻ chững chạc, nghiêm
trang. Họ là những sinh viên đến từ các
tỉnh Bình Thuận cho đến Quảng Trị, đủ mọi miền tụ họp về nơi đây để cùng theo
đuổi một nghề cao quý, đó là nghề dạy học.
Khóa
tôi có tất cả 27 người cả nam lẫn nữ, được hướng dẫn bởi các vị thầy giỏi, tận
tâm và nhiều kinh nghiệm phụ trách giảng dạy mọi môn học.
Vì
là lớp Việt Hán nên chúng tôi phải học thêm phần chữ Hán và chữ Nôm -do thầy
Đoàn Khoách dạy - phải nhớ mặt chữ và biết cách viết cho đúng, đó là phần
khó nhất. Nhưng bù lại tôi được học những
bài thơ Đường nổi tiếng như:
* Hoàng
Hạc Lâu của Thôi Hiệu:
"
... Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu."
Quê
hương khuất bóng hoàng hôn
Trên
sông khói sóng cho buồn lòng ai. Tản Đà
dịch
hoặc:
* Phong
Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:
Nguyệt
lạc ô đề sương mãn thiên
Giang
phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô
Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ
bán chung thanh đáo khách thuyền
Đỗ
thuyền đêm ở bến Phong Kiều
Trăng
tà chiếc quạ kêu sương
Lửa
chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền
ai đậu bến Cô Tô
Nửa
đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. Nguyễn
Hàm Ninh dịch
Với
lời giảng bài và giọng nói êm như ru của Thầy, tôi lại thấy môn học này thật hấp
dẫn.
Thầy
Nguyễn Đình Niên ốm người mà giọng thầy rất tốt, khi giảng bài
thơ "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ, với tài phân tích giảng giải
của Thầy mới thấy cách tác giả dùng chữ, ngắt câu và "cái thần"
của bài thơ thật tuyệt diệu.
.
.
Màu
thời gian
.
.
Sớm
nay tiếng chim thanh
Dìu
vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn
xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng
dâng nàng
Trời
mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu
thời gian không xanh
Màu
thời gian tím ngát
Hương
thời gian không nồng
Hương
thời gian thanh thanh
Tóc
mây một món chiếc dao vàng
Nghìn
trùng e lệ phụng quân vương
Trăm
năm tình cũ lìa không hận
Thà
nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên
trăm năm đứt đoạn
Tình
một thuở còn hương
Hương
thời gian thanh thanh
Màu
thời gian tím ngát.
Đoàn
Phú Tứ
.
Thầy
đã tốt nghiệp Cao học Văn chương Việt Nam tại Đaị Học Đường Văn Khoa Sài Gòn, hạng "Ưu"
với tiểu luận "Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ HÀN MẠC TỬ".
Thầy
Hà Thúc Hoan là vị giáo sư dạy tôi môn Quốc văn năm lớp đệ nhị C1 ở trường Đồng
Khánh, và thầy là giảng nghiệm viên phụ trách môn học gì đó mà lâu quá tôi
không còn nhớ. Lúc còn ở trung học thầy
học ban Toán, nên những bài giảng của thầy theo những trình tự rất rõ ràng và
có hiệu quả.
Có một
lần chuông báo hiệu đã đến giờ học nhưng sáng hôm đó thầy bận việc nên lên dạy
trễ. Cả lớp nhốn nháo định rủ nhau bỏ về
vì hôm đó ở rạp Hưng Đạo mới chiếu một phim hay. Tình cờ nhìn lên bảng tôi chợt thấy 3 chữ "Hà
Thúc Nghịch" do một cô bạn vẫn còn tính "nhất quỹ nhì ma"
viết. Lúc đó bất chợt thầy đi vào, cả lớp
ngồi im thin thít, thầy nhìn xuống, cười cười và giải thích "Ba Mạ
tui đặt cho tui tên Hoan - không có chữ G - có nghĩa là hoan hỷ, hân
hoan chứ không phải hoang nghịch mô" và rồi thầy vô đề giảng bài, coi như
không có chuyện gì xảy ra. Đến cuối giờ
thì cô bạn đó lên tìm thầy xin lỗi, và thầy trò vẫn vui vẻ, cảm thông.
Vui
nhất và cũng thoải mái nhất là môn Tâm Lý Giáo Dục của Linh mục Nguyễn văn
Thành, cha du học Mỹ về, có bằng Tiến sĩ Tâm Lý và có tướng hảo quang minh,
tính tình hoạt bát cởi mở nên có nhiều người mê, trong đó có ... tôi. Vì là môn học chung nên tất cả các lớp đều tụ
họp về giảng đường chính thật đông vui.
Cha Thành có những bài trắc nghiệm về tâm lý để sinh viên tự trắc nghiệm
về bản thân mình rất đúng và chính xác.
Thầy
Nguyễn văn Dương, giáo sư hướng dẫn, thầy rất hiền nhưng cũng rất khó. Khi làm bài phải có dàn bài hẳn hoi, các tiết
mục phải trình bày rõ ràng mới được điểm cao của thầy.
Ngoài
ra còn có các vị dạy những môn học khácnhư thầy Nguyễn Đức Kiên, dạy Thẩm Định
Kết Quả Học Vấn, thầy Vương Hữu Lễ dạy Ngữ pháp, thầy Nguyễn văn Mỹ với Sinh Hoạt
Học Đường ...
Mỗi
thầy có cách giảng dạy và những bài giảng hay đã để lại những dư âm mãi mãi tôi
không bao giờ quên. Nhờ có các thầy mà
tôi mới biết được những bài văn, thơ hay, hiểu được nỗi lòng và những uẩn khúc
của người xưa.
Ngày
trước hầu như tất cả các vị giáo sư ở Đaị Học Sư Phạm Huế đều là nam, và tôi được
biết duy nhất có một cô giáo cũng du học về, nghe nói cô nổi tiếng học giỏi,
tên cô là TMV, cô còn trẻ, rất trẻ, đẹp người, dễ thương, rất tiếc là cô dạy
các lớp Anh văn nên tụi tôi không có dịp được học với cô để ... chiêm ngưỡng
cô.
Trong
mấy năm ở trường Sư Phạm, sợ nhất là những ngày đi thực tập, hồi đó nhóm tôi được
phân công vào trường Quốc Học dạy thử. Mặc
dù đã soạn bài kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ nhưng sao tôi vẫn run. Lần đầu bước chân lên bục giảng, cả mấy chục
cắp mắt theo dõi của đám học trò, tôi không biết tụi nó sẽ giở trò gì không, cộng
với vị giáo sư của lớp, cùng mấy bạn theo dự giờ. Tôi mãi cầu xin đức Quan Âm Bồ Tát giúp cho
tôi qua khỏi hai tiếng đồng hồ dài lê thê này.
Dạy
trong hai giờ, phải làm sao cho vừa đủ, không dư và không thiếu giờ thật là khó
khăn đối với tôi lúc đó.
Cuối
cùng rồi mọi điều cũng suông sẽ. Khi ngồi
lại để chấm ưu, khuyết điểm, vị thầy đó phán một câu mà tôi còn nhớ đời:
"Mới
lần đầu mà cô dạy như vậy là khá lắm, có điều cô phải sửa giọng nói của cô lại".
Tôi
quá sức ngạc nhiên nên hỏi:
"Vì
răng rứa thầy?"
Thầy
ấy bảo:
"Cô
có cái giọng ngọt, nhẹ mà hiền lắm, phải nói mạnh lên mới được, học trò tụi nó
mới không ăn hiếp cô".
Chao
ơi, rứa hả thầy.
Vậy
là hẹn cô lần sau, chúc cô may mắn.
Tôi
ra về thở phào nhẹ nhõm, thoát được một lần, hy vọng bài dạy ngày hôm nay không
đến nỗi tệ.
Nhân
đây tôi cũng xin cám ơn vị thầy hướng dẫn trong mấy buổi thực tập ở trường Quốc
Học đã giúp tôi tất cả những kinh nghiệm quý báu mà vì vô tình tôi quên mất tên
thầy.
Gần
mười năm sau, trên chuyến xe đi lên trại cải tạo Hàm Tân thăm nuôi ba tôi, tôi
gặp lại một "em học trò"ngày xưa trong lớp đó, em nhìn ra tôi và
bảo tôi, "hồi đó thấy cô còn trẻ mà ngây thơ và hiền quá, và thấy cô
run nên tụi em "tha" cho cô, chứ tụi em hay ghẹo mấy cô đi thực
tập lắm, chỉ ghẹo cho vui thôi".
Tôi nghe mà "não lòng".
Đó,
khoảng thời gian "dễ thương" ngày ấy đã qua, bây giờ ngồi nhớ lại
và thấy dù sao mình cũng may mắn đã có những ngày hạnh phúc dưới mái trường
thân yêu cùng những vị thầy khả ái.
******
Buổi hội ngộ nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Trên
đường lái xe về nhà tự nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện "Thầy học cũ của cha
tôi" trong cuốn Tâm Hồn Cao Thuợng của nhà văn người Ý, Edmondo De Amicis,
thầy Hà Mai Anh dịch, cuốn sách gối đầu giường mà những ngày còn bé, cứ mỗi
chiều thứ bảy rảnh rỗi, Me tôi thường đọc và dạy cho các con.
" ... Hai giờ, chúng tôi ra ga. Cụ giáo tỏ ý
muốn tiễn chân. Cha tôi lại khoác tay cụ còn tôi thì dắt tay và vác gậy
cho cụ. Những khách qua đường đều dừng lại trông vì ở đây ai cũng biết cụ
và kính cụ như cha.
Qua một chỗ kia, nghe có tiếng trẻ con đánh vần và đọc
sách. Cụ dừng lại, nét mặt rầu rầu, bảo cha tôi:
- Ông Bá ơi, Tôi buồn quá! Nghe tiếng trẻ học, tôi lại nhớ
đến trường cũ, nơi 60 năm ròng, tôi đã quen bén thứ âm nhạc bằng tiếng trẻ thơ
ấy . Than ôi! Bây giờ tôi không có gia đình, tôi không có học trò nữa!
Cha tôi đáp:
- Thưa thầy, xin lỗi thầy, có lẽ thầy lẫn rồi! Thầy còn có
biết bao nhiêu là học trò hiện ở rải rác trong cõi đời này! Chúng vẫn nhớ
tới thầy cũng như con không bao giờ quên được thầy.
Cụ già buồn rầu nói:
- Không. Không. Tôi không có trường học nữa.
Tôi không có học trò nữa. Mà không có học trò thì tôi không có cái thú
sống ở đời!
- Thầy đừng nói thế. Giáo trạch của thầy đã đầm thấm khắp
nơi. Thầy đã hy sinh đời thầy một cách rất cao thượng.
Cụ giáo không nói gì, gục đầu vào vai cha tôi.
Khi chúng tôi đến ga thì xe lửa sắp chạy. Cha tôi vội vàng
hôn cụ và nói:
- Thôi, chào thầy ở lại, con về.
Cụ nắm tay cha tôi ép vào ngực cụ, dân dấn nước mắt nói:
- Thầy chào con và cảm ơn con.
Trước khi lên xe, cha tôi đỡ lấy cái gậy trúc của cụ, đưa cái
gậy cán bạc có khắc tên tắt của cha tôi cho cụ và nói:
- Xin thầy giữ lấy cái gậy này, gọi là chút kỷ niệm của người
học trò cũ.
Cụ không chịu nhận, nhưng cha tôi đã nhảy lên xe và quay ra nói:
- Kính thầy ở lại.
Cụ đáp:
- Con ơi, đi đường thận trọng nhé! Ta cầu trời phù hộ cho
con đã có lòng quí hoá đối với thầy cũ.
Cha tôi cảm động. Chào cụ lần nữa.
- Thôi! Lạy thầy! Con mong lại có ngày được gặp
thầy!
Xe chuyển bánh, chúng tôi trông thấy cụ lắc đầu như có ý bảo:
- Thầy trò ta, có lẽ không bao giờ gặp nhau nữa!
Cha tôi thấy vậy liền nói thêm:
- Xin thầy đừng ngại, thầy trò còn nhiều dịp gặp nhau.
Xe chạy, cụ giơ bàn tay run lên để chào và để trả lời."
.
Tôi xin mượn đoạn văn này để nói lên tấm chân tình giữa thầy và
trò của người xưa, để hiểu được nỗi lòng của các vị thầy - đã hết lòng tận tụyvới
nghề - sau khi phải rời trường xa lớp, phấn trắng bảng đen và nhất là xa lũ
"thứ ba học trò", mặc dù tinh nghịch nhưng lòng đầy nhân ái.
Cũng như để nhớ đến công ơn của những vị thầy ở trường xưa mà tôi rất trân quý
và kính trọng.
.
* Tưởng nhớ đến Ông Ngoại là người đã hướng dẫn, khuyến khích và
giúp đỡ cho con trong những tháng ngày đi học, (nhất là phần chữ Hán) để
chuẩn bị bước chân vào đời.
Tôn nữ Quỳnh Diêu
August 2017